Nữ nhân viên y tế cơ sở mong điều kiện làm việc tốt hơn, lương đủ sống

15/09/2023 - 06:29

PNO - Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng, cống hiến cho ngành y tế suốt 10 năm, nhưng đồng lương nhận được ở thời điểm hiện tại chỉ có 5,6 triệu đồng. Nói đến câu chuyện này, chị Trần Thị Diệu - Trưởng trạm Y tế phường 12, quận 5 - đã bật khóc.

Lương không đủ đóng học phí cho con

“Đứa con nhỏ của tôi đang học mẫu giáo, học phí 3,7 triệu đồng, chưa kể đứa lớn. Mức lương hằng tháng chưa đủ đóng học phí cho 2 đứa con, thì tôi dám mơ ước đến chuyện gì cao xa hơn” - chị Diệu xúc động. 

Là dân tỉnh lẻ vào TPHCM lập nghiệp, chị Diệu còn gánh nặng thuê nhà. Công việc ở trạm quá nhiều, nhân viên y tế vừa làm chuyên môn, vừa phải đi học để đảm bảo bằng cấp phù hợp với các chức danh nghề nghiệp, nên chị không còn thời gian để đi làm thêm. Vả lại, công việc tối mày tối mặt nhưng mức lương bèo bọt như thế khiến chị không nhận được sự ủng hộ của gia đình. “Công việc không tốt, gia đình cũng không hạnh phúc. Tôi mong Nhà nước có chế độ, chính sách phù hợp để nhân viên trạm y tế yên tâm cống hiến và hết lòng cho công việc” - chị Diệu nói. 

Nữ nhân viên y tế cơ sở tại quận 5 mong muốn lãnh đạo quận xem xét đến nhiều vấn đề họ quan tâm
Nữ nhân viên y tế cơ sở tại quận 5 mong muốn lãnh đạo quận xem xét đến nhiều vấn đề họ quan tâm

Câu chuyện trên được chị Diệu chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc - đối thoại giữa lãnh đạo Quận ủy và UBND quận 5 (TPHCM) với các nữ bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế làm việc tại 14 trạm y tế trên địa bàn quận vào chiều 12/9 khiến nhiều nữ nhân viên y tế rơi nước mắt, vì đó cũng là những điều họ muốn tỏ bày.

Chị Trần Thị Thu Thảo - Trưởng trạm Y tế phường 3 - cho biết, chị làm trong ngành đến nay là 33 năm, nên thấm thía được những khó khăn mà các nữ nhân viên trạm y tế phường phải đối mặt. Là mẹ đơn thân nuôi 2 con, mức lương của chị Thảo cũng đã từng không đủ để đóng học phí cho con. “Mỗi lần tới tháng đóng tiền học cho con, tôi thực sự lo lắng, do đó, phải làm ngày làm đêm, ai kêu đâu cũng chạy.

Thế nhưng, ở thời điểm này, nhân viên y tế phường có muốn đi làm thêm ngoài giờ cũng khó vì công việc tại trạm quá nhiều, vắt kiệt sức lực của họ” - chị Thảo nhấn mạnh. Chị cho biết, mỗi trạm y tế phường hiện nay phải gánh rất nhiều nhiệm vụ do cấp trên giao. Để điều hành trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phải đảm bảo 46 chỉ tiêu, 10 tiêu chí của Bộ Y tế. Để đạt mức hoàn thành nhiệm vụ phải đảm bảo 20 tiêu chí của sở y tế. 

“Chúng tôi dùng cái tâm để hoàn thành nhiệm vụ, bởi lương thấp, các khoản phụ cấp không được bao nhiêu, làm việc 7 năm mà lương tháng chưa tới 5 triệu đồng. Nếu không có Nghị quyết 03, Nghị quyết 27 có lẽ không ai trụ được. Tôi nghĩ rằng, muốn thu hút và giữ chân bác sĩ, nhân viên ở lại các trạm y tế thì chế độ chính sách phải hợp lý” - chị Thảo kiến nghị.

Điều kiện làm viêc không đảm bảo

Không chỉ thu nhập thấp, nhân viên y tế phường còn phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo. Hiện tại, tập thể nhân viên Trạm Y tế phường 3 đang làm việc trong trụ sở chỉ có 96m2, trong khi diện tích tối thiểu do Bộ Y tế quy định là 150m2. Toàn bộ diện tích của trạm phải dành cho khám chữa bệnh nên nhân viên y tế phải nghỉ trưa trên bàn làm việc.

Chuyện chật hẹp có thể thu xếp được, nhưng nơi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân mà thấm dột mỗi khi mưa gió thì khổ vô cùng. Chị Thảo kể, mỗi khi trời mưa, trần nhà dột, nước nhỏ tong tong xuống sàn, chị em ở trạm phải huy động thau chậu để hứng. Các bức tường bị thấm nước, ố vàng, chị em lại phải mua giấy về dán che lại.

Chị Thảo kiến nghị: “Tôi mong lãnh đạo quận quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để các trạm khang trang hơn. Nhà mình chật hẹp sao cũng được, nhưng cơ sở làm việc phải thực sự thoải mái thì hiệu quả làm việc mới cao được”. 

Là nữ hộ sinh tại Trạm Y tế phường 9, chị Phùng Thị Diễm Hương phản ánh, trạm đặt trong khu chung cư cũ nên điều kiện khám chữa bệnh rất hạn chế, không có phòng khám phụ khoa. Do điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo mà chị Hương bị cắt khoản tiền phụ cấp độc hại dành cho nữ hộ sinh, khiến mức lương hằng tháng của chị giảm từ 4,3 triệu đồng xuống còn 3,9 triệu đồng.

Ngoài trụ sở thì trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh và công tác y tế cơ sở cũng không đáp ứng được yêu cầu. Chị Trần Thị Diệu phản ánh, cơ chế đấu thầu trang thiết bị tại trạm y tế hiện rắc rối và kéo dài gây cản trở cho nhân viên y tế.

Theo chị, hiện nay, gần như tất cả các đầu việc tại trạm đều làm trên hệ thống, trong khi máy móc chạy không nổi. “Cái máy vi tính mở lên cứ chạy vòng vòng, chờ 5 phút mới khởi động được, rồi mất thêm vài phút vào mạng, chúng tôi phải xếp hàng chờ nhau”.

Tăng cường phối hợp để từng bước tháo gỡ

Phản hồi các kiến nghị liên quan đến mức lương và chế độ chính sách, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt - Trưởng phòng Nội vụ quận 5 - mong các nữ nhân viên y tế có sự chia sẻ, bởi đây là vấn đề không thể thay đổi một sớm một chiều. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, Kết luận 25 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề từ 40 - 70% lên đến 100% đối với nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở được áp dụng ở giai đoạn 2022-2023 cũng là một sự động viên và phòng sẽ kiến nghị duy trì chế độ ưu đãi này.

Riêng về vấn đề nhân sự, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt nhận thấy, lực lượng các trạm y tế hiện nay khá mỏng, đặc biệt là tình trạng thiếu trưởng - phó trạm khiến việc điều hành hết sức khó khăn. Cho nên, phòng nội vụ sẽ tham mưu với trung tâm y tế để có những điều chỉnh. 

Ông Nguyễn Võ Sơn Kỳ - Phó chủ tịch UBND quận 5 - nhận định, sự chệch choạc trong công tác phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và các trạm y tế phường hiện nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi đợt sáp nhập. Cụ thể là năm 2017-2019, chủ trương của trung ương là rút các trung tâm y tế, bệnh viện, các trạm y tế phường về sở y tế quản lý.

Nhân viên Trạm Y tế phường 12 khám sức khỏe cho học sinh trên địa bàn phường theo chương trình y tế học đường
Nhân viên Trạm Y tế phường 12 khám sức khỏe cho học sinh trên địa bàn phường theo chương trình y tế học đường

Sau dịch COVID-19, nhận thấy vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, nhất là trong việc phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, nên trung ương lại giao trung tâm y tế, trạm y tế về lại cho quận, huyện quản lý. Tháng 1/2023, sự “trở về” này mới chính thức. Gián đoạn một thời gian khiến mối quan hệ, phối hợp giữa UBND phường và trạm y tế sụt giảm ít nhiều. 

Phó chủ tịch UBND quận 5 đề nghị lãnh đạo các phường cần quan tâm hơn đến các trạm y tế để tăng cường, nâng cao năng lực khám chữa bệnh ban đầu cũng như chất lượng trạm y tế cơ sở.

Về việc có ít nhất 3 trạm y tế rất khó khăn về điều kiện làm việc, bà Huỳnh Ngọc Nữ Phương Hồng - Bí thư Quận ủy quận 5 - mong lãnh đạo các phường, trung tâm y tế quận cũng như các ban ngành chức năng gắn bó hơn, sâu sát hơn để chia sẻ và từng bước giải quyết những khó khăn của trạm, nguyện vọng của chị em. “Đây là vấn đề đã tồn tại rất lâu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tiếp tục để nó tồn tại mà phải khắc phục từng bước. Chúng ta không đủ khả năng đổi trụ sở không có nghĩa là để chị em làm việc trong một không gian ọp ẹp, thấm dột. Chúng ta nói thiếu nữ hộ sinh, nhưng lại không tạo đủ điều kiện để nữ hộ sinh làm việc. Thay vì trừ đi 0.2 phụ cấp của nữ hộ sinh, tại sao chúng ta không tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện để họ được làm việc theo đúng khả năng, chuyên môn của mình?” - Bí thư Quận ủy quận 5 nói. 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế quận 5 - thông tin, số biên chế được giao cho 14 trạm y tế phường trên địa bàn quận là 91 người. Tuy nhiên, đến tháng 6/2023, tổng số nhân viên đang làm việc tại 14 trạm mới chỉ có 65 người, trong đó có 51 nữ (chiếm 78,46%).

Hiện tại, chỉ có 2 trạm có trưởng và phó trạm, 4 trạm có trưởng trạm nhưng khuyết phó, 1 trạm có phó trạm, 7 trạm không có trưởng và phó trạm nên trung tâm y tế quận phải kiêm. Một số trạm hiện nay vẫn không thể tuyển được nhân viên y tế làm công tác hộ sinh, điều dưỡng.

Thu Lê

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI