PV: Chào bà. Một trong những tác phẩm nhận được nhiều quan tâm trong sự nghiệp của bà là cuốn La double vie de Hillary Clinton (Cuộc đời hai mặt của Hillary Clinton). Bà có thể chia sẻ một chút về cuốn sách này không?
Christine Ockrent: Thực ra cuốn sách đó tôi đã viết vào năm 2001. Cuốn mới nhất tôi viết cũng về bà ấy nhưng cụ thể hơn là về cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Clinton và Trump mang tên L’amerique en colere (Nước Mỹ nổi giận).
Trong giai đoạn đầu của vòng bầu cử, tôi đã sang Mỹ để theo dõi diễn biến rất nhiều hồi năm ngoái.
Nữ nhà báo Pháp Christine Ockrent, người nắm giữ vị trí hàng đầu tại các cơ quan truyền thông Pháp.
|
|
Tôi khá ngạc nhiên vì bà là một phụ nữ Pháp, tại sao lại viết rất nhiều về các chính trị gia Mỹ?
Điều này cũng bình thường thôi, vì tôi được đào tạo tại Mỹ nên rất quan tâm đến chính trường Mỹ, nhất là trong bối cảnh không còn ranh giới về thông tin toàn cầu hiện nay.
Việc tiếp xúc với một chính trị gia như bà Clinton chắc hẳn cũng không dễ dàng chút nào. Khi viết về bà Clinton, hai người đã từng quen nhau hay làm cách nào để bà tiếp cận?
Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã gặp bà Clinton nhiều lần rồi. Đúng là những chính trị gia tại Mỹ rất khó để tiếp cận, nhất là đối với các nhà báo nước ngoài.
Hồi tôi viết cuốn Cuộc đời hai mặt… thì tôi không quen bà ấy. Nhưng sau này thì tôi cũng có dịp gặp bà ấy một số lần thông qua những người bạn chung. Lần cuối tôi gặp bà ấy là hồi tháng 6 năm ngoái.
Vậy làm sao bà Clinton đồng ý để bà viết sách về bà ấy?
Tôi không hề đề nghị bà ấy về việc viết sách. Viết sách tiểu sử mà được nhân vật đồng ý hay yêu cầu viết là một kiểu khác.
Những cuốn sách tôi viết dựa trên quá trình tìm hiểu, tra cứu tài liệu, phỏng vấn rất nhiều người là nhân chứng, là chuyên gia có liên quan.
Như ông Trump cũng vậy, tôi đã theo dõi ông ấy rất nhiều nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng phỏng vấn ông ấy cả vì tôi biết chắc chắn sẽ không được.
Khi bạn viết một cuốn sách, bạn có thể sử dụng những phỏng vấn trước đó. Nó hoàn toàn khác với quy trình viết một bài báo. Nó đòi hỏi rất nhiều công việc nghiên cứu, tìm tòi, lần theo dấu vết của nhân vật để có được những thông tin đa chiều.
Bà đã viết những gì trong cuốn sách về bà Clinton?
Cuốn sách đó tôi viết về cuộc đời của bà ấy, về nền tảng giáo dục, sự lựa chọn chính trị và cả chuyện tình yêu nữa.
Đó là một khối công việc khổng lồ khi phải tìm nhân chứng, rồi đọc tất cả những tài liệu mà người ta đã viết trước đó. Chắc cũng phải mất một năm cho việc tìm tư liệu.
Rồi bà ấy đã phản ứng thế nào về cuốn sách của bà?
Khi sách được in, tôi cũng gửi cho bà ấy và nhận được lời cảm ơn. Nhưng tôi chắc bà ấy không đọc được đâu vì tôi viết bằng tiếng Pháp.
|
Nữ nhà báo Pháp Christine Ockrent |
Thế còn công chúng thì sao? Các tác phẩm của bà được độc giả Pháp đón nhận như thế nào? Không chỉ viết về Clinton, bà còn viết về nhiều chính trị gia nổi tiếng khác nữa đúng không?
Ở đây tôi không nói đến những cuốn tiểu thuyết. Trên thị trường, có những cuốn tiểu thuyết hay cũng chỉ bán được khoảng 2.000 bản, nhưng cũng có những cuốn bán được đến 200.000 bản.
Tôi không viết tiểu thuyết. Tôi viết sách tài liệu. Đối với một cuốn sách như vậy nếu bán 15.000 bản cũng đã gọi là bán tốt rồi. Cuốn Les Oligarques: le système Poutine (Chế độ Putin và những trùm sò chính trị), tôi bán được 25.000 bản.
Còn cuốn sách mới đây về Trump/Hillary, tôi bán được 20.000 bản. Cuốn sách đầu tiên tôi viết từ năm 1986 đã bán được đến 500.000 bản. Nhưng thời đó lâu quá rồi. Giờ đây người ta chi ít tiền hơn cho việc mua sách.
Là một người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan truyền thông của Pháp. Theo bà thì một nữ lãnh đạo có phải nam tính hơn so với những phụ nữ bình thường không?
Tôi không hiểu “nam tính” ở đây nghĩa là sao. Là phải ăn to nói lớn, phải nạt nộ nhân viên chăng? Tôi thì thấy làm lãnh đạo vẫn có thể ăn nói chừng mực, vừa phải.
Tôi không thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ lãnh đạo. Riêng đối với một cơ quan truyền thông, cái khó của lãnh đạo luôn là sự dũng cảm trong chỉ đạo đề tài, trong việc nêu lên sự thật, trong việc bảo vệ nhân viên của mình.
|
Nhà báo Pháp Christine Ockrent tham dự hội thảo Phụ nữ và Nghề báo tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 29/3. Ảnh: MK |
Tôi hoàn toàn đồng ý với bà. Tuy nhiên tôi muốn nói là một nữ lãnh đạo có phải thường ít điệu đàng hơn, không quá coi trọng bề ngoài chẳng hạn. Họ cũng có vẻ độc lập hơn, quyết đoán hơn, không hay hỏi ý kiến người khác trước khi đưa ra quyết định…
Cũng tùy từng người, có người thích điệu đàng, thích đầm, váy, có người thì không. Không thể có mẫu số chung được.
Như tôi thì chỉ thích ăn mặc đúng mực, thoải mái, tiện lợi là đủ. Tôi không thích phải gò mình trong những chiếc mini jupe bó sát để khoe chân ra.
Còn nếu thấy cần trang điểm thì tôi cũng không có vấn đề gì. Còn về tính độc lập, nhiều phụ nữ cũng độc lập chứ đâu phải chỉ có nữ lãnh đạo.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này.
Christine Ockrent (1944) là lãnh đạo của nhiều cơ quan truyền thông Pháp như TF1, L’Express, France 24, RFI.
Bà được xem là người phụ nữ tiên phong trong phong trào nữ hóa giới truyền thông.
Sự nghiệp viết sách của bà khá đồ sộ với gần 20 đầu sách trong vòng 20 năm qua, trong đó nhiều cuốn đề cập đến nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Đệ nhất phu nhân, ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, cựu tổng thống Mỹ Bush, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu danh thủ bóng đá Michel Platini, vv…
Bà Ockrent đến Việt Nam lần này theo lời mời của Viện Pháp tại Việt Nam, trong khuôn khổ sự kiện tháng Pháp ngữ.
|
Minh Khuê