edf40wrjww2tblPage:Content
Ngoài ra, còn có thể kể thêm Nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh. Tuy nhiên, bà đã giao phó việc điều hành đất nước cho Thủ tướng David Cameroon nên Nữ hoàng hầu như không có tiếng nói quyết định gì về đội tuyển Anh.
Theo giới chuyên môn, cúp vàng năm nay chắc chắn thuộc về đất nước của một trong ba nữ nguyên thủ Rousseff, Kirchner hoặc Merkel. Đặc biệt nhất là đội Costa Rica của bà Chinchilla. Với biệt danh Los Ticos, đội bóng này được xem là bất ngờ thú vị nhất vì đã vào được vòng hai sau khi loại hai đội mạnh Anh và Ý bằng lối chơi dựa vào tính đồng đội và khoa học chứ không dựa vào bất cứ cá nhân cầu thủ nào.
Bà Angela Merkel và cầu thủ Podolski
Cổ động viên số một
Trong số các “quý bà” này, nổi tiếng về niềm đam mê bóng đá nhất, phải kể đến Thủ tướng Đức Angela Merkel. Người ta luôn thấy bà có mặt ở các giải bóng đá lớn có đội tuyển Đức tham dự như Euro và World Cup. Tuy nhiên, không phải bà Merkel có mặt trên khán đài danh dự với vai khách mời mà bà luôn có mặt trong phòng cầu thủ trước và sau trận đấu để an ủi khi đội thua hoặc khích lệ khi đội thắng.
Bà Merkel từng thừa nhận: “Tôi không phải là chuyên gia bóng đá, nhưng tôi luôn theo dõi các trận đấu ở Euro hay World Cup không chỉ bằng cặp mắt của một người hâm mộ bình thường”. Bà Merkel nhìn bóng đá qua lăng kính của một chính trị gia, và từ bóng đá, bà đã không ít lần định hướng cho việc lãnh đạo đất nước.
Năm 2006, khi nước Đức chuẩn bị tổ chức World Cup trên sân nhà, bà Merkel phát biểu: “Đội tuyển Đức gồm nhiều cầu thủ có nguồn gốc từ các nước khác nhau, từ nhiều CLB khác nhau, do vậy để thành công, họ phải luôn gắn kết với nhau trên sân cỏ cũng như trong đời thường”.
Bà Angela Merkel "cổ động viên số một" của đội tuyển Đức
Đó cũng là điều bà Merkel đã áp dụng trong việc điều hành đất nước. Đức hiện có nhiều người nhập cư từ các nước khác, và nước Đức hẳn sẽ không thể lớn mạnh như hôm nay nếu luôn chia rẽ trong vấn đề sắc tộc.
“Cổ động viên số một của nước Đức” là danh hiệu mà người dân nước này tôn vinh bà Merkel. Khi ngồi trên khán đài xem các cầu thủ của mình thi đấu, bà Merkel đúng là một cổ động viên như hàng vạn cổ động viên khác xung quanh. Dáng vẻ bồn chồn khi đội nhà tấn công, vẻ lo lắng khi đội nhà bị dồn ép và sự tiếc nuối khi đội nhà bỏ lỡ cơ hội ghi bàn… là những điều người ta thường thấy nơi “cổ động viên” Angela Merkel. Lúc đó bà đích thực là một fan cuồng nhiệt của bóng đá chứ không còn dáng vẻ trang trọng thường ngày của một vị nguyên thủ quốc gia.
Trăm mối tơ vò
Trái ngược với bà Merkel, Tổng thống Dilma Rousseff không có vẻ thoải mái khi xem World Cup 2014, dù nó đang diễn ra ngay trên “sân nhà” của bà. Đất nước Brazil có quá nhiều vấn đề mà bà phải quan tâm vào lúc này.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trông đợi cúp vàng World Cup để thuận lợi cho lần tranh cử tháng 10/2014
Trước khi khai mạc World Cup, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn để phản đối việc tổ chức World Cup khi đất nước còn quá nhiều khó khăn trong các lĩnh vực dân sinh. Dù rằng, những ngày sau đó, biểu tình đã tạm ngưng, và người dân nước này vẫn đang đắm mình trong không khí lễ hội, nhưng Tổng thống Rousseff biết chắc, chỉ khi nào Brazil vô địch World Cup thì người dân mới cho bà có thêm thời gian và cơ hội để cải thiện những tồn tại của đất nước.
Sau thời gian dài cân nhắc, bà Rousseff vừa chính thức thông báo sẽ tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10/2014, và kết quả sẽ không thể tách rời với thành tích của đội tuyển Brazil tại World Cup. Bà Rousseff đang đặt hy vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử này lên vai thầy trò ông Felipe Scolari. Nếu đội bóng do HLV Scolari dẫn dắt không đoạt chức vô địch thì đó sẽ là thảm họa của cả đất nước cũng như của riêng bà Rousseff.
Tổng thống Cristina Kirchner được tặng áo đội tuyển Argentina mang tên bà
Không người dân Argentina nào không mê bóng đá, và Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner không phải là ngoại lệ. Cũng như bà Rousseff, bà Kirchner không thể dành trọn thời gian của mình cho World Cup.
Argentina đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Lạm phát cao, tỷ lệ tăng trưởng thấp kéo theo tình trạng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giảm là những vấn đề của kinh tế Argentina vào lúc này. Do vậy, World Cup như một cơ hội để người dân nước này tạm quên đi nỗi lo “mưu sinh” hàng ngày.
Không ít lần bà Kirchner có suy nghĩ như một cầu thủ để bàn về những vấn đề của đất nước. Khi các nhà đầu tư nước ngoài từ chối tham gia kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, bà Kirchner đã bày tỏ sự bất lực qua lời lẽ của một thủ môn: “Tôi cảm thấy mình đang là một thủ môn phải hứng chịu nhiều cú dứt điểm từ mọi phía của các tiền đạo. Trong khi đó, trọng tài cứ luôn đưa ra các phán quyết bất lợi cho đội bóng của tôi”.
Tương tự, bà Kirchner từng nói: “Đừng bao giờ buông xuôi vì có thể ngay trong đợt tấn công kế tiếp, chúng ta sẽ ghi bàn”. Cứ như đó là lời của một HLV nói với các cầu thủ của mình trong những phút giải lao giữa trận đấu chứ không phải lời của một tổng thống nói với người dân về tình hình kinh tế của đất nước.
Hơn lúc nào hết, Tổng thống Kirchner rất muốn Messi và đồng đội mang cúp vàng về Buenos Aires như một “cú hích” tinh thần cho Argentina.
THIỆN NGA