Phóng viên: Cuốn sách ảnh Helena Vân và hành trình đi để chạm là thành quả sau thời gian chị đến nhiều vùng đất mới. Hành trình đó cho chị những trải nghiệm đáng nhớ nào?
Nhiếp ảnh gia Helena Vân: Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để nói về những điều mình đã nhận được sau từng đó chuyến đi. Tôi học được quá nhiều thứ trong hành trình lang thang một mình. Song hành cùng những trải nghiệm tích cực cho tôi cảm giác hạnh phúc, vỡ òa, thì cũng có lúc chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, xót xa.
Tôi nhớ lần đến Tây Nguyên, tôi vào thăm một gia đình nọ có tận bảy người con. Có cháu đi chân trần dính đầy đất đỏ, có cháu không mặc đủ quần áo, cháu khác lại đòi ăn… Tôi buồn khi thấy gia đình khó khăn nhưng sinh nhiều con, không đủ điều kiện để chăm sóc các con một cách tốt nhất. Tôi chẳng biết làm sao ngoài việc gửi họ số tiền nhỏ mà tôi mang theo. Lần khác, tôi nhớ một cụ già nói về niềm hạnh phúc khi lần đầu được chụp hình, bởi cuộc sống thường nhật của họ quá khó khăn, chưa bao giờ nghĩ đến nhu cầu ấy. Cảm xúc trong từng chuyến đi của tôi cứ lên và xuống như thế.
* Từng có không ít nhiếp ảnh gia đi và kể những câu chuyện về cuộc đời thông qua các bức ảnh chân dung, điều chị đang làm cũng tương tự. Nếu có ai đó nói việc làm này là trùng lắp, thiếu sáng tạo thì sao?
- Tôi không đi để chứng tỏ việc làm của tôi mới mẻ, mà đi vì muốn tự trải nghiệm, cho bản thân có thêm niềm vui sống. Và từ chính trải nghiệm cá nhân, đến nay, tôi thấy đã đủ để ra mắt sách ảnh nên muốn thực hiện. Vì biết đâu đó, hành trình của tôi có thể truyền cảm hứng cho nhiều người. Bạn đọc có thể đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn, hoặc có thể cảm thấy hào hứng và muốn thực hiện những chuyến khám phá như tôi đã từng.
Tôi đến với nhiếp ảnh một cách tình cờ, khi bản thân cảm thấy rung cảm bởi những bức ảnh đẹp. Từ việc nhìn ảnh của người khác, tôi muốn những chuyến đi của mình từ trước đến nay không chỉ dừng lại ở việc nghe, nhìn, cảm nhận cá nhân, mà phải chụp lại khoảnh khắc để lan tỏa. Tôi không toan tính, không đặt mục tiêu rằng mỗi lần cầm máy ảnh lên, mình phải đạt được điều gì cả.
|
Nụ cười trẻ thơ được Helena Vân chụp lại |
* Hành trình của chị không dừng lại ở việc chụp ảnh, in sách, triển lãm, mà được gửi đến nhiều tổ chức quốc tế, tìm cách kết nối. Vì sao chị tích cực như vậy?
- Càng đi tôi càng thấy đất nước mình quá đẹp, con người sống chan hòa, yêu thương nhau. Nếu giữ lại cho mình những hình ảnh ấy, tôi thấy khá tiếc, vì nhiều người nước ngoài không biết Việt Nam đẹp như vậy.
Mới đây, tôi có dịp trưng bày một số ảnh được chụp tại tỉnh Phú Yên. Trong chuyến đi đó, tôi đến một số làng nghề truyền thống của tỉnh này, gồm làng bánh tráng Hòa Đa, làng nước mắm Gành Đỏ, làng chiếu cói Phú Tân, làng gốm Trường Thịnh… Mọi người chào đón niềm nở, vì nghe tôi chụp ảnh để đưa những hình ảnh bình dị, nếp sống, nếp lao động hằng ngày đến với bạn bè quốc tế. Tôi cũng không nghĩ hình ảnh mình chụp sẽ tác động nhiều đến người xem, cho tới khi nhiếp ảnh gia Diana Magor - người thẩm định chất lượng hình ảnh của quốc tế - tỏ ra hào hứng và muốn đến Việt Nam để du lịch, khám phá. Ngày bà Diana Magor nói muốn được đến Phú Yên, tôi hạnh phúc vô cùng, vì điều mình làm đã mang lại giá trị tích cực.
Tôi muốn trong thời gian sắp tới, bản thân sẽ chụp nhiều cảnh đẹp của Việt Nam hơn để quảng bá du lịch cho quốc gia. Giấc mơ ấy tưởng chừng quá lớn lao, khó thể thực hiện với một người phụ nữ nhỏ bé. Nhưng tôi tin, nếu bản thân chăm chỉ, chân thành và nỗ lực tìm kiếm câu chuyện hay, thì sớm muộn, những bức ảnh của tôi sẽ có giá trị hơn nữa.
|
Helena Vân trong lần đến Hà Giang vào tháng 6/2022. |
* Hành trình của một nữ nhiếp ảnh đi đến những vùng đất lạ, tôi tin có không ít khó khăn đã xảy ra, làm sao để chị giữ an toàn và duy trì sở thích trải nghiệm khám phá của mình?
- Nếu nói không có khó khăn nào thì không phải. Chắc chắn, tôi đã đối diện với nhiều thử thách khi đi một mình. Tôi từng phải vượt nhiều địa hình khó khăn, đi bộ đường xa, mang vác nặng, từng tưởng chừng đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng… Nhưng tất cả những khó khăn đó không cản được bước chân tôi, khi ý muốn, động lực bên trong tôi quá lớn, càng đi chỉ càng thấy hào hứng. Trong nhiều năm ở trong vùng an toàn của mình, tôi chưa từng chạm tới những cảm xúc như các chuyến đi mang lại. Bản thân lại thực hành thiền nhiều năm, đủ hiểu cuộc đời này có buồn thì sẽ có vui, có được - mất, có danh thơm thì sẽ có tiếng xấu… nên tôi sẵn tâm thế đối diện với mọi điều xảy ra một cách bình thản, tự nhiên.
* Toàn bộ doanh thu từ sách sẽ được sử dụng để xây dựng sân chơi, thư viện cho trẻ em. Từ đâu chị có quyết định này?
- Tôi lớn lên từ gia đình không quá khá giả, nên đủ rung cảm với trẻ em vùng sâu, vùng xa. Có chuyến đi, tôi cho các con sự lựa chọn giữa bánh kẹo, nhu yếu phẩm và sân chơi đúng nghĩa. Nhiều cháu chọn sân chơi thay vì chọn quà bánh khiến tôi cảm động. Tôi biết ý định của mình không dễ thực hiện, vì cần kinh phí lớn. Nhưng tôi tin, khi biết được câu chuyện và xem qua hình ảnh, nhiều người sẽ muốn đồng hành cùng hành trình lan tỏa yêu thương của tôi. Bạn biết đấy, giải quyết nhu cầu thường nhật như chuyện ăn, chuyện mặc là vấn đề bức thiết, nhưng nếu biết “gieo xuống” những hạt mầm tri thức, niềm tin, ước mơ thông qua các sân chơi, thư viện thì sau này, các em sẽ có động lực cố gắng, vươn lên từ chính hoàn cảnh sống của mình. Tôi mong mình sớm làm được.
* Xin cảm ơn chị!
Diễm Mi