Nữ lao động Việt ở Nhật Bản trước áp lực phá thai hay nghỉ việc

05/12/2018 - 14:00

PNO - Cô gái 22 tuổi, người Việt Nam (không cung cấp danh tính), đối mặt với lựa chọn nghiệt ngã: phá thai để tiếp tục làm việc, kiếm tiền trả nợ cho gia đình hay chấm dứt lao động thử việc ở Nhật Bản.

Nu lao dong Viet o Nhat Ban truoc ap luc pha thai hay nghi viec
Nhiều nữ lao động Việt Nam đang thực tập ở Nhật Bản lâm vào khủng hoảng tinh thần khi bị ép phải phá thai hoặc về nước.

Cô đã chọn bỏ việc và hiện đang tạm nương tựa một nhóm hoạt động bảo vệ quyền con người ở Tokyo, tá túc tại nơi dành cho những người yếu thế, đang cần hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng. 

Cô gái trên là công nhân một nhà máy giấy ở phía Tây Nhật Bản, thông qua Chương trình huấn luyện thực tập kỹ thuật (còn được hiểu là lao động thử việc), do Chính phủ Nhật Bản quản lý. Cô biết mình mang thai chỉ một tháng sau khi làm việc tại nhà máy này. Quản đốc nhà máy đã đề cập trực tiếp với cô: “Phá thai đi hoặc tôi sẽ gửi cô về Việt Nam”. Cô gái rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, vì chẳng thể bỏ con, nhưng cũng không biết phải làm thế nào mới đúng. Gia đình cô còn vướng món nợ rất lớn - số tiền mẹ cô đã vay mượn để trị bệnh. Bà của cô thì mượn người quen gần 9.000 USD để chi trả thủ tục giúp cô qua Nhật Bản.

Cô phải “cầu cứu” chị Maria Lan (55 tuổi) - một phụ nữ gốc Việt đang hoạt động trong một mạng lưới hỗ trợ cộng đồng. Chị Maria Lan đã kết nối cô với Liên đoàn Lao động Zentouitsu, nhờ họ sắp xếp cho cô một chỗ ở tạm thời. Đối với công nhân người Việt lao động thử việc ở Nhật, việc biết đến những cá nhân giúp kết nối là điều vô cùng quan trọng. Chị Maria Lan cho biết, chị liên tục nhận được email, điện thoại từ những lao động Việt Nam nhờ giúp đỡ. Trong số đó, có nhiều trường hợp bức bí đến mức chỉ muốn chết, vì đã bị đẩy đến đường cùng.

Việc quy định người lao động không được phép mang thai thật ra chỉ xuất hiện trong bảng cam kết khi họ ở giai đoạn “tiền huấn luyện”. Cụ thể, người lao động không được yêu đương, không được đến thăm phòng của bạn khác phái. Quy định trên không hề có trong hợp đồng. Tuy nhiên, những nhà tuyển dụng đã biến báo bằng cách chèn thêm đoạn bổ sung: “không được buông lỏng, không được mất tập trung trong 3 năm tiếp theo”. Đây chính là chi tiết tạo nên quy định gây khó với lao động nữ.

Các công ty đều muốn người lao động làm việc với năng suất tối đa. Lao động nữ mang thai đương nhiên sẽ giảm năng suất. Những công ty này không có chế độ thai sản hay bất cứ chế độ nào cho nữ lao động mang thai. Vì thế, họ phủi bỏ mọi cố gắng của nữ lao động khi biết họ chuẩn bị làm mẹ. Phía công ty thấy mình không sai khi gây sức ép với nữ lao động. Nữ lao động muốn có con phải chấp nhận việc trở về nhà và bị phạt. 

Quận Minato ở Tokyo nổi tiếng với ngôi chùa Nisshinkutsu - nơi thực hiện nghi thức tang lễ cho nhiều du học sinh cũng như thực tập sinh người Việt chết ở Nhật Bản. Từ năm 2012 đến tháng Bảy năm nay, ngôi chùa này đã ghi nhận 101 trường hợp qua đời, trong đó có 24 trường hợp là trẻ chết trong bụng mẹ hoặc trẻ chưa thành hình đã bị phá bỏ. Một sư cô cho biết: “Rất nhiều phụ nữ suy sụp tinh thần sau tổn thương tâm lý vì phải chối bỏ con, xem đó là lựa chọn duy nhất nếu muốn tồn tại ở Nhật Bản”.

Theo luật sư Shoichi Ibusuki - chuyên hỗ trợ các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động tại Nhật Bản, đây rõ ràng là hành vi xâm phạm quyền con người khi cấm lao động nữ có quan hệ tình cảm và mang thai. Người lao động chẳng khác gì món hàng, vật dụng, mọi hành động đều phải theo ý của chủ.

Trong một cuộc họp ở Thượng viện Nhật tháng 11/2016, đại diện Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng cho rằng, việc các công ty chèn ép lao động nữ bằng cách cấm họ tự do yêu đương, mang thai là hành vi trái pháp luật”. Tuy nhiên, “luật” này, đến nay vẫn ngấm ngầm tồn tại ở các nhà máy, công xưởng Nhật. 

Thiên Như (theo Asahi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI