Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, ngày 16/3 âm lịch hằng năm, đã được người dân huyện đảo Lý Sơn duy trì 400 năm nay. Đây là lễ hội nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của đội dân binh Hoàng Sa năm xưa, đã có công xác lập chủ quyền, bảo vệ lãnh hải của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nghi lễ nhắc nhớ một thời bi hùng, oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên cả quần đảo Trường Sa lẫn Hoàng Sa của hải đội Hoàng Sa, được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh Lý Sơn, trong “tầm ngắm” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (tập sách ảnh Lý Sơn hôm nay) sinh động và đầy ắp cảm xúc, nhưng cũng rất đỗi gần gũi, dung dị, để thấy rằng, nghi lễ đó, trải qua hàng trăm năm, đã trở thành một phần của đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân huyện đảo Lý Sơn.
|
Biển đảo Lý Sơn qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á |
Hơn thế nữa, câu chuyện bằng ảnh về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của Nguyễn Á đã một lần nữa chứng minh, nghi lễ được xem như bảo tàng sống về chủ quyền bất khả tranh biện của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa.
Lý Sơn - huyện đảo nằm cách đất liền 15 hải lý - vốn nổi tiếng là thiên đường của tỏi, nổi tiếng với những khung cảnh đẹp như cổ tích, địa danh và con người nơi đây đều là bằng chứng, nhân chứng của lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng Biển Đông của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Không chỉ có vậy, Lý Sơn, trong cách nhìn, cách kể của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á còn hết sức ấm áp qua nụ cười tuyệt đẹp của những cư dân huyện đảo.
Lý Sơn, với đảo Lớn và đảo Bé, được hình thành từ dung nham, sau những đợt núi lửa phun trào từ hàng triệu năm trước, nằm giữa biển khơi mênh mông. Phải chăng vì lẽ đó, cư dân của Lý Sơn rắn rỏi, nồng ấm như lửa, nhưng cũng mềm mại, dịu mát như đại dương xanh ngắt?
Lật từng trang sách ảnh Lý Sơn hôm nay của Nguyễn Á, xen lẫn những cảm xúc đặc biệt về vùng biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, còn là nguồn năng lượng tích cực đến từ những người dân ở nơi đầy sóng gió mà vẫn cứ tươi vui, thanh thản và rất đỗi hồn nhiên.
Không có sự sắp xếp theo chủ đích, nụ cười của những cư dân huyện đảo Lý Sơn đầy ắp trong từng trang sách ảnh. Có nụ cười trong veo của trẻ thơ, nụ cười an nhiên của những người đã đi gần trọn hành trình cuộc đời, nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt rắn rỏi của ngư dân trên ngư trường, của nông dân trên cánh đồng tỏi hay nụ cười của người mua, người bán ở phiên chợ nhộn nhịp… Lạ lẫm hơn, có những bức ảnh, người xem như đọc được nụ cười thanh thản trong tâm hồn, trong ánh mắt những người lọt vào khung ảnh. Lý Sơn trải rộng trên từng trang sách, an nhiên và thanh bình đến lạ.
Dẫu đã để lại một phần thân thể sau chiến tranh, như anh thương binh hạng 1/4 Phạm Tấn Khương; hay cương quyết đạp sóng vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa với tâm thức Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, như ngư dân Bùi Văn Phái, Nguyễn Lộc... thì trên gương mặt của những con người ấy vẫn lấp lánh nụ cười lạc quan, với khát vọng và niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Nhìn khuôn mặt, ánh mắt của họ, chẳng ai có thể hình dung họ từng đi qua ranh giới của sự sống và cái chết khi kiên cường cứu tàu, giữ cờ Tổ quốc, kiên quyết bám biển, bám ngư trường. Thái độ an nhiên, ý chí quật cường ấy của người lớn ở Lý Sơn đã dẫn truyền, nuôi lớn tâm hồn các thế hệ trẻ thơ ở đây, để những nụ cười, ánh mắt cứ trong veo, khiến người xem tập sách ảnh bỗng thấy tâm hồn như mềm lại và lâng lâng những cảm xúc khó tả.
Lý Sơn đã đón hàng triệu lượt khách du lịch, nhưng rất có thể những du khách đã từng khám phá mọi ngóc ngách của Lý Sơn vẫn sẽ ngỡ ngàng khi ngắm nhìn lại Lý Sơn qua ống kính của Nguyễn Á. Cánh đồng hành, tỏi bậc thang nhìn từ trên cao, miệng núi lửa Thới Lới hay hình ảnh hòn đảo ở góc chụp hệt như hình trái tim giữa biển khơi… đẹp đến nao lòng.
Qua ống kính của anh, những di sản địa chất có niên đại hàng triệu năm trước như hang Câu, đỉnh Thới Lới, giếng Tiền, cổng Tò Vò hay những rặng san hô đầy màu sắc như chợt bừng tỉnh với sức sống riêng, hút hồn người xem. Với những ai chưa một lần đến Lý Sơn, cảm giác có thể là muốn xách ngay ba-lô lên và đi ngay đến miền biển đảo đẹp và độc đáo này của đất nước.
Hiền Hòa