Nữ Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris: "Địa vị của phụ nữ chính là biểu trưng của nền dân chủ"

18/03/2021 - 16:18

PNO - Trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Liên Hợp Quốc trên cương vị nữ Phó tổng thống đầu tiên của Mỹ, bà Kamala Harris đã tuyên bố rằng: “Địa vị của người phụ nữ chính là địa vị của một nền dân chủ”.

 

Bà Kamala Harris là nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu tại diễn đàn của Liên hiệp quốc
Bà Kamala Harris là nữ Phó tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu tại diễn đàn của Liên Hợp Quốc

Dẫn câu nói của đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt, người chủ trì ủy ban soạn thảo bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được phê chuẩn vào tháng 12/1948 rằng: "Không có sự bình đẳng thì không có dân chủ", bà Harris đã nhấn mạnh: "Địa vị của người phụ nữ chính là địa vị của một nền dân chủ”.

Bà Harris đã đề cao vai trò của người phụ nữ tại phiên họp lần thứ 65 của Ủy ban về tình trạng Phụ nữ (CSW), một cơ quan của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa mới khai mạc mới đây.

“Địa vị của người phụ nữ cũng phụ thuộc một cách cơ bản vào việc phụ nữ được trao quyền như thế nào. Không chỉ bởi vì tình trạng ngăn chặn phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định sẽ tạo ra một nền dân chủ nửa vời, mà còn bởi chính nhờ sự tham gia của phụ nữ (vào quá trình ra quyết định) sẽ càng góp phần xây dựng và củng cố một nền dân chủ đúng nghĩa”, nữ Phó tổng thống Mỹ bổ sung thêm.

Buổi “ra mắt công chúng” đầu tiên của nữ Phó tổng thống Mỹ tại diễn đàn của tổ chức lớn nhất hành tinh diễn ra chỉ 2 tuần trước đó - khi bà Harris có bài phát biểu quan trọng tại Nghị viện châu Âu nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Phụ nữ cần được trao quyền và tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định - Ảnh: Curt Carnemark/World Bank
Phụ nữ cần được trao quyền và tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định - Ảnh: Curt Carnemark/World Bank

Những người thân cận với bà Harris tiết lộ rằng, an ninh quốc gia và đối ngoại là 2 lĩnh vực then chốt mà vị nữ Phó tổng thống Mỹ muốn ghi dấu ấn vào hồ sơ sự nghiệp chính trị của mình.

“Khi phụ nữ phải đối mặt với những trở ngại trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, bị thiếu đói, phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực, bị tác động bởi biến đổi khí hậu, bạo lực giới, ảnh hưởng bởi nội chiến... thì sẽ càng khó khăn thách thức hơn cho họ được tham gia một cách trọn vẹn vào quá trình ra quyết định của mình”, bà Harris giải thích. “Và hiển nhiên là, làm sao mà tạo dựng được những nền dân chủ trọn vẹn trong những điều kiện như vậy”.

Bà Harris cũng khẳng định rằng, nước Mỹ sẽ tiếp tục có những đóng góp cụ thể cho công cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay.

Nguyễn Thuận (theo CNN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI