|
Bà Vũ Thị Thương Huyền (x) giới thiệu mô hình chè sạch, canh tác bền vững với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Cán bộ xuất sắc muốn ... tự tử
Chúng tôi biết đến việc của bà qua những đồng nghiệp ở báo Thái Nguyên. Những nhà báo ấy về cơ sở, tiếp xúc với bà con trồng chè ở thị trấn Sông Cầu, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên rồi tình cờ nghe bà con sụt sùi kể về bà Vũ Thị Thương Huyền - Phó chủ tịch UBND thị trấn, người được dân thương quý. Gần 20 năm công tác, năm nào bà Huyền cũng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Ngoài bằng khen của tỉnh, giấy khen của huyện hằng năm, bà còn được nhận bằng khen của ba bộ. Khi được hỏi, gần 20 năm bà Huyền công tác, cho đến trước khi tố cáo tiêu cực ở địa phương, bà đã vi phạm gì về đạo đức hay công việc chưa, cả Bí thư và Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Cầu đều trả lời chưa vi phạm gì.
Thị trấn Sông Cầu có “Mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, có Trung tâm Học tập cộng đồng do bà Thương Huyền làm giám đốc. Năm 2019, bà Huyền có sáng kiến quy hoạch vùng chè tập trung, xây dựng vùng du lịch sinh thái chè Sông Cầu, được huyện chấm điểm loại giỏi. Giữa năm 2019, trên một tờ báo lớn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Cầu bấy giờ là ông Đoàn Văn Điển còn ghi nhận: “Bà Vũ Thị Thương Huyền đã có công lớn trong việc tổ chức nông dân hăng hái thực hiện mô hình, nhiệt tình, tận tâm, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm để mang lại lợi ích cho nông dân”.
Thế nhưng, cuối năm 2019, khi gặp nhà báo, bà Huyền đã khóc như con nít: “Tôi muốn quyên sinh. Tôi chỉ muốn được gột rửa oan khuất rồi ra đi”.
"Cơn say" công lý
Chuyện bắt đầu từ năm 2017, liên quan đến việc bà Dương Thị Lê Dung - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Cầu nợ vay nặng lãi, bị “xã hội đen” đến tận trụ sở UBND thị trấn để đòi. Bà Huyền phải đứng ra giải quyết và mời bà Dung báo cáo chi tiết sự việc để cùng tìm cách tháo gỡ. Một thời gian sau, bà Dung còn bị lộ việc cầm cố cả… thẻ đảng viên. Với việc tày trời như vậy nhưng bà Dung vẫn không nhận hình thức kỷ luật nào đích đáng. Không chấp nhận, bà Huyền đã có báo cáo gửi cơ quan cấp trên, nêu rõ: “Đồng chí Dương Thị Lê Dung nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Cầu từ tháng 9/2010 thì tháng 10/2011 đã lợi dụng tín dụng qua kênh Hội LHPN và Ngân hàng Chính sách xã hội, chiếm dụng khoảng trên 100 triệu đồng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo”.
Năm 2017-2018, công dân đã có nhiều đơn đòi nợ gửi đến UBND thị trấn. Đến tháng 1/2018, bà Dung bị kỷ luật thì tháng 3/2018, bà Dung được nhận kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng. “Việc xét tặng như vậy đã đúng quy trình chưa?” - báo cáo của bà Huyền nêu câu hỏi. Trong “cơn say” công lý, bà Huyền đã báo cáo tình hình đến cơ quan hữu trách, tố cáo lên cả Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian trên, bà Huyền và một số đảng viên lão thành đã thẳng thắn chỉ ra những sai phạm khác ở thị trấn, từ việc lãnh đạo thị trấn xây dựng mồ mả to ở ngay đầu xóm, không đúng quy định về xây dựng nông thôn mới đến việc các “quan xã” cố tình đưa con em vào vị trí mà lẽ ra quyền ưu tiên thuộc về người khác.
Sóng gió ập đến
Năm 2018, bà Huyền bị tràn dịch phổi rất nặng, vào Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) điều trị. Các bác sĩ nghi mắc ung thư nhưng chiếu, chụp bốn lần, vẫn không xác định được. Cuối năm 2019, bệnh tái phát, bà Huyền phải nằm ở Viện Lao - Phổi Thái Nguyên, rồi Bệnh viện H.Đồng Hỷ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Thời gian này, bà nhận chẩn đoán ban đầu là ung thư xương. Khi bà Huyền nằm chờ phẫu thuật, UBND thị trấn cử hai cán bộ mang công văn đến gặp lãnh đạo khoa để “điều tra”, trong khi bà đều báo cáo đầy đủ về việc nhập viện, bệnh tình.
Năm 2019, trong thời gian nằm viện với hai chẩn đoán ban đầu là ung thư, bà Huyền liên tục bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”. Bà Huyền đã liệt kê đủ từng ngày ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Khi có giấy chuyển viện xuống Hà Nội, về nhà, bà phải mất hai ngày làm việc với ngân hàng để vay tiền chuẩn bị đi phẫu thuật. Không ngờ, người ta lấy chính những ngày vắng đó để làm “bằng chứng” không hoàn thành nhiệm vụ. Khi chúng tôi hỏi việc này, lãnh đạo UBND thị trấn lạnh lùng trả lời: “Bà Huyền từ viện về, lẽ ra phải đi làm luôn. Liên tiếp sau đó nhiều tháng, bà Huyền đều được người ta bỏ phiếu “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Bà Huyền đã nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm thấp (chỉ được 2/6 phiếu) và đưa ra khỏi quy hoạch các chức danh đã quy hoạch đến cuối nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới. Song, đỉnh điểm của sự bất bình trong dư luận thị trấn Sông Cầu là trong một cuộc họp, ông Phạm Viết Hùng - Đảng ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn, Phó bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn thị trấn Sông Cầu - nói bà Huyền là người “không có cái đạo đức”. Ông Hùng thừa nhận bà Huyền có năng lực giải quyết công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng ông không bỏ phiếu tín nhiệm vì cho rằng bà không có đạo đức. Tuy nhiên, ông này lại không đưa ra được bất cứ minh chứng cụ thể nào về việc bà Huyền không có đạo đức.
|
Đơn xin bệnh viện xác nhận để gửi về báo cáo cơ quan của bệnh nhân Thương Huyền |
Đấu tranh thì ... tránh đâu
Trong một hội nghị được chúng tôi ghi hình, một cán bộ nói với lãnh đạo huyện và bà con: “Nếu bảo chúng tôi ăn theo nói leo thì chúng tôi phải hùa theo cán bộ chứ, đằng này lại đi bảo vệ một phụ nữ đang bị gạt khỏi quy hoạch, không hoàn thành nhiệm vụ là bà Huyền. Vì sao? Vì chúng tôi muốn nói trung thực. Nếu cứ thế này, nhân dân chúng tôi không ai dám đấu tranh chống tiêu cực như đồng chí Huyền nữa. Tôi hơn 70 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, tôi muốn nói trung thực để không cảm thấy xấu hổ”.
Vị cán bộ này nói tiếp: “Tại sao hai tháng trước, đồng chí Huyền được tín nhiệm, được bầu chọn là xuất sắc nhưng chỉ hai tháng sau, không có bất cứ vi phạm gì mà đồng chí Huyền lại không được 4/6 cán bộ chủ chốt của thị trấn bầu nữa. Liệu có vấn đề gì ở đây không? Tại sao các cán bộ không chỉ ra được bất cứ vi phạm nào của đồng chí Huyền nhưng vẫn không tín nhiệm?”.
Ông Nguyễn Đình Mạng - nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, nguyên Phó chủ tịch UBND thị trấn kiêm Trưởng công an thị trấn Sông Cầu - còn có “Lời đề nghị khẩn thiết” gửi tới Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên, gồm nhiều mục, trong đó nhấn mạnh: “Trả lời rõ (việc) các đồng chí Đảng ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn nói trước hội nghị đối thoại là bà Huyền “không có đạo đức”. Bằng chứng, văn bản kỷ luật đồng chí Huyền đâu? Còn nếu không có bằng chứng xác thực thì có phải cán bộ nói ra điều đó đã vu khống, nói xấu đồng
chí mình?”.
Bà Huyền nói trong nước mắt: “Tôi nằm bệnh viện, bố mẹ tôi vì lo lắng cho con mà lần lượt đổ bệnh, lần lượt vào viện. Hôm đó, tôi ra khỏi phòng, thấy hai ông bà lọm khọm đi từ khoa khác sang, đang ngồi ở cửa phòng đợi con, tôi đã phải lùi lại, nấp sau cầu thang mà khóc. Giờ tôi chỉ muốn về vườn trồng chè sạch cùng bà con. Đơn xin nghỉ việc tôi đã viết, nhưng tôi chưa thể ký vì chưa đòi lại được danh dự. Trước cuộc họp, người ta nói tôi vô đạo đức. Tôi sẵn sàng đối chất nhưng họ không cho tôi biết, cũng không nói được tôi vô đạo đức ở điểm nào”.
Nhìn bà Huyền ngồi ở góc nhà tấm tức khóc, chúng tôi mới hiểu sự cô đơn của một người thẳng thắn đấu tranh vì lẽ công bằng lớn đến thế nào.
Ngọc Minh Tâm