Nữ chủ nhà trọ mong công nhân được tiếp cận nhà ở xã hội

19/01/2024 - 06:17

PNO - Ngày 17/1 vừa qua, tại hội nghị gặp gỡ - đối thoại giữa thường trực Hội LHPN quận 7 với thành viên Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ và chi hội Nữ công nhân lao động, nhiều khó khăn của công nhân lao động và nữ chủ nhà trọ đã được lắng nghe, tìm cách tháo gỡ.

Công nhân gặp khó, chủ trọ cũng lao đao

Bà Đặng Thị Ngọc Hải - thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nữ chủ nhà trọ phường Tân Thuận Đông cho biết, khu phố 1B nơi chị đang sống có khoảng 70 phòng trọ, nhưng khoảng 20% trong số đó đang bỏ trống, nên thu nhập của các chủ trọ giảm phần nào so với trước.

Nguyên nhân là bởi tình hình kinh tế khó khăn, công nhân, người thuê trọ không tăng ca, giảm lương, thậm chí mất việc khiến họ không đủ chi phí trang trải cuộc sống, một số đã bỏ việc về quê. Thu nhập giảm gây khó khăn với nhiều chủ nhà trọ khi nguồn thu không đủ để trả lãi và gốc cho các khoản vay ngân hàng. 

Chung nỗi lo lắng, bà Nguyễn Thị Tiền Giang - thành viên CLB Nữ chủ nhà trọ khu phố 1, phường Phú Thuận - thông tin, địa phương hiện có 30 chủ nhà trọ và 238 phòng cho thuê. Nỗi lo thường trực của các chủ trọ hiện nay là công nhân, người lao động thất nghiệp trong bối cảnh nhiều công ty giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, không tăng ca, lương bị cắt giảm, phải bỏ việc về quê.

Bà Đặng Thị Ngọc Hải (thứ tư từ trái sang) - nữ chủ nhà trọ phường Tân Thuận Đông - trao quà cho nữ công nhân lao động không có điều kiện về quê đón tết
Bà Đặng Thị Ngọc Hải (thứ tư từ trái sang) - nữ chủ nhà trọ phường Tân Thuận Đông - trao quà cho nữ công nhân lao động không có điều kiện về quê đón tết

Trong khi đó, các khu trọ lâu năm ngày càng xuống cấp, nếu không có nguồn thu ổn định, rất khó để chủ trọ đảm bảo cuộc sống cũng như sửa chữa nâng cấp các phòng cho thuê. 

Với những khó khăn trên, chị Giang mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ được vay vốn ưu đãi để giảm bớt gánh nặng trả lãi. Chị cũng đề xuất tạo điều kiện cho các chủ nhà trọ tăng vốn vay từ 100 triệu đồng lên 200-300 triệu đồng, giúp họ thuận lợi trong việc nâng cấp phòng trọ cho thuê.

Không chỉ giảm thu nhập khi người thuê trả phòng, phải giảm tiền phòng khi công nhân khó khăn, mà giá cả tăng trong tình trạng thu nhập công nhân giảm cũng đặt chủ trọ trong trạng thái phải “gánh gồng”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - nữ chủ trọ tại phường Tân Phong - cho biết, hiện nay, giá điện, nước tại các khu trọ bị áp theo khung giá nước kinh doanh chứ không phải giá sinh hoạt dành cho hộ gia đình.

Từ tháng 11/2023, giá điện tăng và tăng theo lũy kế, trong khi giá nước bị phạt từ 8.000 đồng lên đến 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng quá định mức. Bên cạnh đó, phí thu gom rác cũng tăng cao và quy định mới bắt buộc mỗi phòng trọ đều phải đóng tiền thu gom rác đã tạo thêm áp lực chi phí sinh hoạt cho người thuê.

“Nhiều phòng dù chỉ có 1 người thuê, đi làm suốt từ sáng đến chiều, tối về thải ra được 1 vỏ gói mì tôm cũng phải đóng 50.000 đồng/tháng chi phí thu gom rác. Mức lương chưa đảm bảo cuộc sống trong khi đủ thứ tiền cộng lại khiến cuộc sống của công nhân ở trọ đã khó càng thêm khó. Chủ trọ chúng tôi cũng đã cố gắng chia sẻ hết mức, nhiều khi phải thanh toán điện, nước giùm cho người thuê trọ. Do đó, trong giai đoạn khó khăn này, tôi đề xuất giảm thuế cho chủ nhà trọ có đăng ký đóng thuế thu nhập cá nhân dựa trên số người thuê nhà. Tôi cũng mong lãnh đạo kiến nghị các ban, ngành đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký định mức điện, nước tại các khu trọ; đưa ra giải pháp thu phí gom rác hợp lý để giảm bớt khó khăn cho chủ nhà trọ và người thuê trọ” - bà Hạnh đề xuất. 

Mong công nhân có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội

Bà Đặng Thị Kim Trang - nữ chủ nhà trọ phường Bình Thuận - thắc mắc về đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NOXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bà cho biết, có thông tin trên địa bàn quận 7 cũng có dự án NOXH. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người dân chưa biết gì về dự án cũng như tiến độ thực hiện. Nếu công nhân lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký mua thì có thể liên hệ với ban, ngành nào?

Cũng vấn đề này, nhiều nữ chủ nhà trọ ưu tư về việc người lao động rất khó tiếp cận với các dự án NOXH vì nhiều lẽ. “Với mức lương trung bình từ 6-9 triệu đồng/tháng, công nhân dù có gói ghém cũng vẫn thiếu trước hụt sau. Do đó, giấc mơ NOXH là điều quá xa vời. Tôi đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cần có những gói vay ưu đãi, dài hạn cho công nhân, người thuê trọ, giúp họ có điều kiện mua nhà ở để cư trú lâu dài, ổn định đời sống” - đại diện nữ chủ nhà trọ phường Phú Mỹ nói.

Bà Đặng Thị Kim Trang - nữ chủ nhà trọ tại phường Bình Thuận - mong muốn công nhân, người lao động được tạo điều kiện tiếp cận các dự án nhà ở xã hội
Bà Đặng Thị Kim Trang - nữ chủ nhà trọ tại phường Bình Thuận - mong muốn công nhân, người lao động được tạo điều kiện tiếp cận các dự án nhà ở xã hội

Giải đáp thắc mắc của các nữ chủ nhà trọ, ông Vũ Hải Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7 - thông tin, trên địa bàn hiện có dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây tại phường Bình Thuận và phường Tân Thuận Tây do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư, trong đó có quy hoạch khu NOXH HR1 và HR2, quy mô khoảng 1.300 căn.

Theo quy định, sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp tất cả thông tin liên quan đến dự án để công bố công khai tại Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng; đăng tải ít nhất 1 lần trên cơ quan ngôn luận tại địa phương và công bố tại sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư (nếu có) để người dân biết, đăng ký và thực hiện việc theo dõi, giám sát.

“Như vậy, trường hợp công nhân lao động có nhu cầu đăng ký mua NOXH có thể tra cứu thông tin các dự án chuẩn bị mở bán tại Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư và thông tin trên báo chí tại địa phương. Hiện nay dự án NOXH tại quận 7 đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện, chưa có thông tin chuẩn bị mở bán” - ông Vũ Hải Giang thông tin thêm.

Bà Nguyễn Xuân Duyên - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội quận 7 - khẳng định, công nhân, người lao động vẫn có cơ hội tiếp cận NOXH với chính sách cho vay mua căn hộ NOXH từ ngân hàng với mức cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua và thời hạn vay kéo dài đến 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Với yêu cầu hỗ trợ vay lãi suất thấp để hỗ trợ nữ chủ nhà trọ, bà Xuân Duyên thông tin, hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn quận 7 với lãi suất 7,92%/năm (0,66%/tháng) cho đối tượng có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với mức vay tối đa 100 triệu đồng/lao động trong thời hạn 120 tháng.

Chương trình này vẫn chấp nhận khách hàng đang vay ở ngân hàng khác với điều kiện nợ trong hạn (chứ không phải nợ quá hạn). Tuy nhiên để vay được từ 200-300 triệu đồng như các nữ chủ nhà trọ đề xuất, theo bà Xuân Duyên, cần có 2-3 thành viên trong gia đình đứng tên mỗi người vay 100 triệu đồng và các thành viên phải có mục đích sử dụng vốn vay khác nhau.

Nữ chủ nhà trọ là cầu nối giữa công nhân lao động với Hội Phụ nữ 

Trên địa bàn quận 7 có 16 CLB Nữ chủ nhà trọ với 486 thành viên. Các chị là những nhân tố tích cực, nhiệt tình tham gia và đóng góp vào các hoạt động của địa phương như tuyên truyền, đồng hành cùng chính quyền và các cấp hội trong các hoạt động nhân đạo xã hội, giảm hoặc miễn tiền thuê phòng trọ cho người thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn hoặc trong những giai đoạn khó khăn, góp phần chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người thuê trọ. 

Có thể nói, các CLB Nữ chủ nhà trọ đã trở thành nơi tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý người ở trọ; là lực lượng nòng cốt, tích cực giúp hội trong các hoạt động phong trào; là cầu nối nắm bắt và trao đổi thông tin giữa công nhân lao động với tổ chức hội và chính quyền địa phương; góp phần đảm bảo sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong khu nhà trọ trên địa bàn quận.

Bà Lê Thị Hảo - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 7


Nguyệt Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI