Nữ biệt động nhí năm xưa và “ATM gạo” độc đáo ở Sài Gòn

29/04/2020 - 12:00

PNO - Ngày đất nước giải phóng, bà xin sư tổ cho được xuống tóc quy y, gắn đời mình nơi cửa Phật. Dù đi tu, nhưng bản tính thông minh, lanh lợi, yêu thích các hoạt động xã hội khiến bà không thể ngồi yên tu đạo mà bỏ mặc sự đời.

 

Ngày đất nước giải phóng, bà xin sư tổ cho được xuống tóc quy y, gắn đời mình nơi cửa Phật. Dù đi tu, nhưng bản tính thông minh, lanh lợi, yêu thích các hoạt động xã hội khiến bà không thể ngồi yên tu đạo mà bỏ mặc sự đời.

“ATM gạo” vận hành bằng… cơm

Chiều 12/4, tức chỉ sáu ngày sau khi Sài Gòn có cây ATM gạo đầu tiên ở Q.Tân Phú, cây “ATM gạo” thứ hai cũng đã vận hành tại cổng chùa Vĩnh Xương (179 Trần Văn Đang, P.11, Q.3) để phát gạo cho những người khó khăn.

Sau tết Nguyên đán, lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh, ni sư Dương Thị Hường - pháp danh Thích nữ Nhựt Thành, trụ trì chùa Vĩnh Xương - đã cùng các ni sư, phật tử của chùa quyết định dời lịch hoạt động của bếp cơm từ thiện (vốn đã hoạt động gần 20 năm nay với hơn 800 suất ăn mỗi ngày gửi đến các bệnh viện lớn, nhỏ khắp thành phố) từ buổi trưa sang chiều tối và đi phát cơm cho người lang thang cơ nhỡ trên mọi nẻo đường. Dù bếp chùa ngày ngày đều đỏ lửa, những bữa cơm nóng vẫn chia đều cho người khó khăn, nhưng lòng người trụ trì thì vẫn chưa yên. Bà nói: “Tôi tìm cách san sẻ cho người dân trong những ngày mất việc làm vì dịch bệnh. Ở chùa lúc đó không thiếu gạo. Gạo bá tánh gửi cho bếp cơm chất đầy cả căn gác sân thượng của chùa, nhưng làm cách nào để đưa nó đến tay người khó khăn?”. 

Trong lúc đang đau đáu nỗi lo ấy thì bà đọc được bài viết về cây ATM gạo ở Q.Tân Phú. Bà vui vì bài toán khó đã có lời giải. Tìm được số điện thoại của người quản lý cây ATM gạo trên mạng, bà gọi điện liên hệ nhờ lắp đặt ATM gạo giúp chùa. Thế nhưng, đầu dây phía bên kia đã từ chối bởi họ còn đang bận nhiều công việc. 

Suốt buổi sáng 12/4 hôm ấy, ni sư xem đi xem lại các clip ghi lại hoạt động của ATM gạo này. Sau đó, bà gọi điện cho chú Hà và chú Út - hai người thợ hàn và thợ sửa ống nước, là phật tử lâu năm của chùa - đến để xem sơ đồ cây ATM gạo của mình. Khuôn viên chùa Vĩnh Xương khá nhỏ, hậu liêu đã được trưng dụng làm bếp cơm từ thiện, chỉ còn mặt tiền sát đường Trần Văn Đang. Nhưng nếu mang gạo xuống sân chùa phát cho dân thì sẽ vô cùng bất tiện. Ni sư vẽ một đường ống nối từ trên lầu xuống cổng chùa, trên cùng gắn cái phễu to.

Quy trình hoạt động của “ATM gạo” này vô cùng đơn giản: khi có người nhận gạo, người trực sẽ nhấn chuông, ở trên lầu sẽ đổ thau gạo 1,5kg vào phễu… Trên lầu có ba người làm nhiệm vụ cho gạo vào phễu, vác gạo và cân đong. Dưới đất, một nhân viên vừa hướng dẫn khách rửa tay, đeo lại khẩu trang, vừa lấy bao ni-lông hứng gạo. Nhìn “ATM gạo” của chùa ai cũng thú vị bởi nó không vận hành bằng điện tử tự động mà vận hành bằng… cơm. Bốn tình nguyện viên cứ ăn cơm no rồi thì máy mới hoạt động.

Ni sư Thích nữ Nhựt Thành điều khiển cây ATM gạo độc đáo của bà
Ni sư Thích nữ Nhựt Thành điều khiển cây ATM gạo độc đáo của bà

Ni sư cười hiền: “Cái khó ló cái khôn là vậy. Thay vì tốn biết bao nhiêu tiền mua máy, nguyên cái máy đong gạo này chùa tốn có 300.000 đồng thôi”.

Mỗi ngày, “ATM gạo” của chùa Vĩnh Xương phát khoảng 480 suất gạo. Trên địa bàn P.11, Q.3 có nhiều hộ khó khăn do mất việc vì dịch bệnh, ni sư làm sổ trao gạo định kỳ. Còn người qua đường cần gạo, thì cứ xếp hàng mà nhận. Sáng 28/4, nhân kỷ niệm đại lễ Phật đản, các phật tử của chùa còn xin phép ni sư cho nấu cơm chay, phát luôn cùng gạo. Vậy là người đến nhận gạo còn được tặng cơm chay. 

Không thể ngồi yên tu đạo mà bỏ mặc sự đời

Năm 1964, cô bé Dương Thị Hường, sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Nam Bộ, vốn luôn èo uột với mấy lần bạo bệnh tưởng không thể qua khỏi, đã có duyên may phước lành khi được sư tổ chùa Vĩnh Xương là Thích Đạo Thành nhận về chùa nuôi, cho đi học chữ… Do thông minh, lanh lợi nên 10 tuổi, Hường được sư tổ, vốn là cơ sở bí mật của cách mạng trong nội thành, giao nhiệm vụ làm giao liên của Đội Biệt động nội thành Lữ đoàn 316 (thuộc lực lượng Biệt động nội thành Z32). Từ đó đến ngày đất nước thống nhất, chiếc cặp đi học, lon đựng cơm, hũ đựng sinh tố và cả đôi dép của Hường đều có thể làm nơi giấu tài liệu. 

Ngày đất nước giải phóng, bà xin sư tổ cho được xuống tóc quy y, gắn cuộc đời nơi cửa Phật. Xuất gia, nhưng bản tính thông minh, lanh lợi, yêu thích các hoạt động xã hội đã khiến ni sư Thích nữ Nhựt Thành không thể ngồi yên tu đạo mà bỏ mặc sự đời.

Hơn 50 năm gắn bó cửa thiền, ni sư Thích nữ Nhựt Thành đã chọn cho mình lối đi nhọc nhằn, bận bịu. Nhiều người nhận xét, từ ngày ni sư đảm nhận vị trí trụ trì, ngôi chùa Vĩnh Xương ấy không một ngày yên tĩnh. Cửa chùa luôn rộng mở cho người sa cơ, khó ngặt. Đây cũng là một trong những nơi phát tâm nấu và trao cơm từ thiện đầu tiên cho bệnh nhân nghèo. Với bà, xuất tu và nhập thế như quyện chặt vào nhau, “Hành đạo - đẹp đời, đơn giản là hãy làm những gì mình làm được cho mọi người, vì mọi người, dù là việc nhỏ nhoi nhất”. 

 

 

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI