edf40wrjww2tblPage:Content
Ana Montes trong nhà tù ở Mỹ
“Nữ hoàng Cuba” nổi loạn
Ở DIA (Cục Quân báo Mỹ), người ta gọi Ana Montes là “Nữ hoàng Cuba” vì bà am hiểu sâu sắc những vấn đề về Cuba và từng tham gia hoạch định chính sách của Mỹ đối với Cuba. Dù 11 năm đã trôi qua, bà Ana (hiện 56 tuổi), vẫn được xem là nữ điệp viên đáng gờm nhất từng gây sóng gió tại Mỹ. Bà Ana Montes đã hai lần nhận huy chương cao quý của ngành tình báo Mỹ nhưng lại hoạt động ngầm cho Cuba suốt 17 năm trước khi bị bắt và bị kết án 25 năm tù vào năm 2002.
Ngành tình báo Mỹ trước đó không lâu từng có hai vụ “phản quốc” đình đám của nhân viên phản gián Aldrich Ames và Robert Hanssen. Tuy nhiên, bản chất vụ án gọi là “phản quốc” của bà Ana Montes hoàn toàn khác. Nếu hai điệp viên phái mạnh “ăn cơm Mỹ, làm việc cho Liên Xô” vì tiền thì nữ phân tích viên thông tin tình báo cao cấp Ana phục vụ cho Cuba vì một động cơ hoàn toàn phi vật chất. Có thể nói, bà phản bội nước Mỹ vì muốn nổi loạn chống chính sách gieo rắc sự chết chóc và lòng hận thù đối với các nước khác của mấy đời tổng thống Mỹ.
Tính nổi loạn đó có lẽ bắt nguồn từ gia đình bà. Ana Montes chào đời trong một căn cứ quân sự Mỹ năm 1957. Cha bà, ông Alberto Montes, là bác sĩ quân y người Mỹ gốc Puerto Rico, một người độc đoán, hung bạo. Ông ly hôn vợ năm Montes 15 tuổi. Tính cách của cha đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển tâm lý của con gái. Ana lúc đó đã có xu hướng bênh vực những kẻ yếu, chống lại những kẻ “ỷ mạnh hiếp yếu”, theo phân tích của chuyên gia tâm lý CIA. Vì vậy, khi được tình báo Cuba tuyển dụng, bà đã hết lòng giúp đỡ “nước yếu đang bị nước mạnh (là Mỹ) hiếp đáp”.
Học xong đại học, Ana về Puerto Rico tìm việc làm nhưng thất nghiệp một thời gian khá lâu. Khi được một người bạn giới thiệu vào làm thư ký đánh máy trong Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington năm 1985, Ana nhận lời ngay. Chỉ một năm sau, Ana được chuyển sang làm ở bộ phận tàng trữ tài liệu nhạy cảm nhất của bộ này. Tất nhiên trước đó, FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ) đã “soi” kỹ lý lịch của Ana, nhưng không hề biết việc năm 1984, tình báo Cuba đã tiếp xúc với Ana và đào tạo cô trong một khóa điệp báo ngắn hạn.
Năm 1985, Ana Montes được DIA nhận về làm chuyên viên phân tích thông tin tình báo hai nước El Salvadore và Nicaragua. Chính trong thời gian này, bà Ana càng căm ghét Chính phủ của Tổng thống Reagan vì ủng hộ các chính thể độc tài Nam Mỹ dưới chiêu bài chống cộng, đặc biệt là nhóm Contra chống lại chính phủ cánh tả Sandinista ở Nicaragua. Chức vụ cao nhất trước khi bị bắt của bà ở DIA là chuyên viên phân tích chính thông tin quân sự và chính trị của Cuba. Bộ Quốc phòng Mỹ, cơ quan chủ quản DIA, từng 10 lần khen thưởng bà Ana do thành tích xuất sắc.
Ban ngày Ana Montes khoác áo DIA mang số hiệu GS-14, làm việc hết sức chăm chỉ. Ban đêm bà mở radio ghi lại chỉ thị mã hóa của Cuba và chuyển cho điệp viên Cuba nằm vùng tại các nhà hàng. Bà cũng chuyển đi nhiều thông tin mật, trong đó có những cơ sở nghe lén mà Mỹ bí mật đặt ở Cuba.
Chính em gái Lucy Montes đã vô tình hại chị mình. Lucy làm trong đội phản gián FBI và đã phá vỡ một mạng lưới điệp viên Cuba ở Miami, bang Florida. Mất liên lạc với tổ chức, bà Ana lo lắng và đã sơ hở, để bị “lộ diện” sau một lần nhân viên phản gián Mỹ đột nhập vào nhà bà ngày 25/5/2001. Tại đây, họ tìm thấy một điện đài bí mật và chiếc laptop chứa đầy dữ liệu nhạy cảm.
Quân đội Mỹ và CIA đã mất nhiều năm để đánh giá tác hại của điệp viên nằm vùng Ana Montes trước khi kết luận bà là “một trong những điệp viên gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử”. Tuy nhiên, Ana từng viết, bà không thấy có gì phải hối hận và xin lỗi vì “nước Mỹ đã làm những điều tàn ác và bất công”.
Lindsay Moran
Vỡ mộng
Câu chuyện của Lindsay Moran là một nỗi đau khác của tình báo Mỹ. Cựu nữ điệp viên CIA 44 tuổi mô tả cái nghề đi rình mò, ăn trộm thông tin mật, giết người trong bóng tối là “bẩn thỉu”. Vì lý do đó, sau khi làm việc được 5 năm trong CIA (Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ), bà tự rút khỏi cơ quan này, lấy chồng, sinh con, trở thành nhà báo tự do.
Lindsay Moran mơ làm điệp viên từ lúc còn bé. Bé Lindsay từng đọc ngấu nghiến các tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là cuốn Harriet the Spy và James Bond. Không chỉ đọc, Lindsay còn thực hành, thường liên lạc với bạn bè bằng mật mã và âm thầm giám sát hoạt động của... hàng xóm.
Đi học ở Trường trung học Montgomery Blair, hạt Montgomery, bang Maryland, Lindsay nổi tiếng học giỏi, được bạn bè phong danh hiệu “Học sinh tài trí nhất”. Tại đây, Lindsay từng phụ trách việc biên tập báo trực tuyến Siver Chips của nhà trường, viết những bài nặng ký đề cập đến tệ nạn phá thai trong giới trẻ và chiến tranh Việt Nam. Tốt nghiệp phổ thông năm 1997, Lindsay vào Khoa Ngữ văn Anh, Trường đại học Harvard. Sau khi lấy bằng cử nhân, cô nhận được học bổng Fullbright nghiên cứu ở các nước Đông Âu và làm giáo viên tiếng Anh ở Bulgaria.
Tài năng trẻ Lindsay Moran được CIA chấm và tuyển làm điệp viên. Lúc đầu, Lindsay rất hạnh phúc vì giấc mơ thời thơ ấu đã thành sự thật. Ấn tượng mạnh nhất là ngày đầu cô tới tổng hành dinh CIA nhận việc: “Tôi không bao giờ quên lần đầu bước qua cổng chính. Tôi dừng lại ngắm nhìn bức tường gắn các dãy sao vàng, dãy này chồng lên dãy nọ. Mỗi ngôi sao tưởng niệm một nhân viên CIA “chết trận trong khi thực hiện nghĩa vụ với quốc gia”.
Lindsay được biên chế vào ban chỉ huy chiến dịch (DO), một đơn vị hoạt động ngầm của CIA. Bà trải qua một năm đào tạo nhân viên mật vụ, học nhảy dù, phục kích, lái tàu cao tốc, lái xe hơi chạy lùi tốc độ cao... tại một trung tâm huấn luyện có mật danh “Trang trại”. Bà cũng được dạy cách tuyển mộ điệp viên người nước ngoài cho CIA tại những buổi tiếp tân của tòa đại sứ và lãnh sự Mỹ. Khóa học kết thúc vào cuối năm 1999, một năm sau khi Giám đốc CIA George Tenet tuyên bố tình trạng chiến tranh với Al-Qaeda.
Tốt nghiệp “Trang trại”, Lindsay Moran được phái đến thành phố Skopje, nước Cộng hòa Macedonia dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao Mỹ. Nhiệm vụ của nữ điệp viên mới ra trường này bao gồm tìm kiếm, đánh giá và tuyển mộ người nước ngoài muốn bán thông tin mật. Trong ba năm hoạt động, Moran thu thập được khá nhiều thông tin cá nhân các nhà lãnh đạo Nam Tư dính líu đến cuộc thảm sát người Serbia ở Kosovo.
Sau đó, do áp lực công việc lên đời sống riêng tư và cách làm việc quan liêu của cấp trên, nhiệt tình công tác của Lindsay nguội dần. Đặc biệt, sau sự kiện 11/9/2001, Lindsay hoàn toàn thất vọng vì phản ứng chậm chạp và lúng túng của CIA. Bà cũng bực bội vì chuyện thăng tiến của mình không phụ thuộc vào chất lượng nhân viên nước ngoài bà tuyển dụng được mà lại phụ thuộc vào số lượng. Lindsay đồng thời cũng bất mãn với cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Iraq. Cuối cùng, Lindsay quyết định ly khai CIA vào năm 2003, sau 5 năm công tác.
Năm 2005, Lindsay Moran tung ra quyển hồi ký Blowing My Cover: My Life as a Spy kể lại những năm tháng làm việc cho CIA và giải thích tại sao bà bỏ ngang công việc mà bà từng chọn làm sự nghiệp cả đời từ khi còn bé. Bà cho rằng, nghề điệp viên ở Mỹ “dơ bẩn vì lừa dối người dân trong khi vẫn lợi dụng họ. Nhân viên CIA muốn kết bạn với họ không phải vì có cảm tình mà chỉ vì họ biết những thông tin có lợi cho chính phủ Mỹ”.
Bà Lindsay Moran hiện có chồng và hai con, là nhà báo tự do cộng tác với những tờ báo hàng đầu nước Mỹ như The New York Times, The Washington Post và USA Today.
Giờ đây, thế giới tình báo vẫn hấp dẫn với bà Lindsay Moran, nhưng chỉ là trong thế giới ảo của phim ảnh, tiểu thuyết và ký ức.
VĂN ANH
Đón đọc kỳ tới: Những bóng hồng của Mossad