Nữ cố vấn gốc Việt Elizabeth Phù nói rằng, điều làm bà tự hào nhất về nguồn cội Việt của mình chính là những lời khen tặng hào phóng mà bà đã nhận được từ vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, khi ông tới thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016.
Còn tôi thì tự hào vì đã kết nối được với nữ cố vấn, sau rất nhiều nỗ lực, giữa lúc bà đang trong giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ Tổng thống và cũng là những tháng cuối thai kỳ của bà mẹ hai con (điều mà sau này tôi mới biết).
Mặt biển đen và đôi tay đỏ
Bà Phù chọn Phú Quốc, khi về thăm lại Việt Nam. Lý do lựa chọn của bà hẳn nhiên không giống với nhiều du khách, mà vì đó chính là nơi thân phụ của bà đã lớn lên. Dù nếu bà còn nhớ, lúc cùng gia đình rời Việt Nam năm bốn tuổi (bằng đúng tuổi con trai đầu lòng của bà bây giờ), thì mặt biển hẳn là một vệt sẫm, trong quầng ký ức kinh hoàng ấy của bà.
Một kỷ niệm thường vẫn ám ảnh những “thuyền nhân”: mặt biển tối đen, thuyền chết máy, đụng cướp biển (chiếc thuyền chở gia đình bà còn đụng cướp biển tới hai lần), những tiếng la hét trong quay cuồng, tuyệt vọng....
Vậy mà kỳ lạ sao, họ sống sót!
Cũng may là bà Phù hầu như không nhớ bất kỳ điều gì về chuyến hải trình hãi hùng đó nữa, vì có thể lúc ấy bà còn quá nhỏ. Những mảng hiện thực chắp nối qua lời kể của bố mẹ vì thế cũng đỡ ám ảnh hơn.
Nhưng một mặt, bà Phù cũng thừa nhận rằng, khi người ta ý thức được rằng mình đã từng may mắn thế nào, và những giọt mồ hôi của các bậc sinh thành đã đổ vì mình ra sao, thì đó chính là cội rễ đã hun đúc nên tính cách và nghị lực sống ở bà.
Hình ảnh bà Phù bị ám ảnh hơn cả là đôi bàn tay đỏ lên vì tẩy rửa của bố bà. Ấy là lúc gia đình ba nhân khẩu ấy phải bắt đầu cuộc sống mới tại California với chỉ 20 USD, vào năm 1979 (vì toàn bộ tư trang mang theo đã rơi vào tay bọn cướp biển để đổi về mạng sống).
Để có tiền lo cho vợ con, người đàn ông trụ cột của gia đình đã phải chọn làm thêm một công việc bán thời gian, ngay cả khi đã có một công việc văn phòng sau khi đến Mỹ không lâu. “Đời sống lúc đó rất chật vật. Vì thế, vào các buổi tối, bố tôi đã nhận sơn tường cho các nhà trong khu căn hộ để kiếm thêm. Tôi còn nhớ rất rõ những lần ông phải chùi rửa đến đỏ cả tay để lau sạch các vết sơn, để sáng hôm sau, trông ông vẫn sạch sẽ khi đến văn phòng làm việc...” - Bà Phù bùi ngùi nhớ lại.
Chính đôi bàn tay đỏ lên vì tẩy rửa ấy đã nhắc bà Phù rằng: để thay đổi cuộc sống mà không phải dựa dẫm xin xỏ ai, chỉ có cách duy nhất là làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ, vì chính lòng tự trọng và tình thương vô bờ bến dành cho gia đình mình.
Nói chuyện với con bằng tiếng Việt
Hiện nay thì không, nhưng trước đây, bà Phù từng được coi là đại diện nữ hiếm hoi và thậm chí là trẻ nhất tại Bộ Quốc phòng rồi Nhà Trắng - những môi trường nhiều áp lực nhất với một người trẻ và một người phụ nữ.
Nữ cố vấn nói rằng, thật ra bà không có ý định trở thành một nữ chính khách, và cũng chưa bao giờ coi mình là một chính khách. “Tôi không vạch sẵn kế hoạch làm việc cho chính quyền Mỹ. Tôi gia nhập Bộ Quốc phòng ngay sau khi tốt nghiệp thông qua chương trình Presidential Management Fellowship và nghĩ rằng sẽ chỉ ở đó một vài năm. Tuy nhiên, tôi vẫn ở đây sau 16 năm...” - bà Phù cho biết.
16 năm, thử thách chồng lên thử thách, bắt đầu từ vạch xuất phát mà như bà Phù tự nhận là “hiểu biết về quân đội hay chính quyền liên bang đều rất hạn chế”.
Nhưng rồi, như chính những gì người phụ nữ gốc Việt này đã được học từ gia đình mình, bà đã chọn cách đối diện và nỗ lực cải tạo hoàn cảnh: “Để bù đắp cho sự thiếu hụt đó, tôi luôn đảm bảo rằng mình có sự chuẩn bị thật kỹ. Chính điều đó, mà không phải điều gì khác, đã dần đưa lại cho tôi sự tự tin...”.
"Chỉ với 20 USD trong túi, gia đình cô ấy bắt đầu xây dựng cuộc sống ở California. Cô ấy đã làm việc rất chăm chỉ và trở thành một trong các cố vấn hàng đầu về châu Á của tôi tại Nhà Trắng..." - vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ Barack Obama ngợi khen nghị lực phi thường của nữ cố vấn an ninh gốc Việt, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016.
Làm việc qua hai đời tổng thống Mỹ và 16 năm ở cạnh “người làm công việc khó nhất thế giới”, nữ cố vấn thấy mình may mắn vì đã từng được giao đảm nhiệm “một số vị trí rất thú vị”.
“Nhưng một mặt, nó cũng đòi hỏi cao, khiến cho thời gian biểu của tôi nhiều lúc căng thẳng, gây trở ngại cho bản thân tôi và gia đình. May thay, chồng tôi rất ủng hộ và nhận đảm nhận phần lớn việc nhà, do có thời gian biểu linh hoạt hơn...”.
Phần mình, nữ cố vấn luôn cố gắng “làm bất cứ điều gì trong một khoảng thời gian ngắn, nếu tôi chắc rằng mình có thể dành thời gian cho bản thân và gia đình...”
Yêu thích một số phong tục truyền thống của Việt Nam, trong những lúc có thể, bà Phù thường dành thời gian giới thiệu với con trai mình về điều đó. Cả hai con trai của bà đều có tên đệm bằng tiếng Việt và dù không thật sõi tiếng Việt, người mẹ gốc Việt này vẫn luôn cố nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ.
Làm mẹ lần hai và... rời Nhà Trắng
Bà Phù đã rời Nhà Trắng, sau khi nước Mỹ chuyển giao tổng thống. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên do vì “công việc của tôi không phụ thuộc vào việc ai được bầu làm Tổng thống Mỹ”. Chỉ là, bà vừa hạ sinh thêm một bé trai được ba tháng.
Trước mắt, nữ cố vấn muốn dành thời gian nhiều hơn cho hai con nhỏ, cùng người chồng làm nghề luật sư.
Chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ giờ đây chọn cách bảo vệ những góc nhỏ bình yên của riêng mình. Nữ cố vấn không đặt mục tiêu các con về sau sẽ theo đuổi sự nghiệp chính trị mà “hy vọng rằng các con tôi sẽ chọn một sự nghiệp cho phép chúng phát triển hết khả năng của mình, dù đó là công việc gì đi chăng nữa...”.
Hồi còn nhỏ, bà Phù từng “muốn trở thành bác sĩ cho đội bóng yêu thích của mình - đội Los Angeles Lakers” và giờ thì bà “không chắc mình muốn làm gì khác”. Đây chưa phải lúc cần đưa ra quyết định.
Rời Nhà Trắng, bà Phù nói rằng, cái góc nhỏ làm bà nhớ nhất là cái thư viện nằm trong tòa nhà văn phòng Eisenhower Executive, dọc đường đi bộ từ Nhà Trắng: “Một thư viện tuyệt đẹp và yên bình với bậc thang và tay vịn bằng sắt uốn...”.
Còn tại nhà riêng, góc nhỏ mà bà mẹ hai con này yêu thích là một phòng đọc nhỏ màu đỏ chứa rất nhiều sách, “nơi vợ chồng tôi có thể cùng ngồi đọc và thư giãn”.
Như đã nói, bà Phù thích màu đỏ.
“Tôi còn nhớ rất rõ những lần bố tôi phải chùi rửa đến đỏ cả tay để lau sạch các vết sơn” - Chính đôi bàn tay đỏ lên vì tẩy rửa ấy đã nhắc bà Phù rằng: để thay đổi cuộc sống mà không phải dựa dẫm xin xỏ ai, chỉ có cách duy nhất là làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ, vì chính lòng tự trọng và tình thương vô bờ bến dành cho gia đình mình...
Tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành Khoa học chính trị ở ĐH California Berkeley, sau đó lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Thái Bình Dương tại ĐH California ở San Diego và từng tu nghiệp một năm tại học viện quân sự cấp cao Dwight D. Eisenhower, bà Elizabeth Phù sở hữu 16 năm kinh nghiệm phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ qua hai đời tổng thống Mỹ.
Trong 10 năm qua, bà là Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á, là cánh tay phải đắc lực giúp đỡ ông Obama định hình chính sách ở Đông Nam Á, nói như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là: "Chúng tôi dựa vào cô ấy trong mọi chính sách".
Với bề dày đóng góp trên, bà Phù đã nhiều lần được chính phủ Mỹ vinh danh và khen thưởng như: Huy chương dành cho cá nhân xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Cống hiến xuất sắc cho Hội đồng An ninh Quốc gia, Giải thưởng ưu tú về kiểm soát tài sản nước ngoài...
Nhà báo Nhật Nguyên (Xuân Phụ Nữ)