“Có hẹn phỏng vấn nên Hoàng Anh mới ăn mặc vậy đó, chứ ở phim trường là chỉ có quần shorts thôi” - nữ đạo diễn sinh năm 1987 nói vui.
“Mặc vậy đó” của Hoàng Anh là quần jeans, áo sơ-mi dài tay. Ngoài phim trường, Hoàng Anh là “nữ tướng trường quay” hét ra lửa, nhưng bình thường cô rất ngại tiếp xúc với người lạ, cũng không thích xuất hiện ở chốn đông người. Về nhà, Hoàng Anh lại là cô con gái hiền lành nhút nhát của bố mẹ như thuở còn là sinh viên khoa Quản lý đất đai và môi trường (Đại học Nông Lâm).
Nguyễn Hoàng Anh được khán giả biết đến nhiều sau thành công của series phim Cô Thắm về làng. Nhưng tên tuổi cô đã được người trong giới đánh giá cao từ nhiều năm trước, khi những kịch bản cô viết trở thành những bộ phim ăn khách: Cá rô, em yêu anh!, Dù gió có thổi, Cuộc chiến quý ông, Kẻ thù giấu mặt… tết Nguyên đán 2018 vừa rồi, cô cũng ra mắt dự án điện ảnh đầu tiên Về quê ăn tết (nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân).
Hiện tại, Hoàng Anh đang tiếp tục với dự án phim truyền hình dài 80 tập Gạo nếp gạo tẻ, dự kiến phát sóng vào khoảng giữa năm nay. Gần 10 năm làm nghề, Nguyễn Hoàng Anh vẫn ẩn mình như một “người lạ” của màn ảnh nhỏ.
Bảy năm cho một ngã rẽ
* Phóng viên: Có khi nào chị tự hỏi “sao mình lại… đi làm phim”?
- Đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh: Ngày nào tôi cũng tự hỏi mình câu đó (cười). Hồi còn làm nhân viên văn phòng, ngày ngày vào cơ quan tôi đều hỏi: mình phải làm công việc này cả đời sao? Rồi nhìn quanh những đồng nghiệp lớn tuổi, bao nhiêu năm họ vẫn ngồi đó chỉ với một loại công việc. Tôi không dám hình dung nhiều năm nữa mình cũng sẽ như vậy.
Một ngày, tôi để lại lá đơn xin nghỉ việc rồi… lẳng lặng ra đi. Nhiều người nói tôi liều, đang có công việc ổn định, nơi làm việc cũng tốt, không phải ai muốn vào cũng được. Vậy mà tôi nói bỏ là bỏ. Nhưng lúc đó, tôi muốn mình phải làm công việc nào đó mới mẻ, sáng tạo và tự do hơn. Có lẽ cũng nhờ quyết định liều lĩnh ấy mà tôi mới được là chính mình, được làm điều mình yêu thích và có một Nguyễn Hoàng Anh hôm nay.
* Có nghĩa là lúc đó chị cũng chưa nghĩ sẽ gắn bó với phim ảnh?
- Đúng vậy. Còn hoang mang lắm. Ban đầu, tôi định xây dựng một website về giáo dục. Nhưng sau đó lại muốn trở thành một nhà sản xuất. Rồi tôi đăng ký học biên kịch, xong lớp cơ bản lại học tiếp lớp nâng cao; sau đó ra phim trường học việc.
Muốn trở thành nhà sản xuất, trước tiên phải hiểu được môi trường làm việc, thị trường cạnh tranh lẫn cách thức sản xuất một chương trình như thế nào. Suốt gần bảy năm, tôi vừa viết kịch bản vừa học nghề, được sống trong không khí đầy hứng khởi, lúc nào cũng sáng tạo và mới lạ. Mỗi dự án đều là một thử thách, cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng đường.
|
Về quê ăn tết - phim điện ảnh đầu tay của Nguyễn Hoàng Anh
|
* Bảy năm - với chị là ngắn hay dài để bắt đầu một con đường?
- Tôi luôn nghĩ đó là khoảng thời gian cần thiết. Từ lĩnh vực khác bước vào, mọi thứ tôi đều phải học hỏi, mọi mối quan hệ đều phải xây dựng. Tôi chuẩn bị rất kỹ cho con đường mới. Từ việc tìm đọc yêu cầu của nhà tuyển dụng, xem muốn trở thành một nhà sản xuất, quản lý dự án thì cần những gì. Từ đó biết cách bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng rồi mới dám đi xin việc. Và tôi cũng đã được nhận vào làm việc ở vị trí của một nhà sản xuất.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh:
Tôi là người mà yêu cầu thời hạn nộp kịch bản lúc 5g, email sẽ được gửi đi lúc 4g55. Là người mà ra trường quay, một khi đã xác quyết điều gì là sẽ “cứ làm như thế cho chị”. Thích sự thay đổi và xê dịch, thường viết kịch bản hay nhất những khi lòng… hồn nhiên. Hình ảnh thường thấy ngoài phim trường là quần shorts, áo có hình chuột Mickey, giày bata và… chưa từng tốn tiền cho mỹ phẩm.
|
Làm đạo diễn là một duyên may, cũng là cơ hội bất ngờ dành cho tôi. Lúc đầu tôi lo lắng lắm nhưng người giao trách nhiệm cho tôi đã nói rằng, kinh phí đầu tư làm phim anh còn không lo, sao tôi lại lo làm gì. Cứ làm đi. Nhờ lời động viên ấy mà tôi tự tin ra phim trường Cô Thắm về làng và làm… đạo diễn cho đến bây giờ.
* Nhưng lạ, có kịch bản phim ăn khách, làm phim được khán giả yêu thích nhưng chị lại gần như luôn “ẩn mình” trước công chúng?
- Tôi không quan trọng việc mình xuất hiện ở đâu, cũng không cần mình phải đứng tên người viết chính trong kịch bản, chỉ cần sản phẩm của nhóm làm ra được mọi người đón nhận. Tôi chỉ quan tâm đến kết quả, vậy là đủ vui, thêm động lực với nghề.
Tôi cũng ngại lên sân khấu ghi hình giao lưu, có lẽ tôi không phải là người giỏi ăn nói hay nhiều kinh nghiệm nói chuyện trước công chúng. Nếu có, tôi chỉ muốn đó là lần mình cầm chiếc bánh mừng sinh nhật tuổi lên năm của phim Cô Thắm về làng (cười).
|
Các phim Kẻ thù giấu mặt, Dù gió có thổi - kịch bản Nguyễn Hoàng Anh
|
* Chị vẫn sẽ làm phần tiếp theo của “cô Thắm” chứ?
- Phần bốn chắc chắn có. Ở ba phần trước, kịch bản đã khai thác bối cảnh cả ba miền Nam - Trung - Bắc. Có lẽ phần tiếp theo tôi sẽ chọn một không gian khác, hơi thần thoại hoặc cổ tích một chút cho lạ. Phim được khán giả yêu thích nhờ không gian làng quê, đậm vị tết Việt, nhắc nhớ những giá trị truyền thống, món ăn, giá trị gia đình… Phần bốn cũng sẽ tiếp tục thể hiện những giá trị ấy, vẫn sẽ có nhiều tình huống tạo tiếng cười, rộn ràng phù hợp với không khí ngày tết.
Kỷ luật và… hồn nhiên
* Chắn hẳn cũng phải có “dấu hiệu ngầm” nào đó hồi nhỏ, chứng tỏ sau này chị gắn bó với chữ nghĩa, phim ảnh chứ?
- Có lẽ đó là sở thích đọc sách của tôi từ lúc còn rất nhỏ. Hồi đó, mẹ tôi làm ở nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ (nay là nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM - PV). Chiều nào tôi tan học cũng được mẹ đón vào nhà xuất bản, ở đó có biết bao sách hay. Trong lúc chờ mẹ hết giờ làm việc, tôi đọc sách. Mẹ định hướng cho tôi đọc những tác phẩm văn chương có giá trị. Sau này, tôi đi đâu cũng có thói quen quan sát.
Cuộc sống là chất liệu cho tôi khai thác tình huống. Ví dụ, đang uống cà phê, nghe ai đó cãi nhau, tôi sẽ để tâm và tự hỏi, họ cãi nhau vì điều gì, rồi sau đó sẽ giải quyết ra sao. Tùy mức độ mâu thuẫn mà tôi sẽ nghĩ đến việc tạo kịch tính như thế nào. Không phải cái gì mình cũng viết kịch bản được, nhưng rất nhiều trường hợp nhờ quan sát cuộc sống mà tôi đã tìm ra cách tạo xung đột, giải quyết vấn đề cho các nhân vật của mình.
|
Cô Thắm về làng - series phim đánh dấu tên tuổi của nữ đạo diễn
|
* Là “đầu tàu” của đoàn phim trong khi tuổi vẫn còn trẻ, có khi nào chị thấy công việc quá áp lực với mình không?
- Chị Ngô Thanh Vân từng nói, làm đạo diễn là chỉ thấy những mặt trái của bản thân. Nóng tính, độc tài, hay bực bội, giận dữ một cách không thể kiểm soát. Mình phải chịu trách nhiệm hết mọi thứ nhưng không phải lúc nào cũng có thời gian để giải thích cặn kẽ.
Nhiều khi phản ứng của mọi người cũng khiến tôi bị tổn thương ghê gớm. Rồi những tai nạn trên phim trường, ví như có lần tôi bị côn trùng độc cắn ngay cổ, cứ nghĩ không sao, ai ngờ vết thương lan rộng. Mãi sau mới vào bệnh viện khám, bác sĩ la quá chừng. Băng bó vết thương xong ra phim trường ai nhìn tôi cũng hết hồn. Giờ ở sau cổ vẫn còn một vết sẹo to. Bạn bè hay nói vui, sau mỗi phim là tôi có thêm… một sẹo.
Cũng thấy sợ lắm chứ. Nhưng xong phim rồi, mọi thứ lại ổn hết. Còn mình lại hào hứng với những dự án mới. Tôi đang được làm điều mình thích và sẽ luôn cố gắng vì điều đó.
|
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh trên phim trường Về quê ăn tết - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
* Nhưng rất nhiều đạo diễn giờ đã cảm thấy ngán làm phim truyền hình, vì rất nhiều yếu tố…
- Tôi vẫn cực kỳ thích làm phim truyền hình. Tôi luôn nghĩ sẽ có cách nào đó làm được phim tốt trong điều kiện kinh phí vừa phải. Nhưng tôi cũng không muốn làm nhanh làm vội. Có thể trong một năm chỉ tập trung làm nửa năm thôi, thời gian còn lại đi du lịch, cho não phục hồi năng lượng để còn nghĩ ra ý tưởng, kịch bản mới.
Tôi được học biên kịch từ những nhà làm phim Hàn Quốc, luôn tâm niệm câu nói của họ: phim thắng thua là do thị trường quyết định nhưng đừng cố gắng làm phim phải có doanh thu cao mà phải đặt tâm niệm trước nhất là làm ra một bộ phim tử tế. Có rất nhiều đề tài tôi muốn làm phim, gồm cả đề tài lịch sử, cải lương. Mọi thứ đều khó khăn trong bối cảnh làm phim hiện tại nhưng tôi là người đã muốn gì, nhất định sẽ cố gắng làm cho bằng được. Tin rằng, sẽ có lúc mình làm được những gì tâm huyết.
|
Gạo nếp, gạo tẻ trên phim trường
|
* Bố mẹ chị phản ứng như thế nào khi cô con gái nhỏ bỗng dưng thành đạo diễn?
- Cả nhà tôi rất thích xem phim truyền hình Việt, đã cùng nhau xem từ thời phim Đồng tiền xương máu. Nhưng bố không muốn tôi đi làm phim, cứ lâu lâu lại vào bệnh viện. Bố thật sự chỉ muốn con gái “an phận, có việc làm ổn định”. Nhưng tôi đã hứa với bố rồi, rằng “đến chừng 40, 50 tuổi con sẽ về ngồi văn phòng đan len”. Tôi thích làm ra những bộ phim mà các thành viên của gia đình đều có thể cùng ngồi xem với nhau sau bữa cơm tối. Cảm giác ấy bình yên, ấm áp lắm!
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)