Nữ điều dưỡng và những đóng góp lặng thầm trong đại dịch

Bài 1: Người mẹ của những bệnh nhân COVID-19 nhỏ tuổi

21/12/2021 - 06:25

PNO - Là lực lượng thuộc tuyến đầu chống dịch COVID-19, công việc của nữ điều dưỡng vô cùng vất vả. Với bệnh nhân, điều dưỡng không chỉ là người chăm sóc thuốc men mà còn gần gũi như người thân để lắng nghe, chia sẻ những buồn vui, giúp người bệnh mau hồi phục. Vất vả, thu nhập không tương xứng với công việc, nhưng không ai trong các chị từ bỏ.

“Con trai, con nghe cô nói không? Ngoan quá. Cô hiểu rồi, con muốn gặp ba, để cô gọi ba con nha. Bây giờ, con hít sâu vào. Đúng rồi, thêm chút nữa, rồi từ từ thở ra nha” - nữ điều dưỡng Mỹ Diện dỗ dành bé trai đang gắng thở để vượt qua COVID-19.

“Nhìn đôi mắt là con biết các cô rồi”

Vừa thấy điều dưỡng Lê Thị Mỹ Diện và điều dưỡng Phan Thị Thiềm (Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM), các bệnh nhi đã ùa ra góc sân nhỏ chào đón. Hôm nay, điều dưỡng Diện và điều dưỡng Thiềm mang theo rất nhiều hình dán hoàng tử, công chúa tặng các bé. Nếu không đến gần, ít ai biết phía trong hàng rào chắn kín, chỉ chừa một lối vào duy nhất ấy là nơi chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc COVID-19. Khoảng sân nhỏ này sáng nay rộn ràng hẳn, bởi các bé có thêm đồ chơi mới.

Điều dưỡng Mỹ Diện gọi ghé sát tai khi thấy bé trai mắc COVID-19 nặng mấp máy môi như muốn nói chuyện - ẢNH: PHẠM AN
Điều dưỡng Mỹ Diện gọi ghé sát tai khi thấy bé trai mắc COVID-19 nặng mấp máy môi như muốn nói chuyện - Ảnh: Phạm An

“Cô Diện ơi”, “cô Thiềm ơi” - tiếng bé gái cất lên lảnh lót. Chúng tôi hỏi sao các cô mặc đồ bảo hộ kín mít mà con biết giỏi thế, bé gái cười: “Nhìn đôi mắt thôi là con biết các cô rồi”. Cách đây hơn 10 ngày, bé gái lanh lợi này dương tính với virus SARS-CoV-2, trở nặng và lịm dần. Nhờ y, bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc, giờ đây, bé đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, sắp được về nhà.

Suốt bảy tháng qua, từ khi điều dưỡng Mỹ Diện bước vào Khoa COVID-19, con trai sáu tuổi của chị phải về sống với ông bà ngoại ở tỉnh Long An. Xa con, chị dồn hết tình yêu thương của người mẹ vào từng bệnh nhi. Trong bộ đồ bảo hộ, chị hết vỗ lưng bé trai đến điều chỉnh thuốc truyền ở giường bé gái, miệng cứ gọi tên từng đứa để chúng đỡ sợ.

Sau buổi tập thở cho một bé trai, chị đắp lại chiếc mền cho bé đỡ lạnh rồi tiếp tục đến giường bên cạnh, nơi có cậu bé năm tuổi được đặt nằm sấp bởi nồng độ oxy quá thấp. Bé lim dim nhìn cô điều dưỡng, mấp máy môi như muốn nói gì đó. Mắt chị Diện đỏ hoe. Thằng bé trạc tuổi con trai chị. Có lần, con của chị cũng sốt cao. Chị gọi điện thoại về nhà, dặn cha mẹ cách hạ sốt cho con và mừng rơi nước mắt khi được báo bé chỉ cảm sốt thông thường, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cả gia đình từng là F0 nên điều dưỡng Nguyễn Kim Thiên Ái (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) càng quyết tâm hơn trong “cuộc chiến” với COVID-19 - ẢNH: PHẠM AN
Cả gia đình từng là F0 nên điều dưỡng Nguyễn Kim Thiên Ái (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) càng quyết tâm hơn trong “cuộc chiến” với COVID-19 - Ảnh: Phạm An

Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM hiện đang điều trị cho hơn 100 bé mắc bệnh COVID-19, đa số có biểu hiện nhẹ, nhưng cũng có gần 20 bé đang diễn tiến nặng, phải thở máy, thở mask, có bé phải chạy ECMO. Với những bé bệnh nặng, cha mẹ không được vào chăm nên mọi sinh hoạt đều do đội ngũ y tế lo. “Bệnh diễn tiến nhanh lắm, chỉ cần lơ đãng chút xíu là sẽ trả giá ngay” - điều dưỡng Thiềm nói. Hôm nay, điều dưỡng Thiềm cảm thấy nhẹ nhõm bởi sức khỏe các bé đang dần ổn định, số trẻ âm tính nhiều gấp đôi số trẻ được chuyển vào.

Nữ điều dưỡng Trần Nguyễn Ái Nương (Đơn vị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) từng phải đau đớn tiễn các bệnh nhi. Hôm đó, tan ca trực, chị vừa về đến nơi cách ly nhân viên y tế tuyến đầu) thì điện thoại reo, đơn vị báo một bé gái bất ngờ trở nặng. Qua camera, chị Nương nghe y lệnh, gọi các khoa khác điều động thêm thuốc, thiết bị. Chị ngậm ngùi: “Sáng đó, bé còn nằm bắt chéo chân, cười đùa khi chúng tôi thăm khám, nhận ra từng cô, chú. Vậy mà tối đến, bé tử vong. Liền đó, một bé trai bị bại não cũng trở nặng rồi mất”.

Vững vàng nơi tuyến đầu

Sau ca trực, các nữ điều dưỡng trở về với tâm trạng của những người mẹ có con đang độ tuổi đến trường. Ở với ông bà, các bé thiệt thòi hơn bởi không có mẹ bên cạnh. Nhưng nếu lúc này các chị yếu lòng, ngành y tế sẽ thêm phần khó khăn.

Điều dưỡng Trần Nguyễn Ái Nương xem lại hình ảnh đồng đội động viên nhau khi Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi COVID-19 đầu tiên - ẢNH: PHẠM AN
Điều dưỡng Trần Nguyễn Ái Nương xem lại hình ảnh đồng đội động viên nhau khi Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tiếp nhận bệnh nhi COVID-19 đầu tiên - Ảnh: Phạm An

“Hai đứa con trai của tôi bốn tuổi và 12 tuổi đều cần có mẹ ở bên. Dù có cha kề cận chăm sóc, tôi vẫn nhờ dì của các cháu qua hỗ trợ thêm, mà lo thì cứ lo. Tôi muốn nói với các cháu rằng, đây là công việc mà mẹ phải làm. Mẹ xa gia đình mình cũng bởi vì mẹ muốn bảo vệ các con. Nếu mẹ và các cô chú ở đây từ bỏ, dịch bệnh sẽ tiếp tục, các con ở nhà cũng khó bình yên”, chị Thiềm nhắn nhủ với con trai lớn của mình. 

Lần nào chị Mỹ Diện gọi điện về nhà, con trai cũng nói nhớ mẹ. Chị kể: “Con trai tôi mới vào lớp Một, học trực tuyến. Bé thích lắm, luôn miệng khoe cô giáo khen con viết chữ đẹp, rồi đưa tập cho mẹ xem. Nhưng bé cũng hay trách sao mẹ nói về mà con đợi hoài không thấy mẹ về. Tôi phải kể cho con nghe, các bạn, các em trong này không may mắn khỏe mạnh như con. Có bạn vừa bệnh, vừa phải cách ly cha mẹ. Mẹ thương con, cũng thương các bạn. Khi nào các bạn khỏe, mẹ sẽ về”. 

Hiện tại, các con vẫn được gửi cho người thân, các chị vẫn đều đặn gửi nỗi nhớ con vào sự chăm sóc ân cần cho bệnh nhi. Tuy nhớ con cồn cào nhưng ai cũng gật đầu khi được hỏi liệu có tiếp tục làm việc ở khoa điều trị COVID-19 hay không: “Nếu chúng tôi từ bỏ, ai sẽ tiếp tục? Tuyến đầu không vững thì nơi đâu cũng khó an toàn với COVID-19. Nếu được chọn lại, chúng tôi vẫn sẽ như vậy, vẫn chăm sóc, yêu thương bệnh nhi như chính con mình”. 

Phạm An

Bài 2: Có lệnh điều động, lập tức lên đường

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI