Đại học Oxford thuộc Vương quốc Anh cùng với trường thành viên là Linacre College đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông suốt mấy hôm nay sau khi nhận được khoản tài trợ “khủng” từ nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO của Việt Nam.
|
Đại học Oxford của Anh nhận được rất nhiều tài trợ từ các tỷ phú trên khắp thế giới - Ảnh: Ben Seymour/Unsplash |
Trường Linacre College cũng ngay lập tức thông báo sẽ lập hồ sơ xin được đổi tên thành Thao College nhằm tri ân sự đóng góp đầy hào phóng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đối với trường này.
Với nhiều người Việt Nam thì đây có lẽ là điều hơi lạ lẫm bởi trong lịch sử từ trước đến nay, chưa từng có trường hợp một người Việt Nam nào được lấy tên để đặt cho một trường đại học ở nước ngoài. Thế nhưng, với một cơ sở giáo dục, nghiên cứu lâu đời và nổi tiếng như Đại học Oxford thì đây lại là một điều hết sức bình thường. Đã có nhiều triệu phú, tỷ phú quyên tặng hàng “núi” tiền cho Đại học Oxford. Và họ không chỉ là cựu sinh viên của trường mà còn là những người chưa từng học ở ngôi trường này trước đây, cho dù chỉ là một ngày.
Dưới đây là danh sách những tỷ phú đã đóng góp nhiều tiền nhất cho Đại học Oxford từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Việt Nam)
Ngày 01/11/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú người Việt Nam, đã ký một Biên bản Ghi nhớ (MoU) về việc Tập đoàn SOVICO do bà Thảo làm đại diện sẽ trao cho trường Linacre College - một thành viên của Viện Đại học Oxford - khoản ngân sách theo hình thức tài trợ thiện nguyện với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.800 tỷ đồng).
Đây là khoản tiền tài trợ lớn nhất từ trước đến nay được trao tặng cho ngôi trường này.
|
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Ảnh: HBS |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7/6/1970 tại TP. Hà Nội, Bà là một nữ doanh nhân nổi tiếng từng được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới vào năm 2019. Hiện bà đang nắm giữ các chức vụ quan trọng như: Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, TGĐ hãng hàng không VietJet, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng HDBank.
Bà có bằng Cử nhân Tài chính - Kinh tế tài chính, Tín dụng – Ngân hàng và Tiến sĩ Kinh tế Tài chính. Hiện bà đang sở hữu khối tài sản ròng là 2,7 tỷ USD.
Theo đại diện của trường Linacre College thì ngôi trường này có thể sẽ được đổi tên thành Thao College nhằm ghi nhận sự hỗ trợ quý báu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho quá trình phát triển của nhà trường.
Ông Stephen Schwarzman (Mỹ)
Tỷ phú người Mỹ Stephen Schwarzman đã trao tặng cho Đại học Oxford khoảng tiền 150 triệu USD vào năm 2019.
Theo báo The Guardian thì vị tỷ phú này không phải là cựu sinh viên của Đại học Oxford; tuy nhiên, vào năm 15 tuổi, ông đã có cơ hội được đặt chân đến khuôn viên của ngôi trường này để rồi sau đó “những gì tôi thấy cứ như hiển hiện mãi trong tâm trí tôi”.
|
Stephen Schwarzman, CEO của Tập đoàn Blackstone - Ảnh: Arnd Wiegmann/Reuters |
Schwarzman là nhà sáng lập đồng thời là CEO của Tập đoàn đầu tư cổ phần tư nhân Blackstone. Ông hiện là tỷ phú giàu thứ hai trong lĩnh vực tài chính và đầu tư với khối tài sản 39,6 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes.
Vị tỷ phú này từng chia sẻ mong muốn tài trợ thành lập một khoa Nhân văn mới bằng tiền của mình tại Đại học Oxford. Theo kế hoạch thì vào năm 2024, một trung tâm mang tên ông là Schwarszman Centre sẽ được khai trương ngay trong khuôn viên của Đại học Oxford để tạo không gian sinh hoạt và học tập cho sinh viên của trường.
Anh em nhà Reuben (Anh)
David and Simon Reuben là những doanh nhân thành đạt tại xứ sở sương mù. 2 anh em nhà Reuben này đã đóng góp cho Đại học Oxford số tiền là 80 triệu bảng Anh để tài trợ cho một trường mới mở năm 2019, được đặt tên là trường Reuben College vào tháng 8/2020.
Cả hai anh em nhà Reuben không phải là cựu sinh viên của Đại học Oxford, và thậm chí Simon còn chưa hề tốt nghiệp đại học.
|
Anh em nhà Reuben - Ảnh: David M. Benett/Getty Images/Lyric Hammersmith |
Anh em nhà Reuben được cho là gia đình giàu thứ hai ở Anh với khối tài sản ròng 18,664 triệu bảng Anh nhờ vào việc kinh doanh bất động sản.
Ông Leonard Blavatnik (Mỹ)
Leonard Blavatnik là một doanh nhân tỷ phú Mỹ gốc Ukraine. Năm 2010, ông đã tài trợ cho Đại học Oxford khoản ngân sách trị giá 75 triệu bảng Anh. Khoản tiền này được sử dụng để thành lập một ngôi trường mang tên Blavatnik School of Government vào tháng 9/2010 với mục tiêu đào tạo các chuyên gia và nhà lãnh đạo làm việc cho chính phủ.
Blavatnik kiếm được nhiều tiền nhờ vào thương vụ bán cổ phần của mình trong một công ty dầu mỏ ở Nga mang tên TNK-BP với giá 7 tỷ USD vào năm 2013. Ông cũng chính là người đã “xuống tiền” mua hãng sản xuất âm nhạc Warner Music với giá 3,3 tỷ USD vào năm 2011.
|
Ông Leonard Blavatnik - Ảnh: Paddock Magazine |
Leonard Blatvatnik không phải là cựu sinh viên của Đại học Oxford. Ông theo học khoa Khoa học Máy tính tại Đại học Columbia (Mỹ). Tổng tài sản hiện nay của ông là 41,6 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes.
Vợ chồng Michael Moritz và Harriet Heyman
Ông Michael Moritz, một nhà đầu tư mạo hiểm xứ Wales cùng với vợ của mình là bà Harriet Heyman, đã tặng Đại học Oxford 75 triệu bảng Anh vào năm 2012 nhằm tạo nguồn học bổng trợ giúp cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Meritz kiếm được hàng tỷ USD nhờ các thương vụ đầu tư đình đám vào những công ty trong lĩnh vực công nghệ như Google, Yahoo, PayPal và YouTube. Vợ ông, bà Heyman, là một nhà báo người Mỹ đồng thời là một tiểu thuyết gia làm việc cho hãng tin New York Times.
Bản thân ông Moritz vốn là cựu sinh viên của Đại học Oxford. Ông theo học chuyên ngành Lịch sử tại trường Christ Church College và tốt nghiệp vào năm 1976.
|
Vợ chồng Michael Moritz và Harriet Heyman - Ảnh: Elena Zhukova/Booker Prize/PA Wire |
Ông Wafic Saïd (Syria)
Wafic Saïd là một chuyên gia tài chính người Syria với khối tài sản ròng khoảng 1,5 tỷ bảng Anh. Saïd không học tại Đại học Oxford bởi ông trúng tuyển vào Đại học Cambridge năm 1960; tuy nhiên, ông đã không thể theo học tại trường này do không đủ khả năng tài chính.
Saïd đã tài trợ cho Đại học Oxford khoản ngân sách 70 triệu bảng Anh vào năm 1996 để lập nên trường kinh doanh Saïd Business School. Từ đó đến nay, ông vẫn liên tục “rót” tiền hỗ trợ cho ngôi trường mang tên mình. Mới đây, vào năm 2020, Saïd đã tài trợ thêm 15 triệu bảng Anh để xây một trung tâm đào tạo mới cho trường.
|
Ông Wafic Saïd - Ảnh: Rex Features |
Bà Mica Ertegun (Romania)
Mica Ertegun là một nữ tỷ phú nổi danh với công tác thiện nguyện. Bà đang sở hữu khối tài sản ròng là 300 triệu bảng Anh.
Năm 2012, Ertegun đã tài trợ cho Đại học Oxford số tiền 26 triệu bảng Anh để lập thành Quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh theo học các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn, như: Lịch sử, Âm nhạc, Ngôn ngữ, Văn học, Hội họa, và Khảo cổ học. Cho đến nay, đã có 45 học giả hàng đầu trong lĩnh vực Nhân văn trên khắp thế giới nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ học bổng của bà để đến học và nghiên cứu tại Đại học Oxford.
Bà Ertegun cho biết, việc tài trợ này xuất phát từ nguyện vọng của người chồng quá cố của bà là ông Ahmet Ertegun, chính là nhà sáng lập của hãng thu âm nổi tiếng Atlantic Records.
“Nhiều người mang tiền ủng hộ cho các bệnh viện và những trại trẻ mồ côi. Thế nhưng tôi muốn làm điều gì đó thú vị hơn. Và giáo dục là một trong những điều thú vị đó”, bà Mica Ertegun nói với tờ Telegraph.
|
Bà Mica Ertegun - Ảnh: Nikolas Koenig |
Ông Li Ka-shing (Hong Kong)
Li Ka-shing là một nhà kinh doanh đến từ Hong Kong với khối tài sản ròng trị giá 29,4 tỷ USD. Ông không học ở Đại học Oxford, và thậm chí bỏ học từ lúc 15 tuổi để mưu sinh bằng nghề nhặt rác 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Năm 2013, ông đã hiến tặng 20 triệu bảng Anh để giúp thiết lập một trung tâm dữ liệu mới trong lĩnh vực y dược nơi có 600 nhà khoa học làm việc.
Viện Dữ liệu lớn thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Li Ka Shing được đích thân Thủ tướng Anh David Cameron đến khai trương vào ngày 03/5/2013. Tại đây, Chính phủ Anh đã đóng góp thêm cho Trung tâm này 10 triệu bảng Anh như là nguồn đối ứng từ chính phủ cho khoản tài trợ 20 triệu bảng Anh mà ông Li Ka-shing trao tặng cho Đại học Oxford.
|
Ông Li Ka-shing - Ảnh: Forbes |
Ông Dickson Poon (Hong Kong)
Ông Dickson Poon là một đại doanh nhân người Hong Kong kinh doanh trong lĩnh vực xa xỉ phẩm. Tài sản của ông được ước tính khoảng 5 tỷ USD. Năm 2014, ông được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ nhằm ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực giáo dục đại học và kinh doanh.
Ông Poon đã tài trợ cho trường St Hugh’s College 10 triệu bảng Anh để giúp Đại học Oxford xây dựng một trung tâm đa lĩnh vực đầu tiên chuyên nghiên cứu về Trung Quốc.
|
Ông Dickson Poon - Ảnh: Tatler Asia |
Tiến sĩ James Martin (Anh)
Tiến sĩ James Martin là một kỹ sư công nghệ thông tin nổi tiếng ở Anh. Martin là cựu sinh viên chuyên ngành Vật lý tại trường Keble College thuộc Đại học Oxford. Ông cũng là một trong những nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho đại học này.
Năm 2011, Tiến sĩ James Martin đã hiến tặng Đại học Oxford khoản ngân sách lớn là 100 triệu bảng Anh nhằm xây dựng trường Oxford Martin School với sứ mệnh giải quyết những vấn đề thách thức nhất của thế kỷ XXI, bao gồm: biến đổi khí hậu, đói nghèo toàn cầu và giải giáp vũ khí hạt nhân.
|
Tiến sĩ James Martin - Ảnh: Bernews |
Bà Stephanie Shirley (Anh)
Bà Stephanie Shirley là một tỷ phú thuộc lĩnh vực máy tính với tài sản ròng 150 triệu bảng Anh.
Mặc dù không hề đặt chân vào trường đại học, thế nhưng bà Shirley đã tự mày mò học lập trình máy tính từ những năm 1950, sau đó tham gia các lớp học buổi tối để lấy được bằng cử nhân ngành Toán. Bà mở một công ty phần mềm và kinh doanh hết sức thành công.
Bà Shirley đã tài trợ cho Đại học Oxford khoản tiền 10 triệu bảng Anh để thành lập nên Viện Internet Oxford. Đơn vị này có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà khoa học từ những lĩnh vực khác nhau nghiên cứu tác động của internet lên mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, địa lý, xã hội học cho đến chính trị.
|
Bà Stephanie Shirley - Ảnh: Getty Images |
Nguyễn Thuận (theo The Tab)