Nữ họa sĩ Mộng Bích: "Cây đại thụ" ẩn dật của làng Na

05/10/2020 - 11:51

PNO - Bà Mộng Bích hiện sống trong một ngôi nhà nông thôn có không gian đầy hoài niệm và đậm chất văn hóa dân gian làng quê Bắc Bộ.

Không nhiều người biết, ở làng Na, H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có một nữ họa sĩ tranh lụa lão làng sinh sống ẩn dật. Bà là họa sĩ Nguyễn Thị Mộng Bích, sinh năm 1933, một trong những nữ họa sĩ vẽ tranh lụa theo lối cổ hiếm hoi còn sót lại của Việt Nam. Từ 22/10 - 22/11 tới đây, Đi giữa hai thế kỷ - triển lãm cá nhân đầu tiên trong hành trình dài hơn 60 năm của bà sẽ được tổ chức tại L’Espace, Hà Nội.

Họa sĩ Mộng Bích - một trong những nữ họa sĩ vẽ tranh lụa theo lối cổ hiếm hoi còn sót lại của Việt Nam
Họa sĩ Mộng Bích - một trong những nữ họa sĩ vẽ tranh lụa theo lối cổ hiếm hoi còn sót lại của Việt Nam

Ông trời se duyên bà Mộng Bích với một nghệ sĩ violon, nhưng lại bắt bà phải bôn ba, lăn lộn chăm chồng suốt nhiều năm. Ở rừng về, bà theo học khóa 2 năm 1956 Trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) cùng các bậc thầy hội họa như Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung. Thời chiến, không có nhiều phóng viên ảnh, nên các họa sĩ thường vẽ lại những gì đang xảy ra nơi chiến trường, những bức tranh thay thế cho ảnh phóng sự. 

Bà Mộng Bích đã đi qua những năm tháng đó, chứng kiến những cái chết thương tâm của phụ nữ, trẻ em và thanh niên xung phong… Lúc ấy, những bức ký họa trở thành thói quen của người họa sĩ. Trải nghiệm trong chiến tranh đã giúp con người trở thành rắn rỏi, bớt sự lãng mạn và quen với hiện thực khắc nghiệt hơn. 

Thế nhưng, trong các bản ký họa, phác thảo, tranh lụa của bà Mộng Bích, hình ảnh con người hiện lên vô cùng thân thương. Đặc biệt ở mảng chân dung những người đàn bà nhiều tuổi, những nếp gấp thời gian, cảm xúc trên khuôn mặt, đôi tay, đôi chân được vẽ cực kỳ tinh tế, trang phục tỉ mẩn đến từng chi tiết.

Những bức tranh lụa nổi tiếng của bà hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: Nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, Tĩnh vật, Ông già người Chăm, Em bé ngủ… Những bức chân dung danh họa Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn với chất liệu lụa được bà vẽ điêu luyện và có tính cách riêng, khiến cho các tác phẩm có giá trị bền vững với thời gian. Những nét vẽ quả chuối, quả bí, bắp ngô, lọ gốm, những em bé, hay tĩnh vật qua bàn tay bà đều hiện lên giản dị, chân phương, nhưng lột tả được sự mạnh mẽ của một người đã trải qua nhiều thăng trầm và thấu hiểu giá trị của sự tĩnh lặng.

Tranh bà Mộng Bích hầu như không màu mè rực rỡ, mà có độ trầm của dấu vết thời gian, khiến không gian trở nên xưa cũ, giản dị, nhưng là giản dị đỉnh cao, bởi sự sâu sắc ẩn ngầm bên trong. Bức họa Bà già vẽ một bà cụ ăn xin, khuôn mặt xương xương, đôi tay rụt rè, buồn tủi nhưng vẫn đầy tự trọng, bàn chân Giao Chỉ được khắc họa tinh tế, chiếc khăn mỏ quạ đội trên đầu, áo trong áo kép của các bà già miền Bắc. Tác phẩm từng đoạt giải nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993.

Tác phẩm Bà già
Tác phẩm Bà già

Bên cạnh những bức tranh lụa phản ánh giai đoạn sáng tác ở miền Bắc, bà Mộng Bích còn có những bức vẽ tuyệt đẹp mô tả cuộc sống và chân dung của những người dân tộc Chăm. Hiện bà còn giữ rất nhiều phác thảo ký họa mảng đề tài này, nhưng do thời gian và sức khỏe hạn chế nên chưa truyền tải lên được chất liệu lụa. Song, những kỷ niệm đẹp khiến bà luôn ao ước có đủ sức lực để làm một bộ sưu tập tranh về người Chăm và đàn bà, trẻ em vùng cao - nơi bà đã sống, làm việc hoặc có dịp đi thực tế. 

Bà Mộng Bích hiện sống trong một ngôi nhà nông thôn có không gian đầy hoài niệm và đậm chất văn hóa dân gian làng quê Bắc Bộ. Thi thoảng, bà đi chùa làng Na thắp hương cúng Phật. Con trai bà, kiến trúc sư Bùi Hoài Mai đã góp công phục dựng và thiết kế thêm chiếc cầu xinh xinh, khiến ngôi chùa trở thành một chốn thiền môn đầy nghệ thuật.

Xưởng gốm Hiên Vân do con trai và người cháu của bà đang tiếp tục tìm tòi những kỹ thuật và màu men cổ - cũng là nơi bà giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với con cháu và các đồng nghiệp trẻ. Những hoạt động này giúp bà luôn cập nhật cuộc sống hiện đại, và chia sẻ với lớp trẻ những trải nghiệm nghệ thuật của mình. 

Mắt đã mờ, chân đã chậm, xương cốt không cho phép bà ngồi lâu, nhưng bà vẫn miệt mài vẽ mỗi ngày. “Cây đại thụ lặng lẽ của nền mỹ thuật Việt Nam” (lời họa sĩ Đỗ Đức) vẫn còn hiện diện, chạm từng chủ thể để chuyển tải vào tác phẩm của mình - như một niềm hạnh phúc bền bỉ nhưng rực rỡ nơi làng quê trầm mặc. 

Codet Hà Nội

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI