PNO - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực từ 1/1/2018) là khung pháp lý đảm bảo cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động và phát triển hiệu quả. Nhưng sau 5 năm triển khai, mục tiêu của luật, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, vẫn chưa được như kỳ vọng.
Năm 2020, sau khi tham gia các lớp đào tạo kỹ năng khởi nghiệp do Hội LHPN TPHCM tổ chức, chị Phạm Thị Thùy Trang (huyện Nhà Bè) quyết định hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh sản phẩm trà sữa của mình. Tháng 4/2021, Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Thiên Kim được thành lập và thương hiệu Trà sữa Béo được đăng ký sở hữu trí tuệ. Để tương xứng với quy mô hoạt động của một doanh nghiệp, chị Thùy Trang đã mở rộng mặt bằng kinh doanh với diện tích 200m2 trên đường Nguyễn Bình, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè.
Bà Trịnh Thị Thanh (đứng) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - nói: “Các cấp chính quyền cần chủ động kiến nghị giải pháp từ những khó khăn thực tế của doanh nghiệp, thay vì chỉ phản ánh” - ẢNH: THU LÊ
Xuất phát là một doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở thời điểm Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực từ 1/1/2018), được Chính phủ và các bộ, ngành có những chỉ đạo quyết liệt với 5 nghị định, 13 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn triển khai, doanh nghiệp của chị Thùy Trang thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách cũng như các nguồn lực hỗ trợ từ thuế, bảo lãnh tín dụng, vốn vay của quỹ phát triển doanh nghiệp; được kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm… Thế nhưng, sau 5 năm hoạt động, đa phần sự hỗ trợ mà doanh nghiệp của chị và các DNNVV khác trên địa bàn nhận được chỉ là các lớp đào tạo kỹ năng kinh doanh cũng như được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm thông qua hoạt động của những ngày hội khởi nghiệp do Hội LHPN và UBND huyện phối hợp tổ chức.
Bà Ngô Ngọc Anh - chủ Công ty TNHH Giải pháp Ứng dụng Ngọc Anh (chuyên về hóa mỹ phẩm, tại quận 6) - chia sẻ, doanh nghiệp của bà được thành lập năm 2017 và gặp khá nhiều khó khăn về vốn, nên bà không đủ nguồn lực để phát triển quy mô. 3 năm trước, thông qua Hội LHPN, bà vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ mua thêm ít nguyên vật liệu, chai lọ. Hiện tại, bà Ngọc Anh đã có mặt bằng mới, đơn hàng cũng tăng lên nhiều, nhưng bà vẫn đang khó khăn về vốn, đang cần thêm khoảng 200 triệu đồng để mở rộng kinh doanh.
Theo bà Lâm Tuyền Khanh - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân quận 6 - dường như các nữ chủ DNNVV chưa thực sự mặn mà để đeo bám các chính sách có lợi theo luật định. Bằng chứng là trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, bà có phổ biến, nhưng một số thành viên thờ ơ, không có phản ứng.
Tại buổi giám sát thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại huyện Nhà Bè, ông Nguyễn Tuấn Tài - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nhà Bè - cũng phản ánh một thực tế rằng, huyện đã quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức kinh doanh, nhưng rất ít chủ doanh nghiệp tham gia. Huyện cũng gửi hơn 4.000 email khảo sát nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp nhưng cũng chưa nhận được phản hồi. Hiện nay, chỉ có 250/2.488 DNNVV do nữ làm chủ trên địa bàn được hỗ trợ vốn từ các gói tín dụng. Điều này cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn rất khiêm tốn, khoảng 10%.
Cần đơn giản hóa điều kiện và thủ tục
Theo kết quả khảo sát của Hội LHPN TPHCM đối với các nữ chủ doanh nghiệp tại quận 6 và huyện Nhà Bè, dù Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định tương đối toàn diện các chính sách hỗ trợ nhưng việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DNNVV vẫn chưa đủ hấp dẫn để thực hiện. Bởi lẽ, việc chuyển đổi gần như không thay đổi quy mô, hiệu quả kinh doanh, nhưng lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp luật về thuế, chế độ kế toán, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng còn hạn chế. Mặc dù đã có những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng điều kiện, thủ tục, hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn còn khá nhiều vướng mắc.
Các đại biểu thử sản phẩm Trà sữa Béo - một sản phẩm khởi nghiệp của chị Phạm Thị Thùy Trang - ẢNH: THU LÊ
Chị Thùy Trang cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều nữ chủ DNNVV chưa đeo bám các chính sách hỗ trợ là do thủ tục quá rườm rà, gây
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là mô hình kinh tế chủ chốt
Quận 6 hiện có 7.997 DNNVV (chiếm 98,6% tổng số doanh nghiệp), trong đó có 2.813 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ (chiếm 35%). Tại Nhà Bè, có 8.057 DNNVV/8.080 doanh nghiệp, trong đó có 2.488 DNNVV do nữ làm chủ (chiếm gần 31%). Phát biểu tại buổi giám sát thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại 2 địa phương trên, bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - nhấn mạnh: “DNNVV là mô hình kinh tế chủ chốt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại các quận, huyện. Nó không chỉ đóng góp cho nguồn thu mà còn góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Do đó, việc hỗ trợ những doanh nghiệp này cần được xem là nhiệm vụ quan trọng”.
tâm lý mệt mỏi. “Có rất nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng để nhận được sự hỗ trợ đó thì rất khó khăn và trải qua rất nhiều công đoạn, nhiều người mất cả năm để tiếp cận nguồn vốn. Trong khi giai đoạn này, chỉ cần đi trước một bước cũng quyết định được sự thành bại của một doanh nghiệp. Chưa kể, vài chục triệu đồng hỗ trợ cho DNNVV cũng không bõ bèn gì” - chị Thùy Trang khẳng định.
Chị Trang cho biết thêm, vốn xuất thân từ ngành luật nên các thủ tục pháp lý liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, thuế và mọi vấn đề pháp lý, chị đều tự làm. Nhưng đây lại là khó khăn lớn đối với nhiều chị em. Để nhanh gọn và không va chạm với các cơ quan nhà nước, họ phải bỏ tiền thuê một đơn vị dịch vụ để được cung cấp các dịch vụ liên quan.
Các nữ chủ DNNVV mong muốn có thêm nhiều hơn nữa những hoạt động gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nghiệp cũng như tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương để được lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc. Bên cạnh đó, cần cải thiện việc xuất hóa đơn tài chính để doanh nghiệp không phải đi tới đi lui nhiều lần, từ nộp hợp đồng, chờ tính thuế, nộp thuế, chờ nộp biên lai, chờ cán bộ thuế xuất hóa đơn. “Ngoài thời gian làm chủ doanh nghiệp, chị em còn phải dành thời gian cho gia đình và con cái, nên những vướng mắc về thời gian vẫn luôn là một trở ngại lớn đối với họ” - bà Nguyễn Huỳnh Như Oanh - Chủ tịch Hội LHPN quận 6 - nhắn gửi.
Ông Đoàn Quang Luân - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch quận 6 - kiến nghị các bộ, ngành cần đơn giản hóa điều kiện và thủ tục để DNNVV dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, tài chính, khoa học công nghệ. Ông cũng đề xuất các ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giải ngân.
Để tháo gỡ khó khăn, giúp DNNVV có thể tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho rằng, các cấp chính quyền phải làm cách nào để người kinh doanh dễ dàng tiếp cận với các chính sách mà họ cần về vốn vay và công nghệ.
“Các cấp chính quyền cần chủ động kiến nghị giải pháp từ những khó khăn thực tế của doanh nghiệp, thay vì chỉ phản ánh” - bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - nói. Muốn thế, các cấp chính quyền phải đi sâu vào thực tế để có những hỗ trợ sát sao. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả hoạt động hỗ trợ của Hội LHPN, Liên đoàn Lao động với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nữ làm chủ nói riêng.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.