|
Các nữ doanh nhân thuộc Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) tặng bồn chứa nước cho hộ nghèo ở tỉnh Gia Lai vào năm 2023 - Ảnh: Diễm Trang |
Kiến tạo giá trị cho cộng đồng
Vừa tốt nghiệp chuyên ngành Anh, Trường đại học Sư phạm TPHCM, bà Tiêu Yến Trinh liền đầu quân cho Price Water House Coopers (PwC) - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. 2 năm sau, bà được bổ nhiệm làm trưởng phòng cao cấp bộ phận nhân sự của công ty (ESS).
|
Nữ doanh nhân Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Tập đoàn Talentnet - Ảnh: Thu Lê |
Năm 2007, nghe tin PwC muốn thanh lý ESS, bà đã thuyết phục PwC chuyển giao ESS cho mình. Tháng 11/2007, bà Tiêu Yến Trinh chính thức thành lập Công ty cổ phần Kết Nối Nhân Tài (Talentnet Corporation), hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, cung cấp các dịch vụ tuyển dụng, tư vấn về hệ thống và chính sách nhân sự, tiền lương. Từ khi điều hành công ty này, bà 3 lần được nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc TPHCM, được bình chọn là 1 trong 10 doanh nhân trẻ xuất sắc của giải thưởng Sao Đỏ năm 2019, đồng thời có mặt trong tốp 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Bà nói: “Nhiều người nói làm công việc liên quan tới con người nhức đầu lắm, nhưng tôi lại đam mê. Càng có nhiều thách thức, tôi càng thích”. Trong 16 năm điều hành thương hiệu Talentnet, bà không chỉ kinh doanh mà còn xây dựng giải thưởng Vietnam HR Awards vinh danh các doanh nghiệp có chính sách nhân sự xuất sắc, nâng tầm hệ thống quản trị nhân sự cho các công ty.
Chia sẻ bí quyết thành công, bà Tiêu Yến Trinh đúc kết 3 yếu tố: cái tầm, cái tâm và sự lì đòn. Cái tầm là làm gì cũng cần có chiến lược và định hướng rõ ràng, có khát vọng vươn ra khu vực; cái tâm là làm gì cũng phải tư duy sáng tạo, đột phá để mang lại giá trị cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng; lì đòn là không bỏ cuộc trong bất kỳ tình huống nào.
Bà kể, sau 6 năm thành lập công ty, bà quyết tâm đi tìm mua bản quyền nội dung, ý tưởng của một giải thưởng để tạo ra giải thưởng tương tự mang thương hiệu của Việt Nam nhưng đến nhiều nước mà vẫn không tìm được giải thưởng nào phù hợp. Khi đến Singapore, thấy giải thưởng Singapore Human Resource Institute (SHRI) có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, bà đã ngỏ lời được mua bản quyền. Sau 2 lần thuyết phục cùng với những cam kết, SHRI chấp nhận xem xét và thương thảo, đồng ý chuyển giao bản quyền cho Talentnet. Vietnam HR Awards trở thành giải thưởng uy tín hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị nhân sự.
Theo bà, cái khó của phụ nữ so với nam giới là ngoài công việc, còn phải làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội. Để có được sự hài hòa, bà phải phân bổ làm sao để có thời gian phát triển doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, có thời gian cho gia đình và sở thích cá nhân. Ngay trong gia đình, bà cũng biết cách để chồng và các con thấu hiểu, đồng hành.
Hướng đến kinh tế xanh
Mở đầu câu chuyện, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam - chia sẻ: “Khi dấn thân vào kinh doanh, phụ nữ gặp nhiều khó khăn về thời gian, sức khỏe, không thể toàn tâm toàn ý như nam giới. Để thành công, phụ nữ phải có những hy sinh nhất định”.
|
Nữ doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo - Ảnh: Thiên Ân |
Đến nay, bà đã có 32 năm làm việc cho New Toyo Việt Nam, từ nhân viên dần lên vị trí phó tổng, tổng giám đốc công ty, điều hành khoảng 200 nhân sự. Bà đã từng bước đưa New Toyo Việt Nam trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì giấy nhôm cho các sản phẩm tiêu dùng, là nhà cung cấp bao bì cho các tập đoàn đa quốc gia và nhiều công ty khác của Việt Nam. Để gặt hái được những thành công này, bà đã học kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý thời gian, học cách biết từ chối và chấp nhận để kiểm soát được tâm lý bản thân. Theo bà, trong kinh doanh, cần có chiến lược linh hoạt, thích ứng với các biến động, đôi khi phải ra quyết định thu hẹp quy mô để tồn tại. Khi có những thay đổi, lãnh đạo doanh nghiệp phải đối thoại để giúp người lao động vững tin, đồng hành.
Năm 2024, bà đã xây dựng kế hoạch năm theo xu hướng kinh tế xanh, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với những tiêu chí của doanh nghiệp xanh, như chú trọng trách nhiệm với môi trường, với xã hội, với con người. Cụ thể, đó là kế hoạch đo lường phạm vi phát thải khí CO2 từ nhà máy, từ xe cơ giới, từ nhà cung ứng.
Ngoài việc điều hành doanh nghiệp, bà còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ doanh nhân TPHCM. Bà đã cùng hội tổ chức các phiên chợ, hội chợ, hội thảo chuyên đề nhằm kết nối và nâng tầm doanh nghiệp, hỗ trợ nữ doanh nhân vượt qua thách thức để thành công. Bà cũng tích cực đóng góp tài lực thực hiện các chương trình chăm lo cho phụ nữ, trẻ em khó khăn ở các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới.
Kinh doanh gắn với trách nhiệm cộng đồng
Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - niềm tin vào bản thân là yếu tố quan trọng để vượt qua các thách thức trong cuộc sống và sự nghiệp.
|
Bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - Ảnh: Thiên Ân |
Bà Thủy Tiên khởi nghiệp kinh doanh với vai trò Giám đốc điều hành dự án siêu thị Miền Đông - siêu thị đầu tiên và lớn nhất Việt Nam (là liên doanh của IPPG và một công ty của quân đội) - vào năm 1995, khi chỉ mới 25 tuổi. Nhiều lúc, bà phải cố gắng tìm mọi cách để giữ bình tĩnh trước các quý ông mặc quân phục mỗi khi họp chung. Năm 2005, khi IPPG đầu tư phát triển lĩnh vực phân phối thời trang hàng hiệu cao cấp ở Việt Nam, bà được công ty giao trọng trách đàm phán với chủ các thương hiệu danh tiếng thế giới.
Vượt qua nhiều khó khăn, bà đã thuyết phục được các đối tác, từng bước đưa doanh nghiệp chiếm 70% thị phần hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước với hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ, tạo việc làm cho hơn 25.000 người.
Bà được các tạp chí danh tiếng như Forbes, The Guardian, Marie Claire, Harper’s Bazaar, Her World Singapore, BOF bầu chọn là một trong những nữ doanh nhân trẻ thành công tiêu biểu của Việt Nam và châu Á, nhận giải thưởng Nữ doanh nhân ASEAN của Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, Huân chương Công trạng - tước hiệu Hiệp sĩ của Chính phủ Ý…
Để tập đoàn phát triển ổn định, bà Thủy Tiên lập các chiến lược ứng phó với biến động của thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chuỗi cung ứng, hàng tồn kho, tiếp thị và bán hàng, phát triển đa kênh để bán hàng, đưa ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng sự trải nghiệm của khách hàng… Năm 2023, kinh tế khó khăn, sức mua nói chung giảm nhưng doanh số và lợi nhuận của IPPG vẫn tăng 15 - 30%.
|
Các nữ doanh nhân thuộc Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) tham gia “Siêu thị mini 0 đồng” năm 2024, chăm lo tết cho người dân khó khăn ở TPHCM - Ảnh: D.T. |
Bà Thủy Tiên luôn ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ về bình đẳng và phát triển nghề nghiệp ở nơi làm việc. Bà đã ký kết bộ nguyên tắc bình đẳng giới với UN Women - tổ chức của Liên hiệp quốc về bình đẳng giới để đảm bảo phụ nữ có điều kiện sống, làm việc, học tập và thăng tiến tốt nhất. Hàng chục năm qua, IPPG đóng góp đều đặn cho quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, quỹ học bổng Vừ A Dính, quỹ Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. IPPG cũng có nhiều chương trình riêng, như xây dựng mái ấm, trường học ở các vùng nông thôn nghèo, hỗ trợ y tế cho phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Trao giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc trong tháng 3/2024 2024 là năm đầu tiên Hội LHPN TPHCM và Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE) phối hợp tổ chức giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc, dự kiến trao trong tháng 3/2024 và sẽ tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Theo ban tổ chức, giải thưởng năm nay nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất tích cực của các nữ doanh nhân ở TPHCM. Hiện có khoảng 30 hồ sơ ứng viên đạt yêu cầu. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE - hiện có nhiều giải thưởng dành cho doanh nhân tiêu biểu nhưng chưa có giải thưởng để vinh danh nữ doanh nhân. Giải thưởng này được xét trao cho các nữ doanh nhân không chỉ thành công trong kinh doanh, chăm lo tốt cho người lao động mà còn có những đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng. Bà Ngọc Dung bày tỏ tin tưởng, những người được tôn vinh trong mùa giải đầu tiên này là những nữ doanh nhân tiêu biểu, xứng tầm với danh hiệu và sẽ là hạt nhân để tiếp tục khẳng định tầm vóc, quy mô của giải thưởng. Trang Lê |
Đầu tư cho phụ nữ để đẩy nhanh tốc độ phát triển Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, sáng 6/3, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội, Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức chương trình “Rung chuông vì bình đẳng giới” với chủ đề “Đầu tư cho phụ nữ - Đẩy nhanh tốc độ phát triển”. Đây là năm thứ mười, chiến dịch “Rung chuông vì bình đẳng giới” được tổ chức trên toàn cầu và là lần thứ sáu Việt Nam tham gia. Chương trình năm nay được tổ chức ở Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội. Gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức, công ty cổ phần niêm yết giá trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở TP Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc đã tham gia phiên thảo luận về chính sách và thực tiễn đầu tư cho phụ nữ. Theo ban tổ chức, bình đẳng giới và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ là cách tốt nhất để đảm bảo nền kinh tế thịnh vượng, xã hội phát triển bền vững. Thế nhưng, do phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, 75% quốc gia hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu và bảo trợ xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bình đẳng giới. Năm 2024, Liên hiệp quốc chọn chủ đề của ngày Quốc tế Phụ nữ là “Đầu tư cho phụ nữ - Đẩy nhanh tốc độ phát triển”. “Rung chuông vì bình đẳng giới” là lời kêu gọi các bên liên quan tiếp tục chung tay xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh và một nền kinh tế bình đẳng, thịnh vượng. Trước đó, ngày 4/3, chương trình “Rung chuông vì bình đẳng giới” đã được tổ chức ở TPHCM với gần 80 đại biểu dự. P.V |
Thiên Ân - Thu Lê