Nữ cảnh sát ở ô 12

01/07/2016 - 19:45

PNO - Mười năm công tác trong ngành công an (CA), thượng úy Lê Thị Thu Tâm (CA P..14, Q.6, TP. HCM) đã vượt qua nhiều hiểm nguy, thách thức, trở thành nữ cảnh sát khu vực (CSKV) được bà con tin yêu, đồng nghiệp quý mến.

Gian nguy không sờn lòng

Ấn tượng đầu tiên của tôi về nữ CSKV này là trông chị rất “bụi”. Chị cười giòn tan: “Tôi là con gái Sài Gòn gốc, sinh ra ở Bình Chánh hồi đầu thời kỳ đổi mới (1986), từ nhỏ đã lì và hiếu động”. Chẳng cần rào trước đón sau, chị kể chuyện mình từ khi còn là cô bé đi làm gia công các sản phẩm bằng nhựa cho người trong xóm, cho đến khi vào Đội Cảnh sát hình sự CA Q.6 rồi CA P.14, Q.6.

Năm 2004, đang học Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chị Tâm nhận được giấy báo trúng tuyển vào hệ trung cấp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, chị quyết định rẽ ngang. Là con một, lại là nữ, nên khi chị định theo ngành CA, mẹ chị càm ràm dữ lắm. Chị kể: “Tôi coi phim thấy các anh chị CA bắt tội phạm thì thích lắm. Má tôi nói con gái vô ngành này nguy hiểm, nhưng cuối cùng, nhận ra quyết tâm như đinh đóng cột của con gái, má cũng xuôi lòng”.

Nu canh sat o o 12
Thượng úy Thu Tâm tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để nhân dân phòng tránh

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp, chị Tâm nhận công tác tại Đội Cảnh sát hình sự CA Q.6. Thời điểm này, hoạt động cờ bạc và mại dâm quanh khu vực công viên Phú Lâm và các nhà nghỉ, khách sạn diễn ra rất phức tạp. Gần ba năm gắn bó với đội, cuộc sống của nữ trinh sát hình sự Lê Thị Thu Tâm là những ngày “ăn bờ ngủ bụi”, mật phục, truy bắt các đối tượng phạm pháp. Nhiều lần chị phải nhập vai làm tình nhân của đồng nghiệp vào khách sạn thu thập thông tin, chứng cứ về các đường dây mại dâm.

Tháng 4/2012, hay tin chị Tâm về làm CSKV ô 12, KP.5, P.14, từ bác hưu trí, chị tiểu thương đến cô lao công đều lắc đầu ái ngại, vì “phụ nữ chân yếu tay mềm lo sao nổi chỗ này”. Đây là địa bàn giáp ranh giữa hai quận Bình Tân và Tân Phú, có 346 hộ dân, hơn 1.400 nhân khẩu, trong đó có 48 đối tượng thuộc diện quản lý nghiệp vụ và an ninh hình sự; tình trạng người nghiện ma túy tụ tập thành “chợ” hút chích, bài bạc diễn ra thường xuyên.

Chị dặn mình không được nản, cứ làm hết sức, rồi bà con sẽ nghĩ khác. Mưa gió, đêm hôm gì chị cũng đi, khi thì ghé nhà dân, khi thì tạt qua khu chợ Tân Hòa Đông xem bà con có điều gì cần trao đổi, cần giúp đỡ. Xuống địa bàn, chị thân thiện, tự nhiên như con gái về nhà cha mẹ, đụng việc gì làm được là phụ, sẵn dịp “tám” chuyện để nắm tình hình.

Nu canh sat o o 12
Thượng úy Lê Thị Thu Tâm luôn tạo mối quan hệ chặt chẽ với Ban Bảo vệ dân phố để cùng giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương

Có lần đi đường, gặp nhóm thanh niên tụ tập gây rối trật tự, chị dừng xe nhắc nhở nhưng các đối tượng tỏ ý không hài lòng. Bất ngờ, một trong số đó cầm dao xông vào tấn công. Nhanh như cắt, chị dùng các thế võ khống chế rồi đưa đối tượng về phường xử lý. Hành động này của chị khiến bà con P.14 nức lòng, không còn ai “chê” CSKV là nữ nữa.

Nhắc đến chị, dì Lê Thị Vân Hùng (người dân KP.5, P.14) chia sẻ: “Tâm giống như con gái của... cả khu phố này vậy. Việc gì bà con cần giúp, gọi điện là Tâm đến ngay, giải quyết cái nào ra cái đó, không bao giờ lề mề”.

Nặng nghĩa, vẹn tình

Thu Tâm tự nhận bản thân không giỏi nói lời hay, cứ thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy. Sinh ra và lớn lên từ những ngày thành phố còn lắm khó khăn nên chị dễ đồng cảm với các mảnh đời, dẫu họ hiền lành, chân chất hay có quá khứ lỗi lầm. Bước vô một ngôi nhà, thấy bà cụ lui cui xếp mớ vải, lặt bó rau thì chị cũng xếp vải, lặt rau; gặp cô bé ham học nhưng cảnh nhà quá nghèo, chị liền tính coi mua tặng bé bao nhiêu cuốn tập thì đủ cho năm học mới. Chị đi như con thoi cả ngày, nhưng đêm về vẫn chong đèn học thêm tiếng Anh, vi tính, luật. “Mấy môn này, tôi học để bổ sung kiến thức cho mình, khi tiếp dân mà bà con có thắc mắc gì liên quan thì trả lời liền” - chị nói.

Chị Tâm luôn tâm niệm: “Làm dân vận hay sẽ có nhiều nguồn tin tốt, từ đó sẽ nắm địa bàn sâu sát”. Khi về phụ trách ô 12, KP.5, ngoài tuyên truyền vận động người dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; quản lý, theo dõi người hoàn lương, sau cai tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng các hạt nhân quần chúng nòng cốt, chị còn kêu gọi Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ các mảnh đời nghèo khó. Đối với các đối tượng quá khích, vi phạm an ninh trật tự, chị vừa cứng rắn, cương quyết, vừa khéo léo thuyết phục, vận động. Kiêm nhiệm luôn công tác tiếp dân, hễ bà con có thắc mắc gì về hộ khẩu, giấy tờ đất đai hay các vấn đề liên quan đến luật, chị đều tận tình giải thích, bất kể giờ giấc. Với chị, “hết việc chứ không hết giờ”.

Từ một địa bàn hết sức phức tạp về an ninh trật tự, mấy năm nay, ô 12, KP.5 trở nên yên bình, không có phạm pháp hình sự; sáu thanh niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng do chị Tâm quản lý đều có việc làm ổn định, thu nhập khá. Chị Tâm thổ lộ: “Ngày mới về ô 12 nhận công tác, tôi xác định phải giảm bằng được tội phạm, giữ cho khu phố bình yên. Nhờ anh em CA P.14 và người dân giúp sức mà mục tiêu này đã thành hiện thực. Đây là điều khiến tôi rất hạnh phúc”.

Chị Tâm sống với mẹ từ nhỏ. Sau này theo ngành, chị chuyển hẳn vào nhà tập thể của cơ quan. Mẹ chị - bà Nguyễn Thị Thu Thảo - là giáo viên mầm non ở H.Bình Chánh. Cách tuần, thậm chí cả tháng, hai mẹ con mới được gặp nhau. Chị Tâm kể, mẹ hay gọi điện nhắc chị, “chuyện trò với người dân phải lễ phép như đối với cha ông mình, cái nào bà con không hiểu cứ từ từ giải thích từng tí một”, rồi “phải ăn cơm đủ bữa, cẩn thận khi đi tuần tra”...

Thu Tâm bộc bạch: “Mười năm trong ngành, có điều kiện sâu sát đời sống người dân, tôi lại càng thương má, thương những nhọc nhằn của người lao động nghèo. Sau này, dù có phải đối mặt nhiều hơn với gian nguy hay vất vả, tôi vẫn nguyện góp trọn tâm sức cho sự bình yên của khu phố”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI