Nữ quyền & cái bẫy ngôn từ

05/01/2014 - 08:51

PNO - PNCN - Thời hiện đại, nhân loại dù tiến bộ đến đâu vẫn còn rơi rớt lại những tàn tích. Chế độ phụ hệ, hay nói mạnh hơn - xã hội nam quyền cùng mấy hệ lụy của nó, là một trong những tàn tích đó.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong xã hội phương Tây, vợ ăn theo tên chồng: Jackie Kennedy, Hillary Clinton, chứ không có sự ngược lại. Còn ở phương Đông, sự thiên vị cũng quá rõ ràng. Ở đó chỉ có bổn phận, nghĩa vụ của vợ, của mẹ; còn chồng, đàn ông luôn ở thế thượng phong.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nhưng phụ nữ thì muôn đời vẫn vậy. Pathang biai hadiup mơy pang: “Chồng bàn thì phận làm vợ em phải nghe”. Một chiều nghe theo, làm theo; chả thấy tí tẹo nào phận sự của chồng đối với vợ.

Còn ở thực tiễn sinh hoạt đời thường thì sao?

Cùng làm đồng áng (hay cơ quan) về, trong khi nàng túi bụi chuyện bếp núc muốn xỉu, thì chàng ngồi nhâm nhi trà đặc, vểnh râu tán dóc. Có việc ra ngoài chung, không ít ông chồng ở quê phó mặc bà vợ gồng mình xách mấy gói to, gói “hổng đẹp”; bởi ông cho chúng không xứng với tư thế nam nhi của mình.

Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng - ông bà xưa nói vậy. Hiện tượng bất công kia nay không còn nữa. Thế nhưng có một cộng đồng rộng lớn vẫn chấp nhận đàn ông có quyền lấy bốn vợ. Kinh khiếp! Chuyện trinh tiết thời nay dù không còn là một gánh nặng, song nó vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người. Ám ảnh kia lại là “đặc quyền” dành riêng cho quý cô, chứ không ai đặt vấn đề trinh tiết với cánh nam nhi cả.

Nu quyen & cai bay ngon tu

Người ta còn thường xuyên đề cập đến sự phân biệt giới, trong nghề nghiệp và thu nhập, phân biệt từ chuyện hiếp dâm đến bạo lực gia đình… Tất cả đều là hiện tượng dễ nhận biết. Thế nhưng, sự phân biệt giới thể hiện qua ngôn ngữ thì khó hơn nhiều.

Ngôn từ ta sử dụng hôm nay vẫn còn mang đậm “đực tính”. Thốt lên từ “nhà văn”, hầu hết mọi người ngầm hiểu đó là quý ông, nghĩa là người viết văn giống đực. Để xác định giới tính phái yếu, ta thêm “nữ” hay “bà”. Nhà văn nữ, nữ nhà thơ, bà bác sĩ, nữ doanh nhân… tất tần tật. Ta là vậy, Tây cũng chẳng khác mấy: Prince - princess, doctor - doctress… Như thể thứ hậu tố đầy tòng thuộc. Hay ta nói, “…là một nhà phê bình, ông/anh phải…”. Tại sao không là từ nào trung tính hơn, bạn phải chẳng hạn? Mà có phải chỉ riêng nam giới nói thế đâu, đại đa số phụ nữ cũng dùng chữ hệt vậy.

Thế đấy, phong trào nữ quyền ra đời từ lâu, thế giới văn minh đã “giải phóng phụ nữ” cả thế kỷ rồi, và hôm nay ta thường xuyên hô hào bình quyền nam nữ, vậy mà ta cứ mắc kẹt, bởi chính cái bẫy ngôn từ.

Ngôn ngữ nhân loại đa phần do nam giới áp đặt, và nữ giới đành phải nhận phận hậu tố tòng thuộc hay như một phái sinh thứ yếu. Các nhà đấu tranh cho sự bình đẳng giới không chấp nhận đóng vai tòng thuộc đó. Không phải đảo ngược hay nổi dậy hô hào lật đổ: phụ nữ quan trọng hơn đàn ông, nữ quyền thay thế nam quyền, mẫu hệ đảo chính phụ hệ mà là đạp đổ bức vách ngăn vô hình phi lý đầy tệ hại tồn tại suốt mấy ngàn năm lịch sử nhân loại. Bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, sự ý thức để thoát khỏi cái bẫy ngôn từ đóng vai trò quan trọng.

Inrasara

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI