Ký ức về vị Thủ tướng trong lòng dân - Bài 2:

Nữ giao liên đưa Bí thư Khu ủy vượt qua trạm gác địch

20/11/2022 - 08:00

PNO - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bà Phan Thị Hồng (Sáu Tiến) vẫn nhớ như in lần đưa ông Võ Văn Kiệt - bấy giờ là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - trên chiếc vỏ lãi, từ căn cứ U Minh ra Hộ Phòng. Lúc đó, ông đóng giả làm người điếc…

LTS: Tham gia viết các chuyên đề lịch sử kháng chiến Nam Bộ, nhà văn Trầm Hương có nhiều dịp gặp gỡ, làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (người cùng thời vẫn quen gọi thân thiết là chú Sáu Dân) và nhiều nữ chiến sĩ cách mạng. Nhân 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Báo Phụ Nữ TPHCM xin giới thiệu những câu chuyện - dấu ấn sâu đậm về chú Sáu Dân mà nhà văn Trầm Hương đã ghi lại qua ký ức của nhiều người.

Bài 1: Cán bộ phụ vận kể chuyện chú Sáu Dân

 

Ông Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm quê hương Vĩnh Long - ẢNH: TƯ LIỆU
Ông Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm quê hương Vĩnh Long (Ảnh tư liệu)

Mưu trí đưa Bí thư Khu ủy vượt qua mắt địch

Mẹ Phan Thị Hồng nghẹn ngào kể: “Lúc đó, cả mẹ và con trai đều lao vào chiến dịch Mậu Thân. Mẹ là giao liên công khai, đưa thư từ, tin tức, vũ khí từ Cà Mau về Cần Thơ. Có lần, trực thăng địch đổ quân, càn quét, mẹ suýt bị bắt. Mẹ không sợ khó khăn, gian khổ. Mẹ chỉ sợ gặp mấy tên lính quen nhận mặt. Mải lao vào những chuyến giao liên đặc biệt, mẹ đâu hay, đêm mùng Một tết Mậu Thân 1968, con trai mẹ đã hy sinh”. 

Nỗi đau mất chồng, mất đứa con trai duy nhất sâu thẳm hơn trời đêm, mênh mang hơn sông nước, nhưng mẹ không thể gục xuống bởi cách mạng đang cần mẹ. 

Sau tết Mậu Thân 1968, địch phản công dữ dội. Cách mạng miền Nam không tránh được tổn thất. Từ Sài Gòn, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Võ Văn Kiệt theo đường giao liên công khai, về đến khu 9, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Mẹ Phan Thị Hồng được giao nhiệm vụ đưa đón các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam vượt qua những dòng sông nguy hiểm để về căn cứ miền Tây. 

Mẹ đưa ông Võ Văn Kiệt trên chiếc vỏ lãi từ căn cứ U Minh ra Hộ Phòng. Khi đó, tàu địch giăng kín sông. Mẹ kể: “Trước lúc xuống vỏ lãi, chú Sáu Dân (tức ông Võ Văn Kiệt) thấy mình trắng quá, không giống như dân sông nước xứ U Minh nên chú lấy dầu nhớt thoa lên da cho lem luốc, bớt trắng. Mẹ dự đoán tình huống khi chở mấy chú đi công khai, lỡ đụng tàu địch hoặc bọn lính ở trạm xét hỏi, sẽ rất căng nên dặn chú Sáu: “Chú Sáu ơi, ra ngoài đó, chú nín thinh, giả điếc nghen”. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến thăm Lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau ẢNH: THANH QUANG
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến thăm Lâm trường 184, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - Ảnh: Thanh Quang

Chú Sáu giả điếc rất giống. Anh Sáu Quắn ngồi phía trước, chú Sáu ngồi phía sau, mẹ cầm lái. Đúng như mẹ đoán, tàu địch kêu lại xét hỏi. Chú Sáu giả bộ không nghe gì. Mẹ nói: “Đây là chú tôi. Chú bị bệnh nặng lắm”. Tên lính hỏi: “Bệnh gì?”. Mẹ nói nhanh: “Bệnh lao”. Tên lính tỏ ra ghê sợ, khoát tay: “Thôi đi đi”. Chú Sáu là vậy, rất bình tĩnh, vững vàng trước mọi tình huống”.

Trong cuộc đời làm giao liên công khai, mẹ không nhớ mình đã thực hiện bao chuyến đi, chở bao nhiêu tấn vũ khí, đưa đón bao cán bộ - có cả những cán bộ lãnh đạo cấp trung ương như chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Vũ Đình Liệu - Bí thư Khu ủy khu 9… 

Bằng sự mưu trí, dũng cảm, lòng trung thành vô hạn dành cho cách mạng, cho Tổ quốc, mẹ đã quên mình để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có một việc mà mãi đến hôm nay, lòng mẹ luôn day dứt, chưa yên. 

Nghĩa trang Vĩnh Long chừa 1 chỗ trống dành cho ngôi mộ của con trai mẹ - liệt sĩ Lê Công Chiến. Trong trận đánh vào mục tiêu Đài phát thanh Cần Thơ tết Mậu Thân, anh Lê Công Chiến hy sinh nhưng mãi đến nay, vẫn chưa tìm được hài cốt.

2 lần khóc tiễn người thân

Cuộc đời làm giao liên của Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hồng có nhiều trớ trêu. Bởi mẹ từng đưa đón bao cán bộ, nối đường dây cho bao cặp uyên ương được gặp nhau nhưng chính mẹ lại không thể đoàn tụ với chồng sau nhiều năm chia cắt. 

Khi nhận được tin chồng đã về đến Tây Ninh sau khi tập kết ra Bắc năm 1954 rồi vượt Trường Sơn vào Nam, lòng mẹ rộn rã niềm vui. Nỗi nhớ chồng làm cồn cào gan ruột người vợ trẻ. Nhưng lúc đó, trạm giao liên của mẹ đóng ở rừng đước Cà Mau, chỉ có 2 người mà nữ giao liên kia lại được cử đi học, mẹ không thể bỏ trạm đi thăm chồng ngay được. 

Khi đồng đội trở về, mẹ giao lại trạm và  chuẩn bị nhiều thứ đi thăm chồng. Mẹ kể, mẹ giã nếp, gói bánh cho chồng. Bao năm xa cách, là vợ, mẹ biết chồng mẹ thích ăn gì, mặc gì. Mẹ chuẩn bị nhiều thứ lắm. Nhưng như có linh tính, mẹ giã nếp mà nhấc cái chày lên không nổi, tay chân rã rời. Lần đó, mẹ hồ hởi dắt thằng Chiến đi theo cho nó gặp ba. Vượt qua nhiều trận đụng độ với giặc, mẹ cũng dẫn thằng Chiến lên tới được rừng Tây Ninh. 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hồng - nữ giao liên từng chèo vỏ lãi chở Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Võ Văn Kiệt thoát hiểm - bên di ảnh người thân
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hồng - nữ giao liên từng chèo vỏ lãi chở Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định Võ Văn Kiệt thoát hiểm - bên di ảnh người thân

2 mẹ con ở nhà 1 cơ sở cách mạng sát căn cứ của ông ấy mà không vào trong được do địch mở trận càn rất ác liệt. Mẹ nghe loáng thoáng, trận càn ấy, có 2 cán bộ tiền khởi nghĩa hy sinh. Mẹ muốn hỏi mà không sao hỏi tường tận được, cũng không dám hỏi vì sợ phải đối mặt với thực tế, đành phải dẫn con về…

20 ngày sau, mẹ tìm mọi cách đi thăm chồng. Lần này, mẹ đưa con đi bằng đường sông. Ra đón mẹ là một anh bộ đội tưởng vợ mình đến thăm. Qua lời anh bộ đội, mẹ mới biết, chồng mẹ cũng từng đi đón vợ hụt như thế. Nhiều lúc, xuyên mấy chục cây số đường rừng, tới nơi đành trở về vì đó là vợ người ta. Nghe anh bộ đội kể, mẹ càng thấy thương chồng. 

Xuống xuồng, mẹ giành cầm chèo cho mau tới. Anh bộ đội nhìn mái chèo thoăn thoắt của mẹ, cảm động hỏi: “Chồng chị tên gì”. Mẹ nói “Lê Công Nhâm”. Anh bộ đội lặng nhìn người thiếu phụ. Thật khó khăn, anh mới cất được lời: “Chồng chị hy sinh rồi”. Bàn tay cầm chèo của mẹ khựng lại, chiếc xuồng chao đi. 

Từ đó, mẹ không còn chèo chống được nữa. Anh bộ đội đi cùng cầm lấy mái chèo. Con trai mẹ òa khóc nức nở. Cậu bé từng khao khát biết mặt cha, từng tưởng tượng ra hình ảnh người cha là “bộ đội mùa thu” của mình, từng gặp người cha mà cậu bé tưởng tượng trong giấc mơ. Cậu gục vào ngực mẹ, biết giấc mơ ấy không bao giờ trở thành sự thật nữa. Mẹ ôm chặt con, nước mắt cứ tuôn chảy. Mẹ nhớ như in, đó là ngày mùng 2/5/1962. 

Người bộ đội đưa 2 mẹ con vào căn cứ, cho mẹ thăm mộ chồng. Thắp nén hương, mắt mẹ nhòa đi, nhớ ngày tiễn chồng đi tập kết. Trong đáy lòng, mẹ tha thiết được đi cùng chồng ra Bắc nhưng lúc đó, mẹ đang mang thai, phải ở lại miền Nam. Ra Bắc, ông gửi lá thư vào Nam động viên vợ: “Em ráng chờ anh, 2 năm nữa anh về. Nhanh mà em, cứ như mình ngủ quên”.

Qua lời kể của đồng đội, mẹ mới biết chuyện chồng hy sinh. Lúc ông Lê Công Nhâm cắt đưng làm nhà cho đơn vị thông tin, trực thăng bao vây, lao xuống đổ quân. Không muốn chiếc máy truyền tin quý báu rơi vào tay giặc, ông quay về cơ quan, mang máy đem giấu. Lúc đó, trực thăng rà soát, bám mục tiêu, đáp xuống, lôi ông lên trực thăng. Ông kiên quyết không để bị bắt, lao xuống đất, chọn cái chết anh dũng. 

Trong trận Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, anh Lê Công Chiến tham gia trận đánh vào Đài phát thanh Cần Thơ. Đơn vị của anh đã dũng cảm mở mũi xung kích nhưng do lực lượng địch quá mạnh nên bị đẩy bật ra ngoài. Anh cùng đồng đội ngã xuống đêm mùng Một tết…

Trầm Hương

* Bài cuối: Dành nhà to, nhà đẹp để làm nhà trẻ…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI