Nữ công nhân giữa vòng vây COVID-19 - Bài 2: Chết mòn do môi trường độc hại

16/12/2021 - 06:20

PNO - Gần một tháng qua, chị Trần Thùy Linh (Q.Bình Tân, TPHCM) thường xuyên về phòng trọ sau 20g trong tình trạng người bám đầy bụi vải, mệt phờ, không nuốt nổi cơm. Chị nói: “Nhiều đồng nghiệp về quê tránh dịch chưa kịp trở lại trong khi công ty có nhiều đơn hàng, nên chúng tôi phải tăng ca”.

Ráng sức vì miếng cơm, manh áo

Vợ chồng chị Linh sống trong dãy trọ gần 20 phòng ở một con hẻm thuộc đường Lê Văn Quới. Anh Cao - chồng chị - làm việc cho một lò mổ. Lúc chúng tôi đến, khoảng 20g, anh đang chuẩn bị bữa cơm tối, chờ vợ tan ca về cùng ăn. Anh Cao cho hay, lúc cao điểm dịch bệnh, nhờ gần 30 năm gắn bó với công ty, chị Linh được chọn làm việc theo hình thức “ba tại chỗ” nên không bị mất việc. Mừng vì thu nhập không bị ảnh hưởng nhiều nhưng  anh Cao rất lo cho sức khỏe của vợ. 

Anh kể, từ cuối tháng Chín, khi công ty không còn áp dụng mô hình “ba tại chỗ”, chị Linh được về nhà: “Chứng mất ngủ của bà xã quay trở lại, giữa đêm lạnh thường ho nhẹ. Bả chưa kịp thu xếp để đi khám thì công ty tiếp tục tăng ca". Công ty ưu tiên việc tăng ca cho công nhân trẻ và chưa tham gia “ba tại chỗ”, nhưng nhân công thiếu do về quê chưa quay lại. “Bà xã tui tiếc tiền, đăng ký rồi tăng ca gần cả tháng nay. Ngày nào bả về trông cũng lừ đừ, bụi đầy quần áo” - anh Cao kể.

Gần 21g, chị Linh về đến nhà. Nghe chuyện, chị nói chen: “Vài hôm thư thả rồi đi khám cái phổi thôi”. Anh Cao đưa tay phủi phủi lên bộ đồ vợ đang mặc làm bụi vải rơi xuống nền nhà. Anh thở dài: “Thấy không, tui nghi cái này nó làm bả ho. Khuya khuya lạnh là ho”. Chị Linh cho hay, điều chị lo nhất sau gần 30 năm làm việc ở tổ cắt của công ty may mặc là sức khỏe giảm sút do ảnh hưởng của bụi vải.

Dù vậy, chị khẳng định: “Cũng nghe người này người kia nói, nhưng bệnh tật mà, trời kêu ai nấy dạ, đâu biết làm sao. Bao nhiêu người làm được thì mình cũng làm. Không làm, lấy gì ăn”. Bữa cơm đó, như mọi bữa cơm muộn màng trong gần một tháng qua, chị Linh chỉ ăn qua loa cho chồng vui vì chị đã quá mệt. 

Nữ công nhân ngành dệt may do môi trường làm việc nhiều bụi vải, phẩm màu nên rất dễ bị bệnh nghề nghiệp
Nữ công nhân ngành dệt may do môi trường làm việc nhiều bụi vải, phẩm màu nên rất dễ bị bệnh nghề nghiệp

Làm việc cho một công ty sản xuất giày da hơn mười năm, ở tuổi 36, chị Hương Hoa (Q.12) đang bị viêm họng hạt và đau đầu mãn tính. “Trời không thương thì chịu, chứ tui đâu biết bệnh do đâu mà ra” - chị Hoa nói. Dù vậy, chị Hoa cũng nghi ngờ bệnh tật bắt nguồn từ thói quen không tốt của mình. Bị mùi da và mùi nguyên vật liệu gây đau đầu, từ hồi mới vô làm cho đến nay, chị thường uống thuốc giảm đau. Thêm vào đó, môi trường ở chỗ làm nóng hầm khiến chị mệt mỏi. “Mệt đến đâu, nước ngọt nước đá uống tới đó là khỏe cấp tốc, uống riết thành thói quen. Có mấy lần, tui đi chữa họng hạt nhưng không hết. Bác sĩ cũng dặn kiêng nước đá nhưng kiêng sao được. Ai làm ở đó cũng phải uống nước đá. Muốn khỏe mạnh, chỉ có nước nghỉ việc. Thể trạng mình yếu ớt, đành chịu thôi, biết sao giờ” - chị Hoa an phận.

Sau các đợt giãn cách xã hội, công nhân trở lại với công việc. Vui mừng vì có việc làm, thu thập nhưng không ít người cảm thấy bất an. Mấy tháng dịch bệnh, vợ chồng anh Nam (Q.Tân Phú) cố gắng bám trụ ở TPHCM, chờ ngày đi làm lại. “Lúc giãn cách, không còn tiền, đồ ăn, tụi tui phải lên mạng xin rau gạo sống qua ngày” - anh Nam kể. 

Theo anh Nam, lúc cao điểm dịch, vợ chồng anh rất chán nản vì thấy cuộc sống quá bấp bênh. Thêm vào đó, trong khu nhà trọ, có người đang khỏe mạnh bỗng mất vì COVID-19. Khi xưởng gỗ mở cửa trở lại, chỉ một mình anh Nam đi làm vì vợ anh đang điều trị ung thư, sợ “dính” COVID-19. “Lúc dịch chưa tới, tui cũng tính cho vợ nghỉ vì công việc khiêng gỗ, hốt mùn cưa ở đó rất nặng nhọc. Tui làm riết cũng bị đau lưng, nhiều lúc đau không chịu nổi. Vợ bệnh vậy, sức đâu chịu nổi” - anh Nam buồn buồn. Niềm vui của anh lúc này là nhiều đồng nghiệp chưa kịp trở lại nên việc nhiều, anh nhận tăng ca, thu nhập tháng vừa rồi được 12 triệu đồng, tăng 1/3 so với trước. 

Vì miếng cơm manh áo, phần lớn công nhân bỏ bê sức khỏe của mình. Cả chị Linh, chị Hoa, anh Nam và các công nhân khác mà chúng tôi gặp đều cho hay, hằng năm, công ty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhưng phần lớn công nhân chỉ muốn được nhận tiền, không muốn được nhận chế độ này. Thậm chí, có nhiều người không tham gia khám sức khỏe tổng quát vì sợ khám sẽ lòi ra bệnh, dễ mất việc. 

Được hỏi về môi trường làm việc, họ đều cho rằng không biết môi trường làm việc như thế nào thì được cho là an toàn, đảm bảo sức khỏe. Dù vậy, họ cũng cảm nhận được nơi làm việc luôn nóng bức, đầy mùi hóa chất và họ thường xuyên đau lưng, mỏi cơ do phải ngồi hoặc đứng lâu.

Sức khỏe suy giảm do nhiều tác động

Theo Quyết định 659 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 về phê duyệt “Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030”, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đạt 50% người lao động tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

Tiến sĩ Phan Minh Trang (Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam) cho rằng, để đánh giá, định lượng được một người mắc bệnh nghề nghiệp, cần giám định, kiểm tra sức khỏe nhưng để phân tích nguyên nhân thì cần có những nghiên cứu toàn diện để phân loại các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, bệnh nghề nghiệp của công nhân, như quan trắc môi trường nhà máy, quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, gia đình và cả tác động xã hội: “Khi xác định được tỷ lệ góp phần tác động đến tình trạng sức khỏe ở một công nhân, giải pháp theo đó cũng sẽ phù hợp hơn”.

Trong nghiên cứu “Tiếp xúc nhiệt độ không khí cao liên quan đến sức khỏe tâm thần của công nhân nhà máy sản xuất giày tại TPHCM” do tiến sĩ Phan Minh Trang thực hiện vào năm 2019 với 238 công nhân làm việc tại bộ phận không tiếp xúc hoặc tiếp xúc rất ít với dung môi hữu cơ, kết quả chỉ ra rằng, khi làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, 7% công nhân có các triệu chứng trầm cảm, 20% công nhân có các triệu chứng rối loạn lo âu từ nhẹ đến nặng. Khi khảo sát các triệu chứng mãn tính ở công nhân như đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, có 31,3% công nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu kéo dài, 28% mệt mỏi thường xuyên, 12% hay hoa mắt, chóng mặt, 7,8% lo lắng kéo dài và 11,5% mất ngủ thường xuyên. 

Theo tiến sĩ Phan Minh Trang, nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên bộ câu hỏi, nhưng qua nhiều cuộc tiếp xúc, trò chuyện với công nhân, nhất là công nhân nữ, bà nhận thấy, ngoài môi trường làm việc thì yếu tố gia đình, xã hội tác động không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của họ. Như hiện nay, những tác động của dịch bệnh là điều rất dễ nhận thấy. Tiến sĩ Phan Minh Trang cho rằng, rất cần cuộc khảo sát tổng quan về sức khỏe của công nhân, nhất là về tâm lý: “Nếu không được can thiệp, chữa trị, các triệu chứng tâm lý sẽ kéo dài thành bệnh mãn tính và lúc đó, chỉ có thể dùng thuốc để điều trị”.

Trong nghiên cứu “Tác động của dịch COVID-19 đến công nhân ngành dệt may và da dày Việt Nam” vào tháng 12/2020, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, công nhân - đặc biệt công nhân nữ - chịu nhiều sức ép như lo công việc bấp bênh, thường xuyên nghĩ ngợi về các chi phí cơ bản của gia đình, gánh nặng chăm sóc con cái, gia đình khiến họ rơi vào trạng thái trầm cảm, hoang mang, bất an… 

Việc khảo sát tổng quan sức khỏe của công nhân dưới sự tác động của dịch bệnh có thể giúp các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, như có chế độ lao động phù hợp, trang bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường làm việc, cho các công nhân có triệu chứng tâm lý nặng tiếp xúc bác sĩ tâm lý hoặc có các chính sách thể hiện sự động viên, 
quan tâm...

Cũng theo tiến sĩ Phan Minh Trang, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ từ doanh nghiệp, chính công nhân phải tự “cứu” lấy mình bằng cách nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ về sức khỏe và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Bà nói: “Chỉ khi hiểu rõ sức khỏe của mình, công nhân mới từng bước nâng cao chất lượng sống và từ đó, năng suất làm việc cũng cao hơn”. n

Kỳ tới: Gian nan chuyện học của con giữa thời dịch bệnh

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI