Nữ phi công gen Z và hành trình chinh phục bầu trời

17/11/2024 - 07:31

PNO - Ở tuổi 28, Mạch Thị Thùy Khanh (Mạch Khanh) không chỉ là cơ phó một hãng hàng không lớn mà con đường đến với bầu trời của cô còn là câu chuyện đầy cảm hứng về sự kiên trì, quyết tâm. Mạch Khanh đã dám đương đầu với thử thách để đạt được ước mơ.

Từ giấc mơ kiến trúc sư đến bước ngoặt bay cao

Mạch Thị Thùy Khanh thi đậu ngành thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc TPHCM với điểm số khá cao. Cô từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với những bản vẽ. Thế nhưng, sau một thời gian làm việc, cô cảm thấy những bản hợp đồng, những deadline, những buổi tối liên tục phải vùi đầu vào công việc… dường như không thuộc về mình.

Nữ phi công Mạch Thị Thùy Khanh
Nữ phi công Mạch Thị Thùy Khanh

Thật ra, vì có mẹ làm việc trong ngành hàng không nên từ lâu, Khanh đã sớm có niềm đam mê với bầu trời xanh, với những chuyến bay liên tục. Cô gái nhỏ ấy luôn ngưỡng mộ hình ảnh “chú phi công tự do bay lượn”. Một ngày, niềm đam mê đó trỗi dậy. Khi biết mình không thể gắn bó với nghề kiến trúc sư, Khanh tự hỏi “Tại sao mình không thể là phi công?”. Cô lập tức tìm hiểu và nhận ra học làm phi công không quá khó như nhiều người nghĩ, chưa kể nghề này còn phù hợp với những tiêu chí của bản thân. Vậy là Khanh mạnh dạn bày tỏ mong muốn với ba mẹ.

Ba mẹ của Khanh, như nhiều bậc cha mẹ khác, lo lắng khi thấy con gái luôn loay hoay giữa các sự lựa chọn nên đã gợi ý cô theo nghề tiếp viên hàng không bởi công việc có vẻ nhẹ nhàng và phù hợp với nữ giới hơn. Song, Khanh vẫn kiên định với sự lựa chọn và dành hơn 1 năm để thuyết phục gia đình.

“Để không bỏ lỡ tấm bằng đại học, tôi vừa theo học Đại học Kiến trúc TPHCM, vừa chuẩn bị để đăng ký tham gia khóa huấn luyện lý thuyết vận tải hàng không. Thấy tôi chăm chỉ và nghiêm túc, cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý” - cô nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM và hoàn thành khóa học lý thuyết làm phi công, tháng 10/2019, Khanh sang Mỹ để học các bằng bay, bao gồm bằng bay tư nhân, bằng bay thiết bị và bằng bay thương mại. Để tiết kiệm chi phí ăn ở, cô tập trung học nhanh nhất có thể. Trong khi nhiều người cần 1,5-2 năm để hoàn thành khóa học, Khanh hoàn thành chỉ trong 1 năm.

“Khoảnh khắc đầu tiên điều khiển được chiếc máy bay nhỏ rời khỏi mặt đất, trong tôi trào dâng niềm hạnh phúc rất khó tả thành lời. Tôi cảm thấy mình thực sự thuộc về bầu trời và tin chắc rằng sự lựa chọn của mình đã đúng” - Khanh tự hào nhớ lại.

Sau khi trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, hoàn thành khoảng 100 bài thi cùng bài kiểm tra đánh giá, Mạch Khanh trở thành cơ phó năm 25 tuổi. Tháng 4/2021, Khanh tham gia hãng hàng không Pacific Airlines, thành viên của Vietnam Airlines, bắt đầu một hành trình mới.

Làm chủ bầu trời

Từ lâu, phi công đã được xem là một nghề đòi hỏi kỹ năng và sức bền, thường gắn liền với nam giới. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Mạch Khanh cũng không thể tránh khỏi những thách thức liên quan đến định kiến xã hội và sự nghi ngờ về năng lực từ nam đồng nghiệp.

Cùng đồng nghiệp
Cùng đồng nghiệp

“Lúc đầu, tôi cảm thấy phiền lòng khi nghe những ý kiến đó. Tuy nhiên, qua thời gian huấn luyện và bây giờ, khi đã chính thức bay, tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất là hoàn thành tốt công việc, chứ không cần phải liên tục chứng minh với người khác liệu mình có phù hợp” - Khanh khẳng định.

Cô nhấn mạnh, nghề phi công chủ yếu dựa vào tư duy và kỹ năng, không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh thể chất nên chỉ cần có đam mê và nỗ lực, phụ nữ hoàn toàn có thể theo đuổi và thành công. Khanh cũng nhắc lại nhiều lần, chính sự ủng hộ của ba mẹ và cả đại gia đình là động lực mạnh mẽ để cô theo đuổi đam mê. Gia đình Khanh từng phải đối mặt với áp lực tài chính không nhỏ bởi chi phí đào tạo nghề phi công rất lớn.

"Ba mẹ tôi phải huy động sự giúp đỡ của người thân 2 bên nội ngoại, mỗi người góp một chút. Đặc biệt, ông ngoại tôi đã tin tưởng và đầu tư một khoản lớn để giúp cháu gái thực hiện ước mơ. Nhờ vậy, tôi mới có được ngày hôm nay” - Khanh xúc động chia sẻ về khoảng thời gian cả nhà “góp vốn” cho tương lai của cô.

Đối với cô, trở thành phi công không chỉ là thử thách về mặt chi phí mà còn đòi hỏi cô phải đối diện với trách nhiệm vô cùng lớn trong mỗi chuyến bay. Cô chia sẻ: “Mỗi khi cất cánh, phi công không chỉ đảm bảo an toàn cho 200 hành khách trên máy bay mà còn mang trên vai trách nhiệm với gia đình của họ. Điều đó khiến tôi luôn nhắc nhở bản thân không ngừng học hỏi, giữ vững tinh thần cảnh giác, không bao giờ được phép chủ quan”.

“Việc khiến tôi tự hào nhất không phải làm chủ được bầu trời vì ngoài kia có rất nhiều phụ nữ đã làm chủ được cả vũ trụ mà là một chút hãnh diện khi có thể chở những người thân yêu trên máy bay” - Khanh nói tiếp.

Làm phi công “khó mà không khó”

Chia sẻ về mức thu nhập hiện tại, Mạch Khanh thẳng thắn: “Thu nhập của tôi đủ sống chứ không phải ở mức 9 con số như mọi người vẫn nghĩ. Nhiều người cho rằng phi công là nghề hái ra tiền nhưng không phải”.

Việc học làm phi công không chỉ đòi hỏi sự kiên trì mà còn yêu cầu nguồn tài chính đáng kể cho các khóa huấn luyện và thi cử. Khanh tiết lộ, chi phí đào tạo hiện tại đã cao hơn nhiều so với trước và để thu hồi khoản đầu tư này, có thể mất đến 10 năm.

Thư giãn sau những giờ bay
Thư giãn sau những giờ bay

Công việc của một phi công chỉ khoảng 100 giờ mỗi tháng nên Khanh đã tận dụng thời gian rảnh để học thêm và tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài những giờ bay, Khanh còn là nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Cô không chỉ góp phần xóa bỏ định kiến giới trong ngành hàng không mà còn giúp thay đổi góc nhìn của giới trẻ về nghề phi công và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cho những bạn trẻ đang cân nhắc bước vào lĩnh vực này.

Trong tương lai, Khanh đặt mục tiêu trở thành cơ trưởng và mong muốn không chỉ tiếp tục gặt hái thành công trong nghề mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là nữ giới. Cô tin rằng phụ nữ có thể làm được bất kỳ điều gì họ muốn nếu có quyết tâm và tin tưởng vào bản thân. Hiện tại, ngoài việc bay, Mạch Khanh còn học thêm thạc sĩ quản trị kinh doanh để mở rộng kiến thức và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Xã hội đã dần thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực. Có lần, một hành khách nhí xin chữ ký của Khanh trong tuyển tập những phi công đã chở cậu bé đi khắp nơi. Khi nhìn vào cuốn sổ, Khanh nhận ra mình là một trong số rất ít phi công nữ. Theo cô, việc phá bỏ định kiến giới là điều cần thiết để tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng, qua đó công nhận và nâng cao giá trị đóng góp của phụ nữ.

“Tôi tin rằng khả năng của mọi người không phụ thuộc vào giới tính mà vào nỗ lực, đam mê và sự đào tạo. Chỉ cần các bạn luôn tin tưởng vào bản thân để theo đuổi ước mơ thì ước mơ ấy sẽ trong tầm tay” - Khanh tự tin chia sẻ.

Hoàn Hoàn - Tuyết Hồng

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI