"Nữ hoàng quét rác" Thái Lan gây bão trên TikTok

20/08/2023 - 06:38

PNO - Sơn móng tay, trang điểm đậm, nhảy múa trước ống kính smartphone rồi phát lên TikTok, cô gái làm nghề lao công đang gây chú ý đặc biệt tại Thái Lan.

Không ít khách qua đường ngạc nhiên trước hình ảnh cô gái trẻ trong bộ đồng phục công nhân môi trường đô thị hàng ngày “múa chổi” dọc theo vỉa hè những con phố bận rộn với đôi bàn tay có những chiếc móng được cắt tỉa cẩn thận cùng gương mặt trang điểm kỹ càng.

Cô Pattaramon Thocharoen, 27 tuổi, mới đây đã trở thành “nữ hoàng quét rác xinh đẹp nhất Thái Lan” - Ảnh: Tan Tam Mei /ST
Cô Pattaramon Thocharoen được cư dân mạng khen là “nữ hoàng quét rác xinh đẹp nhất Thái Lan” - Ảnh: Tan Tam Mei /ST

“Nữ hoàng quét rác" trên TikTok

Cô Pattaramon Thocharoen, 27 tuổi, mới đây đã trở thành “nữ hoàng quét rác xinh đẹp nhất Thái Lan” với hơn 300.000 người theo dõi trên TikTok.

“Nhiều người cười cợt, chế giễu tôi vì… dám trang điểm đẹp trong khi chỉ là người quét rác. Nhưng tôi không quá để tâm đến những lời đàm tiếu đó, bởi làm đẹp không chỉ là nhu cầu mà còn là quyền của tất cả phụ nữ” - người mẹ của 2 cậu con trai nhỏ nói với tờ The Straits Times.

Những đoạn clip ngắn của cô Pattaramon thu hút hàng chục triệu lượt xem trên TikTok thường có nội dung nhẹ nhàng, ghi lại những hình ảnh đời thường khi cô đang trong ca làm việc, hoặc những tình huống bất ngờ hài hước như khi cô loay hoay đi tìm cây chổi bị thất lạc, trang điểm đẹp và nhảy múa trước cổng một doanh trại quân đội…

“Chúng ta hoàn toàn có thể làm cho nghề nghiệp của mình trở nên thú vị và ý nghĩa… Tôi yêu công việc quét rác, và luôn tự hào vì đã đóng góp trực tiếp vào việc làm cho thành phố sạch đẹp hơn mỗi ngày” - cô Pattaramon chia sẻ. Cô cho biết thêm mình đang tiếp nối công việc của bố mẹ mình - vốn là công nhân công ty môi trường đô thị Bangkok hiện đã nghỉ hưu.

Sự tương phản giữa công việc quét rác, cọ rửa đường phố mỗi ngày và vẻ ngoài xinh đẹp quyến rũ của Pattaramon khiến cho lượng người theo dõi cô trên TikTok không ngừng tăng lên. Sự nổi tiếng này cũng mang lại cho cô khoản tiền không nhỏ - khoảng 50.000 baht (gần 35 triệu đồng)/tháng - nhờ những hoạt động tương tác trên TikTok như bán hàng, giới thiệu sản phẩm, đánh giá thương hiệu… trong khi lương chính thức từ công việc lao công chỉ 12.000 baht (khoảng 8 triệu đồng).

Những clip ngắn với hình ảnh đời thường của cô Pattaramon thu hút hàng chục triệu lượt view trên TikTok - Clip: ST

 Một xu hướng xã hội tích cực

Cô Pattaramon là trường hợp điển hình ở đất nước chùa vàng, tạo thành một trào lưu phổ biến: người dân với nghề nghiệp bình thường trở thành những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhờ sáng tạo nội dung bằng cách kể những câu chuyện thú vị từ công việc hàng ngày của mình. Đó có thể là một bác nông dân, tài xế lái xe bus, người thợ điện, bà nội trợ, nhân viên bảo vệ, giáo viên và công nhân nhà máy ở khắp các thành phố và vùng nông thôn của Thái Lan.

Theo tiến sĩ xã hội học Poiluang Konsongsaen, đây không phải là xu hướng riêng biệt chỉ xuất hiện ở Thái Lan mà đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Điều này có được nhờ khả năng tiếp cận internet và các thiết bị kỹ thuật số ngày càng trở nên dễ dàng hơn đi cùng với mức tăng trưởng đáng kể trong việc sử dụng mạng xã hội kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cách đây vài năm.

“Ngay cả cô giúp việc trong gia đình tôi cũng đang sở hữu một kênh TikTok với hàng ngàn người theo dõi. Cô ấy sử dụng smartphone để tạo ra nhiều video rồi chia sẻ lên mạng xã hội” - tiến sĩ Poiluang cho biết.

Một báo cáo mới đây đưa ra dữ kiện đáng chú ý: hơn 80% trong số 70 triệu người dân của Thái Lan thường xuyên sử dụng mạng xã hội, trong đó riêng nền tảng TikTok chiếm 41 triệu người dùng.

Nhà phân tích xã hội Daniel McFarlane giảng dạy tại trường nghiên cứu toàn cầu thuộc Đại học Thammasat (Thái Lan) cho biết, ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp lao động bình dân “đang góp phần phá vỡ các khuôn mẫu và định kiến áp đặt lên xã hội từ lâu nay”. Theo đó, những người có ảnh hưởng trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác thuộc tầng lớp lao động đang thúc đẩy một sự thay đổi quan trọng trong hệ sinh thái truyền thông.

“Xu hướng này đang cho thấy giá trị của việc mang lại tiếng nói cho người dân nông thôn, tầng lớp lao động cũng như các nhóm thiểu số bị thiệt thòi vốn bị gạt ra bên lề xã hội cũng như mặt trận truyền thông chính thống từ lâu nay” - giáo sư Daniel McFarlane nhận xét.

Các nhà phân tích truyền thông xã hội Thái Lan cho biết, qua mạng xã hội, những người như cô Pattaramon sẽ có cơ hội nói lên tiếng nói của mình cũng như thể hiện bản thân.

Ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp lao động bình dân ở Thái Lan lựa chọn mạng xã hội để nói lên tiếng nói của mình - Ảnh: Tan Tam Mei/ST
Ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp lao động bình dân ở Thái Lan lựa chọn mạng xã hội để nói lên tiếng nói của mình - Ảnh: Tan Tam Mei/ST

Còn với cá nhân cô Pattaramon, ngoài việc có thêm khoản thu nhập đáng kể từ mạng xã hội thì sự nổi tiếng trên mạng còn giúp cô tương tác và chia sẻ những câu chuyện tích cực với mọi người.

Nguyễn Thuận (theo The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI