Nữ công nhân và nỗi niềm mùa đại dịch

06/04/2020 - 18:00

PNO - Từ hơn một tháng qua, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và lan rộng đã khiến nhiều nữ công nhân và người lao động nghèo không còn sức chịu đựng.

Với nữ công nhân và người lao động nghèo, phải lo cuộc sống cơm - áo - gạo - tiền hằng ngày vốn đã quá nhọc nhằn. Bởi thế, từ hơn một tháng qua, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và lan rộng, đã khiến họ gần không còn sức chịu đựng. 

1. Con hẻm trọ số 178, Phạm Văn Bạch, khu phố 4, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, ngày đầu tháng Tư không có tiếng xe, vắng hẳn tiếng người. Dãy nhà trọ kéo dài vài chục mét cửa đóng then cài. Bỗng có một cánh cửa hé mở… Bên trong, căn phòng rộng khoảng 10m2, một người phụ nữ thấp bé bồng trên tay đứa con trai, cúi xuống gom vội đống chăn mền dưới đất. Nơi đây là tổ ấm của gia đình chị Trần Thị Hiền, 29 tuổi, cùng chồng là anh Nguyễn Văn Bi và hai con nhỏ. Họ đã có 5 năm ở trọ và gia tài chỉ có vài cái xoong, chảo, cái cũi để giữ con nhỏ những lúc tắm rửa, nấu ăn. Khu vực rộng rãi nhất trong căn phòng chính là chỗ mà chị vừa dẹp vội đống chăn mền, nơi diễn ra mọi sinh hoạt và… ngủ nghỉ của cả nhà.

Chị Hiền quê ở Hà Nam, còn chồng người tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cách đây sáu năm, trên đường mưu sinh ở Sài Gòn, họ đã gặp, yêu nhau rồi góp gạo thổi cơm chung. Lương công nhân may của chị chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, còn chồng làm thợ hồ tự do. Hằng tháng, trừ tiền thuê trọ, điện nước gần hai triệu đồng, cuộc sống cũng tạm qua ngày. 

Nữ chủ nhà trọ cùng chính quyền, mặt trận P.15, Q.Tân Bình thăm gia đình chị Trần Thị Hiền
Nữ chủ nhà trọ cùng chính quyền, mặt trận P.15, Q.Tân Bình thăm gia đình chị Trần Thị Hiền

 

Tuy nhiên, cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chị sinh con. Sau sáu tháng thai sản, chị xin nghỉ tiếp thêm bốn tháng nữa để chăm sóc con nhỏ vì chẳng thể nhờ cậy vào ai. Mất một nguồn thu nhập, đời sống đã khó lại càng khó. Nhưng nghịch cảnh vẫn chưa dừng lại khi con trai 10 tháng tuổi mới đây phát hiện bị hở van tim nặng, cần phải mổ. Anh chị rơi vào bế tắc. Rồi dịch COVID-19 tràn về. Không việc làm, hai vợ chồng cứ thay phiên ôm con ngồi trong phòng trọ nhìn nhau. Số tiền ít ỏi dành dụm được với dự định để chữa bệnh cho con cũng cạn đi nhanh chóng. “Dịch bệnh còn chưa biết khi nào mới hết, em đã không đi làm, chồng thì chưa biết khi nào mới có việc làm trở lại” - chị Hiền buồn rũ. 

Mặc dù chính quyền, Hội Phụ nữ có thăm hỏi, tặng gạo đường muối mắm; chủ trọ miễn một tháng tiền phòng, nhưng tôi thực sự cám cảnh cho tương lai của vợ chồng chị và hai đứa con nhỏ, lại mang bệnh hiểm nghèo.

2. Khu phố 10, P.15, Q.Tân Bình cũng là nơi trú ngụ của đông đảo nữ công nhân và lao động nghèo. Qua vài ba cái “xuyệc”, đi sâu vào con hẻm là những dãy nhà trọ bình dân với giá 800.000-1.500.000 đồng/phòng/tháng. Trên con đường hẹp chừng hơn 1m chạy dọc theo dãy phòng trọ với lổn nhổn các loại áo quần mắc trên dây phơi phía trước, chúng tôi ghé vào phòng trọ của chị Nguyễn Thị Thu Nga, 52 tuổi, người “có hoàn cảnh khổ nhất” ở đây. Chị Nga có hộ khẩu ở Q.Phú Nhuận, là người Sài Gòn chính hiệu, nhưng có thâm niên ở trọ đã hơn 30 năm. 

Khuôn mặt đen sạm với nhiều nếp nhăn trên trán và hai bên khóe mắt, chị chua chát về cảnh đời mình: trước đây, chị cũng có một mái nhà ở Q.Phú Nhuận. Nhưng gia đình làm ăn thất bát, phải bán nhà trả nợ rồi cả gia đình ra ở trọ. Chồng chị thường xuyên đau yếu nhưng hằng ngày anh vẫn phải đi bán vé số phụ con trai lo cho gia đình. Trước đây, chị Nga làm công nhân may. Nhưng rồi chị bị gai cột sống, phải nghỉ làm ở nhà cơm nước, giặt giũ, quán xuyến gia đình. Con trai chị đi làm nhà hàng ở “khu phố Tây” bên Q.1. Tình cảnh gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, nhưng chưa bao giờ chị thấy “toang” như lúc này, nhà hàng đóng cửa, vé số cũng tạm ngưng phát hành.

Ba miệng ăn, hai người ốm yếu, bệnh tật nhưng không ai có việc làm. Cuộc sống sao mà bất hạnh!

Nụ cười của nữ công nhân khu Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình khi được giảm tiền trọ trong tháng Tư
Nụ cười của nữ công nhân khu Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình khi được giảm tiền trọ trong tháng Tư

3. Xóm trọ đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình, nằm sâu trong khu đất chờ giải tỏa để xây trường học. Bình thường, cứ tối đến, khi người lớn, trẻ con sau khi đi làm, đi học về là cả xóm trọ ồn ào náo nhiệt, nhưng nay thì chỉ vài phòng sáng đèn, số còn lại đã về quê tránh dịch. Căn phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Mộng Đào, 25 tuổi, chỉ có 12m2 nhưng vẫn trống trơn, bởi tài sản của họ chẳng có gì ngoài chiếc ti vi. Vợ chồng làm công nhân may ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn, hằng tháng, cả tăng ca, thu nhập cũng chỉ được 8-10 triệu đồng. Riêng tiền nhà, điện, nước chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập ít ỏi đó. Hai tháng nay, vì công việc giảm, ngày làm ngày nghỉ nên thu nhập cũng giảm xuống phân nửa. “Từ 1/4, xưởng cho nghỉ và không nói khi nào đi làm trở lại khiến bọn em rối bời, không biết tính sao” - chị Đào hoang mang.

Ở phòng kế bên, Nguyễn Thùy Trân, 27 tuổi, công nhân may ở Q.Tân Bình, mở hé cửa ló đầu ra để nghe ngóng chuyện bên này. Chị cho biết, đã sáu năm trong nghề may nhưng chưa bao giờ lo sợ như lúc này. “Hôm qua, công ty phát thông báo cho công nhân tạm nghỉ đến giữa tháng. Tiền lương cũng chưa lãnh. Em tính về quê tạm lánh, nhưng nghe bảo không có xe về, còn về được thì sợ bị cách ly” - Trân nói trong nỗi lo lắng. 

Chia tay với những nữ công nhân, lòng tôi cũng rối bời. Hy vọng dịch COVID-19 sẽ sớm bị đẩy lùi để cuộc sống của họ dễ thở hơn. 

305 phòng trọ miễn, giảm gần 150 triệu đồng
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm chung tay hỗ trợ những người lao động nhập cư, nữ công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn, Hội LHPN P.15, Q.Tân Bình đã vận động 51 nữ chủ nhà trọ miễn giảm 305 phòng trọ với tổng số tiền miễn, giảm gần 150 triệu đồng, vận động chăm lo hỗ trợ cho năm trường hợp nữ công nhân tạm cư có con nhỏ bị mất việc. 

 

TP.HCM hỗ trợ 600.000 người mất việc bị ảnh hưởng COVID-19

Ngày 27/3/2020, kỳ họp thứ 19 khóa IX, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ra nghị quyết về mức hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19. Theo đó, người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định) bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng với số lượng dự kiến 600.000 người. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Tổng kinh phí, dự kiến 1.800 tỷ đồng. 
Riêng với đối tượng bán vé số bị ảnh hưởng bởi việc không phát hành vé số trong vòng 15 ngày, ngày 3/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ có 11.947 người cư trú trên địa bàn, trong đó có 7.732 phụ nữ. Mức đề nghị hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, trong vòng 15 ngày từ 1/4 đến 15/4.

Hoài An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI