Trưa nắng gắt, tôi đi suốt con đường Trần Bình Trọng tìm nhà cụ bà Linh Hương, một chứng nhân của lịch sử: bà đã tham gia đầy đủ 14 lần bầu cử Quốc hội của đất nước. Không kiếm ra số nhà, tôi gọi điện thoại, đầu bên kia là một giọng nói vang và rõ. Khó mà tin được đó là giọng một người tuổi 93.
|
Bà Linh Hương |
Hoa hồng đỏ và giọng người Hà Nội
Để tạ lỗi trễ hẹn, tôi ghé ngang đường, mua hai chục hoa hồng đỏ thắm. Và những bông hoa đã mang đến cho tôi bất ngờ đầu tiên về cụ bà 93 tuổi. Bà nhanh nhẹn mở cửa cho tôi đẩy xe vào rồi lục tìm cái bình hoa nhỏ và tự tay cắm hoa.
Không cần dao, kéo, bà bẻ những cành hồng dứt khoát đến mức tôi phải nhìn thôi miên vào đôi bàn tay rất lanh lẹ và hình như không e ngại gì gai góc của bà. Tôi chưa thấy ai dám đụng vào gai hồng mạnh mẽ như vậy. Mái tóc bà bạc trắng như cước, dợn sóng, bà có thoa chút son, đánh chút phấn, nhìn bà đứng cắm hoa sang trọng, quý phái như một nữ công tước.
Bà đi lại nhanh nhẹn, lưng thẳng và làm mọi việc một cách dứt khoát. Sau khi rót nước, mời khách ngồi và đề nghị một vài món ăn vặt như bánh, sữa chua… bà ngồi vào máy vi tính, mở trang facebook cá nhân của mình để khoe hình ảnh của chuyến du lịch Campuchia bà vừa đi cách đây hai tuần cùng hai người con trai và cô con dâu.
Trong căn nhà trưa vắng oi nồng, bà kể lại cuộc đời mình, từ khi còn là một cô gái, đến khi lấy chồng, rồi theo các con vào miền Nam sinh sống sau khi đã nghỉ hưu. Bà vốn là một tiểu thư con nhà giàu. Thời trước 1945 mà con gái học đến tú tài ở trường Pháp là ghê lắm.
Sau 1945 bà học trung cấp y sĩ và làm trong ngành y từ đó cho đến tuổi nghỉ hưu. Bây giờ bà sống cùng người con trai lớn là họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú và người con dâu. Bà có cả thảy bốn đứa cháu, chúng đều giỏi giang, thành đạt và có ba cháu đã đi định cư ở Canada, Iran, Thụy Sĩ.
|
Bà Linh Hương cùng hai con trai đi du lịch |
Facebook của bà có rất nhiều hoa, nhiều cảnh đẹp đẽ, tươi tắn, vui vẻ. Tôi hỏi bà sử dụng facebook được bao lâu rồi, bà bảo đã năm, sáu năm và bây giờ mỗi ngày bà vào facebook chỉ sáu tiếng thôi: hai tiếng buổi sáng, hai tiếng buổi chiều và hai tiếng buổi tối. Bà bảo vào cho vui, ngắm nhìn mọi người, cuộc sống, chứ tôi không nghiện.
Sống chẳng giận hờn ai
Bà đùa vui: “Châm ngôn sống của tôi bây giờ là: sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, mọi người thương nhớ”. Giải thích câu nói vui của mình, bà bảo bà sợ nhất là cảnh nằm một chỗ, làm khổ con cháu, làm khổ mình. Còn “ít của để dành” là vì có ai mang của cải đi được đâu, mà có để lại thì khéo con cháu giành nhau, lại mất đoàn kết.
Bà khoe: “Tôi may mắn vì các con các cháu đều ngoan. Thỉnh thoảng chúng lại đưa tôi đi chơi, có khi đi cả hai anh em, cả dâu, có khi đứa nào rảnh đứa ấy đưa đi. Tôi đi cả Trung quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia… với các con rồi đấy. Chúng nó cứ mang theo xe lăn. Đi gần gần thì tôi tự đi, đi xa thì con đẩy”.
Hỏi bà làm sao để sống khỏe, bà kể: “Tôi ăn uống điều độ lắm cô ạ, mỗi bữa tôi ăn có hai thìa cơm. Sáng tôi dậy sớm, tập vài động tác thể dục, ăn sáng và uống cà phê sữa. Ở tuổi này, điều quan trọng nhất là tôi chẳng giận hờn ai, sống biết cho nhiều hơn nhận”. Trầm giọng lại một chút, bà bảo: “Bây giờ trong họ nhà tôi, chỉ còn tôi là lớn tuổi nhất đấy cô. Mọi người “đi” hết cả rồi. Có nhiều đêm tôi nằm khóc thầm vì nhớ mọi người”.
Bà khoe tôi xem những tấm lót đan bằng len nhiều màu rất xinh đẹp, những hũ mứt mận, nước mơ rất ngon mà cứ năm nào đến mùa là bà làm cho cả nhà. Ngày giỗ quảy, lễ tết, bà vẫn vào bếp trổ tài nấu ăn, bà kể: “Hôm rồi, cháu rể tôi là người Pháp đến nhà chơi, tôi vẫn tự tay làm cơm đãi khách quý”. Tôi tự hình dung ra được sự sửng sốt của cậu cháu rể Tây trước một bà cụ Việt Nam 93 tuổi, vừa nói được tiếng Pháp, vừa nấu ăn ngon, vừa đẹp như một nữ quý tộc.
Khánh Chi
Mẹ trùm bóng cho tôi
Câu chuyện của họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú về người mẹ của mình bắt đầu từ một thời rất xa xưa. Ông bảo ngày có mang ông, mẹ ông bị băng huyết dữ dội, bác sĩ bảo nên bỏ con để cứu mẹ, thế mà bà trốn viện về nhà. Khi có thai em trai ông, bà lại bị viêm ruột thừa, nếu cắt ruột thì cũng phải bỏ con, bà xin tiêm thuốc giảm đau và quyết giữ em ông là đạo diễn Đỗ Lệnh Hùng Vỹ bây giờ.
Tết nào bà cũng lì xì cho đủ mặt con cháu trong nhà, đám cưới con cháu nào bà cũng có quà mừng. Tất cả những món tiền ấy là tiền lương hưu bà dành dụm được chứ không xin của các con. Các cháu ở xa, nơi xứ lạnh được bà đan áo, đan tất tay, đan khăn len gửi tặng.
Những món đồ đan của một bà cụ 93 tuổi chắc chắn là ấm áp, đẹp đẽ và quý giá hơn gấp nhiều lần những món hàng hiệu. Cho đến tuổi này, bà vẫn đọc sách, làm thơ, vẫn tự tay gõ thơ của từng đứa con, đứa cháu lưu giữ từng file riêng trong máy tính.
Đỗ Lệnh Hùng Tú kể ngày còn nhỏ, mẹ hay dẫn các con ra vườn hoa đón cha đi làm về. Ông không hiểu vì sao mình đi nhanh thì mẹ đi nhanh, đi chậm mẹ đi chậm, ngồi xuống thì mẹ đứng lại. Về sau ông mới biết là trời Hà Nội nắng gắt, mẹ lấy cái bóng của mình trùm lên bóng con cho mát. Hình ảnh ấy đi theo ông suốt đời và ông vẫn nung nấu đưa chúng vào một cảnh phim.