PNO - Là một trong những thành viên chính của nhóm nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2; đại úy - tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng (Phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, giảng viên bộ môn vi sinh y học, Học viện Quân y) xúc động bảo, chị chẳng thể toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”, nếu không có được sự chia sẻ, cổ vũ từ chồng, con.
Bao năm qua, con đường Phùng Hưng (P. Phúc La, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) dường như không thay đổi. Những thầy thuốc mang áo blouse trắng bên ngoài quân phục vừa là nét đặc trưng, vừa là hình ảnh gần gũi đặc biệt của riêng con phố này. 36 tuổi, hằng ngày đại úy - tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng vẫn chạy đi chạy lại như con thoi giữa Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự và Học viện Quân y. Chúng tôi vẫn gọi vui chị là nhà khoa học “ba trong một”: vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, đồng thời là một nữ quân nhân.
Đại úy - tiến sĩ Đinh Thị Thu Hằng, một trong ba thành viên nòng cốt của nhóm nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2
Nòng cốt nghiên cứu kit phát hiện SARS-CoV-2 là một số nhà khoa học, song Học viện Quân y phải “huy động” tới hơn 50 thành viên cùng tham gia (chưa kể những nhân viên hỗ trợ), bởi tính cấp thiết của đề tài cũng như tình hình dịch bệnh. Chúng tôi tò mò, không rõ trong công tác nghiên cứu, các “cô bộ đội” có khó khăn gì so với các “chú bộ đội” không? Chị Hằng ngẫm nghĩ một lát rồi nhoẻn cười: “Đến bây giờ thì tôi chưa thấy khó khăn nào đặc biệt hơn so với nam giới. Việc nghiên cứu phải qua nhiều bước khác nhau, riêng công việc trong phòng thí nghiệm đòi hỏi sự tỉ mỉ nên trong đơn vị tôi, nữ chiếm số đông. Đây là ưu điểm khi làm khoa học của phụ nữ, nam giới khó mà bằng được”.
Khi dịch COVID-19 mới xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), các chiến sĩ - nhà khoa học phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học của chị đã bảo nhau: “Dù có được giao nhiệm vụ hay không, chúng ta vẫn phải nghiên cứu về mầm bệnh mới này”. Cũng như trước đây, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự đã làm với những mầm bệnh khác, đặc biệt là với những mầm bệnh mới nổi và tái nổi.
Nhiệm vụ liên quan đến công tác dự phòng, phát hiện những mầm bệnh nguy hiểm ấy đã được các nhà khoa học - những người lính ghé vai gánh lấy, ngay khi chưa có bất kỳ chỉ đạo nào. Chị Hằng nhớ chính xác từng ngày: trước tết Nguyên đán một tuần, nhóm nghiên cứu của viện đã họp, bàn bạc và quyết định phải tìm hiểu về loại vi-rút mới này. Đồng thời nghiên cứu chế tạo kit thử.
Hơn một tuần sau, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành. Bởi lúc đó, Việt Nam đã xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên (khi đó gọi là 2019-nCoV), trong khi kit chẩn đoán chỉ có vài chục test. Lúc này, Học viện Quân y đã báo cáo và xin phép Bộ KH-CN triển khai đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi-rút corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Khi Bộ KH-CN phê duyệt và giao trực tiếp Học viện Quân y triển khai đề tài này, nhiệm vụ của chị và đồng nghiệp thêm phần áp lực.
Chúc mẹ chiến thắng vi-rút
Từ ngày 27 tháng Chạp năm 2019 (21/1/2020), chị Hằng và đồng đội đã nhập cuộc, bắt đầu những ngày “ăn, ngủ” cùng vi-rút. Tết Canh Tý là cái tết đặc biệt với chị, bởi phải tập trung thời gian, công sức, trí tuệ ở phòng thí nghiệm, nên ít nhiều, chị chưa chu toàn được phận dâu con. Song may mắn, chồng chị dù không cùng nghề, cũng ngoài quân đội, nhưng hiểu được nhiệm vụ mà vợ đang làm.
Những ngày sau, khi các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về dịch viêm phổi Vũ Hán, về vi-rút corona, cậu con trai lớp Bốn buột miệng hỏi chị: “Mẹ đang nghiên cứu đặc biệt à?”. Hôm khác cậu lại hỏi: “Con corona này nguy hiểm, khiến bao người chết, mẹ có đang làm về nó không?”. Không giấu con, chị trả lời: “Đúng con ạ, mẹ đang làm nhiệm vụ đặc biệt đấy”.
Nhóm nghiên cứu nữ của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự
Những ngày nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2, cho đến một tuần sau Tết, chị Hằng vẫn tranh thủ về nhà buổi trưa cùng hai con. Rồi công việc trong phòng thí nghiệm kéo dài đến tận đêm khuya, khi chị về nhà thì các con đã ngủ. Việc chăm sóc con cái suốt những ngày ấy được chuyển qua cho chồng. Hết tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, bọn trẻ nghỉ học để phòng dịch bệnh, chị phải gửi các con về quê nhờ ông bà trông nom.
Chị nhẩm tính, đến ngày kit thử SARS-CoV-2 thành công, là đã hơn một tháng mẹ con chưa được gặp nhau. Buổi trưa, tranh thủ lúc ngồi ăn cơm hộp tại cơ quan, mấy mẹ con chị chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại. Lần nào các con chị cũng động viên: “Con chúc mẹ thành công”, “chúc mẹ sớm chiến thắng con vi-rút corona nhé”. Còn chồng chị, dù công việc rất bận, nhưng vẫn chạy đôn đáo khắp nơi để hỗ trợ vợ những lúc cần thiết. Chính sự cổ vũ hồn nhiên từ các con, những san sẻ từ chồng đã giúp chị vững tâm tập trung vào công việc.
Dù đã có kinh nghiệm từ những lần làm việc với các mầm bệnh khác, song việc nghiên cứu kit thử SARS-CoV-2 vẫn đầy áp lực. Bởi đây là lần đầu tiên chị và đồng đội phải nghiên cứu mầm bệnh mới trong khoảng thời gian gấp rút như vậy. Những ngày đó, vài giờ một lần, thủ trưởng học viện lại gọi xuống phòng thí nghiệm, hỏi chủ nhiệm đề tài duy nhất một câu: “Mấy tiếng qua, nhóm đã làm được gì?”.
Nghĩ đến những ngày đó, chị Hằng kể mà như vừa trút được gánh nặng trên vai, bởi trong khi nghiên cứu kit thử, chị không nghĩ là áp lực mỗi ngày lại một lớn như vậy, đến mức nhiều thành viên không dám nghe điện thoại hỏi về tiến độ thực hiện của thủ trưởng học viện.
Nhưng lo lắng nhất lại là khi nhóm chị đã bước đầu hoàn thành kit thử trong phòng thí nghiệm, và chờ đánh giá bởi một cơ quan độc lập. Bởi các chị hiểu rằng, việc đánh giá trong phòng thí nghiệm và trên mẫu lâm sàng khác xa nhau. Đặc biệt khi đó đã có thông tin, nhiều lô kit thử của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US - CDC) đã phải thu hồi vì lỗi khi phân phối đến nhiều quốc gia, dù thử nghiệm trong phòng thí nghiệm thì kết quả rất tốt. Cả nhóm càng như ngồi trên đống lửa và thêm nhiều lo lắng, khi thủ trưởng Học viện Quân y đặt câu hỏi trước ngày thử nghiệm kit trên mẫu bệnh phẩm ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương rằng: “Nếu kit thử của các đồng chí thất bại thì sao?”.
Áp lực càng lớn, xúc cảm khi kết quả nghiên cứu được đánh giá thành công càng thêm giá trị. Khi biết rằng tất cả các tiêu chí đánh giá của bộ kit đều đạt, cả nhóm đã thở phào. Có những đồng đội của chị, miệng thì cười mà nước mắt cứ trào ra. Rất “phụ nữ”, ngay sau tột cùng của niềm vui thành công ấy, chị Hằng chỉ nghĩ ngay “thế là được về quê thăm nhà, thăm con rồi”. Chị bảo, gia đình, chồng, con chính là hậu phương vững chắc và vô cùng quan trọng với những nhà khoa học là phụ nữ.
Nhiệm vụ hoàn thiện kit thử SARS-CoV-2 vẫn đang đòi hỏi sự tập trung của chị và đồng đội. Rời khỏi phòng thí nghiệm khi sắp bước sang ngày mới, chị vội vàng xếp ngay ngắn bộ quân phục để ngày mai còn lên lớp sớm. Chị lại lặng lẽ đi về giữa Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, phòng thí nghiệm và những bài giảng về vi sinh cho học viên quân y; lặng lẽ như công việc, như đóng góp “nhỏ bé” mà bền bỉ của các “cô bộ đội” cho nền khoa học nước nhà suốt những năm qua.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.