Nữ cử tri tại Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét việc tính lương cho công nhân lao động

14/05/2023 - 15:29

PNO - Ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri đại diện cho lực lượng công nhân lao động và doanh nghiệp tại địa phương.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã báo cáo nội dung về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6 tới) và việc triển khai thực hiện một số chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, lực lượng công nhân lao động trên địa bàn. Đồng thời tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo phản ánh đến cơ quan chức năng những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Cử tri Nguyễn Thị Hòa (nữ công nhân Công ty TNHH Sản xuất Vạn Ý, Khu công nghiệp Trà nóc, TP Cần Thơ) cho biết, Đảng và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân lao động sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Nhiều chính sách được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả giúp đời sống công nhân ổn định và phát triển thời gian qua. Tuy nhiên, theo bà Hòa, hiện nay, việc công bố mức tiền lương tối thiểu vùng chưa phản ánh đúng thực tiễn.

"Mức thu nhập trung bình năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố là 6,7 triệu đồng/người/ tháng. Để duy trì đời sống cơ bản, người lao động hiện có mức thu nhập thực tế xấp xỉ 9 triệu đồng/người/tháng. Như vậy có khoảng cách rất lớn giữa công bố của Tổng cục Thống kê với thực tế thu nhập của người lao động. Nếu vẫn duy trì tiền lương tối thiểu thì cần công bố mức tiền lương tối thiểu bám sát thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, hàng tháng đều phát sinh các khoản chi đột xuất, khiến cho thu nhập của người lao động chúng tôi gần như ít có dôi dư. Trong các khoản chi, đáng chú ý mức chi trả tiền nợ trung bình chiếm gần 8,5% mức chi trong một tháng của người lao động", bà Hòa chia sẻ.

Cử tri Nguyễn Thị Hòa kiến nghị Chính phủ và các đơn vị có liên quan xem xét việc tính lương cho công nhân lao động phải đảm bảo không chỉ đủ sống, mà còn có thể tạo ra tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, trong tình huống khủng hoảng, như bối cảnh dịch bệnh, hoặc thiếu đơn hàng... thì vẫn có tiền để duy trì cuộc sống tạm thời.

Cử tri Trương Thanh Vũ (nam công nhân Công ty Cổ phần thủy sản Hà Nội - Cần Thơ) phản ánh, thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, một số công nhân lao động đã vướng vào lãi cao không có khả năng chi trả, các công ty tín dụng đen gọi điện làm phiền đến cơ quan, công ty, bạn bè người thân nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động...

Cạnh đó, các cử tri là công nhân lao động đã nêu các đề xuất, kiến nghị liên quan tới đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân; chính sách nhà ở, nhà trọ cho công nhân, xây dựng nhà giữ trẻ ở khu công nghiệp; các biện pháp ngăn chặn, xử lý nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông...

Cử tri là lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận, mở rộng và tìm kiếm thị trường đầu ra; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đề nghị sớm đầu tư hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng hàng hóa ra thị trường...

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại cuộc tiếp xúc này, các cử tri rất quan tâm tới tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề an ninh, an toàn, an dân, việc làm và sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, bảo hiểm- tiền lương, các chế độ, chính sách với công nhân, lao động… Đây là những vấn đề trúng, đúng và sát sao với thực tiễn... Nội dung trả lời của các cơ quan chức năng thẳng thắn, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Thủ tướng thông tin rằng, trong nhiệm kỳ này đã bố trí khoảng 400.000 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc. Các cơ quan cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền, đang triển khai chuẩn bị việc xây dựng đường sắt tốc độ cao và miền Tây Nam bộ cũng sẽ được ưu tiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 14/5 tại TP. Cần Thơ - Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 14/5 tại TP Cần Thơ - Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng lưu ý cần chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng đồng bộ các thiết chế về văn hóa, hạ tầng y tế, giáo dục…Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri, nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết và phải giải quyết thấu đáo.

Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ đã trao quà, động viên 300 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI