Nữ nghệ nhân khuyết tật truyền cảm hứng cho người đồng cảnh

14/05/2024 - 06:06

PNO - Đôi chân khiếm khuyết của người phụ nữ thôn quê ấy không chỉ vượt khỏi lũy tre làng, truyền cảm hứng cho người đồng cảnh mà còn đại diện cho ý chí, nghị lực của người khuyết tật Việt Nam bước đến nhiều sự kiện quốc tế.

Người phụ nữ thôn quê ấy tên là Hoàng Thị Khương, 58 tuổi. Không chỉ là nghệ nhân của làng thêu Quất Động nổi tiếng, bà còn là Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thường Tín, TP Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương. Đến nay bà đã dạy nghề thêu, tạo công ăn việc làm cho hơn 500 người khuyết tật khắp các tỉnh, thành.

Đầu năm 2024, bà là 1 trong 2 nghệ nhân thêu của TP Hà Nội có tên trong danh sách của Bộ Công Thương trình hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Bà Hoàng Thị Khương bên bức tranh thêu Hồ Gươm - ẢNH: K.H.
Bà Hoàng Thị Khương bên bức tranh thêu Hồ Gươm - Ảnh: K.H.

Vượt nghịch cảnh

Trong các tọa đàm về bình đẳng giới ở Hà Nội, tôi thường thấy một người phụ nữ bé nhỏ, ở tuổi lục tuần, với những bước chân khó nhọc. Bà rất chăm chú đọc tài liệu, lắng nghe ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia và mọi người. Sự có mặt của bà dường như không mấy liên quan đến vị trí chủ tịch hội người khuyết tật và giám đốc công ty của bà. Nhưng nếu biết bà và công ty của bà là nơi người yếu thế từ nhiều tỉnh, thành tìm về để được lan tỏa nghị lực sống, để được trao cho chiếc “cần câu cơm”, thì sẽ phải cảm phục bà.

Ngôi nhà cấp 4 chừng 40m2 của bà nằm giữa làng thêu truyền thống Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội), nó vừa là trụ sở công ty, vừa là nơi trưng bày sản phẩm, vừa là nơi làm việc của hơn 20 tay thêu nữ lớn tuổi hoặc khuyết tật. Các chị, các bà đều biết hoàn cảnh của bà Khương: bị sốt bại liệt từ khi còn bế ngửa khiến đôi chân không bình thường, đi lại khó khăn.

Trước hoàn cảnh ấy, mẹ bà động viên bà đến trường học chữ, đồng thời hướng dẫn bà làm quen với đường kim, mũi chỉ để tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, của làng Quất Động. Bà Khương tâm sự: “Người khỏe mạnh, lành lặn, vừa học văn hóa, vừa học thành thạo nghề thêu đã khó; với người khuyết tật, điều đó còn khó gấp bội phần. Cho nên mỗi ngày tôi đều tự nhủ mình phải gắng gỏi, nỗ lực hơn”.

Học xong cấp II thì cha mất, bà Khương chọn đi theo nghề thêu truyền thống của làng. Vừa thêu “hàng chợ” để trang trải cuộc sống, bà vừa mày mò học thêu tranh mỹ thuật. Yêu nghề, nghề chẳng phụ, 30 tuổi, bà chuyển vai trò từ người “thợ thêu thuê” sang người “tự sáng tạo ra những bức thêu để bán”.

Trong 6 anh chị em trong gia đình, bà Khương thiệt thòi nhất, nhưng lại trở thành người duy trì và phát triển nghề thêu thành công nhất.

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tranh thêu của bà được chọn trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long và tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Tranh thêu của bà cũng được tôn vinh là một trong những “Tác phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam”.

Năm 2015, bà Khương là người duy nhất của làng thêu Quất Động nói riêng và nghề thêu truyền thống ở Hà Nội nói chung được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu nghệ nhân. Năm 2019, bà giành giải Nhì cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội”. Năm 2020 bà lại giành giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo sản phẩm bền vững làng nghề Việt Nam”. Đầu năm 2024, bà là 1 trong 2 nghệ nhân thêu của TP Hà Nội có tên trong danh sách của Bộ Công Thương trình hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Học viên mới (bìa phải) được bà Hoàng Thị Khương (thứ ba từ phải qua) hướng dẫn học thêu - ẢNH: K.H.
Học viên mới (bìa phải) được bà Hoàng Thị Khương (thứ ba từ phải qua) hướng dẫn học thêu - Ảnh: K.H.

Bền bỉ truyền cảm hứng

Năm 2004, một tổ chức phi chính phủ biết đến câu chuyện đặc biệt của bà Hoàng Thị Khương nên đã mời bà dạy thêu cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, bà tiếp tục được mời dạy thêu cho những người nghèo, trẻ mồ côi ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Quảng Ninh…

Đến nay, chỉ tính riêng hơn 10 lớp thêu do bà kết hợp với Phòng kinh tế huyện Thường Tín, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức đã có hơn 300 người được bà hướng dẫn, dạy nghề thêu. Trường hợp khá đặc biệt là cháu Mai Khuê, bị khuyết tật ngôn ngữ, cũng được mẹ đưa đón từ huyện Thanh Trì đến nhà bà Khương ở huyện Thường Tín để học thêu vào mỗi kỳ nghỉ hè.

Bà Khương chia sẻ: “Đồng cảnh nên tôi hiểu người khuyết tật rất tự ti, mặc cảm, dễ tổn thương. Bởi thế phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận và kiên trì với từng học viên trong từng đường kim, mũi chỉ. Có được sự đồng cảm từ trái tim mới có sự đồng điệu trong sản phẩm”. Với Mai Khuê, nhờ sự chỉ bảo, sẻ chia, động viên của bà Khương cùng các cô bác thợ thêu, cháu đã dần yêu thích nghề thêu, ngôn ngữ cũng có sự tiến bộ.

Vào năm 2013, được bạn bè, người thân động viên, anh chị em trong gia đình hỗ trợ vốn, bà Khương đã thành lập Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương. Hơn 10 năm hoạt động, đã có 26 lao động là người khuyết tật trong xã Quất Động được tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức lương trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Nắn nót đôi tay trên khung thêu, chị Nguyễn Thị Hoa kể: “Chúng tôi được dạy nghề ngay tại công ty, lương được trả theo sản phẩm. Bà Khương vẫn thường xuyên tìm thông tin các dự án để người khuyết tật khắp nơi được tài trợ học nghề. Nghề thêu đặc biệt phù hợp với chị em khuyết tật vận động như chúng tôi. Từ ngày thạo nghề, có thu nhập ổn định, tôi đã tự tin và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều, không còn phải lo mình sẽ là gánh nặng cho gia đình như trước nữa”.

Bà Khương bảo: “Mục tiêu hoạt động của chúng tôi là hỗ trợ được nhiều nhất có thể cho người lao động khuyết tật, như điểm tựa để họ có thể tự tin sống bằng năng lực của mình và bước ra xã hội. Mấy chục năm qua, tôi luôn động viên mình phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ với mong muốn chứng minh cho mọi người, đặc biệt là cộng đồng người khuyết tật, thấy được rằng: nếu nỗ lực, người khuyết tật hoàn toàn có thể làm tốt nhiều phần việc như người bình thường”.

Từ những nỗ lực, cống hiến vì cộng đồng của bà, người khuyết tật huyện Thường Tín đã tín nhiệm, bầu bà giữ vị trí Chủ tịch Hội Người khuyết tật từ năm 2016 đến nay. Đôi chân khiếm khuyết của người phụ nữ thôn quê ấy không chỉ vượt khỏi lũy tre làng, truyền cảm hứng cho người đồng cảnh mà còn đại diện cho ý chí, nghị lực của người khuyết tật Việt Nam bước đến nhiều sự kiện quốc tế.

Năm 2011, bà được mời sang thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tham dự cuộc thi tay nghề dành cho những nghệ nhân là người khuyết tật (Inter Abilympics 2011) và ở “đấu trường” này bà đã giành giải Nhất.

Năm 2019, SAMBHAV (một diễn đàn quốc tế lớn nhằm tôn vinh các nghệ sĩ khuyết tật) mời nghệ nhân Hoàng Thị Khương sang thủ đô New Delhi của Ấn Độ tham gia chuỗi hoạt động. Tại đây, bà đã được trao tặng biểu trưng cho các tác phẩm tranh thêu tay xuất sắc.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI