Ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6

Nữ nhà báo 88 tuổi trở lại A Lưới làm sách: Quỹ thời gian không còn nhiều, nhưng nặng lòng không yên

06/06/2023 - 10:33

PNO - Nữ nhà báo 88 tuổi Nguyễn Hạc Đạm Thư vừa ra mắt cuốn sách ảnh "Tiếng vọng từ Trường Sơn". Bà chia sẻ: "Tôi nay gần đất xa trời, muốn làm gì đó để người trẻ so sánh được A Lưới ngày xưa với nay".

Năm 2013, nhà báo, Phó ban Quốc tế Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Hạc Đạm Thư được mời đến Paris nhận cuốn sách Sự hồi sinh của thung lũng A Lưới sau bom đạn Mỹ và chất độc da cam - công trình nghiên cứu của tập thể do nhà nghiên cứu xã hội học Pháp Jacques Maitre làm chủ biên.

A Lưới ở vùng ven Trường Sơn, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi nổi tiếng chịu thảm họa chất độc da cam, nơi bà đã tới 7 lần, đi điền dã cùng các chuyên gia Pháp về xã hội học và tâm lý trị liệu để  viết các phóng sự góp trong cuốn sách nổi tiếng đó ở Pháp và quốc tế.

Năm 2023, bà Đạm Thư đã trở lại đó, làm cuốn sách ảnh của riêng mình. Tiếng vọng từ Trường Sơn vừa ra mắt. Sức yếu, 88 tuổi, bà phải “huy động” con gái Anh Thư bay từ Hà Nội vào Huế để gặp mẹ từ TPHCM bay ra, rồi cùng được đón lên A Lưới với sự giúp đỡ của địa phương, đặc biệt của chị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện.

Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư
Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư

Phóng viên: Sao bà phải làm việc vào độ tuổi cần nghỉ ngơi?

Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư: Những người Pháp cùng tôi nghiên cứu A Lưới ngày trước đã mất nhiều, kể cả ông J.Maitre. Tôi vẫn có nhiều mối liên hệ với A Lưới và nặng lòng dõi theo, hay trao đổi, được gửi cho hình ảnh phát triển ngày nay và số phận những người xưa chúng tôi nghiên cứu, tiếp xúc.

Nghĩ rằng thế hệ khác lớn lên liệu có quên mất quá khứ không? Tôi còn giữ cả trăm tấm hình hồi đi nghiên cứu với đoàn Pháp. Tôi nay gần đất xa trời, muốn làm gì đó để người trẻ so sánh được A Lưới ngày xưa với nay. Đó cũng để tri ân những nhà hảo tâm, nhà nghiên cứu nước ngoài, các chính sách nhà nước giúp đỡ và người dân ở một vùng thảm khốc trong chiến tranh đã được sống dậy, phát triển.

Năm 2005, bà Lesli đến làm phim. Bà ấy từng quay các bà góa của cả một xóm có chồng là cựu chiến binh đã chết hết vì chất độc da cam.

* Được biết, bà tự bỏ tiền xuất bản sách. Bà đã làm như thế nào?

- Tôi làm sách ảnh, viết chú thích kỹ, xen bài và các chi tiết quan trọng làm rõ sự đổi thay của A Lưới. Đầu tiên tôi nói ý đồ với Quỳnh Tường và được chị ủng hộ. Chúng tôi tự lo vé máy bay, còn mấy ngày làm việc thì địa phương lo ăn ở đi lại. Phải tác chiến nhanh và làm việc cật lực trong 4 ngày. Ở A Lưới, Hội Phụ nữ nói phần của tôi phải làm trước, làm nhanh nhất, phần còn lại họ sẽ làm tiếp với Nhà xuất bản Thuận Hóa. Kinh phí thì không quá lớn, in không nhiều, tôi dùng tiền của mình dành cho một chuyến du lịch gia đình.

* Xin bà cho biết sơ qua nội dung sách?

- Mở đầu có bài báo phỏng vấn tôi về cuộc sang Paris dự buổi ra mắt sách của nhà xã hội học J.Maitre vào năm 2013. Phần 1 là phóng sự ảnh cùng những câu chuyện kể người A Lưới xưa Kiên cường bám trụ. Phần 2 - Sau bão táp chiến tranh hủy diệt có phóng sự ảnh về cuộc sống bà con, những cuộc đi của đoàn làm phim Pháp - hãng truyền hình France 5 của bà Leslie Wiener. Kỷ niệm với A Sầu, A Lưới và các cuộc chiến cam go chống đói nghèo, di chứng chất độc da cam.

Phần phụ lục có bài viết về bác sĩ trị liệu tâm lý Pháp - bác sĩ Doray - Chủ tịch Trung tâm CEDRATE nghiên cứu chấn thương tâm lý do hậu quả chiến tranh.

Trong sách có nhiều hình ảnh và câu chuyện về A Lưới ngày nay đổi mới, đến với công nghệ và phát triển kinh tế; Có bài viết cảm động về những người con vĩ đại như ông Hồ Ngọc Mỹ cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc nhưng không ai biết đến; Câu chuyện về Kan Lịch nổi tiếng và các phụ nữ điển hình của A Lưới như Kan Nua, Kan Hiền, Lê Thị Vẻ… Đặc biệt là chuyện bà Kan Đơm - nữ anh hùng lực lượng vũ trang, nhân vật báo chí viết “người phụ nữ chỉ huy trận đánh ở Đồi thịt băm” ác liệt trong chiến tranh.

* Dù bà vẫn liên hệ thư từ, cấp học bổng cá nhân cho trẻ em A Lưới, nhưng sau nhiều năm trở lại, bà có ngạc nhiên về vùng đất này?

- Sự văn minh đã đến được với cả một huyện miền núi Tây Trường Sơn. Các bạn sẽ thấy những tấm hình sinh hoạt như học sinh múa bên thác A Nor, học tin học, quầy giới thiệu sản phẩm của A Lưới, người dân đi du lịch cộng đồng bên thác, người mẫu ra nước ngoài biểu diễn trang phục được thiết kế từ sản phẩm Dèng, các lễ hội trồng hoa… Các bạn trẻ đi xa học hành về lại phục vụ quê hương, không bỏ đi như nhiều nơi khác.

Ngạc nhiên nữa là một số gia đình có ô tô riêng đưa tôi đi phỏng vấn lại các nhân vật cũ ngày xưa đã từng phỏng vấn. Những cán bộ Hội Phụ nữ có trình độ văn hóa cao, hiểu biết và nhiệt tình với phong trào quê hương mình.

Bà Đạm Thư tặng sách Tiếng vọng từ Trường Sơn cho Tuổi trẻ Thảo Điền nhân dịp khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5/2023
Bà Đạm Thư tặng sách Tiếng vọng từ Trường Sơn cho Tuổi trẻ Thảo Điền nhân dịp khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5/2023

* Bà nói bên cạnh thành tựu vẫn còn nhiều băn khoăn. Đó là những điều gì vậy?

- A Lưới phát triển, xây nhà hàng khách sạn du lịch nhưng thanh niên vẫn chưa được đào tạo nghề, đi làm thợ hồ, không có chuyên môn. Có em học ngành sư phạm ra chưa có việc làm. Địa phương chưa chú ý nhiều về y tế dinh dưỡng nuôi trẻ. Tôi nhớ trong cuốn sách xưa chúng tôi làm cùng ông J.Maitre có đưa nhiều giải pháp nhưng chưa được nghiên cứu áp dụng.

Đó là chưa kể những chuyện căn cơ về môi trường như cải tạo đất đai, trồng cà phê thất bại, mưa bão lũ lụt… Nhiều sáng kiến chỉ dừng ở sự tự phát của đoàn thể, chưa bền vững.

* Sách đã ra thị trường với nhiều hình ảnh quý và đẹp. Sức khỏe bà hồi phục chưa và bà nhận được phản hồi gì chưa ạ?

- Sách vừa ra, hy vọng nó hữu ích. Sách đã được tặng với sự đón nhận mới nhất khi “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” khai mạc ở Thủ Đức.

Tôi dùng sâm trợ sức đi A Lưới với sự giúp đỡ chu đáo của con gái, đã trụ được, về nhà đang hồi phục sức khỏe. Hồi âm sớm nhất lại là từ nước ngoài - Mỹ và Canada, những chuyên gia từng qua Việt Nam và quan tâm các loại sách giúp khảo cứu tài liệu có thật liên quan đến vấn đề hậu chiến ở một vùng đất nổi tiếng bị hủy diệt môi trường sống.

* Bà có thể cho phép trích dẫn lời nhận xét của các độc giả sớm nhất từ nước ngoài không ạ?

- Trong thư của Dr.Wayne Dwernychuck - chuyên gia môi trường nhiễm chất độc da cam của hãng Hadfield, Canada - viết: “Nhà văn Lady Borton đã chuyển cho tôi cuốn sách của bà. Dù tôi không đọc được tiếng Việt nhưng lại được xem những tấm hình rất thú vị. Bà đã làm rất tốt việc này. A Lưới luôn trong trái tim tôi. Vào cuối những năm 1980, tôi đã đến đó 2 tuần để lấy mẫu chất độc da cam/dioxin. Công việc ở đó chính là phần quan trọng cho sự nghiệp tư vấn môi trường hơn 30 năm của tôi. Cảm ơn bà đã nghĩ đến tôi và dành những dòng tốt đẹp trong sách về công việc của tôi”.

Còn đây là phản hồi của Sally và Trude - những người Mỹ có dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại A Lưới trong nhiều năm: “Thật xúc động khi vừa mở gói quà ra, thấy ngay bìa sách với hình ảnh dãy Trường Sơn thật đẹp…

Tôi ngạc nhiên thấy cả bức ảnh Steve Nichols và tôi tại vườn ươm cây của ông Bôi ở A Lưới. Bạn bè và chúng tôi rất vui đã hỗ trợ các cuộc hội thảo của ông ấy, hỗ trợ phân bón và hàng rào cây bồ kết dọc theo các điểm nóng về chất độc màu da cam… Tôi cũng vừa đọc cuốn sách mới của G.Black - The long Reckoning.

Cuốn sách quan tâm nhiều đến ý nghĩa của A Lưới và kể nhiều câu chuyện về những người của chúng tôi đã làm việc để sửa chữa những di hại chiến tranh của Pháp và Mỹ… Tôi tự hỏi không biết G.Black có bất kỳ ý nghĩ nào về việc cho dịch và xuất bản cuốn sách của bà ra tiếng Anh”.

* Xin cảm ơn và kính chúc bà mau khỏe sau nỗ lực đóng góp những giá trị cho cộng đồng. 

Nguyễn Thị Ngọc Hải 
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI