Nữ giảng viên dành cả tuổi thanh xuân trong rừng nghiên cứu khoa học

20/11/2021 - 07:02

PNO - Không chỉ nhiệt huyết trên giảng đường, nữ giảng viên Đại học Vinh còn luôn dành thời gian luồn lách vào những cánh rừng sâu để khai phá sự đa dạng và phong phú của tự nhiên. Từ đó tìm ra thêm cây thuốc, bài thuốc quý từ cỏ cây phục vụ con người.

Cơ duyên đến với các loài thực vật

Ở tuổi 34, trong tay nữ giảng viên Lê Thị Hương (Trường đại học Vinh) đã có hơn 100 bài báo, đề tài khoa học quốc tế, quốc gia. Phía sau hành trình ấy, ít ai biết rằng, ngoài công việc trên giảng đường đại học, phòng thí nghiệm... nữ giảng viên này còn dành phần lớn năm tháng của tuổi trẻ lặn lội đi rừng, miệt mài với các hệ thực vật.

Cô bảo: “Tôi vốn rất thích Toán, nhưng từ năm lớp 9, tôi may mắn được cô giáo dạy Sinh kèm cặp nên có thêm kiến thức và cảm tình với môn học này hơn”. 

Rời giảng đường, chị Hương lại tìm đến những cánh rừng xa để tìm tòi, nghiên cứu thỏa niềm đam mê cây cỏ của mình
Rời giảng đường, cô Hương lại tìm đến những cánh rừng xa để tìm tòi, nghiên cứu thỏa niềm đam mê cây cỏ của mình

Cô thi vào ngành Sư phạm Sinh học (Trường đại học Vinh) với suy nghĩ sau này sẽ trở thành giáo viên phổ thông. “Càng vào học chuyên ngành, tôi càng thấy thế giới thực vật phong phú, đa dạng và có rất nhiều giá trị sử dụng. Rồi chẳng biết mình mê lúc nào” - cô Hương nói và cho hay sau khi tốt nghiệp đại học,  học cao học và được Trường đại học Vinh giữ lại làm giảng viên.

Hơn 10 năm qua, cuối tuần, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở trường, nữ giảng viên này lại tìm đến các khu rừng để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Các đề tài nghiên cứu của cô chủ yếu gắn liền với rừng ở Bắc Trung bộ. Dáng người nhỏ nhắn, cô bảo rằng đây lại là lợi thế bởi “dễ luồn lách” trong rừng. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn địa, nên từ nhỏ Hương đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. “Với tôi việc trèo đèo lội suối quá quen thuộc. Mỗi chuyến đi với tôi là một trải nghiệm thú vị, mỗi phát hiện mới, là niềm vui trong cuộc sống nên chưa bao giờ niềm đam mê về rừng trong tôi lại giảm bớt đi” - cô Hương nói.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi đó cũng được đền đáp khi cô Hương cùng nhóm nghiên cứu của mình phát hiện thêm nhiều loài thực vật mới. Trong đó, việc phát hiện và công bố thêm 3 loài trà hoa vàng gồm: Trà hoa vàng pù khạng (camellia pukhangensis), Trà hoa vàng pù hoạt (Camellia puhoatensis), Trà hoa vàng nghệ an (Camellia ngheanensis), nâng tổng số trà hoa vàng được ghi nhận ở Nghệ An lên 4 loài, được xem là những “đứa con tinh thần” khiến cô Hương tự hào nhất.

PGS.TS Lê Thị Hương bên cạnh một loài Trà hoa vàng vừa được phát hiện và công bố tại huyện Quế Phong
PGS.TS Lê Thị Hương bên cạnh một loài trà hoa vàng vừa được phát hiện và công bố tại huyện Quế Phong

Theo cô Hương, chất lượng trà hoa vàng nơi đây không thua kém gì chất lượng trà hoa vàng Tam Đảo. Tuy nhiên hiện công tác bảo tồn, đánh giá chất lượng của các loài trà hoa vàng, quy hoạch phát triển và thương mại hóa các sản phẩm trà hoa vàng ở Nghệ An chưa thật sự tốt nên chưa xây dựng được thương hiệu, hình ảnh về trà hoa vàng của Nghệ An.

Hướng đến những giá trị thực tiễn

Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đây là một trong những khu dự trữ lớn nhất Đông Nam Á, với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và đặc hữu. Do đó, cô tin rằng sẽ có nhiều loài mới còn chưa được phát hiện trong khu vực này.

áng
Dáng người nhỏ nhắn, song cô Hương luôn muốn tìm đến những khu rừng xa xôi để nghiên cứu về những loài thực vật mới lạ

Theo cô Hương, xu hướng của nghiên cứu khoa học là phải ứng dụng được vào thực tế và đây cũng là hướng trong tương lai của cô. Cô cùng nhóm nghiên cứu sẽ đi sâu vào đánh giá giá trị thực tiễn của tài nguyên thực vật, các loại sản xuất thuốc, dược liệu, tinh dầu và trong công nghệ thực phẩm… để có thể tạo ra các sản phẩm ứng dụng được vào thực tiễn.

Các loài thực vật có rất nhiều giá trị, hầu hết các cây cối xung quanh chúng ta đều có những giá trị sử dụng, nhiều cây thuốc, bài thuốc có khả năng chữa trị các bệnh mà tây y ngày nay không thể chữa khỏi nhưng con người chưa biết, chưa sử dụng. 

“Tôi đang tập trung nghiên cứu về giá trị sử dụng của các loại cây; còn về tương lai, tôi muốn làm sao để có thể sử dụng được những kinh nghiệm, vốn kiến thức về cây cỏ của người dân tộc miền núi thiểu số. Do đó, trong các nghiên cứu của mình, tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về giá trị sử dụng của thực vật, góp phần vào việc bảo tồn các cây thuốc, bài thuốc theo y học cổ truyền” - cô Hương nói.

Cô Lê Thị Hương - giảng viên chuyên ngành Thực vật học hiện công tác tại Viện Sư phạm tự nhiên, Trường đại học Vinh - là một trong hai giảng viên trẻ tuổi nhất nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư năm 2020. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI