Nụ cười của bác sĩ Hiệu và nước mắt cô bé xa mẹ

30/05/2021 - 08:11

PNO - Ta sẽ có thể gặp nhau, vui chơi khi hết dịch. Ta sẽ nở nụ cười chào bác sĩ Hiệu, chào điều dưỡng Hạnh khi COVID-19 đi vào quá khứ. Còn giờ là lúc ta chung tay với lực lượng y tế để chiến đấu với dịch bệnh.

Bác sĩ Đặng Minh Hiệu nhờ đồng nghiệp giúp xuống tóc trước khi lên đường vào tâm dịch Bắc Giang - Ảnh: Lê Minh Khôi
Bác sĩ Đặng Minh Hiệu nhờ đồng nghiệp giúp "xuống tóc" trước khi lên đường vào tâm dịch Bắc Giang - Ảnh: Lê Minh Khôi

Tối 29/5, đoàn bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM lên đường đến Bắc Giang để chi viện cho các đồng nghiệp đang từng phút từng giờ căng mình chống dịch COVID-19. Chiều cùng ngày, hình ảnh bác sĩ Đặng Minh Hiệu, công tác tại Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đang nhờ đồng nghiệp cạo đầu được chia sẻ lên mạng xã hội. Trong ảnh, bác sĩ Hiệu nở nụ cười thật tươi, nhưng câu chuyện của anh lại khiến bao người rưng rưng nước mắt.

Những ngày qua, chúng ta đã thấy rất nhiều hình ảnh từ tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều nơi khác. Ở đâu cũng đầy khẩn trương bởi cuộc chiến giành lại sự sống cho từng bệnh nhân, bảo vệ an toàn cho cộng đồng trước dịch bệnh không cho phép chúng ta chậm trễ dù là giữa trưa nắng gắt hay phải miệt mài xuyên đêm. Chúng ta đã nhìn thấy các y bác sĩ phải nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít và nóng bức, căng mình làm việc hay mệt mỏi ngả lưng giữa “chiến trường” bộn bề.

Họ ở đó, nơi tuyến đầu, chạy đua với thời gian, không rảnh để theo dõi những ồn ào của thế giới mạng, cũng chẳng trách móc hay kết tội ai. Trong mắt của bác sĩ, bệnh nhân đơn giản là bệnh nhân và cần được điều trị nhanh nhất, tốt nhất có thể.

Ý thức tất cả những khó khăn mình sắp phải đối mặt, bác sĩ Hiệu vẫn nở nụ cười, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ở Bắc Giang, rất nhiều người đang cần anh. Có thể, như cách nhiều người suy luận, hình ảnh “xuống tóc” thể hiện một quyết tâm hoặc chỉ đơn giản là để thuận tiện hơn khi tác nghiệp trong điều kiện phải bảo hộ khắp người. Dù sao, chàng bác sĩ trẻ đã truyền đến tất cả chúng ta thông điệp rõ ràng của ngành y tế: các y, bác sĩ sẽ làm tất cả vì sự an toàn của mọi người. Nụ cười tươi trẻ ấy cho chúng ta niềm tin trước đại dịch, rằng cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua.

Con gái của điều dưỡng Phùng Thị Hạnh khóc đòi mẹ khi nhìn thấy mẹ trên màn hình ti vi (Ảnh cắt từ clip)
Con gái của điều dưỡng Phùng Thị Hạnh khóc đòi mẹ khi nhìn thấy mẹ trên màn hình ti vi (Ảnh cắt từ clip)

Cũng trong chiều 29/5, đoạn clip ghi lại cảnh cô bé chỉ vừa 20 tháng tuổi khóc đòi mẹ bế khi nhìn thấy mẹ trên màn hình cũng khiến con tim bao người rung động. Bé gái ấy là con của điều dưỡng Phùng Thị Hạnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Quân y 103 - người đang làm nhiệm vụ chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở Bắc Giang. Nhận lệnh lên đường khi con gái còn chưa dứt sữa, điều dưỡng Phùng Thị Hạnh phải vừa chiến đấu với nỗi nhớ con, vừa phải chiến đấu với COVID-19. Ta đã biết những khó khăn, vất vả của lực lượng y tế; nhưng nước mắt của cô bé thơ xa mẹ, nhìn mẹ trên ti vi và khóc đòi mẹ bế đủ khiến ta nghẹn lòng.

Mỗi ngày qua, số ca nhiễm mới tại Việt Nam lại tiếp tục tăng ở mức ba con số. Nguy hiểm hơn, theo lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thì hiện nay SARS-CoV-2 ở nước ta đã có thêm biến chủng lai giữa chủng Anh và Ấn Độ, với tốc độ lây nhiễm nhanh và phát tán mạnh trong không khí. Khi các hãng dược phải chuyển hướng đẩy mạnh nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 thay cho giải pháp vắc-xin, cuộc chiến phía trước vốn đã gian nan nay càng thêm khó.

Hôm nay, nơi tâm dịch, bác sĩ Đặng Minh Hiệu sẽ không còn thì giờ để cười. Hôm nay, điều dưỡng Phùng Thị Hạnh sẽ mang theo nỗi nhớ con để tiếp tục dõi theo những mẫu xét nghiệm của bệnh nhân. Chúng ta có thể làm gì để giúp họ? Kỳ thực, cũng không quá khó. Chỉ cần chúng ta thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K từ Bộ Y tế để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Ngoài ra, như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM kêu gọi, mỗi người dân nên tự giác, chủ động, trung thực khai báo y tế và sẵn sàng hy sinh bớt một chút tiện ích cá nhân.

Ta sẽ có thể gặp nhau, vui chơi khi hết dịch. Ta sẽ nở nụ cười chào bác sĩ Hiệu, chào điều dưỡng Hạnh khi COVID-19 đi vào quá khứ. Còn giờ đây, họ cần chúng ta nghiêm túc phòng dịch hơn là chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI