Nữ quyền là khái niệm đã được đề cập minh thị trong xã hội Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX. Tư tưởng nữ quyền Việt lúc đó phát triển phong phú, đa dạng, bằng cả luận thuyết lẫn hành động thực tiễn - như Viện Dục Anh do Ban biên tập báo Phụ nữ Tân văn sáng lập ở Sài Gòn để giúp con của chị em buôn gánh bán bưng được nuôi dưỡng đúng vệ sinh trong lúc các chị bươn chải kiếm sống. Hay Nữ công học hội do Đạm Phương nữ sử thành lập ở Huế, vì đối với bà, tư tưởng ỷ lại là “nguồn gốc của nô lệ”, và phương thuốc bà đề xuất là giúp chị em có nghề để độc lập về kinh tế, từ đó tự chủ về mọi mặt.
Nhưng từ năm 1945, khi cả nước cuốn vào bão lửa của cách mạng và chiến tranh, dù vai trò phụ nữ có thực tế được đề cao trên một số mặt, dù người phụ nữ có đóng góp lớn lao cho đại nghĩa của dân tộc, thì ý thức và tư tưởng nữ quyền cũng bị đẩy lùi thành thứ yếu trước những diễn ngôn và thực tế khác được xem là cấp bách và trọng yếu hơn.
|
Simone de Beauvoir - nhà văn, triết gia người Pháp cũng là nhà đấu tranh cho nữ quyền |
Ngày nay, một mặt, Việt Nam tham gia nhiều tổ chức và cam kết quốc tế về bình đẳng giới, về cải thiện vị thế phụ nữ; mặt khác, đóng góp của giới nữ trong hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa khiến tiếng nói của họ ngày càng rõ. Thi thoảng, nay lại nghe đề cập đến nữ quyền. Vậy, nữ quyền hiểu sao bây giờ trong bối cảnh đầu thế kỷ XXI?
Nhiều người, cả nam lẫn nữ, nhưng áp đảo vẫn là nam giới, cho rằng bình đẳng giới hiện đã là chuyện cũ, giải quyết xong không cần nhắc lại. Nếu nó còn gây tác hại họa chăng chỉ có ở nông thôn hay trong giới bình dân. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy.
Từ những năm 1930 Nguyễn An Ninh đã vạch rõ, khi phụ nữ có của ăn của để còn phân vân, tranh cãi về việc có nên bỏ “tề gia nội trợ” để ra đời hành nghề, tự lập hay không thì phụ nữ bình dân đã vì sinh kế mà tự lực mưu sinh từ ngàn đời rồi. Cũng giống như nhiều nhà nghiên cứu khoa xã hội trong và ngoài Đông Nam Á đều biết, nông nghiệp lúa nước vốn buộc phải sử dụng nhân công phụ nữ, trẻ em đã luôn là tiền đề cho thiết chế xã hội và những nền văn hóa thường coi trọng mẫu hệ, ít nhiều thừa nhận vị thế nữ giới.
Tuy nhiên, bình đẳng về sự cống hiến cho xã hội, về đóng góp cho kinh tế gia đình không đương nhiên dẫn đến bình đẳng về vị thế, về trách nhiệm gánh vác việc nhà, việc nuôi dạy con nhỏ và nhiều thứ việc không tên khác mà không chỉ ở Việt Nam, các xã hội phụ quyền đều ít nhiều gán cho phụ nữ do “thiên chức” hay “bản tính”. Vì vậy, tuy xét về học vấn, trình độ chuyên môn, khoảng cách có thu hẹp đáng kể giữa hai giới, nhưng trong nhận thức về bình đẳng giới, về tự do cá nhân, về sự tự lập, tự chịu trách nhiệm, tự quyết định cuộc sống, nghề nghiệp, sở thích hay nhiều chọn lựa khác của đời người, khoảng cách bất bình đẳng vẫn còn diệu vợi. Đã vậy, người ta không khó để “đổ lỗi” cho phụ nữ.
|
Ảnh: Internet |
Dễ thấy nhất là hiện trạng phụ nữ có học thức, thậm chí có trình độ chuyên môn cao và ưu thế khác do từng được giáo dục ở các nước phát triển, song cam tâm lấy nhan sắc làm phương tiện mưu sinh, nương dựa “đại gia” để hưởng an nhàn, vẫn không bị phê phán, dè bỉu như “me Mỹ”, “me Tây” một thời.
Người nghiêm khắc coi đó là chọn lựa đáng tiếc của bản thân các đương sự - từ học sinh, sinh viên “đổi tình lấy điểm” đến trăm nỗi éo le trong những cuộc hôn nhân thiếu tình yêu, nặng mùi tiền khác. Hàng triệu phụ nữ, chủ yếu từ gia đình nghèo, từ nông thôn đi làm dâu xứ người và bán mình dưới nhiều hình thức ngay tại quê hương. Thế giới gọi đó là nạn buôn người, là nô lệ thời hiện đại. Không ít người ở Việt Nam vẫn mơ hồ coi đó là sự lạc lòng, nhẹ dạ của nạn nhân và gia đình họ.
Người phê phán còn thiểu số hơn người dửng dưng xem đó là chọn lựa cá nhân. Nạn nhân có thật sự “tự do” chọn lựa hay không? Hay bất bình đẳng về thu nhập xã hội, về khả năng với tới những quyền con người cơ bản như ăn ở, học hành và cả bất bình đẳng giới nữa, mới là nguyên nhân cội rễ? Và cả nội dung giáo dục chính thống của gia đình, nhà trường, xã hội có đang tiếp tục tái sinh bất bình đẳng?
Bất bình đẳng giới không nhất thành bất biến, cũng không chỉ là sản phẩm của “chế độ phong kiến”. Cùng với bất bình đẳng về chủng tộc, về kinh tế, nó là một thứ bất công tồn tại dai dẳng, thuộc loại khó nhận diện, khó xóa bỏ nhất. Nó không chỉ tồn tại trong hành xử của một số người, nó hiển nhiên trong mức sống của mọi người. Kinh tế Việt Nam càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn; đa số người nghèo và nghèo nhất là nữ giới. Nó bàng bạc, ẩn hiện trong pháp luật, văn hóa, giáo dục, trong tâm lý, định kiến, lối sống và nếp nghĩ của cả nam và nữ.
|
Ảnh: Inetrnet |
Người ta tự hỏi: bình đẳng đã đủ chưa? Hay còn phải có tự do, tự chủ? Người phụ nữ phải chăng cần thoải mái hơn trong việc đi tìm hạnh phúc cá nhân, theo đuổi sự nghiệp, và cả quyền nuôi con khi ly hôn, quyền làm mẹ đơn thân hay sống độc thân hạnh phúc? Mọi quyền ấy, nếu đa số chị em tự thấy mình chưa có, hay chưa có đủ như mình mong muốn, thì cái gì đang ngăn cản chị em tự làm chủ cuộc đời mình, sống tự lập và không ỷ lại? Vẫn chính là do không đủ điều kiện tài chánh, năng lực mưu sinh, hay không đủ ý chí, nghị lực rũ bỏ quan hệ bất bình đẳng giới đó thôi.
Thật ra, nữ quyền không gì khác hơn là quyền làm người, dù là nữ hay nam; là quyền không bị phân biệt đối xử, trong nhiều trường hợp là đối xử khắc nghiệt với bản thân, không cho phép mình sử dụng tự do, tự chủ, chỉ vì mình là nữ; hay ngược lại, tự dễ dãi với bản thân để dựa dẫm, ăn nhờ sống bám.
Tuy nhiên, người áp bức người là thực trạng đã tồn tại hàng ngàn năm, nam áp bức nữ cũng vậy, trong đó nhiều phụ nữ “không thấy áp chế, vì đã tập quen cái thói tôi mọi”, như nhà nữ quyền Đặng Văn Bảy từng chỉ rõ trong sách Nam nữ bình quyền (xuất bản năm 1928, bị cấm năm 1929 và tái bản lần đầu năm 2014). Thay đổi, xóa bỏ bất công lâu đời là việc vừa khó, vừa dài hạn. Lịch sử tư tưởng nữ quyền Việt, cũng như lịch sử phát triển nhiều giá trị hiện đại khác, đã trải qua những đứt gãy đau lòng. Nay nó lại đang trỗi dậy, dưới nhiều hình thức; nhưng tư duy nữ quyền vẫn còn rất hiếm hoi.
Chỉ khi có tư duy, có tranh biện, có tự mình suy nghĩ và trải nghiệm, người ta mới nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó cơ bản nhất là quyền làm người. Bao giờ người ta còn nhắm mắt tin theo chủ nghĩa duy lợi rằng con người, suy cho cùng, không đeo đuổi cái gì khác hơn là lợi ích riêng, miễn sao thỏa mãn mong muốn vật chất và danh lợi, thì phẩm cách làm người, dù nữ hay nam, cũng không còn thiết yếu. Lúc đó, bình đẳng, tự do, tự chủ đều chỉ là ngôn từ sáo rỗng.
Nâng cao ý thức nữ quyền, đối với phụ nữ không gì khác hơn là nỗ lực sống làm người tự do, tự chủ, không tự coi là “phái yếu”, không chịu hèn kém chỉ vì giới tính. Đối với nam giới, đấu tranh nữ quyền là góp phần xóa bất công, cũng là tự xây dựng hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội. Vì “Nữ quyền chính là làm cho xã hội đẹp hơn. Nói cách khác, nữ quyền chính là nhấc bớt gánh nặng trên vai những người đàn ông”, Trang Hạ nói. Chị là một trong những người hiếm hoi của thời nay tự nhận mình là nhà đấu tranh nữ quyền.
Bùi Trân Phượng