Nữ lãnh đạo đầu tiên của WHO ở châu Phi giúp châu lục chống “cơn bão” COVID-19

10/03/2022 - 17:17

PNO - Tiến sĩ Matshidiso Moeti không chỉ gây ấn tượng với việc xóa bỏ sự bất bình đẳng giới mà còn nhận được sự ngưỡng mộ. Bà đã giúp châu Phi từng bước khống chế và vượt qua những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Nội lực tiềm ẩn

Với vẻ ngoài đầy đặn, Tiến sĩ Matshidiso Moeti (67 tuổi) là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí Giám đốc WHO khu vực châu Phi. Bà đã vượt qua những định kiến phân biệt đối xử ở Nam Phi để trở thành một trong những nhà quản lý y tế hàng đầu thế giới.

Với tư cách là người đứng đầu WHO khu vực châu Phi, bà Moeti đã khởi xướng các chương trình ứng phó khẩn cấp các cuộc khủng hoảng y tế ở 47 trong số 54 quốc gia của lục địa này và đề xuất các chính sách để tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti là nữ lãnh đạo đầu tiên của WHO ở châu Phi giúp châu lục chống “cơn bão” COVID-19.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti là nữ lãnh đạo đầu tiên của WHO ở châu Phi giúp châu lục chống “cơn bão” COVID-19.

Từ năm 2020, khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tiến sĩ Moeti còn đối mặt với nhiều thách thức cá nhân và chuyên môn khó nhằn nhất: giúp châu Phi ứng phó với đại dịch COVID-19 khi châu lục này theo sau phần còn lại của thế giới trong các nỗ lực xét nghiệm và tiêm chủng.

Dù đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế cộng đồng nhưng việc chống đỡ trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 chưa bao giờ là dễ dàng với bà: “Khó khăn thực sự nằm ở việc tìm hiểu về loại virus mới này, thích ứng nhanh chóng và giúp đỡ các quốc gia”.

Không dừng lại ở đó, bà còn trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi và hỗ trợ người dân châu Phi, nhất là phụ nữ - những người bị COVID-19 tác động nặng nề nhất về nhiều mặt. Với bà Moeti việc là một phụ nữ châu Phi vừa là sức mạnh, vừa là trở ngại trên một lục địa nơi mà phần lớn xã hội vẫn còn bị thống trị bởi chế độ phụ hệ.

“Tôi chắc chắn đang cố gắng hết sức không chỉ với tư cách là một kỹ thuật viên, một nhà quản lý và một nhà lãnh đạo, mà còn với tư cách là một phụ nữ từ châu lục” - bà Moeti nói với Associated Press.

Xóa bỏ bất bình đẳng giới và những cải tiến

Với quyết tâm và nỗ lực không biết mệt mỏi, bà Moeti đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo các ứng viên nữ xin việc được coi trọng như nam giới. Điển hình tại văn phòng WHO ở châu Phi hiện tại, tỉ lệ nhân viên nam và nữ đều có sự ngang bằng, cải thiện hơn so với thời điểm trước đó khi sự chênh lệch nghiêng hẳn về phái mạnh.

Bà Moeti nỗ lực thúc đẩy xóa bỏ sự bất bình đẳng giới.
Bà Moeti nỗ lực thúc đẩy xóa bỏ sự bất bình đẳng giới

Một trong những phụ tá của bà Moeti, Tiến sĩ Mary Stephens, nói với Associated Press rằng sự thành công của bà Moeti đã truyền động lực và có ý nghĩa rất lớn thôi thúc cô và phụ nữ trên toàn lục địa nói chung, nơi phụ nữ theo truyền thống và lịch sử thường đứng phía sau nam giới, bức phá khỏi vòng an toàn của mình.

Ở châu Phi, phụ nữ thường chịu đựng nhiều bất công và gặp không ít khó khăn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 như tỉ lệ tiêm chủng thấp, bất ổn kinh tế, tỉ lệ mang thai gia tăng, các vấn đề chăm sóc sức khỏe, vấn nạn bạo lực trong gia đình và cơ sở giới.

Đại dịch cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới hiện có trong các lĩnh vực, phụ nữ chiếm 70% lực lượng y tế và nhân viên xã hội ở châu Phi nhưng 85% lực lượng đặc nhiệm quốc gia do nam giới lãnh đạo.

Nhận thức rõ những bất cập này, bà Moeti đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này và đưa nó trở thành nhiệm vụ thiết yếu trong nhiệm kì của mình. Bà cho rằng để giúp những người phụ nữ thoát khỏi bóng đen của đại dịch thì cần  phải tiếp cận họ bằng các chiến dịch nâng cao nhận thức và hỗ trợ kinh tế.

Châu Phi đã báo cáo tỉ lệ các trường hợp mắc COVID-19 thấp hơn so với phần còn lại của thế giới nhưng con số này có thể không phản ánh đúng thực tế do khu vực có mức độ xét nghiệm khá hạn chế. Các quốc gia đã phải vật lộn để chữa trị cho hàng triệu bệnh nhân và khó khăn khi tỉ lệ tiêm chủng thấp với chỉ hơn 13% trong tổng số 1,3 tỷ người của lục địa được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 3. Con số này thua xa tỉ lệ chủng ngừa trung bình toàn cầu là 56,6%, theo Our World in Data.

Trưởng thành nhờ nền tảng giáo dục tốt

Với lịch làm việc dày đặc, Tiến sĩ Matshidiso Moeti sống trong một căn nhà nhỏ, cách văn phòng của bà khoảng vài mét. Trên bàn làm việc rộng rãi của bà luôn được sắp xếp gọn gàng với các biểu ngữ của Liên Hiệp Quốc và WHO ở phía sau.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti tập thể dục vào cuối ngày làm việc tại nhà riêng ở Brazzaville, Congo
Tiến sĩ Matshidiso Moeti tập thể dục vào cuối ngày tại nhà riêng ở Brazzaville, Congo

Bà Moeti được nhận xét có tính cách ôn hòa, ấm áp với các đồng nghiệp và hiếm khi chia sẻ về gia đình nhưng với bà đó luôn là nơi nương tựa của bản thân những lúc khó khăn nhất. Sau hơn 2 năm làm việc liên tục để phòng chống dịch COVID-19, chỉ đến gần đây bà Moeti mới có thời gian cho chính mình như nghe nhạc jazz, đạp xe, chăm sóc vườn rau trong sân nhà.

Tiến sĩ tâm sự chính mẹ và bà ngoại đã giúp bà đạt được thành công như bây giờ. Được biết, mẹ của bà Moeti là một bác sĩ, vất vả nuôi dạy bảy cô con gái trong xã hội Nam Phi có vẻ ưu ái hơn trong việc giáo dục con trai. Bà Moeti nói về mẹ của mình như một anh hùng "một kiểu phụ nữ rất kiên định".

Bà Moeti tâm sự bản thân nhận được đặc ân lớn lên khi sinh ra trong một gia đình coi trọng giáo dục. Khi bà còn trẻ, sinh sống ở Nam Phi còn có nhiều nghi kị và sự phân biệt chủng tộc nên phải đến Swaziland (nước láng giềng Nam Phi) để đi học, đối mặt với sự giám sát gắt gao tại biên giới. Cha mẹ bà đã phải chuyển cả gia đình đến Botswana, nơi các con có thể có được nền giáo dục tốt hơn, không phân biệt chủng tộc.

Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI