edf40wrjww2tblPage:Content
Oscar Pistorius và bạn gái, siêu mẫu Reeva Steenkamp trước đây - Ảnh: Reuters
Oscar Pistorius, vận động viên chạy bộ với đôi chân giả nởi tiếng tại Olympic, người được xem như anh hùng của Nam Phi, phải ra tòa vì bị cho là đã bắn chết bạn gái, siêu mẫu Reeva Steenkamp vào lễ tình nhân năm ngoái.
Phiên tòa kết thúc hôm 11/09 đã đem lại nhiều cảm xúc cho những người theo dõi vụ án ly kỳ và nhiều bí ẩn này.
Những biểu hiện trước đó của Oscar như ói mửa, khóc không ngừng đã khiến nhiều người tin, đây là dấu hiệu của việc thú nhận tội đã ra tay sát hại bạn gái.
Chỉ một người không tin vào điều này. Đó chính là người phụ nữ mộc mạc, trầm lặng trong bộ trang phục thẩm phán đỏ, người mà Oscar luôn kính cẩn kết thúc hầu như mỗi câu nói với hai từ “thưa bà”.
Biểu cảm của bị cáo Oscar Pistorius tại tòa án - Ảnh: AP
Với nữ chánh án Thokozile Masipa, hẳn đây là một vụ án bất hủ trong thời gian làm luật của bà. Những áp lực khi xử án một người nổi tiếng, cũng là thần tượng của cả dân tộc; những cặp mắt soi mói của cả hai gia đình nạn nhân siêu mẫu Steenkamp) và bị cáo Pristorius chăm chú dõi theo mỗi biểu hiện trên gương mặt của bà Masipa - dù bà đã giữ gương mặt không biểu thị cảm xúc trong suốt các phiên tòa.
Chưa kể, sự chú tâm thái quá của báo chí thế giới vào phòng xử án của bà trong nhiều tháng liền. Tất cả quả là sức ép khổng lồ.
Hẳn là bà Masipa đã cảm thấy danh tiếng của đất nước và cũng như cá nhân bà đang bị dư luận đánh giá, mổ xẻ theo nhiều khía cạnh.Bản thân từng là nhà báo chuyên viết về tội phạm, bà Thokozile Masipa thừa biết chiến thuật báo chí thường dùng để khuynh đảo dư luận.
Bà cũng từng được biết đến với thành tích khá mạnh tay với bạo lực gia đình. Ngoài ra, khi còn nhân viên xã hội, bà luôn bênh vực kẻ yếu nên trong phiên xử này bà không dễ bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang hay danh tiếng của Pistorius.
Nữ chánh ánThokozile Masipa không hể biểu lộ cảm xúc trong suốt phiên tòa lịch sử này - Ảnh: Telegraph
Bà Masipa cũng nổi tiếng là một thẩm phán thường ra án nặng. Năm ngoái, bà tuyên án 252 tù cho một kẻ hiếp dâm hàng loạt. Thêm vào đó, Nam Phi vẫn còn là một đất nước có sự phân biệt chủng tộc nặng nề giữa người da trắng và da đen, nên nếu chỉ dựa vào những suy đoán như trên, người ta dễ dàng cảm thấy bất ngờ khi bà tuyên Oscar không phạm tội giết người.
Bà nghĩ gì khi nhìn vào Oscar từ hàng ghế thẩm phán của mình? Nếu anh ta không phải là bị cáo, mà vẫn là người hùng thể thao của dân tộc và thế giới, hẳn giữa hai người đã có những vị trí khác nhau. Nếu bà là người giúp việc da đen cho Oscar khi anh ta còn là một cậu bé da trắng, hẳn anh ta không phải luôn miệng nói “thưa bà” mà chỉ gọi bà là “con bé”.
Trước và trong phiên tòa, hầu như toàn thế giới, báo chí và thậm chí cả nhiều đoàn luật sư đều dự đoán Oscar đã bắn chết bạn gái sau một trận cãi nhau kịch liệt.
Nhưng bà Masipa với những lập luận sắc bén, vạch ra kẽ hở của nhân chứng và chấp nhận lời khai của Oscar là anh ta bắn vì tưởng có kẻ đột nhập vào nhà và tính mạng anh đang gặp nguy hiểm.
Một trong những lý luận của bà là dù Oscar có nói dối về việc tại sao có khẩu súng trong nhà, nhưng việc không thành khẩn không có nghĩa là anh phạm tội giết người. Bà cho rằng không đủ bằng chứng để kết tội Oscar.
Chính nữ thẩm phán Thokozile Masipa đã phán quyết người hùng của Nam Phi Oscar Pistorius (hình) không phạm tội giết người
Nữ thẩm phán dũng cảm và sáng suốt này là chị cả trong một gia đình có 10 người con, trong đó 5 trẻ đã chết do bệnh tật và một bị đâm mất mạng. Masipa lớn lên trong căn hộchỉ có hai phòng ngủ ở một khu phố nghèo nàn. Khi còn trẻ, bà ngủ ở một nơi mà báo New York Times mô tả là phòng ăn. Tuy nhiên, thực tế, đó chỉ là sàn nhà bếp.
Bà rất thông minh, quyết đoán và ham đọc sách, nhưng do gia cảnh khó khăn, bà phải bỏ phí nhiều năm làm việc lặt vặt như đi đưa thư và phục vụ trong quán ăn. Chỉ đến những năm ở độ tuổi 20, bà mới kiếm đủ tiền vào đại học và theo đuổi ngành xã hội học.
Sau đó, bà trở thành phóng viên, chuyên các mảng về phụ nữ, tội phạm. Năm 1977, bà bị bắt khi đang biểu tình phản đối việc bắt giữ đồng nghiệp da màu. Cảnh sát đe dọa sẽ giết bà, nhưng bà đã thoát chết sau những đày đọa và sỉ nhục trong tù.
Bà được thả sau khi chủ tờ báo, một người da trắng trả tiền phạt cho bà. Sau đó, bà Masipa chuyển sang học luật và trở thành luật sư chỉ vài tháng sau khi cựu tổng thống Nelson Mandela được trả tự do.
Trong suốt 10 năm, bà là thẩm phán trẻ tuổi nhất ở Nam Phi. Chỉ trong vòng một phần tư thế kỷ, một người da trắng đã từng có nhiều quyền lực và giàu có, có thể đã là ông chủ của bà như Oscar đã phải kính cẩn “thưa bà”.
Từng là một nhà báo, chánh án Thokozile Masipa biết, tên tuổi của bà rồi cũng chìm vào quên lãng, bởi dư luận giờ đây lại lao vào đoán định tương lai của Oscar Pistorius (bìa phải)
Việc một phụ nữ da đen đưa ra phán quyết, qua đó Pistorius thoát tội giết người là bằng chứng rõ ràng cho công lý sáng tỏ, dù cho báo chí có phần hợm hĩnh khi cho rằng đây là một phiên tòa dành cho người da trắng nên có phần thiên vị.
Nó chỉ minh chứng cho sự đơn giản và trong sáng của công lý, nơi mà mọi màu da và các vấn đề khác không hiện diện. Công lý chỉ xét tới bằng chứng, và quyết định dựa vào các yếu tố được minh chứng trước tòa.
Khi bà quyết định phát súng định mệnh của Oscar chỉ là ngộ sát, cảnh sát Nam Phi đã phải bố trí cận vệ theo sát bà 24/24 vì đã có những lời đe dọa sẽ giết bà, do không hài lòng với bản án.
Tuy nhiên bà sẽ trở lại với những công việc hàng ngày ít người biết đến, và đó cũng là ý nguyện của bà.
Bà Thokozile Masipa tin rằng, sau khi bà công bố bản án, hẳn tên tuổi của bà lại chìm vào quên lãng. Người ta chỉ dự đoán tương lai của Oscar Pirstorius, không một ai còn thắc mắc tên tuổi của nữ thẩm phán có chìm nổi ra sao sau phiên tòa.
PHAN QUỲNH DAO
(Theo Telegraph)