Chiều 18/11, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để thăm điều dưỡng M.T.H. (điều dưỡng khoa Cấp cứu), đồng thời mong chị sớm ổn định tinh thần để trở lại công việc.
Thế nhưng, chị H. cho biết do quá lo sợ trước lời dọa giết của người nhà bé L., chị phải xin lãnh đạo bệnh viện cho về nhà tự theo dõi thương tích của mình.
Đang điều trị phải xin về vì bị dọa giết
Một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1 khi chăm sóc vết thương cho chị H. thuật lại: "Khi nằm bệnh viện để theo dõi, chị H. đã kể lại tường tận sự việc tối 16/11 với các đồng nghiệp".
Theo đó, bé L. được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cấp cứu với tình trạng mệt, người lả và thở hổn hển. Do bé L. có tiền sử hen suyễn, thường khám bệnh và phun khí dung tại bệnh viện nên sau khi thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ chỉ định bé phun khí dung 2 lần, mỗi lần cách nhau 20 phút.
|
Bé L. (áo cam) đã ổn định và đang nằm trên giường trong khi bé khác bệnh nặng hơn được người thân cõng trên vai. |
Không chỉ riêng điều dưỡng H., bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện cũng thường bị người nhà bé L. la mắng nếu xử lý bệnh cho bé nặng hơn.
Bác sĩ khoa Cấp cứu nhớ lại: “Đa số nhân viên y tế ở đây đều biết bé L. vì bé hay vào phun khí dung. Lần nào bé được đưa tới, gia đình cũng cho bé lên giường nằm khi đợi phun khí dung lần 2.
Nếu còn giường, chúng tôi sẽ để bé nghỉ ngơi, hết giường thì nhắc nhở phụ huynh nhường giường cho bé nặng hơn, nhưng lần nào nhân viên cũng bị gia đình la lối, không hợp tác.
Tuy nhiều lần lớn tiếng với bác sĩ, điều dưỡng nhưng đây là lần đầu tiên cha bé L. hành hung”.
|
Người đàn ông tát điều dưỡng H. trước mặt các bệnh nhi khác. Ảnh cắt từ clip |
Như điều dưỡng H. kể lại, sau khi phun khí dung đợt đầu, bé L. được ba mẹ bế lên giường trống tại phòng lưu bệnh nằm đợi lần phun khí dung thứ 2.
Trong lúc bé nằm đợi, có một bé khác được người nhà cõng đến khoa Cấp cứu với tình trạng rất nặng. Bác sĩ chỉ định nhập viện theo dõi, hướng dẫn người nhà cho bé lên giường của bé L. nằm. Đây cũng là chiếc giường duy nhất còn lại trong phòng bệnh.
Theo điều dưỡng H., trước đó chị không yêu cầu người nhà bế bé L. ra ngoài. Do bé thấy bé khác được cõng tới nên tự ý xuống giường và đi ra ngoài. Lúc này sức khỏe của bé L. đã ổn định.
Tuy nhiên, khi thấy con chạy ra ngoài, người mẹ đã đến mắng chửi chị H. bằng những lời rất tục tĩu. Thấy người nhà nóng tính, giải thích không được, chị H. ra phòng phun khí dung để hỗ trợ cho các bé khác.
Người vợ chửi xong cũng đi ra ngoài nói với chồng, không biết nghe vợ kể những gì, người chồng vào phòng nói chuyện với chị H.
Chỉ 30 giây, không để chị H. trả lời hết, anh này đã đấm vào măt chị. Không thể phản kháng, chị bật báo động khẩn cấp.
"Nghe điều dưỡng kể, chúng tôi cũng muốn có sự khách quan và công bằng cho người nhà nên xem lại camera an ninh của bệnh viện. Sự việc đúng như chị H. nói, tôi cảm thấy rất đau lòng”, ban giám đốc bệnh viện cho hay.
|
Phòng phun khí dung, nơi xảy ra vụ việc |
Khi bảo vệ tại bệnh viện đến can ngăn, người đàn ông hành hung chị H. vẫn không hợp tác, buộc bệnh viện phải gọi công an phường đến giải quyết. Trước thái độ hung hãn của người đàn ông kể trên, và chấn thương khiến một bên mặt của chị H. bị phù nề, công an đã hỗ trợ đưa chị H. đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Chị được chẩn đoán gãy xương hàm, có nguy cơ phải phẫu thuật.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu nói thêm: “Nằm dưỡng bệnh đến trưa 18/11, chị H. sợ hãi xin xuất viện về nhà tự theo dõi vết thương của mình do nhớ lại lời dọa giết của ba bé L.. Hiện chị đang ở nhà, chúng tôi vẫn thay nhau đến thăm hỏi, động viên và kiểm tra tổn thương cho chị để kịp thời xử lý nếu chuyển biến xấu”.
Theo các điều dưỡng của bệnh viện, ai cũng thấy lo lắng mỗi khi bé L. được gia đình đưa đến phun khí dung vì người nhà rất nóng tính.
Bệnh viện sẽ tập huấn phản ứng nhanh cho nhân viên
“2 ngày qua, rất nhiều bác sĩ ở các bệnh viện khác đã gọi điện thoại hỏi thăm chị H. kèm theo nhiều bức xúc do bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện bạn cũng đang bị tình trạng tương tự.
Hầu như ngày nào nhân viên y tế cũng bị chửi bới, đòi đánh, đòi giết với lý do bệnh nhân đến trước nhưng bị khám sau mặc dù được giải thích tính mạng bệnh nhân sau đang nguy kịch, không cấp cứu kịp sẽ tử vong.
|
Khoa Cấp cứu bệnh viện luôn rất áp lực với nhân viên y tế |
"Tôi cũng từng bị nhục mạ vì người bệnh nói nhận tiền của ca bệnh đến sau, để bỏ mặc người thân của họ. Nhưng thực ra, ở phòng cấp cứu hay bất kỳ phòng bệnh nào, bệnh nhân đều đáng được tôn trọng, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, tính mạng bệnh nhân là trên hết, không thể bỏ một người suy hô hấp để chăm một người được chẩn đoán chóng mặt vì rối loạn tiền đình”, một nữ bác sĩ bức xúc.
Lãnh đạo của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết: “Không chỉ riêng khoa Cấp cứu, nhân viên y tế ở các phòng, khoa khác cũng thường xuyên bị lăng mạ, chửi bới. Có lần, người nhà bệnh nhi đánh gãy bàn bác sĩ vì muốn con mình được khám trước, trong khi một bé đến sau đang suy hô hấp, không được xử lý kịp sẽ tử vong. Chúng tôi vừa phải nghe chửi vừa cứu bệnh nhi trong tình huống rất căng thẳng”.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện để xử lý những tình huống khẩn cấp, nguy hiểm cho nhân viên, ban giám đốc chỉ có nút báo động khẩn cấp, đội bảo vệ phản ứng nhanh, nhờ công an phường hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra nhanh như trường hợp của điều dưỡng H., thì nhân viên y tế vẫn là người thiệt thòi. Trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ tổ chức các khóa tập huấn phản ứng nhanh cho nhân viên.
Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu chấp nhận lời xin lỗi của người đàn ông đánh gãy xương hàm điều dưỡng H. thì sẽ tạo tiền đề cho người khác dễ dàng hành hung nhân viên y tế. Vì vậy, bệnh viện trình báo lên Công an Quận 10, TP.HCM để xử lý thật công bằng cho chị H..
|
Chiều tối 18/11, vẫn có rất nhiều bệnh nhi đang cần được khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
“Không có chuyện đánh nhân viên y tế xong thì xin lỗi và được rồi bỏ qua. Chúng tôi có thể cảm thông cho phụ huynh vì lo lắng cho sức khỏe của con mình, nhưng cha mẹ không có quyền ích kỷ, ra lệnh cho bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc con của họ mà bỏ mặc bệnh nhi khác.
Chúng tôi là nhân viên y tế, phải đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu. Bỏ qua dễ dàng cho người nhà này sẽ tạo tiền đề bạo lực cho những người khác. Bên cạnh đó, hoàn cảnh điều dưỡng H. rất khó khăn.
Hơn 10 năm công tác, chị H. luôn tử tế với bệnh nhân nhưng lại nhận về một cú đấm đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, hãy để pháp luật xử lý”, đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nói thêm.
Phạm An