Nữ cư sĩ và công việc “kỳ lạ”
Thông thường khi trong gia đình có người mắc trọng bệnh, điển hình như bệnh ung thư, mặc dù biết là sẽ không chữa khỏi nhưng nhiều người vẫn cố gắng đưa người thân của mình đi bệnh viện chữa trị với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Hoặc biết là “nước đã cạn nhưng vẫn cố tát” để thể hiện tình cảm với người bệnh.
Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân khi biết mình không thể qua khỏi, bị bệnh tật giày vò, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, lại nghĩ thương những người thân của mình vì mình mà phải chạy vạy tiền nong lo thuốc men khiến gia đình kiệt quệ, một người ốm đau cả nhà cùng khổ. Vậy là họ tự tìm đến cái chết một cách thê thảm. Thực tế đã có không ít bệnh nhân nhảy lầu bệnh viện tự tử, uống thuốc độc tử tử... để tự giải thoát mình và mong người thân bớt khổ vì mình.
Để tránh những việc tiêu cực đó xảy ra đối với những người trọng bệnh đang trong tình trạng sống cũng không được mà chết cũng không xong, nhiều Ban Hộ niệm đã ra đời. Những Ban Hộ niệm này gồm các nhà sư, các cư sĩ, phật tử, khi biết có người trọng bệnh họ sẽ đến làm lễ hộ niệm để giúp những người bệnh này gạt hết mọi phiền lo, nhẹ nhàng ra đi về thế giới bên kia hoặc đỡ đau yếu, cảm thấy khỏe mạnh hơn.
|
Cảnh hộ niệm cho một người trọng bệnh. |
Mới nghe qua, có thể nhiều người cho rằng việc này rất kỳ lạ và có phần vô nhân đạo vì người ta đang sống lại giúp cho họ chết nhanh. Thế nhưng khi hiểu rõ về việc làm này thì mới thấy đó là một việc làm rất nhân đạo của đạo Phật. Việc hộ niệm cũng không phải là một pháp hành mới mẻ mà việc này đã có từ thời Đức Phật còn tạ thế. Hộ niệm là một lễ nghi quan trọng của Pháp môn Tịnh Độ - một trong rất nhiều Pháp môn của Phật Giáo.
Để tìm hiểu về công việc “kỳ lạ” này, PV đã theo chân Ban Hộ niệm chùa Hưng Thiền (Chợ Gạo, Tiền Giang) do Cư sĩ Diệu Phước làm trưởng ban đi hộ niệm cho một số bệnh nhân. Cô Diệu Phước cho biết mình đã có 10 năm gắn với công việc hộ niệm và đã hộ niệm giúp hàng ngàn bệnh nhân nhanh chóng ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản về Tây phương cực lạc.
Ban hộ niệm của cô Diệu Phước gồm khoảng 30 người. Trong đó cô Diệu Phước làm trưởng ban, sư Cô Thích Nữ Minh Thường (Trụ trì chùa Hưng Thiền, là Chứng minh ban hộ niệm) còn lại đều là những cư sĩ, phật tử tại gia (có người là giáo viên, người là công nhân, bán hàng...) tu theo pháp môn Tịnh Độ.
“Chúng tôi thường thay phiên nhau đi hộ niệm, Ban Hộ niệm có khoảng 30 người nhưng mỗi lần đi thì chỉ khoảng 15 người, lần khác lại người khác đi, cứ thay nhau như thế. Bởi lẽ, chúng tôi đi hộ niệm là hoàn toàn miễn phí, không lấy bất cứ của gia chủ một đồng nào. Chúng tôi cũng không ăn của gia chủ một hạt cơm, uống một giọt nước mà tất cả đều mang từ nhà đi. Trước mỗi lần đi hộ niệm cho một bệnh nhân nào đó chúng tôi đều phân công nhau, người mang gạo, người mang rau, đậu để nấu cơm ăn, không gây ảnh hương tới kinh tế của gia chủ. Thậm chí nhiều khi thấy gia chủ nghèo khó quá chúng tôi còn góp lại cho họ vài chục, vài trăm ngàn đồng”, cô Diệu Phước chia sẻ.
Cứ thế, 10 năm qua, Cư sĩ Diệu Phước cùng ban hộ niệm của mình ăn cơm nhà đi hộ niệm cho hàng ngàn bệnh nhân ở khắp nơi. Cứ có người gọi, hoặc biết trường hợp bệnh nhân nào cần hộ niệm là cô Diệu Phước tập hợp mọi người lên đường ngay, bất kể dù ngày hay đêm, mưa hay nắng.
|
Cư sĩ Diệu Phước (bên phải) - đã giúp hàng ngàn người trọng bệnh nhanh chóng ra đi. |
Ý nghĩa của việc hộ niệm
Cô Diệu Phước cho biết, trước khi đề cập tới từng trường hợp bệnh nhân cụ thể để thấy rằng sự diệu kỳ của việc tụng kinh hộ niệm thì cần phải hiểu rõ thế nào là hộ niệm. Người bệnh được hộ niệm và người thân của họ cần làm gì để việc hộ niệm đạt được kết quả tốt.
Theo cô Diệu Phước Hai chữ “hộ niệm” có nghĩa là giúp cho người sắp chết có được chánh niệm. Nói cách khác là mình giúp (hộ) cho họ nhớ (niệm) Phật, tức đồng với tâm niệm Phật. Người hộ niệm như là chiếc phao nổi để người bệnh sắp chết nương vào. Vì lúc này, người bệnh tứ chi đau nhức rã rời, nếu là người bị mang chứng bệnh nan y, như ung thư chẳng hạn, thì sự hành hạ xác thân, bởi cơn đau nhức hoành hành thật là khó tả. Do đó, tâm thần của họ dễ bị tán loạn, nghĩ nhớ lung tung, dù cho bình thường, họ có công phu niệm Phật, nhưng vì chưa đạt đến chỗ thuần thục, nên dễ bị tán tâm. Bởi thế, nên họ rất cần người khác hộ niệm.
Khi hộ niệm, Ban hộ niệm sẽ khuyên người bệnh nếu đã phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh, thì trong lúc bệnh nặng, nên buông bỏ tất cả duyên trần, không bận tâm với bất cứ vấn đề gì, nhất là đối với việc gia đình nhà cửa con cháu... Không ai thương mình bằng chính mình thương mình. Trước giờ phút phân ly đôi ngã, dù đó là người thân yêu nhất đời mình, họ cũng không thể nào thay thế được gì cho mình. Trong nỗi niềm cô đơn tuyệt vọng, cái chết gần kề với mình, thì thử hỏi mình còn tham đắm luyến tiếc thứ gì nữa! Nghĩ thế, mình nên dốc hết tâm lực còn chút hơi tàn mà quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tây phương.
|
Ban hộ niệm chùa Hưng Thiền do Cư sĩ Diệu Phước làm Trưởng Ban. |
Việc hộ niệm người bệnh được vãng sanh hay không, những người trong thân quyến đóng vai trò không kém phần quan trọng. Nếu thật sự thương thân nhân của mình trong giờ phút quyết định cuộc đời vui hay khổ này, y cứ theo lời chư Phật Tổ chỉ dạy. Đó là phải tỏ thái độ có lòng thương kính từ ái và tuyệt đối không được dùng lời nói mất hòa khí trong gia đình.Tuyệt đối, không nên đem việc nhà ra bàn luận.
Không được sát sinh, giết mổ động vật ở gần nơi hộ niệm, những người thân của bệnh nhân cũng không được tụ tập nhậu nhẹt rượu chè mà phải cùng với Ban hộ niệm, tụng kinh niệm phật. Tất cả cùng tung kinh theo 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc 4 chữ A Di Đà Phật.
Ngoài ra, không nên có thái độ hay lời nói gây xúc phạm đến người bệnh sắp lâm chung. Vì lúc này hơn bao giờ hết, người bệnh dễ hay sanh bực tức giận hờn. Tối kỵ nhất là gây xáo trộn khóc than trong giờ phút này. Những ai không dằn lòng được xúc động, sẽ được mời bước ra ngoài, tránh để bệnh nhân nghe tiếng khóc than. Trong phòng hộ niệm, ngoài tiếng tụng kinh niệm Phật ra, tuyệt đối phải giữ yên lặng, không được nói chuyện ồn ào làm loạn tâm bệnh nhân.
Nếu giờ phút quan trọng này, mà thân nhân hay bạn bè, không biết cách hộ niệm, chẳng những không niệm Phật giúp cho người thân mình có thêm chánh niệm, trái lại, còn gây thêm cho họ nhiều rối loạn, lo âu, buồn bực... thì thật là tai hại nguy hiểm vô cùng. Nếu để cho người bệnh biết được những sự việc không hay xảy ra, thì sẽ gây tác hại lớn cho việc vãng sanh, vì người bệnh sẽ phiền muộn, tham, sân, si nổi lên dễ sa vào ác đạo.
“Khi người bệnh đã thật sự tắt thở, cứ để như vậy không nên sửa làm động đậy bệnh nhân mà tiếp tục tụng kinh niệm Phật liên tục thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ nữa. Điều này rất quan trọng. Vì khi bệnh nhân mới tắt thở, thần thức chưa rời khỏi xác thân. Khi Ban hộ niệm hộ niệm xong thì người thân mới bắt đầu làm tang cho người quá cố. Trong thời gian cư tang, gia đình người quá cố nên tu tạo nhiều phước lành để hồi hướng cho người quá cố sớm được siêu sanh thoát hóa, như phóng sinh, công đức, không đốt vàng mã, làm những việc mê tín dị đoan...”, cô Diệu Phước chia sẻ.
Theo cô Diệu Phước, nhờ việc hộ niệm mà nhiều người bị bệnh da dẻ xanh xao hoặc tìm ngắt, nhưng khi vãng sinh họ da họ rất tươi. Nhiều người bệnh ung thư cơ thể bị hoại tử bốc mùi hôi thối nhưng khi vãng sinh lại hết mùi, thậm chí có người còn có mùi thơm. Nhiều người lúc sống chân tay co quắp nhưng khi vãng sinh chân tay lại mềm mại, duỗi ra được. Có người khi tắt thở miệng há to mắt mở nhưng khi tiếp tục hộ niệm khoảng 3 hoặc 4 tiếng nữa thì miệng khép, mắt nhắm lại.... Đó là những điều vô cùng kỳ diệu.
Mạnh Đức