Nói với bạn trẻ về văn hóa xứ mình
Ghé lại thư viện sau đợt thi học kỳ, Nguyễn Thị Thảo Vy - học sinh lớp Mười hai Trường THPT Hòa Ninh - lấy 1 quyển sách trên kệ rồi ngồi vào một góc thảnh thơi giữa bốn bề cây trái, mặt hướng ra dòng sông Cổ Chiên. Trừ tiếng xuồng máy thỉnh thoảng lạch tạch ngoài sông thì không gian ở đây yên ắng như tên gọi của nó - cù lao An Bình (xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). “Em rất thích những buổi đọc sách ở đây. Mọi thứ khiến em yêu quê hương mình hơn và yêu thêm những nét truyền thống của dân tộc” - Vy bộc bạch.
“Thư viện miệt vườn” nằm trong ngôi nhà 3 gian truyền thống Nam Bộ của chị Phạm Thị Ngọc Trinh - người phụ nữ vẫn được người dân xã An Bình gọi bằng cái tên “Út Trinh” thân thương - đã trở thành điểm đến thường xuyên của các em học sinh xứ cù lao.
|
Chị Út Trinh là diễn giả trong chương trình “Nói với bạn trẻ về văn hóa xứ mình” diễn ra ngày 21/1 tại thư viện miệt vườn Út Trinh Homestay |
Trên những chiếc kệ gỗ bạc màu thời gian, sách vở được sắp đặt ngăn nắp dù thư viện không có thủ thư. Nơi đó, cửa mở suốt ngày để học sinh tự do ra vào, tự phục vụ và tự do mượn sách.
Út Trinh cho biết, thư viện miệt vườn ra đời từ tâm huyết nhiều năm của chị. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có đến 10 anh chị em, hồi nhỏ, nhà không có điều kiện để Út Trinh được đọc thỏa thích. Do đó, khi đã thành đạt và có cơ ngơi riêng, Út Trinh mới có ý tưởng xây dựng một thư viện ngay tại nhà mình để các học sinh, bạn trẻ ở cù lao đến đọc sách. Đó cũng là cơ hội để các bạn trò chuyện, tương tác với khách du lịch như một cách thực hành nói tiếng Anh.
Ý tưởng bắt đầu trước dịch COVID-19, khi chị mong muốn phối hợp cùng Thư viện tỉnh Vĩnh Long đặt các tủ sách tại homestay của chị. Tuy nhiên, quá trình trao đổi, nhận thấy có những khó khăn nên chị tạm dừng.
Đầu năm 2023, Út Trinh Homestay đón đoàn sinh viên người Mỹ đến đồng bằng sông Cửu Long du lịch và lưu trú. Thời điểm này, Út Trinh không có ở nhà nên đã nhờ các thầy cô Trường THPT Hòa Ninh - ngôi trường cấp III duy nhất trên cù lao An Bình - đưa các em học sinh đến giao lưu với các bạn sinh viên Mỹ.
Nhận thấy đây là điều kiện tốt để học sinh thực hành kỹ năng giao tiếp, cô Trần Huỳnh Nhị - giáo viên của Trường THPT Hòa Ninh - đã hợp tác với Út Trinh làm thư viện để học sinh có không gian đọc sách và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Thế là thư viện miệt vườn ra đời.
Ngoài giờ lên lớp, những bạn học sinh yêu sách sẽ ghé lại nhà Út Trinh đọc sách. Các bạn tự ý thức giữ không gian đọc yên tĩnh, sạch sẽ, và trả lại sách cho thư viện khi đã đọc xong. Mỗi tháng, tại nơi này, các bạn sẽ cùng nhau tổ chức hoạt động “chạm sách” với nhiều nội dung hữu ích.
Trong lần chạm sách ngày 21/1, Út Trinh tham dự trong vai trò khách mời với chủ đề “Nói với bạn trẻ về văn hóa xứ mình”. Chị cho biết, chủ đề lần này cũng là điều chị muốn trao gửi cho các bạn học sinh khi mở thư viện.
Trân trọng từng nét đẹp truyền thống
Người dân cù lao An Bình nhận định, ở xứ miệt vườn này, Út Trinh dung dị và khiêm tốn lắm. Được biết đến là một nữ CEO thành đạt sau gần 20 năm thành lập Công ty Du lịch Mekong Travel, năm 2018 dịch vụ lưu trú tại Út Trinh Homestay đạt giải ASEAN Standard (giải thưởng nhà có phòng cho khách du lịch đạt chuẩn), được đông đảo khách quốc tế lựa chọn khi đến thăm Vĩnh Long, thế nhưng bao năm qua, dù đón khách ở homestay hay trong vai trò hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan Vĩnh Long, Út Trinh vẫn chỉ lựa chọn trang phục là bộ quần áo bà ba giản dị.
Thậm chí, khi trở thành gương mặt doanh nhân quen thuộc tại các chương trình chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh hay truyền cảm hứng khởi nghiệp, Út Trinh vẫn chỉ xuất hiện với bộ bà ba thường ngày. Thương hiệu “CEO áo bà ba” ra đời gắn liền với chị lúc nào không hay. Khi được hỏi về biệt danh này, Út Trinh cười: “Đó là truyền thống của quê hương mình. Và đơn giản, mình thấy đó là một loại trang phục đẹp”.
Không chỉ chiếc áo bà ba mà câu chuyện nặng lòng với di sản và những giá trị truyền thống của nữ CEO này, ở Vĩnh Long ai cũng rõ. Đó là những ngày chị ngược xuôi cứu lấy những lò gạch cũ ở “vương quốc đỏ” Măng Thít đang bị người dân phá bỏ. “Vĩnh Long có đến mấy ngàn lò gạch có tuổi đời 100 năm nằm dọc 2 bên bờ sông. Trong cách nhìn của người làm du lịch, mình luôn thấy đẹp và muốn giữ lại. Có những lò gạch người ta đập mất một nửa thì mình mới đến. Khi không còn cách nào để thuyết phục người dân giữ lại làng nghề mang giá trị truyền thống thì mình phải bỏ tiền ra mua, nuôi dưỡng, duy trì” - Út Trinh kể.
Và may mắn là hành trình đó của chị đã nhận được sự đồng hành. Đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có đề án tôn tạo và giữ gìn để hướng nơi đây trở thành “di sản đương đại” làm điểm nhấn phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Út Trinh chia sẻ, tình yêu dành cho giá trị văn hóa truyền thống như có sẵn trong máu, thấm đẫm trong khối óc, trái tim, khiến chị lúc nào cũng cố gắng lưu giữ và thể hiện chúng sống động trong những chương trình tour dành cho khách du lịch. Tất cả nhà cửa, phòng ốc chị xây dựng để phục vụ du khách đều sử dụng một thứ gạch mộc được nung thủ công tại các lò gạch địa phương.
|
Chị Út Trinh (bìa phải) vào bếp chế biến những món ăn truyền thống đang dần thất truyền để giới thiệu văn hóa truyền thống quê hương với du khách |
Với văn hóa ẩm thực, chị đã phục hồi và đưa vào menu những món ăn mà nhiều người đã lãng quên, hoặc lớp trẻ lớn lên không còn nhìn thấy nữa. Khách lưu trú tại Út Trinh Homestay sẽ chỉ được phục vụ những món ăn hoàn toàn gắn liền với đời sống người dân miệt vườn, đặc biệt là các loại bánh lá mít, bánh dân gian giờ chỉ còn là quá khứ của nhiều người.
Ngoài ra, Út Trinh cũng chính là người làm sống lại văn hóa đờn ca tài tử dưới ngọn đèn dầu trong những ngôi nhà cổ, hay truyền thống đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội thời xưa tại các ngôi đình linh thiêng được xem là ngôi nhà chung của làng. Khách đến tham quan cù lao An Bình sẽ được xem chính chị biểu diễn đờn ca tài tử.
Chị chia sẻ: “Tôi không muốn ý nghĩa của những đêm diễn đờn ca tài tử trở thành những sô diễn bình thường khi người ta tụ lại hát karaoke.
Để làm được điều đó, tôi đóng vai chính trong những lần diễn đờn ca tài tử cho du khách xem. Tôi cũng đặt ra một quy tắc là, khách đến với chúng tôi, nghe chúng tôi nói về văn hóa xứ mình, thì trước khi về, họ cũng phải hát 1 bài về đất nước của họ, bằng tiếng của họ để thấy rằng, mọi nền văn hóa trên thế giới này đều đáng trân trọng”.
Điểm tựa của phụ nữ yếu thế Là hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho một công ty lữ hành tại Vĩnh Long, năm 2005, Út Trinh nghỉ việc, cùng chồng mở Công ty Du lịch Mekong Travel với điểm xuất phát là 5 chiếc tàu vận chuyển khách du lịch. Làm ăn phát triển, năm 2009, Út Trinh quyết định mở Út Trinh Homestay để cung cấp thêm dịch vụ lưu trú cho du khách. Cùng với Mekong Travel, hoạt động của homestay đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ. Hiện đội ngũ nhân viên Mekong Travel và Út Trinh Homestay có trên 100 người chính thức gồm thợ mộc, nợ nề, tài công, đầu bếp, thợ làm vườn… Tất cả họ đều là người dân địa phương. Đặc biệt, nhân viên làm việc tại Út Trinh Homestay hầu hết là phụ nữ đã có gia đình, nhiều người đã hết tuổi lao động. Út Trinh cho biết, chị ưu tiên nhận những người thế cô, không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân như một cách hỗ trợ sinh kế để họ có thu nhập, tự tin trong cuộc sống. Không chỉ tạo việc làm cho người dân, Út Trinh còn liên kết với nhiều nông dân có vườn cây ăn trái tại địa phương để tổ chức các tour tham quan vườn trái cây như một kênh giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Gần 20 năm qua, Út Trinh cũng đã kết nối, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ làm đường, sửa trường và xây gần 100 căn nhà đại đoàn kết trên quê hương mình. Giá trị cộng đồng chính là yếu tố quan trọng giúp Út Trinh Homestay đạt giải ASEAN Standard năm 2018, cũng là yếu tố để khách hàng quốc tế đến với mình tăng lên hằng năm. |
Nguyệt Minh