Nữ luật sư mang dép kẹp

07/09/2020 - 07:19

PNO - Mới chiều hôm trước, ở “chốn công đường”, bà mặc áo vest đen, thắt cravat, hùng hồn và đanh thép luận tội kẻ ấu dâm. Vậy mà sáng hôm sau, bà lại hồn hậu trong váy đầm, dép kẹp, phóng xe máy đưa tôi về Bình Chánh để tìm hiểu một vụ việc khác. Lúc ấy, tôi không nghĩ bà đã xấp xỉ tuổi 60.

Cách đây hơn 6 năm, lần đầu tiên cùng với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đi xác minh vụ một cháu bé bị xâm hại ở Q.8, tôi không nén nổi ngạc nhiên. Mới chiều hôm trước, ở “chốn công đường”, bà mặc áo vest đen, thắt cravat, hùng hồn và đanh thép luận tội kẻ ấu dâm. Vậy mà sáng hôm sau, bà lại hồn hậu trong váy đầm, dép kẹp, phóng xe máy đưa tôi về Bình Chánh để tìm hiểu một vụ việc khác. Lúc ấy, tôi không nghĩ bà đã xấp xỉ tuổi 60.

“Lá chắn thép” bảo vệ trẻ em

Sau hai kỳ án của năm đó, tôi đã gắn bó với bà khắp các hang cùng ngõ hẻm ở TP.HCM và những miền quê xa xôi trong hành trình bảo vệ công lý cho những đứa trẻ. “Luật sư Nữ không nhận thì thôi, chứ đã nhận thì dù khó khăn cỡ nào bà vẫn kiên trì đi đến cùng sự thật” - luật sư Nguyễn Kim Loan - cộng tác viên tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM - nhận xét.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ vào bệnh viện thăm cháu bé bị cha ruột đánh gãy xương

Quả thật, với các vụ việc, đặc biệt là những vụ án liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, khi đã nhập cuộc, luật sư Nữ chẳng kiêng dè bất cứ thứ gì ngoài sự thật. Rất nhiều kỳ án gắn với tên tuổi của bà như vụ bé gái bị gã râu xồm xâm hại mang thai, vụ nam nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội dâm ô hàng loạt bé gái, vụ cháu bé bị đánh thương tật 15% nhưng giám định chỉ còn 5%, vụ bé gái 14 tuổi giám định thành 17 tuổi… Đó là những vụ việc oan khuất điển hình, kéo dài, nạn nhân và gia đình dường như đã bất lực. Nhưng may thay, họ đã gặp được nữ luật sư và tất cả những bất công ấy đã bị vạch trần.

Chị T., mẹ bé gái trong vụ “14 tuổi giám định thành 17 tuổi” nói: “Nếu không có luật sư Nữ, tôi không còn tin vào công lý nữa”. Và ngày 27/8 vừa qua, sau 7 tháng nữ luật sư vào cuộc, chạy ngược chạy xuôi, vụ án được phơi bày trước ánh sáng, kẻ phạm tội phải lãnh 42 tháng tù giam. 

Cái đầu lạnh của một trái tim ấm áp

Nhắc đến luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nhiều người e ngại về cái sự thẳng tính của bà. Quả thật, trong tất cả những buổi làm việc, những diễn đàn có liên quan đến vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, dù ở cấp nào bà cũng luôn thẳng thắn. 

Khi Luật Trẻ em 2016 hãy còn là dự thảo, trong những lần lấy ý kiến, bà đã chỉ ra bao điểm còn “hở”. Tôi hỏi, bà có tin ý kiến của mình được tiếp thu? Bà trả lời: “Chắc chắn phải tiếp thu chỉnh sửa”. Hơn một năm sau, Luật Trẻ em ra đời, nhiều góp ý tâm huyết của bà cùng các cộng sự đã được tiếp thu, chỉnh sửa thật. Bà nói, không làm thì thôi, đã làm thì cái đầu phải lạnh, phải tỉnh, cho dù trái tim có nóng nảy yêu thương đến cỡ nào.

Cái đầu lạnh ấy đã sáng suốt phát hiện biết bao điểm bất thường trong hồ sơ của những vụ án xâm hại trẻ em. Có lần tại tòa, bà phát hiện ra dấu hiệu của một tội ác khác từ một clip tự quay của kẻ xâm hại. Nghi vấn của bà khiến chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng.

Bà từng có 20 năm làm kế toán trước khi chuyển sang làm luật sư nên rất nhanh nhạy với các con số và các mốc thời gian. Sự nhạy bén ấy giúp bà có những phán đoán rất chính xác khi đọc hồ sơ tố tụng, đặc biệt là tính toán tuổi của nạn nhân và xác định “tội phạm”. Thế nhưng bà không vận dụng pháp luật một cách khô cứng mà là cả tình yêu thương con người. Tranh cãi quyết liệt, đanh thép ở tòa, nhưng không ít lần bà đã rơi nước mắt khi thấy công lý được thực thi để mở ra một chặng đường mới cho nạn nhân. 

Chẳng những bảo vệ miễn phí cho nạn nhân mà trong rất nhiều trường hợp bà không chút băn khoăn dốc tiền túi cho những phận đời khốn khó. Một lần, sau khi can thiệp lấy lại được đất đai gia tộc, thân chủ “tạ ơn” bà 50 triệu đồng. Nhận tiền, bà lại chuyển hết cho Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em mang đi xây nhà tình thương cho một người nghèo ở Bình Thuận. Ngày bàn giao nhà, bà lại móc thêm tiền túi để mua quà tặng. 

Mang nợ cuộc đời nên trả bằng tri thức, lương tâm

Có thể nói, tôi đã may mắn khi được song hành cùng bà trong 6 năm qua để khám phá sự linh hoạt ở một nữ luật sư được mệnh danh “lá chắn thép” bảo vệ trẻ em. Ít ai biết rằng trong cốp xe máy của con người bình dân mang dép kẹp, có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, lại luôn có sẵn đôi giày và bộ quần áo đủ tươm tất để vào chốn công đường và đến những nơi cần phải tươm tất.

Công việc của bà luôn đầy ắp. Có ngày, 6g sáng bà đã có mặt ở quán cà phê để tư vấn cho một phụ nữ bị chồng cũ bắt mất con khi đứa trẻ mới 2 tháng tuổi. Đến 8g, bà tươi cười để truyền thông về pháp luật. 13g30 bà lại chạy xe đến trại giam Chí Hòa để trợ giúp một cháu bé bị xâm hại tình dục… Công việc dường như cứ cuốn lấy bà.

Nghe tin cậu bé bị mẹ ruột đánh trong đêm mùng Sáu Tết, sáng mùng Bảy bà tìm đến Bình Dương để trợ giúp pháp lý cho người thân của bé
Nghe tin cậu bé bị mẹ ruột đánh trong đêm mùng Sáu Tết, sáng mùng Bảy bà tìm đến Bình Dương để trợ giúp pháp lý cho người thân của bé

27 Tết năm 2017, bà vẫn còn tham gia can thiệp vào vụ giao cấu với trẻ em có dấu hiệu bị chìm xuồng. Năm sau, 2018, 28 Tết bà còn ngồi ghi chép chứng cứ để giúp một phụ nữ giành quyền nuôi con. 29 Tết 2019, bà gọi rủ tôi cùng “vào cuộc” vụ bé gái 3 tuổi bị xâm hại. Đến Tết 2020, lịch tham gia bảo vệ trẻ em bị xâm hại của bà tại Tòa án nhân dân TP.HCM phiên cuối cùng vào ngày 16/1, tức 22 tháng Chạp. Nhưng đến 27 Tết, bà lại cùng chị em đi sắm quà để thăm những đứa trẻ bị xâm hại. Sau đó lại cùng bạn bè về Bến Tre trao tặng cầu giao thông nông thôn… Mồng Bốn Tết, bà lại bắt đầu một năm “hành thiện” với vụ giám định tuổi một bé gái đã… có tuổi rõ ràng.

Đề cập đến chuyện bà “mang nợ” với trẻ em, mắt bà ngân ngấn nước: “Tôi may mắn có công việc, có tri thức, có gia đình con cái hạnh phúc nên san sẻ cho đời. Làm thì nhiều, thành công cũng nhiều, nhưng vẫn còn đó những vụ việc chưa rõ ràng. Tôi còn nợ hai bà cháu ở Q.8, chị Muôn ở Q.10 những câu trả lời. Trong phiên tòa mới đây mà tôi tham gia bảo vệ cho bị hại cũng chưa được tuyên án, kẻ thủ ác vẫn còn chưa bị xem là tội phạm trong khi tổn thương của đứa trẻ vẫn chưa lành”. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ sinh ngày 11/7/1956, quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Hiện bà là Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt kiêm giảng viên đại học. 

Từ năm 2014, khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM được thành lập, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em. Từ đó, cùng với 10 cộng sự, bà đã tham gia công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa. Bằng kiến thức pháp luật và tâm huyết, bà và các cộng sự đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 22 vụ đã xét xử thành công, 19 vụ vẫn đang được tiếp tục. 

Thông qua đường dây nóng 18009069, bà đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 48 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, chủ động phối hợp với Hội LHPN TP.HCM và Hội Phụ nữ các địa phương thực hiện quy trình bảo vệ trẻ em và phụ nữ. Ngoài ra, bà còn giúp đỡ 50 trường hợp trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi làm giấy khai sinh; hỗ trợ gia đình các nạn nhân phương tiện làm ăn, sửa chữa nhà ở, trợ giúp học bổng… 

Không chỉ tham gia trực tiếp và bào chữa cho các vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Nữ và các cộng sự đã thực hiện được khoảng 61 phiên tòa giả định về bạo lực học đường, phòng - chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng - chống ma túy, phòng - chống tai nạn giao thông… tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. 

Hạnh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI