Nữ chủ nhiệm hợp tác xã 80 tuổi duy nhất Việt Nam kể chuyện xé rào thời bao cấp

30/01/2017 - 14:00

PNO - Mái đầu bạc trắng, đôi mắt sáng tinh anh cùng lối nói chuyện hóm hỉnh với việc trích dẫn làu làu văn thơ do bà tự làm, những câu chuyện của bà Cúc luôn thu hút người đối diện.

Năm nay tròn 80 tuổi, bà Nguyễn Thị Cúc vẫn là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Ba Nhất (Tân Uyên, Bình Dương), một HTX hiếm hoi còn tồn tại từ sau giải phóng đến nay.

Tôi là người chịu khó buôn lậu...

Tháng 10/1976, HTX Ba Nhất thành lập với hình thức tổ hợp, do bà Nguyễn Thị Cúc làm chủ nhiệm. Đến tháng 12/1978, tổ hợp Ba Nhất được nâng lên hợp tác xã và đến năm 1979 thì được công nhận HTX bậc vừa rồi tiến lên bậc cao.

Điều hành một HTX trong thời buổi bao cấp ngăn sông cấm chợ, không ít lần bà Cúc phải “lách luật” để đảm bảo duy trì hoạt động của HTX và đem lại cơm áo gạo tiền cho xã viên.

Nhanh nhẹn và khéo léo, khi cơ chế còn nhiều bất cập và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều HTX khác, Ba Nhất với sự dìu dắt của bà Cúc vẫn đều đặn tăng gia sản xuất và lớn lên mỗi ngày.

Nu chu nhiem hop tac xa 80 tuoi duy nhat Viet Nam ke chuyen xe rao thoi bao cap
Mái tóc bạc trắng, ở tuổi 80 bà Cúc vẫn khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, nói cười hóm hỉnh.

Bà Cúc kể, hồi đó cả TP.HCM có 420 HTX, riêng quận Bình Thạnh có 7 HTX nhưng lại chiếm tới 60% doanh thu. HTX thì không được tự ý đi mua nguyên liệu, phải sử dụng nguyên liệu do nhà nước phân phát.

Thấy lạ, ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) kêu bà lên hỏi, làm sao bà có lá buông để làm nhiều sản phẩm vậy thì bà nói là bà đi mua lậu. Rồi bà dẫn ông Sáu đi cùng, để ông có dịp mục sở thị việc bà đã mua lậu như thế nào.

Bà Cúc kể rồi tự cho rằng mình là người chịu khó buôn lậu, chỉ có điều không lậu vào túi mình mà để lo cho HTX.

Đất nước thống nhất nhưng nền kinh tế vẫn khó khăn với nhiều quy định tréo ngoe thời bao cấp. Nắm trong tay sinh mệnh của hàng ngàn con người, bà Cúc phải nhiều lần luồn lách để đảm bảo Ba Nhất có thể tồn tại qua các thời điểm khó khăn.

Thời đó, Ba Nhất lấy nguyên liệu rồi gia công sản phẩm cho Công ty Barotex.

Bà Cúc kể, Ba Nhất cứ giao 40 sản phẩm thì được giao 9 kg gạo. Lúc đó Barotex đưa mẫu sản phẩm to đùng, xã viên làm ngày làm đêm cũng không được một cái. Nắm được sự phi lý trong cơ chế điều hành máy móc, bà tìm cách “lách”.

Bà cho làm những sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giúp xã viên mỗi ngày làm ra được nhiều sản phẩm.

“Tới hồi người ta thấy Ba Nhất mua gạo nhiều quá, mỗi tháng một xã viên chỉ được lãnh 9 kg gạo mà sao Ba Nhất nhận tới mấy chục kg. Thế rồi HTX bị các cơ quan quản lý lập biên bản.

Tôi bảo cứ kiểm tra, nếu tôi làm sai tôi ở tù, các anh làm sai thì phải xin lỗi. Nhưng tôi đã lo xa, ghi chép rõ ràng, cứ một sổ nhận nguyên liệu thì có một sổ giao sản phẩm, một sổ nhận bao nhiêu gạo, nên người ta không có phạt tôi được”, bà Cúc nhớ lại.

Rồi bà kể tiếp về hành trình đi “buôn lậu” của mình. Số là, thời đó, gạo từ Công ty Trà Nóc bán ra giá thành 2 đồng, nhưng Nhà nước lại chỉ cho xã viên 50 xu nên không thể mua được.

Nu chu nhiem hop tac xa 80 tuoi duy nhat Viet Nam ke chuyen xe rao thoi bao cap


Nhờ cách làm “lách luật” này mà đời sống xã viên Ba Nhất ổn định ngay trong cả những giai đoạn ngăn sông cấm chợ.Trong khi xã viên không có gạo ăn, còn công ty phải đốt bỏ gạo vì làm ra không bán được. Bà Cúc đã làm hợp đồng giả với Công ty lương thực Trà Nóc nhận dạy nghề cho công ty rồi công ty này bán gạo đối lưu cho bà.

Nhưng chặng đường 40 năm HTX cũng trải qua không ít thăng trầm, có lúc đứng bên bờ vực phá sản.

Những năm 1988-1990, khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, ngành mây tre lá cả nước mất hết thị trường. Nợ nần chồng chất, hàng tồn kho nhiều không bán được phải đốt bỏ khiến Ba Nhất dần lâm vào cảnh kiệt quệ.

Bà Cúc đã tìm đường xuất ngoại để tiếp cận thị trường, tìm nhà phân phối, chào hàng, giới thiệu sản phẩm của mình.

HTX đã chọn sự chân thành đến thật thà trong giao dịch, tạo niềm tin để khách hàng ứng vốn, mở rộng nhà xưởng, đầu tư nguyên liệu sản xuất với số lượng lớn.

Thương đất nước, thương người nghèo, thương rác rưởi

Không quát mắng, không la rầy, chính tình thương của bà là liều thuốc chữa lành bao vết thương và cảm hóa bao cảnh đời ngang trái. Đây cũng là bí quyết để bà điều hành  Ba Nhất suốt 40 năm.

Đối tượng được bà nhận làm xã viên là những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa, là những người nghiện tái hòa nhập cộng đồng hay những cô gái đã từng lầm đường lỡ bước. Họ là một phần của Ba Nhất, là lý do để bà lập nên HTX này.

“Ba Nhất là ba thương: Thương đất nước nhất, thương người nghèo nhất và thương rác rưởi nhất”, bà Cúc lý giải.

Có lần bà thấy một thanh niên khỏe mạnh vạm vỡ nhưng suốt ngày “ăn rồi ngủ cạnh chuồng heo”. Bà chủ động hỏi chuyện rồi đưa anh này về Ba Nhất.

Thấy vậy ai cũng sợ, bảo đưa “cái thằng cù bất cù bơ” vào làm gì.

“Mới vô Ba Nhất được một tuần thì nó hỏi mượn tôi 12 triệu đồng để về quê mai táng cho mẹ. Tôi đưa tiền cho nó thì ai cũng can ngăn, vì không biết nó có lừa mình hay không. Tôi nghĩ, nếu nó không quay lại trả tiền cho tôi thì kiếp sau nó gặp tôi nó trả, còn bây giờ cứ phải giúp nó đã”, bà Cúc nói.

Bà đã đưa số tiền không nhỏ cho một thanh niên chưa rõ gốc tích mà lòng không mảy may lo âu. Một thời gian sau thì anh quay lại. Anh nói với bà, mẹ anh mất rồi, giờ không còn ai thân thích xin ở với bà.

HTX đã tạo việc làm, cưới vợ, giúp anh chăm lo đời sống gia đình. Giờ anh đã có con gái học cấp 3, vẫn ở với HTX.

“Tên con gái nó là Thiên Hương, vốn là tên của tôi khi nhỏ. Tụi nhỏ gọi tôi là bà nội”, bà Cúc kể về người đàn ông tên Lý, bây giờ đang đảm nhiệm vị trí quản lý tại Ba Nhất với đầy yêu thương và tự hào.

Cho đến nay, HTX Ba Nhất đã mang về doanh thu khoảng 10 triệu USD mỗi năm, việc làm cho gần 1.000 công nhân tại chỗ, khoảng 30.000 nhân công thời vụ trên khắp cả nước.

Sản phẩm may tre đan của Ba Nhất xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới, có mặt tại mạng lưới siêu thị của các tập đoàn bán lẻ như IKEA, Wal-Mart, Target …

Với những đóng góp tích cực, tháng 11/2013, bà Nguyễn Thị Cúc lọt vào danh sách 100 nữ doanh nhân toàn cầu nhận giải thưởng thường niên của Hội Doanh nhân Nữ Quốc tế Los Angeles (OWIT - LA). Giải thưởng này vinh danh “những nữ doanh nhân vừa đóng góp cho xã hội, vừa giúp cho nhiều nữ doanh nhân khác thành công”. Giải thưởng Kova năm 2016 vừa qua, bà Cúc cũng được tôn vinh vì tấm gương sống đẹp.

Khánh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI