Glass Garden, bộ phim truyện thứ tư của nữ đạo diễn (ĐD) Shin Su-won đã được chọn chiếu mở màn cho Liên hoan phim (LHP) Busan lần thứ 22 (diễn ra từ ngày 12 đến 21/10), đã tạo thêm cơ hội cho công chúng biết đến những ý tưởng khác biệt của nhà làm phim 50 tuổi này.
|
Glass Garden - bộ phim thể hiện những ý tưởng khác biệt của Shin Su-won |
Glass Garden là một tác phẩm giả tưởng thần bí, nói về Jae Yeon - một nhà nghiên cứu năng lượng sinh học bị khuyết tật nhưng có khả năng giao tiếp được với thiên nhiên; sống ẩn dật trong một nhà kính sau khi bị người yêu ruồng bỏ. Câu chuyện của cô được kể qua góc nhìn của tiểu thuyết gia Ji Hoon - người kết thân với Jae Yeon để lấy cuộc đời cô làm cảm hứng cho việc sáng tác của mình.
Thông qua cốt truyện nhiều bất ngờ, Shin Su-won đã đặt ra một vấn đề gai góc: “Với lòng tham và ham muốn của mình, liệu con người có thể tồn tại cùng nhau như cách mà thiên nhiên vẫn luôn tồn tại hay không?”.
Đây không phải lần đầu tiên nữ ĐD này đưa ra những vấn đề đáng suy ngẫm về con người, xã hội trong tác phẩm của mình. Trước đó, phim ngắn Circle Line giành giải Canal + Phim ngắn hay nhất tại LHP Cannes 2012 của bà là một câu chuyện buồn về người đàn ông giết chết thời gian bằng việc ngồi lỳ suốt ngày trên những chuyến tàu điện để gia đình - người vợ đang mang thai và cậu con trai, không biết sự thật ông ta đã bị mất việc.
Phim truyện đầu tay Passerby#3 của bà cũng nói về cuộc đấu tranh để được theo đuổi sự nghiệp làm phim của một phụ nữ đã có gia đình. Một phim khác là Madonna thì đề cập đến quyền lực của người giàu trong lĩnh vực y tế thông qua chuyện một nữ y tá được người thân của một bệnh nhân giàu có đang chờ ghép tạng nhờ theo dõi, thuyết phục người nhà của một gái mại dâm đang mang thai đồng ý hiến tạng.
Thân phận những người nghèo và kém may mắn trong xã hội luôn là niềm cảm hứng để Shin Su-won vừa chấp bút viết kịch bản, vừa làm ĐD để thực hiện những bộ phim giàu ý nghĩa. Có lẽ vì cũng là phụ nữ nên Shin Su-won thường chọn phụ nữ là nhân vật trung tâm của mình và các nhân vật nữ đó đều phải tranh đấu với những rắc rối trong cuộc sống, như chính bản thân tác giả.
“Giấc mơ thuở nhỏ của tôi là trở thành họa sĩ. Tôi vẽ rất giỏi, nhưng cho dù tôi có đậu được vào trường mỹ thuật thì gia đình cũng không đủ tiền đóng học phí. Đó là lý do vì sao tôi phải chọn ngành nào học phí vừa ít vừa bảo đảm kinh tế ổn định khi ra trường. Vậy là tôi học sư phạm ở Trường ĐH quốc gia Seoul”. Shin Su-won tốt nghiệp khoa tiếng Đức, trở thành giáo viên, dạy địa lý, lịch sử thế giới, kinh tế chính trị.
Suốt 10 năm đứng trên bục giảng, giấc mơ theo đuổi nghệ thuật vẫn không nguôi trong lòng bà; nhưng thay vì hội họa, bà lại mê viết lách và xuất bản được 2 cuốn sách về thanh thiếu niên. Shin Su-won lại theo học biên kịch tại Trường ĐH nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc và chính thức giã từ bục giảng.
Năm 2010, ở tuổi 43, bà thực hiện phim truyện đầu tay Passerby#3 với số tiền ít ỏi dành dụm được là 25 triệu won. Passerby#3 lập tức hái ngay được quả ngọt: giải Phim hay nhất khu vục châu Á - Trung Đông tại LHP quốc tế Tokyo 2010.
Phim thứ hai, Pluto, bà đề cập đến vấn nạn áp lực giáo dục đang đè nặng các học sinh của một trường chuyên. Phim được chọn chiếu ở LHP Berlin 2013, giúp tên tuổi Shin Su-won tiếp tục được chú ý nhiều hơn.
Đến bộ phim thứ ba, Madonna, tài năng của nữ ĐD vào nghề muộn này thực sự tỏa sáng khi phim lọt vào hạng mục Un Certain Regard của LHP Cannes 2015. Bà là nữ ĐD đầu tiên của Hàn Quốc có phim gây tiếng vang ở cả hai LHP uy tín trên thế giới là Cannes và Berlin.
|
Một cảnh trong phim Madonna |
Tuy nhiên, không thành công nào không phải trả giá, nhất là với một phụ nữ đang làm việc trong lãnh địa mà nam giới chiếm ưu thế như điện ảnh. Bà tâm sự, thời gian đầu làm phim, mỗi khi mắc sai lầm là bà phải nghe đủ điều tiếng chê trách từ những người trong đoàn, dù đó chỉ là lỗi các ĐD nam vẫn thường mắc phải. “Cách duy nhất tôi có thể làm là vờ như không nghe thấy những lời đàm tiếu đó, để tiếp tục dẫn dắt họ làm việc”.
50 tuổi đời nhưng chỉ 7 năm tuổi nghề, con đường làm nghề nữ ĐD Shin Su-won là quá ngắn so với những ĐD nữ khác của xứ sở kim chi nhưng phim nào của bà cũng để lại tiếng vang, gặt hái giải thưởng quốc tế. Thực tế đó có lẽ đã đủ để Shin Su-won không tiếc nuối vì đã rời bỏ bục giảng để theo đuổi đam mê, dù đã có phần muộn màng.
LHP Busan lần thứ 22 khai mạc tại thành phố cảng Busan Hàn Quốc ngày 12/10, được xem là một liên hoan có nhiều nét mới. Trước hết là việc lần đầu tiên phim chiếu mở màn và kết thúc LHP đều của ĐD nữ. Phim của nước chủ nhà Glass Garden (ĐD Shin Su-won) lãnh ấn tiên phong và Love education (ĐD Đài Loan Trương Ngãi Gia - có nội dung xoay quanh chuyện một phụ nữ tìm dời mộ bố đến gần mộ mẹ nhưng gặp sự cản trở từ người vợ đầu của người bố) là lời chào tạm biệt của LHP.
Năm nay, LHP có thêm hạng mục mới là giải Kim Ji Seok nhằm tưởng nhớ người sáng lập LHP là Kim Ji Seok đã qua đời đột ngột vào tháng Năm vừa rồi. Có 10 phim tranh giải dành để tôn vinh phim châu Á của các đạo diễn trẻ. Ban giám khảo cũng được tăng cường những tên tuổi lớn như ĐD Mỹ Oliver Stone, ĐD Iran Bahman Ghobadi, ĐD hình ảnh nổi tiếng người Pháp Agnès Godard, cây đại thụ của điện ảnh đương đại Philippines Lav Diz, ĐD Jang Sun Woo - một trong những người tiên phong trong làn sóng điện ảnh mới của Hàn Quốc.
Có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ gửi 175 phim tham dự, trong đó Việt Nam có phim Cô Ba Sài Gòn.
|
Quang Huy