Nữ cựu quân nhân sát cánh cùng Hội

31/12/2014 - 12:12

PNO - PN - Khi trở lại đời thường, những nữ cựu binh ấy không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hăng hái tham gia hoạt động Hội, trở thành chỗ dựa tin cậy của chị em hội viên.

edf40wrjww2tblPage:Content

ĐẦU TÀU VỮNG VÀNG

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM mười năm nay, dì Lê Thị Liễu (SN 1959) rất được chị em tín nhiệm. Quê huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, dì là một trong những “cô gái mở đường” dũng cảm của Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) năm xưa. Chồng dì cũng từng là bộ đội đặc công. Năm 1995, vợ chồng dì vào TP.HCM lập nghiệp. Buổi đầu nơi đất khách bỡ ngỡ, nhiều khó khăn, dì nuôi heo, gà vịt, trồng rau lang, rau muống. Sau này nhận được nguồn vốn vay do Hội giới thiệu, dì mở rộng chăn nuôi, mua xe nước mía về bán. Đến năm 2004, gia đình dì vượt nghèo, kinh tế khá dần, dì dành nhiều công sức cho công tác Hội.

Chị T. mua bán ve chai, ít có điều kiện chăm chút bản thân. Giận chồng có quan hệ với người PN khác, chị cạo phăng mái tóc. Chị gọi điện cho dì Liễu giữa đêm khóc bù lu bù loa vì bị chồng đánh. Dì Liễu đến nhà tìm hiểu, nhỏ nhẹ khuyên răn. Tình thương của dì đã dần lay động vợ chồng chị T. Ít lâu sau, chị T. xin vào xí nghiệp may, thu nhập không cao nhưng ổn định. Dì Liễu khoe: “Giờ hết cảnh đánh đập rồi. Ngày ngày thấy vợ chồng T. chở nhau đi làm, sống hòa thuận, vui vẻ, tôi rất mừng”.

Dì và chị em trong ban chấp hành chi hội đã vận động Công ty Lê Gia hỗ trợ 360kg gạo/tháng cho PN nghèo. Mới đây, Công ty Quang Thái cũng nhận tài trợ 12 suất gạo (10 kg/tháng) cho chị em khó khăn tại ấp 6.

Trong ấp, chị em nào thiếu vốn làm ăn, đau ốm bất ngờ, dì Liễu sẵn sàng bỏ tiền túi “chữa cháy” tức thì. Dì Liễu bộc bạch: “Giúp nhau trong lúc khó mới quý. Là một cựu binh, tuy tuổi đã cao nhưng tôi vẫn mong được kề vai sát cánh với Hội để chia sẻ phần nào khó khăn của chị em nghèo”.

Nu cuu quan nhan sat canh cung Hoi

Nhờ quán cây Điệp, dì Thái có điều kiện san sẻ với những phụ nữ nghèo

SAN SẺ YÊU THƯƠNG

Tôi ghé quán lẩu Cây Điệp tại khu dân cư Bình Đăng, P.6, Q.8, TP.HCM của dì Phạm Thị Thái (SN 1947) vào một chiều muộn. Là thương binh 4/4, phải chống chọi với bệnh tật triền miên nhưng dì vẫn luôn tay chuẩn bị rau củ, phụ nấu nướng. Dì vốn là người ở Long An, thoát ly đi bộ đội năm 17 tuổi. Sau năm 1975, dì làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu sành sứ thủy tinh TP.HCM đến khi về hưu (năm 2003).

Chồng mất năm 1992, một mình dì Thái chèo chống gia đình qua sóng gió. Ngoài việc ở công ty, dì còn nuôi heo, bán kem để có thêm thu nhập. Giờ các con đều đã thành đạt, dì lại lui cui với quán lẩu. Nhiều người khuyên dì nghỉ ngơi cho khỏe, dì cười: “Làm đặng có tiền giúp chị em”.

Chị Trần Thị Đợi (SN 1981) từ An Giang lên TP.HCM tìm kế mưu sinh từ năm 2002. Thời gian đầu, chị buôn bán nhỏ, chật vật đủ đường. May mắn, chị gặp được dì Thái vào năm 2011. Dì Thái có vốn đầu tư, có mặt bằng, chị Đợi có công, vậy là quán Cây Điệp ra đời. Quán đông khách, cuộc sống của chị Đợi bớt nhọc nhằn. Khi đã ổn định hơn, chị đưa mẹ và bốn anh, em từ quê lên phụ quán. “Dì Thái như người mẹ thứ hai của tôi vậy. Ngày ấy thấy tôi khó khăn, dì dang tay giúp đỡ mà không tính toán thiệt hơn”, chị Đợi chia sẻ.

Nhờ quán Cây Điệp, dì Thái có thêm điều kiện để san sẻ với những PN khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2014, dì đã ủng hộ khoảng 10 triệu đồng chăm lo chị em nghèo. Dì nhắn nhủ: “Tui tâm đắc nhất việc xây dựng nguồn vốn tiết kiệm tại chi hội để giúp chị em làm kinh tế. Dù không nhiều nhưng nếu biết tính toán, sinh kế của chị em sẽ đỡ vất vả”.

Ngoài việc "làm đặng có tiền giúp chị em", dì Thái còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những câu chuyện dì kể về “một thời rừng Sác” luôn khiến nhiều người rưng rưng cảm phục.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI