Sinh con vốn là thiên chức của người phụ nữ, nhưng để đưa được một “thiên thần” đến thế giới này không dễ dàng gì với người mẹ. 25 năm làm hộ sinh, bà Vũ Thị Tố Chinh (51 tuổi) đã đồng hành, chứng kiến hàng ngàn nụ cười hạnh phúc, cũng như nỗi đau tột cùng của người vừa được làm mẹ, suýt được làm mẹ, hay chỉ có thể làm mẹ trong giây phút nào đó.
Tình mẫu tử, hội ngộ - chia ly chỉ trong phút chốc
Nơi làm việc của bà Chinh không chỉ có hạnh phúc nhân đôi, không ít lần cửa tử mở ra, nụ cười của người mẹ chưa kịp tròn vành đã thay bằng giọt nước mắt nghẹn ngào khi đứa con bé bỏng không thể khóc ré lên đón chào cuộc sống; hay những lần trò chuyện vui vẻ của thai phụ vừa dứt, chị ấy cũng đã ra đi. Hội ngộ - chia ly của tình mẫu tử diễn ra trong phút chốc.
|
25 năm làm nghề hộ sinh, bà Vũ Thị Tố Chinh chứng kiến không biết bao câu chuyện vui, buồn của tình mẫu tử từ những ca sinh. |
Không ít lần người nữ hộ sinh rơi nước mắt trước nụ cười hạnh phúc của sản phụ khi được bế con mình trong những ca sinh khó. Bên cạnh đó, tâm sự của người khao khát được làm mẹ, khao khát níu kéo người đàn ông trong gia đình bằng một đứa con, nhưng họ mãi mãi ra đi đầy đau khổ, khiến chị thêm quyết tâm gắn bó với nghề.
Một trong nhiều trường hợp không thể quên của người nữ hộ sinh là khi chị gặp "người quen". Năm đó, thai phụ Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi, đã có 2 con gái) đến Bệnh viện Hùng Vương cầu cứu. Chị mệt mỏi, buồn bã dường như không còn chút hơi sức vì thai lưu. Nỗi đau mang trong người đứa con trai đã mất đi sự sống, chị Thanh ngồi lặng lẽ, không muốn tiếp xúc với ai.
Vừa gặp thai phụ, bà Chinh nhận ra “người quen” ngay, vì hai lần sinh trước, bà Chinh là người hỗ trợ. Nữ hộ sinh xúc động: “Lúc thấy chị ấy ngồi đó, tôi giật mình tới hỏi sao chị còn sinh vậy, chị sinh mổ và nhiều con rồi, lại lớn tuổi, giờ thai lưu ngôi mông cùng nhiều biến chứng khác, nguy hiểm lắm. Người nhà chị đâu, cho tôi gặp họ một chút. Chị ấy lắc đầu, chồng tôi muốn con trai, giờ thai lưu, không ai đi theo tôi cả.
Tôi chỉ biết vỗ về chị yên tâm, thấy thương vô cùng. Nhưng lần đó cũng là lần cuối cùng, chị ấy sinh khó, biến chứng quá nhiều rồi lịm dần, lịm dần mặc tôi gọi tên. Chị và đứa trẻ cuối cùng cũng được ở bên nhau".
|
Có những ca sinh mà mỗi lần nhắc đến khiến bà Chinh không khỏi xúc động. |
Một lần khác, giữa khuya, bà Chinh đi thăm bệnh là sản phụ Trương Thanh Xuân (28 tuổi) quê ở tỉnh An Giang vừa vui cười, vừa ngượng ngùng nói sắp tới ngày sinh, nhưng chồng cứ đòi đi Sài Gòn chơi Noel nên chị chiều ý. Đang đi chơi, chị đau bụng dữ dội, may mắn, được đưa vào bệnh viện kịp thời nên bé trai kháu khỉnh ra đời khiến mùa Noel trở nên ấm áp.
Sản phụ kể cho mọi người nghe về đứa con gái đầu, về cuộc vượt cạn lần đầu tiên. “Tự nhiên chị ấy cứ nói nhỏ dần, nhỏ dần rồi… xụi lơ, kêu hoài vẫn không dậy. Mọi người đều tá hỏa, tôi vừa gọi, vừa vỗ mạnh vào má chị ấy. Gọi suốt, gọi suốt may mà chị ấy nghe được, cấp cứu thành công, mấy ngày sau chị ấy lại tiếp tục kể chuyện”, nữ hộ sinh vui vẻ nhớ lại.
|
Chỉ khi được trao một đứa trẻ khỏe mạnh cho sản phụ, hạnh phúc mới trọn vẹn. |
Mỗi đứa trẻ là một bông hoa
Cuộc đời luôn có nhiều thử thách, có những bông hoa vừa hé nở đã mang trên người vết sẹo nho nhỏ khiến người mẹ nhói đau.
Trong danh bạ liên lạc của bà Chinh, có một số điện thoại được lưu với tên BN Hương "kẹt vai". 4 năm trước, chị Hương nhập viện với chẩn đoán béo phì thai kỳ và tiền sản giật. Những biến chứng khiến ca sinh của chị Hương trở nên rất khó khăn, đứa bé sinh ra bị kẹt vai, phải đi tập trị liệu cả một thời gian dài.
Bà Chinh cho biết: “Đứa trẻ nào cũng đáng yêu, được bế chúng trên tay, được đón một mầm sống cảm giác rất thiêng liêng. Nhưng để có được đứa con không phải chuyện dễ dàng, người mẹ phải chuẩn bị tinh thần đặt một chân vào cửa tử, những lúc bắt buộc phải “chia tay” người mẹ hoặc đứa con, thậm chí cả hai sinh mệnh là điều đau khổ nhất”.
|
Người nữ hộ sinh vẫn còn liên lạc với những ca sinh có em bé dị tật vì chị luôn muốn biết tình hình của chúng. |
Có chồng hơn 5 năm, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (35 tuổi, nhà ở Long An) đến bệnh viện khi thai nhi được hơn 8 tháng tuổi. Vì cả hai vợ chồng rất mong mỏi nên khi biết mình có thai, chị rất cẩn thận trong chế độ ăn uống và sức khỏe.
Tuy nhiên, trong một lần khám thai, do các biến chứng về bệnh trước đây, chị phải sinh sớm, ca sinh kéo dài 2 giờ vì sức khỏe chị quá yếu. Ý thức được sự nguy hiểm, trước khi vô phòng sinh, chị Giàu nắm chặt tay bác sĩ cầu xin hãy cứu con nếu như ca sinh không như mong đợi.
|
Nụ cười hạnh phúc của người phụ nữ lần đầu tiên được làm mẹ. |
Khi con cất tiếng khóc chào đời, bác sĩ ngại ngần thông báo đứa trẻ bị dị tật ở tay, chị Giàu vẫn mỉm cười, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. “Tôi bị bệnh tim và huyết áp, chồng tôi cũng hiếm muộn nên đối với tôi dù con gái có bị tật hay không, được ôm con trong lòng là hạnh phúc rồi. Nó dễ thương vô cùng”, chị Giàu rơi nước mắt.
Với người mẹ, mỗi đứa trẻ đều là một bông hoa, cho dù con có xinh đẹp, hay dị tật đều không quá quan trọng. Ở những giờ phút quyết định, mẹ vẫn sẵn sàng cầu xin bác sĩ “cứ mặc mẹ, hãy giữ lấy con”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Phạm An