Giấc mơ thanh xuân (bài cuối)

Nữ hoàng tốc độ Tú Chinh: Thanh xuân ấy là cả cuộc đời

17/03/2022 - 05:19

PNO - Lê Tú Chinh đang ở cột mốc 24 tuổi - tuổi đẹp nhất để nói về những khát vọng, mộng mơ của người trẻ. Lẽ dĩ nhiên, Tú Chinh cũng có ước mơ cho riêng mình, nhưng trong niềm riêng là lý tưởng chung, khát vọng chung mang tên thể thao Việt Nam.

Vận động viên Lê Tú Chinh trong một buổi tập luyện ở Trung tâm Thể dục Thể thao quận 8, TP.HCM - ẢNH: TAM NGUYÊN
Vận động viên Lê Tú Chinh trong một buổi tập luyện ở Trung tâm Thể dục Thể thao quận 8, TPHCM - Ảnh Tam Nguyên 

Phía sau đường chạy là ánh mắt của ba

Tú Chinh thiếu vắng tình thương của mẹ từ năm lên sáu. Năm ấy, người phụ nữ bạc mệnh qua đời trong niềm thương xót của chồng và ba cô con gái nhỏ. Tú Chinh là con út, bé nhất nhà nhưng đủ hiểu những đớn đau mà ba và cả gia đình đang trải qua. Năm tháng trôi đi, bốn cha con nương tựa vào nhau và nhờ cậy tình thương của họ hàng, làng xóm mà dần quen với sự thiếu vắng hình ảnh người mẹ trong gia đình. Tú Chinh thương ba nhiều và ông cũng thương cô con gái nhỏ sớm mồ côi mẹ.

Năm mười tuổi, khi đang là học sinh Trường tiểu học Tuy Lý Vương, quận 8, TPHCM, cô bé Tú Chinh được huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương phát hiện. Sau khi được động viên và luyện tập bước đầu, Tú Chinh gia nhập đội ngũ vận động viên điền kinh TPHCM, mở ra hành trình chinh phục những cuộc đua tốc độ sau này. Nhìn con gái miệt mài trên đường chạy, ba của Tú Chinh xót lòng. Ông nhiều lần khuyên ngăn, la rầy vì sợ con gái mê mải với cuộc đua tốc độ mà rời xa bục giảng, không có con chữ để bấu víu về sau. Thế rồi, một giao kèo vô hình được đặt ra giữa hai cha con: Nếu Tú Chinh muốn tập luyện, điểm học tập phải ổn, tức ở mức tiên tiến trở lên. Tú Chinh đâu ngờ rằng giao kèo ngày đó trở thành áp lực đeo đuổi cô mãi đến tận hôm nay.

“Những năm chuyển cấp là khoảng thời gian tôi vắt kiệt sức mình cho đường chạy. Đều đặn mỗi sáng tôi thức dậy lúc năm giờ, tập luyện hơn một tiếng, sau đó đến lớp. Đến chiều, tôi lại tập hoặc nếu chiều học thì tập từ chiều muộn đến tối. Ngày đó, ba muốn tôi học hành như bao bạn bè đồng trang lứa nên thay vì đăng ký vào trường dành riêng cho vận động viên để hưởng các chế độ ưu tiên, hỗ trợ tập luyện, tôi vẫn học ở trường ngoài, ngày ngày đến lớp” - Tú Chinh nói.

 

Trên mỗi đường đua, Tú Chinh luôn nỗ lực hết sức để vượt qua chính mình - ẢNH: NGUYỄN Á
Trên mỗi đường đua, Tú Chinh (số áo 613) luôn nỗ lực hết sức để vượt qua chính mình - Ảnh Nguyễn Á 

Thế nhưng đâu hẳn việc tập luyện, học tập không giống như các vận động viên còn lại, cả việc ăn uống của Tú Chinh cũng khác. Ngày vào đội tuyển, Tú Chinh được cấp suất cơm như các bạn trong đội nhưng về sau, Tú Chinh nhờ cô giáo báo với ban giám đốc để có thể nhận khoản tiền ăn đó mang về đưa cho ba và tự túc ăn ở nhà. Ngày ấy, số tiền Chinh mang về dẫu ít ỏi nhưng đủ giúp cải thiện bữa ăn của bốn cha con, đỡ đần trong nhiều giai đoạn khó khăn của gia đình.

“Nhà tôi khi đó khó khăn lắm nên tôi muốn mang tiền về để được ăn cơm cùng ba và các chị. Ba không biểu tôi phải phụ giúp nhưng thấy ba cực, chị em chúng tôi cũng muốn tìm cách đỡ đần ba. Sau này, khi các anh chị phóng viên hỏi về ba, tôi hay mủi lòng, dễ khóc. Tôi cũng không rõ vì sao, chắc vì ba thương chị em tôi nhiều, một mình ba làm lụng nuôi cả đàn con nên nhắc đến ông, tôi dễ xúc động”, Tú Chinh chia sẻ.

Ở Tú Chinh, người ta dễ thấy hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược mà khi sự đối lập càng rõ, ta càng thương mến và cảm phục cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Một Tú Chinh trong vai nữ vận động viên thuộc nhóm hàng đầu, vô cùng mạnh bạo, quyết liệt trên từng đường chạy từ trong nước ra đến quốc tế. Cũng là cô ấy, nhưng nếu gặp ở đời thường, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy Tú Chinh dịu dàng, thỏ thẻ chuyện trò, sống hướng nội và rưng rưng khi nhắc đến cha mình. 

Cô, trò và thanh xuân rực rỡ

Có nhiều bài tập của Tú Chinh được thực hiện giữa trời nắng chang chang. Trên người nữ vận động viên khi đó là hơn chục ký tạ mặc ở áo và mang vào chân để rèn thể lực. Cô gái vàng của thể thao Việt Nam còn nhiều bài tập khác (đi dưới nước, cử tạ, cử đẩy...) đòi hỏi sức lực, ý chí phải thật mạnh mẽ, vững vàng để không bỏ cuộc nửa chừng. 

Tại mỗi buổi tập luyện của Tú Chinh luôn có sự xuất hiện của cô giáo - huấn luyện viên Thanh Hương - ẢNH: NGUYỄN Á
Tại mỗi buổi tập luyện của Tú Chinh luôn có sự xuất hiện của cô giáo - huấn luyện viên Thanh Hương - Ảnh: Nguyễn Á 

Tú Chinh bộc bạch, có nhiều lần cô muốn từ giã đường chạy vì nhiều lý do, từ chuyện chung đến chuyện riêng khiến bản thân nản chí. Đã có lúc, ý định từ giã được nói ra thành lời. Vậy nhưng mỗi lần Tú Chinh yếu lòng, chùn bước như thế thì phía sau, cô giáo - huấn luyện viên Thanh Hương, một trong những đại diện tiêu biểu của điền kinh Việt Nam, lại vực Tú Chinh dậy và đẩy cô về phía trước.

Gần 15 năm qua kể từ ngày phát hiện ra Tú Chinh, cựu vận động viên Thanh Hương luôn bên cạnh, không ngừng rèn luyện, truyền động lực để Tú Chinh chinh phục thành công các đỉnh cao. Với Tú Chinh, cô giáo vừa là người hướng dẫn vừa mang dáng dấp một người mẹ tận tụy chăm sóc cho con; vừa là bạn; vừa là quân sư để giải đáp gần như mọi thắc mắc trong cuộc đời. 

“Cô thương tôi nhiều lắm. Cô lo lắng cho tôi suốt mười mấy năm qua. Nếu không có cô, chắc chắn không có tôi của hôm nay. Cô là người giải đáp cho tôi nhiều chuyện, cả những điều tôi không biết chia sẻ cùng ai. Thật lòng, tôi còn xuất hiện trên đường chạy là vì được cô tiếp sức, động viên dù đã có lần, tôi chỉ muốn dừng lại cuộc đua này, tìm một công việc ổn định hơn”, Tú Chinh trải lòng.

Còn từ phía huấn luyện viên Thanh Hương, Tú Chinh là người nối nghiệp, là hạt giống bé nhỏ mà cách đây 15 năm cô đã phát hiện và vun trồng. Trong hình ảnh Tú Chinh hôm nay có bóng dáng của vận động viên điền kinh Thanh Hương - nữ thần “xé gió” của thể thao Việt Nam nhiều năm trước. Một sự trao truyền giữa hai thế hệ được vun đắp không chỉ bởi niềm đam mê dành cho thể thao mà còn khởi phát từ thứ tình cảm dung dị, ấm áp tựa gia đình, có bóng dáng của tình thân.

“Trong thời gian tập luyện, Tú Chinh trải qua một số sự cố chấn thương, thời điểm khó khăn rơi vào năm chuyển cấp từ lớp Chín lên Mười. Lúc đó, Chinh phải tập luyện liên tục nhưng vẫn đảm bảo việc học. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của hai cô trò cũng là kỳ Hội khỏe Phù Đổng của năm chuyển cấp này. Trong lúc tập luyện, Chinh té gãy tay, phải băng bó, nhưng vì sắp thi đấu nên không được dừng tập luyện. Thấy Chinh đau, tôi rất thương và vô cùng lo lắng cho em. Chinh lành bệnh trước thời điểm hội thi diễn ra và kỳ tích đã xuất hiện khi Chinh nhận được ba huy chương vàng ở hạng mục 100m, 200m và chạy tiếp sức 4 x 100m nữ. Chinh siêng năng, chịu khó, khá ít nói nhưng bài tập nào cũng tuân theo và nỗ lực mỗi ngày”, huấn luyện viên Thanh Hương kể.

Vì từng là vận động viên rèn luyện dưới cường độ và áp lực cao như Tú Chinh hiện tại nên huấn luyện viên Thanh Hương hiểu được những điều học trò mình đang trải qua. Có những điều cô giáo có thể tháo gỡ, giúp đỡ nhưng cũng có nhiều chuyện, chính vận động viên Thanh Hương năm nào cũng phải đối diện, chấp nhận. Thế nên ngoài sự sẻ chia, động viên, cũng khó có giải pháp giúp Tú Chinh hóa giải một số nỗi lo cô học trò nhỏ vẫn canh cánh trong lòng.

“Tôi là vận động viên của đội tuyển thể thao TPHCM, sống ở quận 8, TPHCM. Chinh giống tôi hoàn toàn về nơi ở. Tôi là người nối tiếp vận động viên Trương Hoàng Mỹ Linh sau thời kỳ đỉnh cao, tôi vô địch nội dung chạy 100m, 200m. 16 năm sau thành tích của tôi, Chinh lặp lại và giành thêm huy chương vàng ở nội dung chạy đội hình tiếp sức. Vì giống nhau nên lúc nhìn Chinh tập luyện, thi đấu, tôi như gặp lại mình của nhiều năm về trước. Cả những chuyện buồn vui một vận động viên nữ phải đối mặt, tôi thấy thương Chinh vô cùng vì mình cũng từng như thế”, huấn luyện viên Thanh Hương nói thêm.

ẢNH: NGUYỄN Á
Ảnh: Nguyễn Á

Khi Quốc ca vang lên và nỗi buồn bay biến...

Tú Chinh đang ở khoảng thời gian tập trung cao độ cho kỳ SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam vào tháng Năm sắp tới. Ở kỳ thi đấu này, Tú Chinh đối diện với nhiều áp lực mà áp lực lớn nhất có lẽ là vận động viên nhập tịch gốc Mỹ của Philippines - Kristina Knott, từng giành huy chương vàng nội dung 200m và chỉ sau Tú Chinh 0,01 giây ở nội dung 100m tại SEA Games 2019, giữ vững thành tích hai năm liên tiếp. Kỳ SEA Games 31, Tú Chinh mong bảo vệ được chiếc huy chương vàng của mình và nếu may mắn, cô muốn phá kỷ lục của chính mình (11 giây 54).

Huấn luyện viên Thanh Hương liên tục cho Tú Chinh thực hiện nhiều bài tập thể lực nặng đô hơn bởi sau hai năm dịch bệnh, Tú Chinh không có nhiều cơ hội thi đấu, cọ xát với các đối thủ. Tú Chinh đang tập nâng các mức tạ lên tới 160 - 170kg, tập bật nhảy qua rào chắn cùng nhiều bài tập nặng do ban huấn luyện đề ra. 

Thức khuya, dậy sớm, trên đường tập chạy là mồ hôi nước mắt, có thể đối diện chấn thương bất cứ khi nào và lắm lúc là những ngày nhớ nhà da diết khi thi đấu, tập luyện ở xa... Tú Chinh nói bản thân đều từng trải qua một cách mạnh mẽ dù sự cô đơn, tủi thân cũng ghé qua không ít lần. Động lực để Tú Chinh vượt lên tất cả, ngoài cô giáo, gia đình, trách nhiệm với đội tuyển thể thao TPHCM và Việt Nam nói chung, chính là cảm giác tự hào khi biết bản thân là người chiến thắng.

“Khi biết mình là người chạy về đích đầu tiên và hai chữ Việt Nam vang lên, tôi vỡ òa hạnh phúc. Tôi biết mình đã chiến thắng chính mình, một lần nữa. Sau giây phút vui sướng ấy, khi bước lên bục cao nhất để nhận huy chương vàng, được nghe Quốc ca vang lên mà khắp nơi là vận động viên nước bạn, tôi tự hào vô cùng. Cảm giác đó đâu phải ai cũng có thể trải qua. Nó bù đắp cho tất cả mệt mỏi trên đường tập và cho tôi sức mạnh để bước tiếp”, Tú Chinh xúc động. 

Ở cột mốc hiện tại, Tú Chính đã nghĩ đến việc vài năm tới, cô sẽ từ giã sự nghiệp và chọn một công việc ổn định hơn để gắn bó. Tú Chinh sẽ không theo nghiệp huấn luyện của cô giáo mình, cô bảo bản thân không đủ sự nhẫn nại và kiên trì như cô giáo. Trong lời chia sẻ của Tú Chinh, có những nỗi lo lắng thường trực về câu chuyện sau khi tạm dừng sự nghiệp thể thao đỉnh cao, những cô gái vàng của Việt Nam, những nữ hoàng đường đua sẽ đi về đâu.

“Nếu không theo sự nghiệp thể thao, chắc bây giờ tôi đang là giáo viên tiếng Anh của một ngôi trường nhỏ nào đó. Tôi rất thích học ngoại ngữ nhưng thời gian và sự tập trung không có nhiều để duy trì liên tục. Tuy nhiên, tôi biết bản thân phải xác định nghiêm túc hơn về con đường sau này để có sự chuẩn bị sẵn sàng cả về mặt tâm lý và kiến thức. Tôi khá lo lắng nhưng trước mắt, tôi sẽ cố gắng hết mình cho mục tiêu SEA Games, sau đó là con đường riêng và tương lai của chính mình”, Tú Chinh bộc bạch.

Nữ hoàng đường đua Tú Chinh nói cô muốn biết tương lai của mình ở năm, mười năm nữa hoặc như cô giáo Thanh Hương, bước qua tuổi 50 và nhìn lại tất cả. Tú Chinh bảo sự nghiệp thể thao có những lúc chông chênh, muốn gục ngã nhưng cũng có những thời khắc rực rỡ, tỏa sáng trên đường chạy. Đó là hai thái cực cho thấy hai bức tranh đối lập rõ nét và khẳng định một điều rằng không có thành công nào được trải hoa hồng; rằng những vận động viên nữ dành thanh xuân để cống hiến cho thể thao nước nhà xứng đáng nhận được lời ngợi khen và ánh nhìn thấu hiểu.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI