Sau gần 3 tháng đồng hành, tìm kiếm bằng chứng hoạt động của băng nhóm bảo kê tại chợ Long Biên, chứng kiến những màn “hóa thân” bất ngờ, “cô gái vàng” của VTV - nữ nhà báo Liên Liên đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Khi là một tiểu thương thu mua cá, khi lại giống một người đẩy xe hàng nhưng chỉ trong nháy mắt lại có thể trở thành một hot girl khiến nhiều người phải ngoái nhìn.
|
Các cảnh quay của Liên Liên trong phóng sự về băng nhóm bảo kê ở chợ Long Biên. |
Liên tục đoạt nhiều giải thưởng lớn trong một năm trở lại đây, cái tên Liên Liên VTV đã trở thành một thương hiệu với nhiều tuyến bài điều tra mạo hiểm như: Hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên, thâm nhập điểm đen pha chế xăng dầu trái phép, đường dây mua bán văn bằng đại học giả, điều tra nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá thuốc bảo hiểm…
Xinh đẹp, bản lĩnh và sẵn sàng “xông pha” đến bất cứ nơi đâu, câu chuyện về Liên Liên đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người làm báo khác.
Cái duyên với nghề báo
* Phóng viên: Năm qua là một năm thành công của chị, cơ duyên nào đã khiến chị đến với cái nghề vất vả và nguy hiểm này?
- Nhà báo Liên Liên: Thực sự tôi và nghề báo có một cái duyên. Năm 2007, Đài truyền hình Việt Nam mở chương trình “Chính sách kinh tế và cuộc sống” và tôi đến với nghề báo bắt đầu từ chương trình này. Đây là một chương trình chính luận với thời lượng 1 số/tháng.
Để thực hiện chương trình này, cần phải hiểu về việc phản biện chính sách, đòi hỏi phóng viên phải mày mò nghiên cứu, tìm hiểu thông tin từ thực tế. Khi bắt đầu công việc, tôi phải vừa làm vừa học rất nhiều để tìm ra lời giải cho những câu hỏi hóc búa.
Thực hiện được vài số thì tôi bắt đầu với công việc của một phóng viên điều tra. Sau này, tôi chuyển sang ban thời sự và tham gia chuyên mục “Tiêu điểm”.
* Phóng viên mới vào nghề thường chọn cho mình mảng “dễ thở” một chút để từ từ thích nghi với nghề báo. Còn chị lại đến với điều tra từ khi bắt đầu, như vậy chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn. Vì sao chị lại chọn con đường khó này?
- Khi mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm, khả năng chịu áp lực còn hạn chế, thực sự là rất khó khăn.
Ít ai biết rằng, những lúc vì căng thẳng tôi đã khóc rất nhiều, thậm chí có khoảng thời gian tôi còn phải uống thuốc an thần để ngủ.
Khi biết tôi như vậy, cấp trên của tôi đã bảo rằng: em đặt chế độ điện thoại chuyển tiếp hết sang số của anh, em đừng nghe điện thoại nữa, không phải sợ gì cả. Chính sự quan tâm của cơ quan đã giúp tôi có thêm động lực, dần dần tôi đã vượt qua áp lực.
Mọi người chỉ biết vụ đe dọa khi làm loạt phóng sự chợ Long Biên, chứ thực ra hồi mới vào nghề tôi cũng đã bị như thế rồi đấy.
Áp lực nhưng vì đam mê, những loạt bài điều tra đã cuốn mình theo vòng xoáy công việc không thể ngừng lại. Sự đam mê đó đến từ giá trị của mỗi tác phẩm báo chí mình thực hiện.
Nhiều khi ra đường, gặp những người biết mình, thấy tình cảm họ dành cho mình và tác phẩm của mình, đó là hạnh phúc mà không phải công việc nào cũng có thể mang lại.
* Chị rất yêu nghề, đó là nhận xét của rất nhiều đồng nghiệp, chị có thể chia sẻ về tình yêu đó?
- Tôi có một kỷ niệm vui, đó là lần đi mua nhà, bác chủ nhà nhận ra tôi đã xuất hiện trong nhiều phóng sự. Sau một hồi hỏi han, bác giữ tôi lại nói chuyện suốt buổi và còn giảm giá cho mình.
Rồi khi đi taxi, anh lái xe nhận ra cũng chủ động hỏi “Chị là phóng viên đúng không, ngoài đời chị trẻ và khác trên ti vi nhỉ” (cười).
Cảm nhận được sự yêu quý của mọi người dành cho mình qua những tác phẩm trên sóng, tôi rất xúc động và cảm thấy hạnh phúc.
Thực sự, trong cuộc đời mỗi người nên tìm một thứ để yêu. Có những thứ chúng ta yêu mà không bao giờ lo bị phản bội, với tôi thì đó chính là nghề báo.
|
Nhà báo Liên Liên trong một phóng sự của VTV. |
|
Nhà báo Liên Liên. |
* Quả thực nhìn chị khi lên sóng truyền hình rất khác với sự xinh đẹp, trẻ trung ở ngoài đời. Điều này rất khác với một số biên tập viên, khi họ xuất hiện trước công chúng với sự lộng lẫy, hào nhoáng. “Biến hóa” theo từng tác phẩm
- Là phụ nữ mà, ai chẳng muốn mình được đẹp nhất có thể. Thực ra mỗi khi lên hình, nếu có thời gian, tôi cũng sẽ cố gắng trau chuốt hơn.
Tuy nhiên, nếu trau chuốt quá cũng không tốt, bởi đặc thù công việc của tôi là gần với người dân. Mình phải xuất hiện thế nào để tạo cho họ một cảm giác gần gũi, đáng tin cậy. Chính vì thế, tôi phải xuất hiện với ngoại hình giản dị, phù hợp với tác phẩm mình đang thực hiện.
Các nhân vật của tôi rất đa dạng, như là công nhân, lao công, tiểu thương và có lúc lại quay ngược thành một cô gái sành điệu, quyến rũ… Những nhân vật được biến đổi theo từng đề tài mà mình khai thác, dấn thân.
Có lần tôi tìm hiểu về một tụ điểm ăn chơi, đòi hỏi mình cũng phải hóa thân thành một nhân vật phù hợp, một dân chơi. Trước khi lên đường thực hiện phóng sự, tôi có cuộc hẹn với những người bạn.
Khi nhận được điện thoại lên đường, phải làm tóc, thay đổi trang phục thì lúc quay lại, người bạn ngỡ ngàng không nhận ra. Một người bạn thân đã lướt qua mất một lúc mới nhận ra tôi.
Việc hóa trang để thực hiện các phóng sự rất kỳ công, bởi mình phải nắm bắt được nhân vật, lựa chọn trang phục phù hợp với cả nhân vật và hoàn cảnh xuất hiện. Lúc “biến thân” luôn phải tự đặt cho mình câu hỏi, khi xuất hiện có gây chú ý không, có khác biệt không.
Hiện tại ở nhà, tôi có nguyên một tủ hóa trang phục vụ cho công việc điều tra cho mình.
|
Nhà báo Liên Liên trong một phóng sự về thiên tai. |
* Thâm nhập sâu như vậy, hẳn gặp nguy hiểm khi thực hiện các bài phóng sự điều tra là chuyện không hiếm, chị có bao giờ muốn tìm công việc nào nhàn hạ hơn?
- Trong thời gian thực hiện loạt phóng sự điều tra hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên cùng Báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi và chị Nguyễn Thu Trang, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đều nhiều lần đối mặt trực tiếp với các đối tượng trong băng nhóm của Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”).
Khi đang mang bầu 7 tháng, tôi vẫn làm phóng sự về sản xuất thuốc giả tại Đồng Nai.
Khu vực tác nghiệp kín cổng cao tường, rất khó lấy thông tin, duy nhất chỉ có một lối đi nhỏ, rất ít người đi lại. Tôi quyết định giả làm người bán hàng rong, tìm cách vào bên trong.
Rất may, không ai…thèm nghi ngờ một phụ nữ đang mang bầu nên tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà báo Liên Liên
|
Đây là các đối tượng rất manh động nên mình luôn phải tự đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Như bạn đã biết, khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, cả tôi lẫn chị Trang đều bị nhắn tin dọa giết đến cả người thân trong gia đình.
Còn trong một vụ việc phức tạp khác như điều tra về đường dây sang chiết gas tại Bình Dương.
Đây là đường dây có quy mô lớn, như một công xưởng, các đối tượng rất… giang hồ, sẵn sàng dùng bạo lực, chống đối lực lượng chức năng.
Khi ê-kíp của chúng tôi ghi hình về sự chống đối thì họ phản ứng mạnh, ném đá về phía mình. Lực lượng công an phải can thiệp quyết liệt hơn, phá cửa để vào trong.
Chúng tôi phải tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tránh sự chú ý của các đối tượng hung hãn ấy.
Khi nhận ra nhóm chúng tôi đã bị chú ý, có thể bị nguy hiểm bất cứ lúc nào, lực lượng công an đã phải đưa cả ê-kíp về công an huyện rồi tìm cách di chuyển về TP.HCM. Trên đường đi phải thay đổi 3 xe khác nhau, tình huống diễn ra như trong phim hành động.
Rồi có lần làm về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chúng tôi bị lộ và các đối tượng đã bám theo rồi chặn xe chúng tôi lại. Sau khi giằng co và chạy thoát được thì 30 phút sau, chúng tôi tiếp tục bị các đối tượng đã bố trí hơn 10 xe chặn ở một đường khác.
Các đối tượng đều là dân xã hội đen, lúc đó tôi phải ứng biến nhanh để chờ sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng. Cuối cùng, may mắn công an cũng kịp thời có mặt hỗ trợ.
Thích đọc truyện ngôn tình, nấu ăn, chơi đàn...
* Và theo tôi biết, thì ngoài nguy hiểm, các nữ phóng viên còn gặp nhiều cám dỗ?
- Một phần do tính chất công việc làm nội chính, chính luận nhưng phần khác là khi tiếp xúc với mọi người, tôi luôn giữ ở một chừng mực nhất định. Có lẽ vì thế cũng khiến họ giữ khoảng cách với tôi.
Tôi cũng có một nguyên tắc là không bao giờ trao đổi, trả lời tin nhắn, điện thoại nếu không phải vì công việc. Nhiều người cũng nhắn tin làm quen, hỏi thăm tôi qua Facebook, Email. Với những trường hợp như vậy, tôi thường rất ít hồi đáp.
Có lẽ vì thế mà dù đã làm báo được 12 năm nhưng tôi may mắn chưa gặp phải tình huống khó xử hay lời mời khiếm nhã nào.
|
Tác nghiệp tại chợ Long Biên và vạch trần hoạt động bảo kê tại đây. |
* Là một phóng viên điều tra luôn căng thẳng như vậy, chị giữ mình cân bằng giữa công việc và cuộc sống ra sao?
- Có chứ, ai cũng nghĩ tôi làm điều tra, nội chính thì sẽ mạnh mẽ một cách khô khan, nhưng thực sự tôi khác nhiều đấy (cười).
Tôi thích đọc truyện ngôn tình, nấu ăn, thưởng trà hay chơi đàn để cho tâm hồn thư thái. Đó cũng là bí quyết giúp mình có được sự cân bằng, để công việc ở bên ngoài cánh cửa.
Có lần tôi đi công tác, vì đọc quá nhiều tài liệu, ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng nên để giảm căng thẳng, tôi đã đến các quán cà phê và khách sạn tìm xem có đàn piano không để chơi một bản nhạc giúp đầu óc tỉnh táo hơn.
Có những lúc, tôi lại giết thời gian bằng cách ngồi hàng giờ cắm hoa, múa hoặc đi dạo chơi trong một bộ váy điệu đà, nữ tính.
Tôi cũng tự nhận mình là người pha lẫn giữa hiện đại và truyền thống theo tỷ lệ 50-50. Có thể phụ nữ bây giờ không khâu vá nhiều, nhưng khi cần tôi vẫn làm thuần thục và ít người có cơ hội được nhìn thấy mặt này của tôi. Vì ngoài công việc, cuộc sống gia đình của tôi khá kín đáo.
* Cảm ơn nhà báo Liên Liên vì những chia sẻ chân thành.
Bài: . Ảnh:
|
Chuyến đi thực tế ở “rốn lũ” của Sơn La khiến Liên Liên và ê-kíp không thể nào quên |
Tôi vẫn không quên cơn lũ quét qua Nậm Păm
Tháng 8/2017, cùng với 3 đồng nghiệp trong Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam, ê-kíp của chúng tôi di chuyển dọc theo con suối Nậm Păm (huyện Mường La), “rốn lũ” của Sơn La để ghi nhận hậu quả khủng khiếp mà cơn lũ quét để lại.
Ở bên dưới, các đoàn công tác tới hiện trường chỉ ghi nhận được sự đổ nát, do những thứ bị nước cuốn xuống. Nhưng ở phía trên, mọi thứ mất sạch.
Mọi người còn sợ hãi nói với nhau, phải chăng chúng ta đang đi trên xác người mà không biết. Vì khi đó, có rất nhiều người bị cơn lũ quét nhấn chìm. Trước đó cũng chỉ 15 phút, đoàn cứu hộ vừa đào lên một xác nạn nhân xấu số trên con đường chúng tôi đi qua.
Đã tác nghiệp ở nhiều nơi, trong nhiều cơn bão, nhưng những gì tôi nhìn thấy khi đó chỉ có thể dùng từ “khủng khiếp” để miêu tả. Hình ảnh ám ảnh nhất với tôi khi đó là một người đàn ông khắc khổ, bị mất vợ và hai con trong cơn lũ.
Trong chiếc lều được dựng tạm của mình, người đàn ông ấy thất thần bên cạnh bát hương thắp cho vợ con, xung quanh là sự điêu tàn. Ông ấy nói với chúng tôi rằng, mình chỉ muốn chết vì đã không còn gì, nỗi đau mất người thân không gì có thể bù đắp được.
Trong cơn lũ lớn đó, 8/11 bản của xã Nậm Păm đã bị quét sạch. Phải sang ngày thứ 2 của chuyến công tác, chúng tôi mới tiếp cận được những bản sâu nhất. Do địa hình phức tạp, có những ngày đoàn công tác phải đi bộ suốt một ngày.
Nhưng những vất vả ấy của chúng tôi chưa là gì khi nhìn vào số liệu thống kê số người chết và mất tích cùng những hình ảnh tận mắt chứng kiến, đó mới thực sự đau đớn. Trên đường đi, tôi đã gặp nhiều người dân bản chỉ còn đúng một manh áo trên người. Cơn lũ về bất ngờ, họ chỉ có thể bám vào bất cứ thứ gì vững chắc để giữ mạng mà thôi.
Chuyến đi này cũng khiến tôi không thể quên những nguy hiểm trên đường tác nghiệp. Nếu không có lực lượng bộ đội giúp đỡ, có lẽ tôi cũng không thể thoát khỏi dòng nước xiết ở con suối trên đường trở ra.
Không điện, không thức ăn, một thành viên trong ê-kíp bị dãn dây chằng không thể đi tiếp nên phải nghỉ tại chỗ chờ cứu hộ. Đã có lúc tôi cũng muốn bỏ cuộc vì kiệt sức. Nhưng nhớ lại những nỗi đau của người dân, cảnh bà con nhặt gỗ do lũ cuốn, chúng tôi lại động viên nhau: cố lên! sắp tới nơi rồi, để tiếp tục hành trình.
Liên Liên
|