Nụ cười của nàng Mona Lisa

09/07/2023 - 18:17

PNO - Nụ cười của nàng Mona Lisa có một kịch bản khó nhằn và kén khách: chuyện kể của những năm 50, dựa theo một phần hồi ký của Hillary Clinton - cựu phu nhân Nhà Trắng, vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton

“Em luôn có thể làm cả hai” - Katherine Watson đã nói như thế với học trò của mình khi cô nữ sinh Joan Branwyn muốn từ bỏ ước mơ trở thành luật sư để ở nhà làm một người nội trợ. Đó cũng chính là câu nói truyền cảm hứng nhất của bộ phim về tình thầy trò cũng như tư tưởng giải phóng phụ nữ ở thập niên 50 này.

Nụ cười của nàng Mona Lisa (tên tiếng Anh: Mona Lisa Smile) do Mike Newell đạo diễn, là bộ phim chính kịch sản xuất năm 2003 hứa hẹn mang lại một mùa bội thu ngay từ trước khi phát hành, bởi sự tham gia của dàn diễn viên ngôi sao: Julia Roberts, Kirsten Dunst, Julia Stiles, Maggie Gyllenhaal và Marcia Gay Harden.

Quả như dự đoán, bộ phim đã có màn ra mắt ấn tượng với vị trí thứ hai tại chuỗi phòng vé Bắc Mỹ - doanh thu 11.528.498 USD (chỉ đứng sau Chúa tể những chiếc nhẫn) và thu về tổng cộng 141.337.989 USD trên toàn cầu.

Các nữ sinh vẽ tranh tặng cô giáo Katherine Watson
Các nữ sinh vẽ tranh tặng cô giáo Katherine Watson

Người thầy lý tưởng

Phải nói rằng Nụ cười của nàng Mona Lisa có một kịch bản khó nhằn và kén khách: chuyện kể của những năm 50, dựa theo một phần hồi ký của Hillary Clinton - cựu phu nhân Nhà Trắng, vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton - về ngôi trường Wellesley - một trong những trường cao đẳng danh giá của Mỹ dành cho nữ sinh thời ấy. Được trình bày dưới dạng hồi ký của một cựu học sinh trường Wellesley khi nhớ về cô giáo cũ của mình, Nụ cười của nàng Mona Lisa là một bộ phim ý nghĩa về tình thầy trò, cũng như phong trào nữ quyền và những tư tưởng cấp tiến của thời đại. 

Phim mở đầu bằng cảnh cô giáo Katherine Watson (Julia Roberts đóng) rất háo hức chuyển từ California đến Wellesley để giảng dạy bộ môn lịch sử nghệ thuật. Nhưng ngay lần đầu tiên đứng lớp, cô đã bị một vố bẽ bàng khi tất cả nữ sinh ở đây đều đã đọc trước sách giáo khoa và biết trước đáp án cho mọi câu hỏi giáo viên định đặt. Wellesley đúng là kiểu mẫu của một trường học hoàn hảo, sở hữu những giáo viên ưu tú và hội tụ các nữ sinh với những phẩm chất mà ai cũng phát thèm: xinh đẹp, kỷ luật, giàu có và trí thức.

Tuy nhiên, Katherine Watson cũng nhanh chóng nhận ra rằng phần lớn những kiến thức lịch sử nghệ thuật mà học trò mình có chỉ là học vẹt. Cô vứt bỏ giáo trình cũ, đưa vào giờ học các tác phẩm hiện đại mới mẻ để sinh viên phát triển cảm nhận. Không chỉ vậy, cô còn mang đến hàng loạt thay đổi tân tiến khác, như: sẵn sàng hạ điểm C cho một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường, nghiêm khắc phê bình thái độ tự cao của một sinh viên khi nghĩ phụ nữ vừa lấy chồng luôn phải nhận được những đặc ân cao quý…

Julia Roberts đã mang nụ cười “thương hiệu” của mình vào phim
Julia Roberts đã mang nụ cười “thương hiệu” của mình vào phim

Ngoài giờ học, cô trò chuyện và tâm tình cùng học trò, giúp đỡ và khuyến khích họ sống tự do, phóng khoáng. Cô ngạc nhiên trước tư tưởng “Một phụ nữ thành công phải là người có gia đình hoàn hảo với người chồng thành đạt và căn bếp hoàn hảo” của học trò mình và luôn khuyến khích họ tạo dựng sự nghiệp riêng. Một trong những câu nói mang tính truyền cảm hứng nhất của Katherine Watson xuyên suốt bộ phim chính là: “Em luôn có thể làm cả hai” - phụ nữ luôn có thể vừa kết hôn vừa theo đuổi sự nghiệp và đam mê riêng.

Tất cả những lý tưởng của Katherine nghe thật bình thường và hiển nhiên ở thời đại này nhưng vào những năm 50 của thế kỷ trước, đó là cả một sự nổi loạn, thậm chí phản bội lại truyền thống. Katherine Watson không chỉ đối đầu với sự hoài nghi và phản bác từ học trò mà cả sự phản đối kịch liệt từ ban giám hiệu, đồng nghiệp và phụ huynh. Sau cùng, sự chân thành và cấp tiến của cô đã được đền đáp xứng đáng bằng sự biết ơn và trân trọng của những nữ sinh mình từng dạy dỗ nhưng lại không thể giúp cô chiến thắng một xã hội bảo thủ vào thời điểm đó. Katherine Watson đã phải rời trường và quyết định sang châu Âu dù lớp cô dạy có tỉ lệ nữ sinh đăng ký theo học cao nhất trong lịch sử trường. 

Ngày Katherine rời đi, các học trò đã chạy xe đạp theo sau taxi của cô cả một quãng đường dài, vừa vẫy tay vừa khóc để chào tạm biệt. Đó cũng là một trong những hình ảnh đẹp và cảm động nhất của bộ phim, khi Katherine Watson không cần bất cứ giáo viên hay ông bà hiệu trưởng nào công nhận, mà chỉ cần học trò của mình hiểu được những điều cô đã và đang làm. Cô không chỉ thay đổi cảm quan về lịch sử nghệ thuật của học trò mình mà còn thay đổi cả cuộc đời và tư tưởng của họ. với một người thầy, liệu còn ý nghĩa nào cao quý và quan trọng hơn điều ấy?

Trailer phim Mona Lisa Smile:

 

Câu chuyện ẩn dụ về nụ cười của nàng Mona Lisa 

Dù là một bộ phim chính kịch với nội dung sâu sắc, Nụ cười của nàng Mona Lisa sẽ không mấy dễ xem nếu thiếu dàn diễn viên ngôi sao và âm nhạc xuất sắc. Với nụ cười đã trở thành “thương hiệu”, Julia Roberts vào vai vô cùng ngọt và đã xây dựng thành công hình ảnh một giáo viên mà bất kỳ học trò nào cũng mong muốn: nhạy cảm, yêu nghề, hết lòng quan tâm và thông cảm, giúp đỡ học sinh vô điều kiện… Cô cũng được gọi bằng biệt danh Mona Lisa bởi chàng giáo viên dạy tiếng Ý đào hoa trong phim.

Mona Lisa vốn là bức họa nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci và cũng là bài hát cùng tên được trình bày trong phim bởi ca sĩ Seal. Vì sao bộ phim lại sử dụng hình ảnh ẩn dụ này? Từ trước đến nay, ý nghĩa nụ cười của Mona Lisa luôn là một ẩn số. Có người cho rằng nàng nở nụ cười bí ẩn để mỉa mai, có người lại bảo đó là nụ cười mãn nguyện, cũng có ý kiến cho rằng đó là nụ cười giả tạo nhằm che giấu những tăm tối bên trong. Cũng vậy, nụ cười của các nhân vật nữ trong phim mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa không dễ đoán định.

Chẳng hạn một Betty Warren (Kirsten Dunst thủ vai) tức giận, tuyệt vọng về cuộc hôn nhân hoàn hảo mà mình vẽ ra nhưng phải nở nụ cười giả tạo nhằm che đậy cho cái gọi là “gia đình kiểu mẫu”, để rồi cuối cùng quyết định ly hôn và theo đuổi sự nghiệp học tập. Đó cũng có thể là nụ cười an phận của Joan Branwyn (Julia Stiles thủ vai) khi chấp nhận làm một người vợ nội trợ và không muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Đó cũng có thể là nụ cười của Katherine Watson khi ngộ ra rằng: Dù cô luôn khuyến khích học trò theo đuổi đam mê và sự nghiệp riêng nhưng khi các nữ sinh chọn lựa con đường làm người vợ nội trợ, điều đó không có nghĩa họ không hạnh phúc hay họ kém thông minh hơn. Đó đơn giản chỉ là một sự lựa chọn và chỉ cần họ cảm thấy hạnh phúc.

Katherine Watson trong một hoạt động cùng học trò và đồng nghiệp
Katherine Watson trong một hoạt động cùng học trò và đồng nghiệp

Lấy bối cảnh 50 năm trước, bộ phim được chăm chút trong từng cảnh quay. Trang phục, bối cảnh và đạo cụ đều được lựa chọn kỹ lưỡng; thậm chí một vài phân cảnh còn được quay thực tế tại trường Wellesley. Những thước phim đẹp hoàn hảo thực sự đưa bạn vào không gian của thời kỳ trước.

Âm nhạc trong phim không chỉ là điểm cộng đơn thuần hay làm nền cho bối cảnh, mà thật sự đã trở thành linh hồn của cả bộ phim. Ca khúc The heart of every girl (tạm dịch: Trái tim của mọi cô gái) do Elton John trình bày trong phim đã nhận được đề cử “Bài hát xuất sắc nhất” cho cả giải Lựa chọn của các nhà phê bình (Critics Choice Award) 2004, Quả cầu vàng (Golden Globe) 2004 và Giải thưởng Vệ tinh (Satellite Awards) 2004.

Nụ cười của nàng Mona Lisa đã khép lại, ánh hào quang và những truyền thống xưa cũ của ngôi trường Wellesley cũng không còn như xưa nhưng thông điệp mà bộ phim truyền tải không hề cũ. Cuộc sống luôn vận động và biến chuyển. Vì vậy, xã hội luôn cần những người dũng cảm vượt qua bức tường cổ hủ để tiếp cận và hấp thụ những giá trị mới đang định hình. Họ chính là những người tiên phong - như Katherine Watson, sẵn sàng đối đầu với cả truyền thống và dư luận để xây dựng những giá trị tân tiến cho thế hệ tương lai. Ở bất cứ thời đại nào, chúng ta luôn cần những người thầy tiên phong như thế. 

Cao Bảo Vy

Ảnh: Internet 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI