Nữ giáo viên chia tay người yêu sau khi bác sĩ thông báo căn bệnh lạ đời

05/01/2020 - 14:35

PNO - Mắc hội chứng không có âm đạo bẩm sinh, cô giáo 29 tuổi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì hội chứng này, bệnh nhân phải chia tay người yêu vì tự ti về bản thân.

Ngày 5/1, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết vừa tiến hành phẫu thuật cho một bệnh nhân mắc hội chứng Mayer-Rokintansky-Kuster-Hauser (không có âm đạo bẩm sinh). 
Bệnh nhân là cô giáo N.T.T. (29 tuổi), đang giảng dạy ở TP. Hà Nội. Từ khi học cấp 3, chị T. thấy nhiều biểu hiện bất thường, không có kinh nguyệt nhưng đi khám không phát hiện ra bệnh.
Cách đây 3 năm, chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám thì được thông báo bị hội chứng không có âm đạo bẩm sinh. Do mặc cảm bản thân, chị chủ động chia tay người yêu trong tuyệt vọng.
Sau đó, cô giáo T. đã đến khám và được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E tiến hành phẫu thuật để cải thiện dị tật bẩm sinh này, hy vọng chị có cuộc sống tốt hơn, tự tin vào bản thân.
Qua kết quả chiếu chụp, các bác sĩ ghi nhận: bệnh nhân có âm đạo rất ngắn (khoảng 2cm), có 2 buồng trứng bình thường, các hormon của nữ trong giới hạn bình thường, nhiễm sắc thể giới nữ.

 

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho chị T.

Các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật tạo hình âm đạo cho chị T. bằng cách tạo khoang âm đạo mới với sự hỗ trợ của nội soi ổ bụng và thăm dò buồng trứng, tử cung. Khoang âm đạo mới tạo được lót bằng niêm mạc môi bé và niêm mạc miệng.

Đây là kỹ thuật tiên tiến, có độ an toàn và kết quả tạo hình rất tốt do niêm mạc ở 2 nơi này tương đồng với niêm mạc âm đạo. Đặc biệt, các bác sĩ đã sáng tạo ra khuôn nong và cố định mảnh ghép bằng silicone y học. Ca mổ diễn ra trong 90 phút, sau mổ bệnh nhân ổn định, được nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch trong 7 ngày để không ảnh hưởng vết mổ.

Theo các chuyên gia, dị tật không có âm đạo là bệnh bẩm sinh của đường sinh dục nữ nhưng chưa có nguyên nhân rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Vì thế, phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt... phải thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp.
Trước đó vào năm 2018, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cũng tiến hành ca phẫu thuật tạo hình thành công dị dạng âm đạo bẩm sinh cho một phụ nữ (23 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang). 
Bệnh nhân này có hình thể bên ngoài phát triển với tuyến vú và cơ quan sinh dục ngoài như phụ nữ khác. Tuy nhiên, chị không thấy xuất hiện kinh nguyệt nên gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương mới biết mình không có âm đạo, tử cung kích thước rất nhỏ nhưng buồng trứng vẫn phát triển bình thường. 
 
An Vũ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI