Nữ hiệu trưởng xin nghỉ việc sau 23 năm cống hiến: Những chia sẻ tự đáy lòng

24/10/2022 - 06:30

PNO - Mục tiêu chương trình mới rất hoành tráng trong khi các trường thiếu thốn đủ thứ. Nếu làm cho có thì rất dễ, nếu làm tâm huyết thì rất áp lực và cảm thấy... bất lực!

Đi lên từ giáo viên và được bổ nhiệm hiệu trưởng khi còn khá trẻ, thế nhưng bà Trần Thị Trung Hiền - nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Thân Nhân Trung (quận Tân Bình, TPHCM) - đã xin nghỉ việc từ giữa tháng 8 vừa qua. Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Trần Thị Trung Hiền cho biết vẫn còn nhiều trăn trở. 

Phóng viên: Áp lực nào khiến một người gắn bó 23 năm với ngành giáo dục, đang ở vị trí lãnh đạo một nhà trường, lại quyết định nộp đơn thôi việc, thưa bà?

Bà Trần Thị Trung Hiền: Khi tôi quyết định xin nghỉ, rất nhiều người khuyên ngăn, động viên tôi tiếp tục. Thế nhưng, quyết định của tôi hoàn toàn không phải nhất thời, mà đó là cả một quá trình tôi trải nghiệm từ giáo viên, lên chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo quận, sau đó là hiệu trưởng. Ở mỗi vị trí, tôi đều hết sức tâm huyết. Khi thấy những quy định, văn bản chưa phù hợp, tôi luôn chủ động tham mưu, góp ý. 

Bà Trần Thị Trung Hiền
Bà Trần Thị Trung Hiền

Thật lòng, suốt 23 năm qua tôi phấn đấu không phải vì cái ghế hiệu trưởng. Tôi luôn tâm niệm mình làm giáo dục là đem lại những điều tốt đẹp cho học trò, cho giáo viên. Thế nhưng, nhiều bất cập trong các quy định đã và đang ảnh hưởng đến giáo viên, học sinh trường tôi.

* Những điều đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi giáo viên, học sinh đó cụ thể là gì, thưa bà?

- Có thể lấy ví dụ về việc triển khai chương trình mới ở cấp tiểu học hiện nay. Trước đây, các trường tổ chức học buổi hai được phép thu tiền. Tuy nhiên, theo chương trình mới, học sinh tiểu học bắt buộc học hai buổi nên các trường không được thu. Điều này dẫn đến thu nhập của giáo viên sụt giảm và các trường cũng thiếu kinh phí để tổ chức chương trình buổi hai có chất lượng cho học sinh.

Hiện nay đang có bất cập là giáo viên dạy chương trình cũ được hưởng tiền buổi 2, còn giáo viên dạy chương trình mới thì không. Năm nay, chương trình mới triển khai đến lớp 3 nên giáo viên các lớp 1, 2, 3 không có phụ cấp dạy buổi 2. Đối với giáo viên lớp 1, đây đã là năm thứ 3 các thầy cô bị mất một khoản thu nhập xứng đáng với công sức lao động. 

Trong cùng một trường mà thu nhập giáo viên chênh lệch nhau, người được hưởng, người không. Dù rằng khối lượng công việc như nhau, thậm chí giáo viên dạy chương trình mới còn vất vả hơn vì phải đầu tư thay đổi phương pháp giảng dạy. Đây là điều khiến hiệu trưởng các trường tiểu học phải trăn trở tính toán làm sao để tạo động lực cho giáo viên dạy chương trình mới, cũng như đảm bảo sự đoàn kết trong nhà trường. Khi giao cho giáo viên phụ trách thêm tiết học nhưng không có phụ cấp cho họ, là hiệu trưởng, tôi thấy vô cùng có lỗi. Những bất cập này tôi đã phản ánh từ khi chương trình mới được triển khai năm đầu tiên ở lớp 1, đến nay đã là năm thứ 3...

* Bà có thể chia sẻ mức thu nhập cũng như khối lượng công việc của hiệu trưởng và giáo viên trường mình không?

- Ở thời điểm nhận quyết định thôi việc, tổng thu nhập của tôi khoảng 17 triệu đồng/tháng trong năm học, 10 triệu đồng/tháng trong hè. Giáo viên trường tôi đa phần còn trẻ nên lương thấp, khoảng 5 triệu đồng/tháng, người có thâm niên hơn 20 năm công tác cũng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Trong khi ở cấp tiểu học cấm giáo viên dạy thêm. Nói thật, “cơm áo gạo tiền” ghì chặt thì muốn giáo viên sáng tạo theo mục tiêu chương trình mới cũng khó. Ở trường có giáo viên vừa dạy vừa bán hàng online kiếm thêm, có ý định nghỉ việc, tôi phải đồng hành, động viên cô ở lại với trường. Song, nếu chỉ động viên bằng lời nói thì liệu có thể giúp giáo viên trụ lại với nghề được bao lâu?

Tuy nhiên, nếu được sống đúng với đam mê nghề nghiệp thì nhiều thầy cô vẫn sẵn sàng bươn chải cách này cách khác để bám trụ với nghề. Nhưng thực tế, giáo viên hiện nay có quá nhiều áp lực không đến từ chuyên môn. Năm trước, ở trường tôi có 3 giáo viên nghỉ việc. Trong đó, một giáo viên quá khó khăn không có tiền thuê nhà nên phải đưa cả gia đình về quê. Hai giáo viên còn lại có điều kiện gia đình tốt, họ nghỉ không phải vì thu nhập mà vì áp lực công việc.

Học sinh Trường tiểu học Thân Nhân Trung (Q.Tân Bình) tham gia các hoạt động ngoại khóa - ẢNH: P.T
Học sinh Trường tiểu học Thân Nhân Trung (quận Tân Bình) tham gia các hoạt động ngoại khóa - Ảnh: P.T

Giáo viên dạy 2 buổi/ngày ở trường nhưng công việc không dừng lại ở đó. Về nhà, họ còn phải soạn giáo án, chấm bài, thống kê báo cáo lên hệ thống, tương tác với phụ huynh... Khối lượng công việc sau giờ hành chính luôn rất lớn, đa phần nửa đêm giáo viên mới được nghỉ ngơi. Thế nhưng, phần lớn công việc phải mang về nhà ấy lại là giấy tờ sổ sách chứ không phải nghiên cứu chuyên môn. Quá nhiều áp lực vô lý với giáo viên mà ở vị trí quản lý đáng lẽ tôi phải giúp được họ nhưng “lực bất tòng tâm”.

* Có lẽ áp lực hành chính của thầy cô vẫn chưa dừng lại ở đó?

- Thực tế, cấp trường hiện bị đổ dồn quá nhiều áp lực hành chính. Những bản kế hoạch hóa gia đình, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thậm chí kế hoạch phòng chống... mại dâm cũng đẩy xuống các trường. Một năm có đến hàng chục kế hoạch mà về bản chất chỉ là những tờ giấy làm cho có. Thế nhưng, các trường vẫn phải xây dựng đầy đủ thành một bộ hồ sơ, có kế hoạch triển khai, có biên bản họp sơ kết, tổng kết. Thực tế thì rất nhiều biên bản phải làm đối phó, vì thời gian đâu mà họp hành nhiều vậy. Trong khi những vấn đề chuyên môn cần phản ánh, cần được lắng nghe thì không thấy tổ chức họp.

Hiện nay, hiệu trưởng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng gần như không có quyền trong tay. Chúng tôi không được tuyển dụng giáo viên, không được tính toán thu nhập giáo viên. Điều kiện cơ sở vật chất thì có hạn nên phải vun vén, xoay xở đủ đường. Mục tiêu chương trình mới rất hoành tráng trong khi các trường thiếu thốn đủ thứ. Nếu làm cho có thì rất dễ, nếu làm tâm huyết thì rất áp lực và cảm thấy... bất lực! 

Lạm thu từ góc nhìn người trong cuộc

* Đang có tình trạng quá nhiều khoản thu trong nhà trường gây áp lực cho phụ huynh và tạo cái nhìn thiếu thiện cảm với môi trường học đường. Bà có thể chia sẻ ý kiến dưới góc độ người trong cuộc?

- Vừa qua, tôi đọc một số bình luận trên mạng về thông tin tôi nghỉ việc, trong đó có những lời khiếm nhã. Rõ ràng, một bộ phận dư luận đang có cái nhìn không hay về hình ảnh hiệu trưởng cũng như ngành giáo dục.

Điều này một phần xuất phát từ tình trạng nở rộ quá nhiều khoản thu trong trường học. Song nhìn từ góc độ người trong cuộc, nhà trường cũng có muôn vàn khó khăn, nỗi khổ không thể nói hết.

Hiện nay, yêu cầu về chương trình học ngày càng cao, đòi hỏi học hai buổi, đòi hỏi tổ chức dạy tiếng Anh và tin học để học sinh lớp 1 và 2 làm quen, đòi hỏi các chương trình kỹ năng sống, trải nghiệm, STEM... Trong khi học phí không đủ bù đắp, ngân sách rót hạn chế, mà nói thật, để chi được tiền ngân sách cũng không phải dễ. Bên cạnh đó, xuất phát từ chính nhu cầu của phụ huynh muốn con mình được hưởng điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, như máy lạnh, máy chiếu, ti vi... mà ngân sách không chi các khoản này.

Trong khi đó, thủ tục để nhận tài trợ của mạnh thường quân theo Thông tư 16/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng nhiêu khê. Khi mạnh thường quân có nhu cầu hỗ trợ nhà trường, chỉ cần nghĩ đến việc hoàn thành bộ hồ sơ tiếp nhận là đủ mệt mỏi vì tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức.

Theo tôi, để nâng cao cơ sở vật chất dạy học rất cần sự chung tay của phụ huynh, xã hội. Vấn đề là hiệu trưởng phải công khai, minh bạch, không dồn quá nhiều khoản thu vào một thời điểm và trên tinh thần đóng góp tự nguyện thực sự. Tôi tin rằng nhiều phụ huynh thật lòng mong muốn được đóng góp để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con em mình. Ở trường tôi, khi đưa ra bất kỳ khoản thu nào, tôi đều hết sức cân nhắc và công khai đến từng số lẻ. Đồng thời, xác định rõ, tài sản của phụ huynh là của phụ huynh và học sinh, nhà trường không bao giờ “tham” những cái đó, cho nên luôn tạo được sự đồng thuận khi triển khai.

Minh Linh (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(44)
  • M Hoàng 29-10-2022 04:12:10

    Đúng, chuẩn. Áp lực từ nhiều phía. Nhất là không có thực làm gì vực được đạo. Làm giáo viên đi dạy con người chứ làm gì đủ tiền để nuôi con mình học Cao đẳng, Đại học bằng chính tiền lương đi dạy. Các nhà làm giáo dục có THẤU chăng.

  • NCC 27-10-2022 10:44:02

    Quá chuẩn nhưng vẫn còn chưa nói hết đã áp lực mà CBQL và gv đang phải đối diện

  • Phan Đăng Thiết - Nghệ An 27-10-2022 08:45:23

    Bài viết này rất hay và chuẩn xác. Đáng tiếc là ngành giáo dục chưa quan tâm giải quyết kịp thời. Để cho áp lực của giáo viên ngày càng tăng, chất lượng giáo dục có nguy cơ giảm sút

  • Phước Tphcm 27-10-2022 06:36:24

    Rất hay và thực tế

  • Thanh 27-10-2022 05:08:58

    Những người tốt lần lượt ra đi vì thấy những cái người khác không thấy !!!

  • Hoàng Văn Chi 27-10-2022 04:06:52

    Tôi nghĩ cô giáo giỏi có tâm như vậy nghỉ thì quá tiếc cho sự nghiệp giáo dục. Tôi mà có quyền, tôi mời bà lên làm việc ở bộ giáo dục, để bà góp phần xây dựng nghành phát triển tốt hơn.

  • Tú Anh 27-10-2022 02:45:09

    "Mục tiêu chương trình mới rất hoành tráng trong khi các trường thiếu thốn đủ thứ. Nếu làm cho có thì rất dễ, nếu làm tâm huyết thì rất áp lực và cảm thấy... bất lực! " Đó là một thực tế - các nhà biên soạn và những người triển khai thường ngồi ở trên vị trí quá cao - vẽ và sao chép ra những mục tiêu rất cao siêu nhưng lại ấn cho một nền giáo dục thiếu và ko đủ những phương tiện để dạy và học!

  • Tú Anh 27-10-2022 02:30:49

    Những trăn trở của cô thật chính xác ! Xin nghỉ việc là quyết định buồn nhưng ko thể ko làm của một người hiểu và tâm huyết với nghề của cô! Ở tp HCM chắc sẽ có rất nhiều giáo viên sẽ phải quyết định như thế!

  • Hà Phi Phàm 27-10-2022 01:45:51

    Xong! Lại mất thêm một GV, HT tâm huyết.

  • Ta Pi Lu 26-10-2022 22:31:37

    Tôi cũng là gv, những điều trong bài viết này là chính xác tuyệt đối. Nền gdvn dường như đang hết sức hướng tới sự hoàn hảo theo 1 cách điên khùng. Đại nhồi nhét, đại ôm đồm.

  • Nguyễn Kim Luật 26-10-2022 20:37:41

    Tôi cảm nhận được sự chân tình ,lòng tự trọng của cô Hiệu trưởng, người như vậy nghỉ thì thật tiếc cho ngành !

  • Võ thị kim phượng 26-10-2022 14:11:24

    Gv đa phần nghỉ dạy không phải chỉ vì thu nhập mà vì áp lực công việc

  • Nguyễn hà thái 26-10-2022 13:38:50

    Giấy tờ, thủ tục hành chính cho có...thật lãng phí và vô bổ mà giáo viên vẫn phải làm, thậm chí nhiều ngành khác cũng vậy. Thể hiện sự quản lý nhà nước yếu kém, hình thức...

  • Đỗ trọng vũ huỳnh 26-10-2022 12:46:05

    Cảm ơn một người phụ nữ can đảm và có lòng tự trọng của nề giáo dục nước nhà

  • Huỳnh Tấn Xuyên 26-10-2022 11:21:44

    Trải lòng của cô rất chính xác, 4.0 là gì. Hành là chính. Thật sự giáo viên mầm non và tiểu học bao nhiêu giờ một ngày làm việc, mấy ai biết. Ở trên cứ đòi báo cáo, đòi con số đẹp để tổng hợp. Thật sự hết dần động lực.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI