Nữ công nhân may ở Haiti buộc phải đổi tình dục để có việc làm

27/06/2022 - 10:54

PNO - Theo các nghiệp đoàn, nữ công nhân được trả công để may quần áo cho các thương hiệu hàng đầu của Mỹ buộc phải quan hệ tình dục với các ông chủ để giữ việc làm.

Marie cho biết cô đang làm việc tại một xưởng may ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti, nơi may quần áo cho một loạt các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ. Một ngày, cô bị giám đốc an ninh của nhà máy ra tối hậu thư: hoặc quan hệ tình dục với anh ta hoặc bị sa thải.

Người phụ nữ 24 tuổi này nói cô có rất ít sự lựa chọn. Cô phải có công việc để có tiền nuôi đứa con trai 4 tuổi sau khi cả cha và chồng cô qua đời.

“Anh ta đã hứa rất nhiều. Anh ta nói sẽ giúp tôi đóng tiền trường cho con trai và cũng sẽ giúp tôi trả tiền thuê nhà. Vì vậy, tôi đã làm điều đó”, cô nói. 

Nhưng điều nghiệt ngã mà người mẹ đơn thân nhận được sau khi quan hệ với anh ta là cô biết mình bị lợi dụng. “Sau đó, anh ta đi nói với các nhân viên an ninh khác và mỗi lần tôi đến nhà máy, tôi cảm thấy bẽ mặt. Điều quan trọng là tôi không bao giờ được tăng lương hay hỗ trợ tài chính như từng được hứa hẹn", cô kể.

Haiti đã tự quảng cáo rằng mình có một lực lượng lao động rẻ và sẵn có cho các thương hiệu quần áo của Hoa Kỳ đang tìm kiếm các nhà cung cấp giá rẻ. Ảnh: Dieu Nalio Chery / AP
Haiti đã tự quảng cáo rằng nơi này có một lực lượng lao động rẻ để thu hút các thương hiệu, công ty tìm kiếm các nhà cung cấp giá rẻ - Ảnh: AP

Trưởng bộ phận an ninh không phải là người duy nhất ở nhà máy để ý đến Marie. Vào tháng 3, người giám sát dây chuyền may của cô bắt đầu có hành động quấy rối tình dục. Cô cảm thấy bất lực vì không dám tố cáo anh ta, bởi vì đã có nhiều nữ công nhân khác từng lên tiếng phàn nàn và sau đó anh ta tìm mọi cách đuổi việc họ. Vì vậy, để giữ công việc, cô đã im lặng. Nhưng anh ta ngày càng có nhiều hành vi tồi tệ.

“Anh ta nói với tôi rằng nếu tôi không đồng ý quan hệ tình dục với anh ta, anh ta sẽ đẩy tôi ra khỏi nơi làm việc. Nhưng tôi đã quyết từ chối", Marie cho biết. Để trả đũa, mỗi khi cô vào nhà vệ sinh, hàng đống quần áo lại được chất thêm vào máy làm việc của cô, khiến cô không thể hoàn thành công việc trong ngày. Cô nói thêm: "Tôi đã nói với anh ta rằng hãy để tôi yên, và vì vậy mà tôi đã bị đình chỉ trong 3 ngày. Ngay cả bây giờ, anh ta vẫn không ngừng quấy rối để quan hệ tình dục với tôi”.

Những gì đang xảy ra với Marie là điều diễn ra rất nhiều tại nhà máy. Vấn đề là, cô và những phụ nữ khác đều không dám nói ra vì lo sợ những điều không may xảy đến - sau khi kể câu chuyện của mình.

Trong những năm gần đây, Haiti - quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu - đã tự quảng bá mình là công xưởng giá rẻ, để các thương hiệu quần áo Hoa Kỳ tìm kiếm các nhà cung cấp giá rẻ. Hiện có khoảng 60.000 người Haiti làm việc tại 41 nhà máy may mặc của nước này, sản xuất quần áo cho hơn 60 công ty Mỹ.

Tuy nhiên, những nhà hoạt động nói rằng điều kiện tại nhiều nhà máy giống như các trại tù, ở đó người lao động không có quyền lợi và tình trạng lạm dụng tình dục xảy ra tràn lan.

Yannick Etienne, thuộc tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động Batay Ouvriye, nói: “Người lao động không được coi là con người. Mức lương quá thấp khiến phụ nữ phải chấp nhận quan hệ tình dục để trả tiền thuê nhà”.

Kể từ năm 2019, bất chấp lạm phát hơn 15%, chính phủ Haiti đã không tăng lương tối thiểu trong khi giá thực phẩm và nhiên liệu ngày càng leo thang. Để tồn tại, để kiếm được một công việc - vốn đã trở nên khó khăn hơn vì có quá nhiều người đang tìm việc - phụ nữ được cho là sẽ quan hệ tình dục với nam quản lý.

“Nếu bạn không chấp nhận quan hệ tình dục với người quản lý, đơn xin việc của bạn sẽ bị từ chối”, một công nhân nói. Cô còn cho biết thêm, cô làm việc trên dây chuyền sản xuất 3.600 chiếc áo phông mỗi ngày. "Bạn bắt buộc phải chấp nhận bán tình dục hoặc sẽ không có việc làm. Và nếu muốn được thăng chức, bạn phải quan hệ tình dục với cấp trên của mình".

Một báo cáo năm 2021 từ Better Work Haiti, một nhóm tuân thủ lao động do Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, cho thấy 80% người lao động và gia đình của họ đã phải cắt giảm bữa ăn. Báo cáo còn cho thấy, 96% các nhà máy được khảo sát không tuân thủ yêu cầu đóng bảo hiểm y tế và an sinh xã hội, khiến cuộc sống của người lao động gặp rủi ro.

“Khi bạn so sánh giá quần áo được bán và tiền công chúng tôi nhận được, nó giống như thể chúng tôi đang bán máu của mình vậy", Marie buồn bã nói.

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI