Nữ hoạ sĩ được Bùi Xuân Phái, Phạm Duy tặng tranh, nhạc

17/04/2021 - 10:26

PNO - Hoạ sĩ Văn Dương Thành được hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ 300 bức tranh. Về sau, bà vẽ lại chân dung ông và nhiều nghệ sĩ khác của Việt Nam trong đó có Văn Cao, Phạm Duy, Vũ Thành An...

Triển lãm Kỷ niệm hương quê (Memories of home land) là chuyến trở về của nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành với Sài Gòn sau 10 năm xa cách. Lần trở về của bà ghi dấu nhiều điều đáng nhớ không chỉ với công chúng yêu hội hoạ mà bản thân Văn Dương Thành cũng được tái ngộ với vùng đất nhiều kỷ niệm. Sài Gòn là nơi bà gặp gỡ nhiều bè bạn, đồng nghiệp và có những mối duyên không thể nào quên trong cuộc đời.

Hoạ sĩ Văn Dương Thành có mối thân tình với nhiều nghệ sĩ Việt các thời kỳ.
Hoạ sĩ Văn Dương Thành có mối thân tình với nhiều nghệ sĩ Việt các thời kỳ

Phóng viên: Đối với hoạ sĩ Văn Dương Thành, đâu là những mảng đề tài chính được thể hiện trong tranh của bà?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Nội dung trên tranh của tôi thường xoanh quanh 3 mảng đề tài chính. Đầu tiên, tôi thích vẽ về thiên nhiên mà phần lớn liên quan đến cảnh trí quê nhà. Thứ 2, tôi có nhiều cảm hứng với tranh về kiến trúc. Thứ 3, tôi thích vẽ con người.

Ở đất nước nào, con người cũng là nhân vật trung tâm và mỗi nước đều có rất nhiều người vĩ đại. Tại Việt Nam, tôi chú ý đến giới văn nghệ sĩ vì chính tình yêu và thông điệp qua tác phẩm của họ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn.

* Trong triển lãm này, bà trưng bày 3 bức vẽ về 3 cây đại thụ của nghệ thuật Việt gồm Bùi Xuân Phái, Phạm Duy, Văn Cao và thêm 1 danh nhân hoà bình thế giới Mahatma Gandhi của Ấn Độ. Vì sao bà chọn họ để thể hiện?

- Những người tôi vẽ phần lớn là bạn bè rất thân, ngoại trừ danh nhân hoà bình thế giới Mahatma Gandhi, còn lại đều đã gặp gỡ, chuyện trò. Với nhạc sĩ Văn Cao, hai bác cháu rất thân nhau và các bức tranh đều gần như được vẽ trực tiếp.

Với nhạc sĩ Phạm Duy, chắc chẳng ai nghĩ chúng tôi thân thiết nhưng thật ra, mối quan hệ giữa cả hai nồng thắm. Nhạc sĩ Phạm Duy có sáng tác ca khúc Tình vẫn rong chơi dành tặng riêng cho tôi. Năm 1994, khi tôi tổ chức triển lãm tại Paris, bác Duy khi đó bay từ California (Mỹ) sang. Khi đến triển lãm, bác khóc và nói: “Khi tôi nhìn thấy hình ảnh góc phố Hà Nội, thấy phố Hàng Dầu, tôi như được trở về quê mẹ vì đây là nơi tôi được sinh ra”. Trong bức tranh tôi vẽ nhạc sĩ Phạm Duy, tôi đưa vào những hình ảnh gắn bó với cuộc đời của ông như đây là cây đa đối diện với ngôi nhà của nhạc sĩ. Đằng xa kia là tháp rùa Hà Nội. Tôi không vẽ đơn thuần chân dung mà trên tranh luôn có hình ảnh thân thuộc với nghệ sĩ và có câu chuyện đằng sau đó.

Bức tranh bà vẽ nhạc sĩ Văn Cao.
Bức tranh bà vẽ nhạc sĩ Văn Cao có tên Tiếng đàn Văn Cao

* Còn với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, người đã vẽ bà 300 bức tranh chân dung. Mối giao tình giữa cả hai có lẽ sâu nặng...

- Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là người thầy vĩ đại của tôi. Dù không trực tiếp đến lớp để được thầy dạy dỗ, nhưng qua quá trình tiếp xúc, tôi học được nhiều thứ. Bác Phái có vẽ tôi 300 bức tranh, hiện được các nhà sưu tập sở hữu. Tôi chỉ giữ được vài chục tấm sơn dầu và 300 bức ký hoạ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái về mình.

Tôi thân với bác Phái và gia đình ông. Trong bức Bùi Xuân Phái với phố Thuốc bắc, tôi vẽ ông đội chiếc mũ được tôi gửi tặng từ Thuỵ Điển. Ngày ông rời cõi tạm, chiếc mũ này cũng theo ông vì gia đình biết ông thích kỷ vật đó. Tất cả đều là những kỷ niệm vô giá với tôi.

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trong tranh của Văn Dương Thành.
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái trong tranh của Văn Dương Thành

Khi bác Phái đứng vẽ, tôi nhìn ông giống hình tượng một Don Quixote (Đông-ki-xốt) của hội hoạ Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong đưa hội hoạ của Việt Nam đi lên. Về sau, tôi vẽ bác Phái trong nhiều bức, mỗi bức tranh là một câu chuyện. Bức tranh Nắng trên Ô Quan Chưởng, tôi vẽ một quán cà phê ở đây. Tôi không biết uống cà phê nhưng được bác Phái kêu đi theo. Tại đó, tôi gặp được nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyên Hồng... và được nghe nhiều câu chuyện thú vị từ họ.

* Ngoài những nghệ sĩ vừa nhắc, bà còn vẽ ai khác?

- Tôi vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, bậc thầy hội hoạ Trần Lưu Hậu... Tôi chọn vẽ nghệ sĩ vì với họ, nội tâm đều biểu hiện trên khuôn mặt cuộc họ. Từ nếp nhăn, ánh nhìn, nụ cười đều thể hiện tính cách con người. Nhạc sĩ Trần Tiến có ghé triển lãm và nói với tôi rằng anh rất thích tranh tôi vẽ Bùi Xuân Phái vì anh có chơi chung, đủ hiểu về bác Phái. Nhạc sĩ nói tôi thể hiện sinh động và đúng tinh thần mà ông biết về Bùi Xuân Phái.

* Ngoài tranh vẽ người nổi tiếng, số lượng tranh bà vẽ về phố phường, cảnh vật khá nhiều và được thực hiện liên tục. Với một hoạ sĩ ở độ tuổi tưởng chừng khó có nguồn cảm hứng bất tận, điều gì khiến bà say mê nghề đến thế?

- Đối với người cầm bút và học tập hội hoạ chuyên nghiệp 12 năm, việc sáng tác với tôi như hơi thở. Tôi không đợi cảm xúc về mà phải luôn tạo được cảm xúc cho chính mình. Có khi trong căn phòng nhỏ của khách sạn, khi trong xưởng vẽ, trong phòng sáng tác... bất cứ đâu tôi cũng có thể vẽ được. Chỉ cần khi đó cảm xúc đủ cô đọng để tôi thể hiện ra ngòi bút của mình. Đương nhiên trước khi cầm cọ, tôi phải xác định được ý tưởng, phong cách nghệ thuật và thông điệp của tác phẩm.

Tôi thường dùng 3 chất liệu sơn dầu, sơn mài và acrylic. Trong đó, sơn dầu là nghệ thuật châu Âu được tôi theo học 12 năm. Còn sơn mài là nghệ thuật riêng của Việt Nam. Giới hoạ sĩ sau này không chuộng vì tốn nhiều công đoạn và tiền. Chỉ ai thật sự đam mê sơn mài mới có thể theo đuổi.

Bức Trừu tượng phản chiếu trên sông.
Bức Trừu tượng phản chiếu trên sông

* Những tháng ngày sống xa quê hương, bà nhớ điều gì nhất nơi quê nhà để thôi thúc sự trở về?

- Với văn nghệ sĩ, họ được sinh ra ở đâu đều luôn nhớ về vùng đất đó. Sau thời gian học tập, sáng tác và sinh sống ở nước ngoài, tôi có mong muốn được về Việt Nam. Tôi đã về được 5 năm. Hiện giờ, tôi dạy ở nước ngoài chỉ khoảng 2 tháng mỗi năm. Còn lại, tôi dạy học trong nước.

Sự quay về là đương nhiên vì đối với mỗi người sáng tác, quê hương là nguồn cảm hứng bất tận từ dòng sữa mẹ mát lành, từ đất mẹ bình yên. Tôi học ở Pháp, Ý nhưng tôi không lai căng. Ai nhìn vào tranh của tôi đều thấy chất Việt Nam ở đó. Chắc cũng bởi lẽ, hội hoạ của tôi khởi phát từ dòng nước tôi uống, con đường đất tôi bước đi bằng đôi chân trần và nhiều điều thân thuộc khác nên dù ảnh hưởng từ châu Âu, nhìn tranh vẫn thấy chất Việt.

* Cảm ơn bà đã chia sẻ.

Một số bức tranh trong triển lãm Ký ức hương quê.
Một số bức tranh trong triển lãm Kỷ niệm hương quê

Hoạ sĩ Văn Dương Thành lớn lên ở Hà Nội và học 12 năm tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1980 - 1987, bà từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa. Từ đó đến nay, bà sáng tác và dạy hội họa tại Thụy Điển và Hà Nội. Các tác phẩm của bà đã được Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia Việt Nam sưu tập lần đầu tiên khi bà mới 20 tuổi.

Đến nay, nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Văn Dương Thành đã được 16 Viện Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia trên thế giới sưu tập. Tranh của bà được dùng làm quà tặng nguyên thủ quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng viết thư gửi cho họa sĩ Văn Dương Thành vào năm 2016 để cảm ơn món quà.

Hoạ sĩ Văn Dương Thành tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Ngoài vẽ tranh, hoạ sĩ Văn Dương Thành tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện

Văn Dương Thành đã vẽ hơn 1.800 bức và có 90 cuộc triển lãm. Bà là người Việt đầu tiên được tuyển chọn vào chương trình Nghệ Thuật đặc sắc quốc tế của CFM - Snecma của Mỹ - Pháp 2 lần vào năm 1995 và năm 1997. Ngoài hoạt động nghệ thuật, hoạ sĩ Văn Dương Thành tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Bà tặng tranh cho các tổ chức đấu giá hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Kỷ niệm hương quê là triển lãm mới nhất của hoạ sĩ Văn Dương Thành, diễn ra từ 16/4 - 15/5 tại Peony & Iris Gallery, quận 1, TPHCM.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI